Đây là một trong những nội dung được trao đổi tại Hội thảo Kinh tế Việt Nam năm 2024 và triển vọng năm 2025 với chủ đề "Thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế trong bối cảnh mới" và công bố ấn phẩm "Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2024" do Trường Đại học Kinh tế quốc dân và Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương; Uỷ ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội phối hợp tổ chức diễn ra sáng 10/4.
Nút thắt thể chế gây hạn chế phát triển khu vực kinh tế tư nhân
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, GS.TS. Phạm Hồng Chương, Giám đốc Đại học Kinh tế quốc dân đánh giá, năm 2024 là một "điểm sáng" của nền kinh tế Việt Nam khi mức tăng trưởng kinh tế đạt 7,09%, vượt mục tiêu tăng trưởng 6,0 - 6,5% do Chính phủ đặt ra.
Bên cạnh những thành tựu to lớn, nền kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với một số vấn đề mang tính dài hạn, chưa được giải quyết thỏa đáng. Khu vực FDI tiếp tục đóng vai trò chủ đạo, chiếm 71,7% tổng kim ngạch xuất khẩu và 83,2% tổng kim ngạch nhập khẩu, nhưng giá trị gia tăng còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, làm giảm tính bền vững của sự tăng trưởng.

GS.TS. Phạm Hồng Chương, Giám đốc Đại học Kinh tế quốc dân
Trong bối cảnh đó, theo GS.TS. Phạm Hồng Chương, việc hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8% trong năm 2025 và xa hơn là mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong chu kỳ tới sẽ là một thách thức lớn. Mặc dù nền kinh tế có đủ tiềm lực để đạt mục tiêu, song để duy trì đà tăng trưởng bền vững, Việt Nam không thể chỉ dựa vào các thế mạnh truyền thống mà cần tạo ra những động lực phát triển mới.
"Việc cải cách thể chế kinh tế trở nên cấp thiết, bởi đây được xem là "nút thắt của các nút thắt", "động lực của mọi động lực", đóng vai trò nền tảng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong trung và dài hạn, tạo động lực phát triển cho khu vực tư nhân", GS.TS. Phạm Hồng Chương khẳng định.
Bàn riêng về khu vực kinh tế tư nhân, GS.TS. Ngô Thắng Lợi, Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, khu vực này hiện vẫn bộc lộ nhiều hạn chế cần được nhìn nhận nghiêm túc. Cụ thể, hiệu quả hoạt động của khu vực tư nhân còn thấp, thể hiện qua năng suất lao động chỉ bằng 39% khu vực nhà nước và 67% so với FDI; lợi nhuận bình quân chỉ đạt 0,75% và 3,1% so với hai khu vực này. Năng lực khoa học – công nghệ còn hạn chế, khi 60% doanh nghiệp trong ngành chế biến, chế tạo vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu. Thu nhập người lao động thấp, chỉ bằng 2/3 khu vực FDI và 3/4 khu vực nhà nước. Đáng lo ngại, 50% doanh nghiệp tư nhân không thể bước sang chu kỳ sản xuất thứ hai, cho thấy sự thiếu bền vững trong phát triển.
Từ những hạn chế này, GS.TS. Ngô Thắng Lợi cho rằng, thế chế chính là rào cản cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Chuyên gia này đưa ra 3 vấn đề liên quan đến thể chế.
Thứ nhất, cách tiếp cận đối với kinh tế tư nhân còn phiến diện. Nhiều lực lượng quan trọng như 16 triệu hộ kinh doanh cá thể và người Việt ở nước ngoài dù có đóng góp lớn nhưng vẫn bị đứng ngoài các chính sách hỗ trợ và phát triển, do chưa được xác lập đúng vai trò trong hệ thống chính sách.
Thứ hai, kinh tế tư nhân chưa được định vị rõ trong nền kinh tế quốc dân. Việc chú trọng tăng số lượng doanh nghiệp chưa đi kèm với chính sách thúc đẩy liên kết chuỗi giữa các chủ thể, khiến khu vực này chưa phát huy được vai trò động lực nội sinh cho tăng trưởng dài hạn.
Thứ ba, hệ thống chính sách còn nhiều bất cập, đặc biệt là trong phân phối nguồn lực và thuế. Khu vực tư nhân chỉ chiếm 35,6% tổng lợi nhuận nhưng lại gánh hơn 45% tổng thu thuế, cao hơn nhiều so với khu vực FDI. Sự thiếu công bằng trong chính sách cho thấy khu vực tư nhân vẫn chưa được coi trọng tương xứng với tiềm năng và đóng góp thực tế.
"Để khu vực tư nhân tự tin và phát huy hết tiềm lực phát triển, cần nhanh chóng tìm ra giải pháp tháo gỡ "nút thắt" thể chế còn tồn tại", GS.TS. Ngô Thắng Lợi nhận định.
Khuyến nghị các chính sách liên quan đến thể chế
theo TS. Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, Việt Nam cần triển khai đồng bộ các giải pháp chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong đó ưu tiên hàng đầu là ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát thông qua sự phối hợp linh hoạt giữa chính sách tài khóa, tiền tệ và các công cụ vĩ mô khác. Song song đó, cần điều hành tín dụng một cách hợp lý, ưu tiên cho tín dụng xanh và phát triển nhà ở xã hội.

Quang cảnh hội thảo
Một trọng tâm quan trọng là phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân, là động lực tăng trưởng lớn và nội lực cốt lõi hiện nay thông qua cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và bảo đảm quyền sở hữu tài sản cũng như cạnh tranh bình đẳng. Đồng thời, để nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu, cần khơi thông và phân bổ hiệu quả các nguồn lực đầu tư, kết hợp chính sách ưu đãi để thu hút dòng vốn vào các ngành công nghệ cao, năng lượng tái tạo, trí tuệ nhân tạo.
Trong giai đoạn tới, Việt Nam cần tạo đột phá chiến lược để gỡ bỏ các nút thắt phát triển, phát huy nội lực và thu hút hiệu quả nguồn lực trong và ngoài nước. Trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, xây dựng khung pháp lý đồng bộ, minh bạch và ổn định – nền tảng cốt lõi cho hoạt động đầu tư, sản xuất và kinh doanh phát triển bền vững.
Đồng quan điểm, GS.TS. Tô Trung Thành, Đại học Kinh tế Quốc dân, đồng chủ biên ấn phẩm "Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2024" chia sẻ, Nhà nước cũng cần tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật theo hướng giảm thiểu can thiệp hành chính, tăng cường hiệu quả thực thi và đảm bảo sự bình đẳng, minh bạch; cải cách tư duy trong xây dựng pháp luật theo hướng vừa đảm bảo hiệu quả quản lý Nhà nước, vừa thúc đẩy sự sáng tạo, từ bỏ lối tư duy "không kiểm soát được thì cấm".
Các chính sách về thể chế trong thời gian tới cần tập trung tháo gỡ các rào cản mang tính cấu trúc trong bộ máy hành chính, giảm thiểu chồng chéo chức năng, đồng thời nâng cao năng lực quản trị và điều hành kinh tế vĩ mô. Nhà nước cần đổi mới tư duy quản lý, chuyển từ việc "làm thay" sang vai trò định hướng, hỗ trợ và tạo điều kiện cho khu vực tư nhân phát triển. Bên cạnh đó, cần tập trung vào hạ tầng, thể chế, an sinh xã hội và khoa học công nghệ để tạo động lực phát triển bền vững./.