Theo đặc phái viên TTXVN, trong chương trình dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Nhật Bản và tiến hành các hoạt động song phương tại Nhật Bản, sáng 16/12, tại thủ đô Tokyo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương Việt Nam đã tọa đàm với các tập đoàn kinh tế lớn của Nhật Bản về Chuyển đổi Xanh và cơ sở hạ tầng xã hội.
Tại sự kiện, trên tinh thần chân thành, tin cậy, hợp tác, các tập đoàn kinh tế của Nhật Bản và đại diện các bộ ngành của Việt Nam đã phân tích về những thời cơ, vận hội cũng như những khó khăn, thử thách mới; chia sẻ những bài học kinh nghiệm; thảo luận về những giải pháp thiết thực, khả thi để thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư song phương, nhất là trong các lĩnh vực mới nổi.
Lãnh đạo các bộ ngành cũng phản hồi về từng ý kiến, đề xuất cụ thể của các tập đoàn của Nhật Bản về phát triển năng lượng tái tạo, Chuyển đổi Xanh trong hạ tầng giao thông, chính sách với xe điện, phát triển hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục, các chính sách ưu đãi, phát triển công nghiệp hỗ trợ, việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan các dự án cụ thể…
Lãnh đạo các bộ ngành cũng mong các bên tiếp tục phát huy vai trò của các cơ chế đối thoại doanh nghiệp, đặc biệt là Sáng kiến Chung Việt Nam-Nhật Bản, nhằm giải quyết các thách thức mới trong hoạt động hợp tác đầu tư kinh doanh trên nguyên tắc quan hệ đối tác bình đẳng.
Phát biểu tại tọa đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các nhà đầu tư Nhật Bản luôn có sự quyết tâm, nghiêm túc, uy tín, trách nhiệm, tuân thủ pháp luật, quan tâm, chăm lo đời sống người lao động và chú trọng bảo vệ môi trường.
Đề cập đến tình hình kinh tế, chính trị thế giới kể từ khi xuất hiện đại dịch Covid-19 với những khó khăn, biến động, Thủ tướng khẳng định Việt Nam đã đứng vững với nội lực của mình và sự giúp đỡ, hợp tác của bạn bè quốc tế.
Năm 2023, đến nay, Việt Nam xuất siêu khoảng 25 tỷ USD, thu hút khoảng 30 tỷ USD vốn FDI đăng ký và giải ngân khoảng 20 tỷ USD… Việt Nam cũng xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo, góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.
Thủ tướng Chính phủ khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục bảo đảm các yếu tố nền tảng phát triển và tiếp tục giảm thời gian, chi phí tuân thủ, chi phí đầu vào, chi phí logistics, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp; cho biết với chủ trương hợp tác, thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, hướng tới chất lượng, hiệu quả, công nghệ cao và bảo vệ môi trường, Việt Nam ưu tiên thu hút các dự án đầu tư thuộc các ngành, lĩnh vực như Kinh tế Xanh, Kinh tế Số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, linh kiện điện tử, ôtô điện...; công nghệ lõi tiềm năng như công nghiệp bán dẫn, năng lượng mới (như hydrogen), năng lượng tái tạo; trung tâm tài chính, tài chính xanh; công nghệ sinh học, y tế…
Thủ tướng đề nghị các tập đoàn lớn của Nhật giúp Việt Nam tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ phát triển (ODA) thế hệ mới; các nguồn đầu tư tài chính xanh, đầu tư cho chuyển đổi năng lượng trong khuôn khổ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), “Cộng đồng phát thải bằng 0 châu Á (AZEC)”; các nguồn lực đầu tư cho đổi mới sáng tạo như “Quỹ Đổi mới sáng tạo/Chuyển đổi Số (Innovation/DX)” của Chính phủ Nhật Bản nhằm tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội bền vững trong giai đoạn tới.
Cùng với đó, Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư Nhật Bản sẽ tăng cường hơn nữa hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trao đổi kinh nghiệm quản trị, phát triển văn hóa kinh doanh; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, góp phần tăng cường tính chống chịu của các chuỗi cung ứng nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất ổn định, trong đó chú trọng tính minh bạch, đa dạng, bền vững và ổn định như Tuyên bố chung giữa hai nước đã đề ra; đồng thời, tiếp tục góp ý, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, quy định liên quan.
Làm rõ thêm một số vấn đề cụ thể mà các tập đoàn quan tâm, Thủ tướng cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo tháo gỡ dứt điểm các vướng mắc liên quan chuỗi dự án khí Lô B-Ô Môn, nhất là việc sửa đổi các thông tư liên quan.
Chính phủ cũng đã chỉ đạo các giải pháp quyết liệt để không lặp lại tình trạng thiếu điện cục bộ trong năm 2024…
Với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ,” Chính phủ Việt Nam sẽ luôn đồng hành, lắng nghe, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng tiến hành đầu tư thành công, bền vững, lâu dài ở Việt Nam./.