Về đầu tư công, Thường trực Chính phủ đã thảo luận việc phân bổ khoản 10.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, kết luận cuộc họp, Thủ tướng thống nhất với nội dung báo cáo, kiến nghị, đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành về phân bổ nguồn vốn 10.000 tỷ đồng và định hướng phân bổ nguồn vốn đầu tư công còn lại của giai đoạn 2016 - 2020. Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng các bộ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp, rà soát kỹ, hoàn thiện phương án phân bổ 10.000 tỷ đồng, lấy ý kiến các thành viên Chính phủ trước khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.
“Vốn ít thì tập trung vào cái gì then chốt nhất”, Thủ tướng nêu rõ tinh thần. Nhiệm vụ phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, đặc biệt là sạt lở bờ sông, bờ biển ở ĐBSCL, nơi chịu tác động nặng nề bởi biến đổi khí hậu và lũ quét, lũ ống ở miền núi phía Bắc, vùng nghèo nhất cả nước, rất quan trọng, cấp thiết. “Các đồng chí lãnh đạo đặc biệt chú ý 2 vùng này”. Thủ tướng đề nghị rà soát, ưu tiên tối đa, đồng thời rà soát tiếp, có thể phân bổ thêm một phần từ nguồn vốn đầu tư công còn lại của giai đoạn 2016 - 2020 cho 2 vùng này và một số dự án đặc biệt cấp bách của các vùng khác. “Cấp bách thì các đồng chí đề xuất như thế nào? Bây giờ chỗ (đê) biển Tây ở Cà Mau, Kiên Giang có phải cấp bách không?”.
Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp tình hình phân bổ vốn, bố trí và thực hiện vốn đầu tư công cho 2 vùng này rõ ràng, minh bạch, cần phân tích, đánh giá, so sánh với các vùng còn lại và tình hình chung cả nước. Trên cơ sở đó, rà soát các nguồn vốn đầu tư còn lại của giai đoạn 2016 - 2020, bao gồm tất cả các nguồn tăng thu và nguồn dự phòng để có kế hoạch, phương án bố trí, phân bổ phù hợp, trong đó ưu tiên các dự án quan trọng cấp bách, thúc đẩy liên kết vùng miền và các vùng khó khăn, ưu tiên cho phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu.
Đối với kế hoạch phương án dự kiến phân bổ, sử dụng nguồn vốn đầu tư công trung hạn còn lại của giai đoạn 2016 - 2020, Thủ tướng nêu rõ, cần có thuyết minh, giải trình đầy đủ về phương án cụ thể, “vì sao như thế”, phải có cơ sở khoa học để “đồng tiền, hạt gạo đưa ra là chính xác, cần thiết”.
Về nguyên tắc, đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 thực hiện theo kế hoạch dự kiến về dự toán thu - chi ngân sách Nhà nước trong giai đoạn này. Ngân sách Nhà nước trong hai năm 2019 - 2020 được thực hiện theo dự toán, đến nay chưa có số thực nhưng “chúng ta không thể chờ có số thực này mới phân bổ chi đầu tư công. Làm như vậy sẽ bị động, không thể hoàn thành kế hoạch, ảnh hưởng đến các mục tiêu kinh tế - xã hội. Vì chúng ta biết, từ phân bổ đến thực hiện giải ngân còn nhiều thời gian, không phải phân bổ là giải ngân được ngay. Quá trình thực hiện giải ngân được triển khai cùng lúc với việc thực hiện thu ngân sách Nhà nước hằng năm”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh khả năng bội thu ngân sách Nhà nước trong năm nay.
Trên cơ sở rà soát tổng thể các nguồn vốn đầu tư công còn lại của giai đoạn 2016 - 2020, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng Bộ Tài chính, các bộ, ngành tổng hợp xây dựng phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công năm 2020 để trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định và nhấn mạnh tinh thần là bảo đảm hài hòa các vùng miền, ưu tiên các vùng còn khó khăn, đặc biệt là ĐBSCL và miền núi phía Bắc. Ưu tiên bố trí vốn các dự án quan trọng, cấp bách, liên kết vùng, có tính chất lan tỏa, tạo động lực thu hút đầu tư tư nhân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện nay có nhiều ý kiến khác nhau về phân bổ thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn. Đề nghị các bộ, ngành tập trung làm rõ, thông tin đầy đủ, Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ đã thực hiện đúng quy định của pháp luật, đúng các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, bảo đảm công khai, minh bạch, không để lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí. Quan điểm của Chính phủ là ưu tiên các vùng còn nhiều khó khăn, nhiệm vụ cấp thiết, bố trí vốn có trọng tâm, trọng điểm, tập trung các công trình quan trọng, tháo gỡ các nút thắt, cấp thiết để phát triển kinh tế - xã hội.
Tiếp đến, dưới sự chủ trì của Thủ tướng, Thường trực Chính phủ đã họp về vấn đề tín dụng để đầu tư tuyến cao tốc Hữu nghị - Chi Lăng và Đồng Đăng - Trà Lĩnh, 2 dự án giao thông quan trọng, có tác động không nhỏ đến phát triển kinh tế nhiều địa phương, nhất là các tỉnh phía Bắc.
Đề nghị các đại biểu tìm giải pháp tốt nhất để triển khai dự án, tháo gỡ khó khăn tốt hơn, xã hội hóa nguồn lực chứ không chỉ dựa vào ngân sách Nhà nước, Thủ tướng đánh giá cao 2 tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng về tinh thần dám nghĩ, dám làm, vượt khó, quyết tâm thực hiện các dự án hạ tầng trên, coi đây là trục quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. “Không chỉ là chủ trương mà các đồng chí còn dám hành động, dành ngân sách của địa phương hỗ trợ cho dự án”. Cao Bằng cam kết đóng góp 20%, Lạng Sơn sẵn sàng bỏ ra 545 tỷ đồng.
Đối với dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, Thủ tướng hoan nghênh các ngân hàng đã vào cuộc tích cực; khẳng định Chính phủ tiếp tục tìm cách hỗ trợ dự án; đề nghị xử lý dứt điểm vấn đề tài chính cho dự án.
Đối với dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Thủ tướng đề nghị tập trung lập phương án tiền khả thi, làm rõ phương án tài chính cho dự án, xác định rõ nguồn vốn từ Nhà nước là bao nhiêu, từ các nhà đầu tư là bao nhiêu. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành liên quan tìm các nguồn vốn khác nhau như vốn ODA cho dự án. Bộ Giao thông Vận tải quan tâm thúc đẩy dự án.
Tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng chính là huyết mạch của hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hải Phòng - Quảng Ninh. Đường từ Hà Nội đến Cao Bằng hiện dài 280km, ô tô di chuyển mất 5,5-6 giờ. Sau khi các tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Hữu Nghị - Chi Lăng, Đồng Đăng - Trà Lĩnh hoàn thành, thời gian di chuyển sẽ rút ngắn xuống còn 2-2,5 giờ.