Aa

Thủ tướng yêu cầu gỡ vướng ngay, các bộ và địa phương sẽ hành động ra sao?

Thứ Sáu, 17/06/2022 - 06:08

Nhà ở là một trong 10 nhóm vấn đề được đưa ra bàn thảo trong buổi đối thoại với công nhân của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều vướng mắc được Thủ tướng chỉ đạo tháo gỡ ngay để sớm giải quyết vấn đề an cư cho công nhân.

Tại buổi đối thoại ngày 12/6, nổi lên những vướng mắc về luật pháp dẫn đến tình trạng dù đã có chủ trương chính sách lẫn nhiều dự án được triển khai, nhưng đa phần công nhân vẫn thiếu chỗ an cư. Đặc biệt sau đại dịch Covid-19, nhu cầu nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất càng trở nên cấp thiết.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ băn khoăn, trăn trở khi chủ trương, chính sách đã có và các địa phương cũng tích cực thực hiện nhưng rõ ràng công nhân vẫn thiếu chỗ ở. Vậy đang còn những khó khăn, vướng mắc nào?

Khó khăn vì luật chồng chéo, không rõ ràng

Tại buổi đối thoại, anh Nguyễn Đình Biên (Công ty TNHH Woosin Vina, Nghệ An) cho biết hiện tại nhiều doanh nghiệp, tổ chức công đoàn muốn xây dựng nhà cho công nhân của đơn vị mình thuê, thậm chí cho ở miễn phí, nhưng không thể thực hiện được do chưa có cơ chế. Đây là điều đáng tiếc khi các công nhân vẫn phải ở trong những khu nhà chật chội, điều kiện sinh hoạt thấp, xa nơi làm việc mà giá cả đắt đỏ.

Trả lời kiến nghị của anh Nguyễn Đình Biên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết đây là vấn đề Chính phủ rất băn khoăn, trăn trở. Chúng ta phải làm rõ là đang vướng mắc cái gì, ở đâu?

Báo cáo với Thủ tướng, ông Phạm Văn Lực, chủ đầu tư khu nhà ở công nhân Thị trấn Nếnh, thuộc Công ty cổ phần đầu tư phát triển EverGreen Bắc Giang cho biết, việc xác định đối tượng đủ điều kiện mua nhà ở xã hội, xác định giá bán, giá cho thuê và phê duyệt rao bán dự án còn gặp nhiều trở ngại. Mặc dù công ty đã phối hợp chặt chẽ với các ban ngành tỉnh Bắc Giang nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc. Ví dụ như việc xác định miễn tiền sử dụng đất chưa có sự thống nhất giữa Sở Tài nguyên và Môi trường và Cục Thuế tỉnh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi đối thoại (Nguồn: VGP)

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Quang Long, Trưởng ban Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho biết, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội rất quan tâm đến chỗ ở cho người lao động và hiện Sở Xây dựng đang làm đề án Nhà ở xã hội nói chung, trong đó có nhà ở công nhân. Nhưng vấn đề là phải có quỹ đất và cơ chế, luật rõ ràng để xây dựng.

Theo ông Long, Hà Nội đang vướng mắc ở chỗ, quỹ đất quanh các khu công nghiệp đều có đặc thù gắn với dân cư, nên khó tìm được vị trí để xây dựng. Thứ hai, theo quy định, cần phải thực hiện đấu thầu để chọn nhà đầu tư. Nhưng những băn khoăn trong việc nắm bắt cơ chế chính sách, quy định; giá cả, lợi nhuận khiến các nhà đầu tư ngại tham gia xây dựng. Thứ ba, chúng ta chưa có cơ chế rõ ràng trong việc sở hữu nhà ở công nhân. Hiện tại, đối với nhà ở công nhân giá rẻ, khi nghỉ việc, công nhân phải trả lại nhà. Khác với nhà ở xã hội, nếu người lao động nghỉ việc, họ vẫn có thể mua bán chuyển nhượng bình thường.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, nhà ở cho công nhân cũng là vấn đề "đau đáu" của tổng liên đoàn từ nhiều năm nay nhưng "động đến là vướng nhiều lắm!".

Thứ nhất, Luật Đất đai có quy định cho phép giao đất sạch có giải phóng mặt bằng để làm nhà ở xã hội. Nhưng đơn vị tham gia sẽ phải đấu thầu, vì thế doanh nghiệp đang vướng ở đây.

Thứ hai, theo luật Đầu tư công, hiện nay chỉ có duy nhất Bộ Xây dựng được giao xây dựng nhà công vụ, còn các tỉnh, cơ quan bộ ngành muốn tham gia cũng không có cơ chế. Trong khi đó, việc thu hút các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội là rất khó.

Thứ ba là vướng mắc ở Luật kinh doanh bất động sản, liên quan đến việc vận hành nhà sau khi xây dựng xong.

"Chúng tôi đã bàn bạc và làm việc với Bộ Xây dựng, sắp tới sẽ báo cáo Thủ tướng sửa Luật này trong thời gian tới nếu Thủ tướng cho phép”, ông Khang nêu ý kiến.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại nhiều dự án nhà ở xã hội cho thuê đã triển khai nhưng lại đang "mắc cạn" ở quyết định miễn tiền sử dụng đất và thời hạn sử dụng đất theo quy định của pháp luật mà lẽ ra các doanh nghiệp này được hưởng khi làm nhà ở xã hội.

Ngoài ra, một số dự án còn vướng về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; vay vốn ưu đãi; thế chấp dự án để vay vốn ngân hàng; chính sách thuế. Nên doanh nghiệp không có sổ hồng cầm cố vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi theo quy định.

Hay như có dự án nộp hồ sơ xin quyết định chủ trương đầu tư vài năm nhưng vẫn chưa có kết quả do vướng các khâu về chỉ tiêu quy hoạch và ranh giới đất thực hiện dự án.

"Luật gì sửa được thì phải sửa ngay"

Cũng trong buổi đối thoại, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo, giao Bộ Xây dựng chủ trì, xem xét, tiếp thu toàn bộ vướng mắc của luật pháp và nhu cầu nhà ở của công nhân. Trên cơ sở đó, vấn đề gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì sẽ sửa ngay như Nghị định 49, Nghị định 100. Vấn đề gì liên quan đến luật pháp thì tổng hợp cùng các bộ, ngành liên quan, đánh giá tác động và đề xuất giải pháp, làm sao để giải quyết vấn đề này một cách căn cơ, bài bản.

Thứ trưởng Bộ xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết thời gian qua Chính phủ rất quan tâm chỉ đạo, thúc đẩy hoạt động đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Giai đoạn 2016-2021 Việt Nam đã đạt được kết quả nhất định về chương trình này. Tuy nhiên, hiện cả nước mới đầu tư được 7,3 triệu m2 nhà ở xã hội, 122 dự án nhà ở công nhân, chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu nhà ở cho công nhân trên cả nước. Tỷ lệ này chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế xã hội nói chung và các khu công nghiệp nói riêng.

Để khảo sát tình hình thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại các khu công nghiệp, Reatimes đã trao đổi với ông Nguyễn Xuân Ngọc, Phó Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang.

Ông Nguyễn Xuân Ngọc cho rằng vấn đề cốt lõi nhất để công nhân yên tâm cống hiến cho doanh nghiệp là chỗ ở an toàn, có an cư mới lạc nghiệp. Tại Bắc Giang, hiện Tập đoàn Hồng Hải đã bố trí được 7.000 chỗ ở cho công nhân, hay khu nhà ở công nhân FuJi Bắc Giang đã đi vào hoạt động.

Bên cạnh đó, dự án nhà ở công nhân Hòa Phú đã xây dựng xong ba tòa; dự án EverGreen đang triển khai. Khi các dự án hoàn thành, hy vọng đa số công nhân sẽ ổn định chỗ ở. Đặc biệt là các công nhân ở xã, huyện hay ngoại tỉnh sẽ yên tâm di cư tới gần các khu công nghiệp để tiện làm việc.

Dự định là vậy, nhưng đến nay đa số công nhân vẫn đang thuê trọ trong nhà dân, với đa dạng loại hình, có cả căn hộ trung cấp và phòng trọ xuống cấp.

Ông Ngọc cho biết hiện tại Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang đã nắm rõ chỉ đạo của Thủ tướng và tích cực phối hợp cùng chính quyền địa phương, doanh nghiệp, ngân hàng để xử lý nhanh chóng và rốt ráo vấn đề nhà ở cho công nhân.

"Ngay hôm trước, chúng tôi đã có buổi làm việc với chủ dự án EverGreen Bắc Giang và đại diện Ngân hàng chính sách xã hội về vấn đề này. Phía ngân hàng cho biết sẽ hỗ trợ công nhân vay 80% giá trị căn hộ, trả góp trong 15 năm.

Hiện tại, ngân hàng thông báo đã có gói hỗ trợ 60 tỷ, và đang xin thêm để tổng tiền hỗ trợ công nhân là hơn 100 tỷ. Sau khi hai đơn vị là chủ đầu tư nhà ở và ngân hàng thống nhất cơ chế hỗ trợ, Ban quản lý sẽ tiến hành thông báo ngay để công nhân đăng ký đảm bảo đúng đối tượng, thông qua các thủ tục hành chính đơn giản, nhanh gọn nhất", ông Ngọc thông tin.

9 khối nhà thuộc dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân tại thôn Chiền, xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng đã hoàn thành

Ngoài ra, Ban quản lý cũng nhận được công văn của Sở Xây dựng Bắc Giang, yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền, về đối tượng được hưởng ưu đãi, về giá dự kiến, mức hỗ trợ, chi phí ban đầu, để làm sao các công nhân nắm rõ quyền lợi và tham gia chủ động, tích cực.

Về việc thực hiện Quyết định 08 của Chính phủ về hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân, ông Nguyễn Xuân Ngọc cho biết Ban quản lý và các doanh nghiệp đang triển khai tích cực.

“Vừa rồi, Thủ tướng chính phủ chỉ đạo quyết liệt thì Tỉnh ủy Bắc Giang và Sở Xây dựng cũng đốc thúc thường xuyên. Chúng tôi đang đôn đốc các doanh nghiệp tiếp tục lập danh sách người lao động, gửi lên chính quyền địa phương để triển khai chi trả theo chủ trương của Chính phủ. Chúng tôi đảm bảo hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch và sẽ hoàn thiện sớm, giải quyết sớm nỗi lo chi phí nhà ở cho anh chị em công nhân", ông Ngọc khẳng định.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp ở Hà Nội lẫn Bắc Giang đều đề nghị Chính phủ bàn thảo lại cơ chế chính sách sao cho cụ thể, rõ ràng và thống nhất giữa các luật, các nghị định đồng thời có cơ chế linh hoạt, nới rộng con đường tham gia dự án nhà ở công nhân cho các nhà đầu tư.

Công nhân Việt Nam là lực lượng quan trọng, có đóng góp lớn cho sự nghiệp phát triển đất nước nhưng ước mong về một chỗ ở ổn định bao năm qua vẫn chưa được đáp ứng.

Lần này, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, sự chung tay của các Bộ, ban ngành và chính quyền các địa phương, hy vọng giấc mơ ổn định cuộc sống để yên tâm làm việc và cống hiến của hàng triệu công nhân sớm thành hiện thực./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top