Năm 2023, ngành Nông nghiệp triển khai kế hoạch nhiệm vụ trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây trồng, vật nuôi. Tuy nhiên, nhờ chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó nên đã hạn chế thấp nhất các thiệt hại do thời tiết gây ra, duy trì ổn định sản xuất và đạt một số kết quả nhất định, đặc biệt là sản xuất lúa. Các lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản tiếp tục duy trì phát triển, góp phần tích cực vào tăng trưởng của toàn ngành; giá trị sản xuất lĩnh vực lâm nghiệp có sự sụt giảm, chủ yếu do khó khăn trong tiêu thụ các sản phẩm gỗ.
Tăng trưởng GRDP của ngành nông nghiệp năm 2023 ước đạt 5,88%, cao nhất từ trước đến nay. Tổng giá trị sản xuất ước đạt 7.720 tỷ đồng, tăng 6,3%. Giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản ước đạt 153,7 triệu USD, giảm 11,9% so với năm 2022.
Năm 2024, ngành Nông nghiệp đặt ra các chỉ tiêu cơ bản như: tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đạt 3-4%; năng suất lúa bình quân đạt 60 tạ/ha; sản lượng lương thực có hạt trên 326 nghìn tấn; trong đó, lúa 318 nghìn tấn; sản lượng thủy sản đạt trên 63 nghìn tấn, trong đó sản lượng khai thác đạt 42 nghìn tấn, sản lượng nuôi trồng đạt 21 nghìn tấn; tỷ lệ hộ nông thôn sử dụng nước sạch 97%; duy trì tỷ lệ che phủ rừng đạt 57,16%; có thêm 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có thêm 30 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho rằng, thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã phát huy được vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế. Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, nhưng ngành Nông nghiệp vẫn đạt được những kết quả khả quan, nhiều lĩnh vực đạt kết quả cao nhờ vào nỗ lực của toàn ngành; tăng trưởng GRDP của ngành đạt được kết quả ấn tượng; cơ cấu sản xuất nông nghiệp tiếp tục được điều chỉnh phù hợp; công tác phòng chống thiên tai được tổ chức thực hiện đạt kết quả tốt...
Tuy có những kết quả khởi sắc nhưng sự phát triển của ngành Nông nghiệp đạt được vẫn chưa như kỳ vọng, chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của tỉnh. Thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đề nghị ngành Nông nghiệp đẩy mạnh cơ cấu lại ngành theo hướng phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và thương hiệu nông sản. Đẩy mạnh việc liên kết theo chuỗi giá trị; chú trọng phát triển sản phẩm OCOP.
Tiếp tục hỗ trợ hình thành các trang trại có quy mô lớn, các khu chăn nuôi tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Tăng cường các biện pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU); Duy trì ổn định độ che phủ rừng, đặc biệt chú trọng chất lượng độ che phủ rừng tự nhiên; phát triển trồng rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ trồng rừng bền vững. Bám sát thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đặt ra trong năm 2024 góp phần cùng tỉnh nhà xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.