Aa

Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Thể chế hiện là điểm nghẽn lớn nhất, là điểm nghẽn của điểm nghẽn, nhưng cũng là điểm nghẽn dễ tháo gỡ nhất"

Châu Anh
Châu Anh nchauanh9999@gmail.com
Chủ Nhật, 13/04/2025 - 10:37

Ngày 13/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 4/2025 để thảo luật cho ý kiến vào 4 dự án Luật và 2 Nghị quyết.

Tập trung tháo điểm nghẽn lớn nhất là thể chế

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với sự tham dự của các Phó Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ cùng lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ.

Theo đó, phiên họp tập trung thảo luận, cho ý kiến về: Bộ luật Hình sự (sửa đổi); Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch; Nghị quyết của Quốc hội về việc xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam; cùng với đó là Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh rằng xây dựng, hoàn thiện thể chế là một trong ba đột phá chiến lược, với mục tiêu là thể chế phải thông thoáng, đồng thời thể chế chính là nguồn lực và động lực phát triển; đầu tư cho thể chế chính là đầu tư cho phát triển, mang lại lợi ích và giá trị cao.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Thể chế hiện là điểm nghẽn lớn nhất, là điểm nghẽn của điểm nghẽn, nhưng cũng là điểm nghẽn dễ tháo gỡ nhất"- Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: Báo Chính phủ)

Thủ tướng cho biết, thể chế hiện đang là điểm nghẽn lớn nhất, là "điểm nghẽn của các điểm nghẽn", tuy nhiên cũng là điểm nghẽn dễ tháo gỡ nhất, có thể nhanh chóng chuyển từ trạng thái khó khăn, vướng mắc sang trạng thái cạnh tranh, từ đó biến thể chế thành lợi thế cạnh tranh.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp phụ trách công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực, phạm vi quản lý của mình; đồng thời ưu tiên nguồn lực cho công tác này, bảo đảm tiến độ và nâng cao chất lượng trong việc xây dựng, trình các dự án luật, nghị quyết.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã tổ chức 35 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. Riêng từ đầu năm 2025, Chính phủ đã tổ chức 3 phiên họp chuyên đề, trong đó xem xét, cho ý kiến đối với 18 dự án luật, pháp lệnh và nghị quyết.

Đầu tư cho thể chế là đầu tư cho phát triển, đem lại lợi ích và giá trị cao

Thủ tướng khẳng định, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế ngày càng được đổi mới, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc giảm thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền đi kèm với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi. Chính phủ cũng tăng cường kiểm tra, giám sát, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tránh dồn quá nhiều công việc lên Trung ương mà thay vào đó là phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, năng động và tích cực của địa phương; đồng thời kiên quyết loại bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, rút ngắn thời gian và giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp.

Trong công tác xây dựng các dự án luật, pháp lệnh, Thủ tướng yêu cầu làm rõ: (1) Những nội dung kế thừa, lược bỏ, vì sao?; (2) Những nội dung sửa đổi, hoàn thiện, vì sao?; (3) Những nội dung bổ sung, vì sao?; (4) Những nội dung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, vì sao?; (5) Những nội dung phân cấp, phân quyền, cụ thể là gì, cho ai, vì sao?; (6) Những vấn đề còn ý kiến khác nhau và những vấn đề khác cần báo cáo Thường trực Chính phủ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo.

Song song với đó, Chính phủ cùng các bộ, ngành cần kịp thời ban hành các văn bản như nghị định, quyết định, thông tư nhằm cụ thể hóa, hướng dẫn thực hiện các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua.

Thủ tướng cho biết, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc trong tháng 5 sẽ xem xét và thông qua số lượng lớn các dự án luật, nghị quyết; trong đó, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua 35 luật và nghị quyết quy phạm pháp luật.

Trước yêu cầu thực tiễn, và nhằm phát huy tinh thần hành động quyết liệt – đặc biệt sau thành công của Hội nghị Trung ương 11 vừa kết thúc – tại Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 4/2025, Chính phủ sẽ xem xét, cho ý kiến và thông qua 6 nội dung quan trọng.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu cần tập trung trí tuệ, tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới và trách nhiệm trong quá trình trao đổi, thảo luận; đồng thời trình bày báo cáo và phát biểu ý kiến một cách ngắn gọn, rõ ràng, đi thẳng vào trọng tâm; tập trung thảo luận các vấn đề còn ý kiến khác nhau cần xin ý kiến Chính phủ, bảo đảm cả tiến độ và chất lượng của Phiên họp.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top