Aa

Thừa Thiên Huế: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương

Thứ Tư, 21/02/2024 - 14:15

Tỉnh Thừa Thiên Huế đang chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương; các quận, thị xã thuộc thành phố; các phường thuộc quận, thị xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, Thừa Thiên Huế đang tiến những bước vững chắc trên con đường trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Việc xây dựng đô thị hiện đại để đáp ứng yêu cầu phát triển song song với nhiệm vụ gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, di sản là hết sức quan trọng. Để thực hiện được những mục tiêu này, Thừa Thiên Huế đã triển khai theo tinh thần Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 như thế nào?

PV Reatimes đã có cuộc trao đổi xoay quanh vấn đề này với ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhân dịp đầu Xuân 2024.

PV: Thưa ông, để sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng và đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, thời gian tới, tỉnh sẽ triển khai những biện pháp gì?

Ông Nguyễn Văn Phương: Năm 2024 là năm bứt phá để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 - 2025; đặc biệt là hoàn thành mục tiêu đưa tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị. Để hoàn thành mục tiêu đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đang đẩy mạnh thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để triển khai thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết 54-NQ/TW. Trong đó, tập trung hoàn thành Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở địa giới hành chính Thừa Thiên Huế; Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; Đề án phân loại đô thị loại IV đối với đô thị Phong Điền... Triển khai hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đồng thời, hoàn thành xây dựng phương án mô hình đô thị, tập trung ưu tiên phân bổ nguồn lực đầu tư hoàn thiện, nâng cao các tiêu chí, tiêu chuẩn chưa đạt nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn, tiêu chí theo các quy định tại Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 và Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thừa Thiên Huế: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế

Thứ hai, tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung hỗ trợ, duy trì, mở rộng sản xuất kinh doanh nhằm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ ba, cơ cấu lại thu, chi ngân sách gắn với nâng cao hiệu quả quản lý. Rà soát, huy động nguồn lực để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên chi đầu tư phát triển, nhất là các dự án trọng điểm, quan trọng, cấp bách, hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên.

Thứ tư, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển đô thị. Chủ động phối hợp triển khai các dự án Trung ương triển khai trên địa bàn. Đẩy nhanh tiến độ Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I Kinh thành Huế, tiến độ giải ngân đầu tư công và các công trình trọng điểm như: Tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa Thuận An, đê chắn sóng cảng Chân Mây giai đoạn 2, đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt qua sông Hương, đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài, đường vành đai 3... Đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng khu công nghiệp, cảng biển.

Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Chú trọng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Thực hiện các giải pháp duy trì và nâng cao xếp hạng các chỉ số PCI, PAPI, PAR Index, DTI. Nâng cao tính sẵn sàng đối với các dự án kêu gọi đầu tư, bảo đảm triển khai được ngay khi có nhà đầu tư. Tập trung kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, dự án đang triển khai đầu tư. Quyết liệt hơn nữa trong công tác giải phóng mặt bằng. Rà soát, kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ, vi phạm pháp luật về đất đai, đầu tư theo đúng quy định.

Thứ sáu, quan tâm chăm lo phát triển lĩnh vực văn hóa - xã hội. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để trùng tu, tôn tạo các di sản, di tích; xây dựng các thiết chế văn hóa. Nâng cao chất lượng giáo dục, tập trung chuyển đổi số trong ngành giáo dục. Xây dựng, phát triển Đại học Huế thành đại học quốc gia. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống y tế tỉnh; tăng cường nhân lực y tế cho nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tiếp tục đẩy mạnh phối hợp, gắn kết chặt chẽ Bệnh viện Trung ương Huế, Trường Đại học Y Dược Huế và hệ thống y tế địa phương. Hoàn thiện đề án thành lập Khu công nghệ cao trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng Khu công nghệ thông tin tập trung; hình thành Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và xúc tiến đầu tư tỉnh. Triển khai có hiệu quả Đề án phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh. Triển khai quyết liệt 03 chương trình mục tiêu quốc gia, trọng tâm là công tác giảm nghèo bền vững.

Nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các Sở, ban, ngành cấp tỉnh và các địa phương trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Đổi mới tư duy, sáng tạo trong giải quyết công việc, gắn việc chỉ đạo, điều hành với theo dõi, giám sát, đánh giá việc thực hiện. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính gắn với tăng cường chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính đối với đội ngũ cán bộ, công chức thực thi công vụ.

PV: Thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị, đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có sự chuẩn bị như thế nào về kinh tế xã hội, hạ tầng giao thông để phối hợp, kết nối liên vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung?

Ông Nguyễn Văn Phương: Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế đã ban hành Chương trình hành động số 41-CTr/TU ngày 05/6/2023 thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW. Ngày 01/8/2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động số 272/KH-UBND triển khai thực hiện Chương trình hành động số 41-CTr/TU ngày 05/6/2023 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW để tập trung cụ thể hóa mục tiêu, tầm nhìn, các nội dung liên kết vùng và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị. Trong đó, tỉnh đã có một số định hướng lớn như:

Về phát triển công nghiệp: Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm logistics cấp vùng. Phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh và lợi thế so sánh của tỉnh như: Công nghiệp thời trang, công nghiệp hỗ trợ dệt may gắn với xây dựng Thừa Thiên Huế thành trung tâm dệt may khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Về phát triển du lịch: Liên kết, phát triển vùng du lịch ven biển Nam Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Bắc Quảng Nam là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển và du lịch di sản văn hóa thế giới có tầm quốc tế cao ở châu Á Thái Bình Dương; liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng hình thành chuỗi du lịch "Con đường di sản miền Trung", "Hành lang kinh tế Đông - Tây". Nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác giữa tỉnh với các địa phương trong vùng và cả nước; các quốc gia trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây và Tiểu vùng sông Mê Kông về phát triển du lịch, dịch vụ. Tăng cường phối hợp với các địa phương trong Vùng tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch vùng Duyên hải miền Trung như: Tổ chức Festival Du lịch biển, Ngày hội Du lịch Vùng... Phát triển hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trở thành "Công viên đầm phá Quốc gia''. Đẩy mạnh gắn kết phát triển loại hình du lịch biển, đảo của tỉnh với vùng Duyên hải miền Trung.

Thừa Thiên Huế: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương- Ảnh 2.

Thừa Thiên Huế đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương.

Về phát triển kinh tế biển: Phối hợp chặt chẽ với các địa phương thuộc Vùng để phát triển cụm ngành kinh tế biển Trung Trung bộ (thuộc vùng biển và ven biển: Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi) với khu vực trọng điểm phát triển ở Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế hàng đầu ở Đông Nam Á.

Về liên kết phát triển kết cấu hạ tầng: Phối hợp, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng dùng chung trong vùng; trong đó, tập trung đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng giao thông liên vùng, có tác động lan tỏa, tạo động lực phát triển cho toàn Vùng như: Hoàn thành và đưa vào sử dụng tuyến đường bộ ven biển xuyên suốt Vùng duyên hải miền Trung nhằm tạo ra không gian phát triển mới cho toàn Vùng; đưa vào khai thác hiệu quả Đường cao tốc đoạn Cam Lộ - Túy Loan nhằm phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng dùng chung trong vùng; phát triển Cảng Chân Mây cùng với Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài để hình thành trung tâm logistics của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và đầu ra tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây…

Về liên kết phát triển văn hóa - xã hội: Phát triển TP. Huế trở thành trung tâm văn hóa, nghệ thuật, nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực văn hóa, nghệ thuật của Vùng. Phát triển Bệnh viện Trung ương Huế, cùng với Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế đạt chuẩn các bệnh viện tiên tiến khu vực Đông Nam Á, là trung tâm y học cao cấp, bệnh viện hạt nhân, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao của Vùng và cả nước. Phát triển Đại học Huế trở thành đại học quốc gia, là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của Vùng. Tập trung xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học - công nghệ.

PV: Trong quá trình phát triển của địa phương, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến sẽ triển khai các chương trình an sinh xã hội ra sao để đảm bảo mọi người dân đều được hưởng lợi?

Ông Nguyễn Văn Phương: Trên tinh thần quyết tâm nỗ lực, phấn đấu xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị, Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế đã ban hành các Nghị quyết để xây dựng, phát triển tỉnh nhà trở thành một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. 

Theo đó, UBND tỉnh đang tập trung chỉ đạo, ban hành nhiều chương trình, dự án trọng tâm, trọng điểm, nhiều đề án, kế hoạch cụ thể để nhằm phát triển nâng cao năng lực hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, trong đó lấy người dân là trung tâm, hướng đến phục vụ người dân, đáp ứng các mục tiêu an sinh xã hội và không để ai bị bỏ lại phía sau. Một số chương trình, dự án trọng điểm tỉnh đang tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện nhằm nâng cao mức hưởng thụ cho người dân, để đảm bảo cho người dân được hưởng lợi như sau:

Về chương trình phát triển văn hóa, đặc biệt là khi Quốc hội thông qua Chương trình Mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025 - 2035, tỉnh triển khai thực hiện đầu tư các thiết chế văn hoá, thể thao theo quy hoạch tỉnh; Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 để phục vụ, đáp ứng nâng cao sự thụ hưởng văn hóa, rèn luyện sức khỏe của người dân.

Về các chương trình an sinh xã hội, thực hiện tốt, có hiệu quả, hoàn thành 03 chương trình mục tiêu quốc gia. Triển khai đồng bộ, có hiệu quả chương trình phát triển nhà ở của tỉnh, tập trung kêu gọi đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp; hoàn thiện cơ sở vật chất Trung tâm bảo trợ xã hội, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em... Triển khai tốt các chương trình đào tạo nghề, vay vốn, giải quyết việc làm; hỗ trợ vay vốn đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; hỗ trợ phát triển hợp tác xã, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, khởi nghiệp…

Về y tế, đầu tư hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở hoàn chỉnh, đồng bộ, đáp ứng nâng cao năng lực dự phòng, chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân. Tỉnh đang quy hoạch tạo điều kiện để tuyến y tế Trung ương mở rộng quy mô đầu tư hoàn chỉnh, đảm bảo nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh nhà cũng như khu vực; nâng cao năng lực điều trị y tế chuyên sâu, kỹ thuật cao tại Bệnh viện Trung ương Huế (tại cơ sở 1 và cơ sở 2); Trường Đại học Y Dược Huế; hoàn thành Trung tâm pháp y tâm thần miền Trung. Bên cạnh đó, tỉnh đang quy hoạch xây dựng khu y tế công nghệ cao tại khu đô thị An Vân Dương và xã Phong An; kêu gọi đầu tư các dự án bệnh viện chuyên khoa, đa khoa đạt chuẩn quốc tế vào đầu tư. Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Chính sách thu hút nhân lực bác sĩ cho ngành Y tế giai đoạn 2022 - 2026, tầm nhìn đến 2030; triển khai xây dựng Đề án phát triển y dược học cổ truyền, phát triển du lịch kết hợp khám chữa bệnh…

Về các chương trình đầu tư cho giáo dục và đào tạo, đầu tư hoàn thiện quy hoạch phát triển mạng lưới giáo dục và đào tạo theo quy hoạch tỉnh; hoàn thành xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia theo kế hoạch số 335/KH-UBND ngày 27/10/2021, phấn đấu đến 2025 tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia khoảng 87%; tỷ lệ trường kiên cố, bán kiên cố đạt 100%; đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên, cán bộ lãnh đạo quản lý phục vụ công tác giảng dạy, giáo dục phổ thông và mầm non. Đặc biệt, tập trung triển khai thực hiện xây dựng và phát triển Trường Trung học phổ thông chuyên Quốc Học - Huế theo Nghị quyết số 35/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045. Hỗ trợ quy hoạch, xây dựng phát triển Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia. Quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, nâng cao chất lượng đào tạo. Thu hút, kêu gọi đầu tư phát triển xã hội hóa lĩnh vực giáo dục và đào tạo trong các khu đô thị đạt tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế.

Thừa Thiên Huế: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương- Ảnh 3.Ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế
Thực hiện di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I hệ thống di tích Kinh thành Huế thuộc quần thể di tích Cố đô Huế là bước tiền đề quan trọng để đến năm 2025, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế.

PV: Mở rộng không gian đô thị hiện đại gắn với bảo tồn, phát huy di sản văn hóa thế giới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh. Thưa ông, từ nay đến năm 2025, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ làm gì để "an cư" cho các hộ di dân ở Kinh thành Huế?

Ông Nguyễn Văn Phương: Ngày 10/12/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Văn bản số 1771/TTg-CN phê duyệt Khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ tái định cư thực hiện di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I hệ thống di tích Kinh thành Huế thuộc quần thể di tích Cố đô Huế (sau đây gọi là Khung chính sách). Theo đó, Đề án Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I hệ thống di tích Kinh thành Huế thuộc quần thể di tích Cố đô Huế (sau đây gọi là Đề án) được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt tại Quyết định số 370/QĐ-UBND ngày 13/02/2019 và phê duyệt điều chỉnh Đề án tại Quyết định số 3360/QĐ-UBND ngày 30/12/2020, Quyết định số 2087/QĐ-UBND ngày 08/9/2023. Việc di dời khoảng 22.670 người dân (giai đoạn 1: 18.437 người dân, giai đoạn 2: 4.233 người dân) là một cuộc di dân lịch sử của tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời kỳ đổi mới. Do đó, để "an cư" cho các hộ di dân ở Kinh thành Huế, cần có sự quan tâm, hỗ trợ bằng các chính sách thiết thực và được sự đồng tình, ủng hộ từ các cơ quan của Trung ương đến địa phương và đặc biệt là sự đồng thuận của các hộ dân di dời. Các chính sách đã được UBND tỉnh xây dựng, chuẩn bị trước khi triển khai thực hiện công cuộc di dời dân cư ở Kinh thành Huế. Đến nay, công cuộc di dân từ năm 2019 - 2023 đã đạt được những kết quả sau:

Hiện nay, dự án giai đoạn 1 đã triển khai thực hiện tại 11 khu vực với tổng kinh phí đã phê duyệt là 1.728,9 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 92% so với tổng số vốn được bố trí: 1.880 tỷ đồng), đã chi trả 1.311,8 tỷ đồng (còn lại 417,1 tỷ đồng đang tiếp tục chi trả). Đã phê duyệt bố trí tái định cư 2.703 lô, đã nhận đất 2.536 lô. Hơn 1.000 hộ đã xây dựng nhà ở ổn định cuộc sống, số còn lại đang có kế hoạch xây dựng nhà ở trong thời gian tới. Xây dựng 39 căn hộ theo hình thức chìa khóa trao tay cho các hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Đó là thành quả thiết thực, là câu trả lời và kết quả khách quan nhất cho việc đảm bảo an cư của các hộ dân sau khi di dời tại khu vực I hệ thống di tích Kinh thành Huế, thông qua các chính sách hỗ trợ như sau:

Đối với các hộ gia đình sản xuất kinh doanh khi có đất bị thu hồi bởi dự án ảnh hưởng đến việc sản xuất kinh doanh, căn cứ theo ngành nghề sản xuất kinh doanh sẽ được sắp xếp vào cụm công nghiệp làng nghề An Hòa; giá thu tiền cho thuê theo quy định. Các lao động tại khu tái định cư sẽ được bố trí công việc phù hợp nếu đủ điều kiện vào làm việc tại cụm công nghiệp làng nghề An Hòa (tiếp giáp phường Hương Sơ), TP. Huế.

Khi các hộ gia đình đến nơi tái định cư mới, UBND tỉnh sẽ có những chính sách xã hội để các hộ gia đình được vay vốn ưu đãi, phát triển thương mại, dịch vụ, tạo công ăn việc làm bằng các ngành nghề thủ công truyền thống mà các hộ gia đình hiện đang làm và các ngành nghề thủ công truyền thống địa phương có thế mạnh.

Thừa Thiên Huế: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương- Ảnh 4.

Thực hiện di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I hệ thống di tích Kinh thành Huế thuộc quần thể di tích Cố đô Huế là bước tiền đề quan trọng để đến năm 2025, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Đối với các hộ gia đình, cá nhân không có việc làm, ưu tiên phát triển các hình thức khai thác giá trị di sản văn hóa; trường hợp các hộ gia đình, cá nhân đáp ứng được điều kiện (năng lực, chuyên môn…) sẽ được ưu tiên đào tạo để tiếp nhận vào làm việc tại Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế.

Hỗ trợ cho người lao động có nguyện vọng đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài khi có đủ điều kiện theo yêu cầu của đơn vị tuyển dụng; có nguyện vọng đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với mức vay tối đa bằng 100% các khoản chi phí người lao động phải đóng góp theo quy định đối với từng thị trường.

Thực hiện di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I hệ thống di tích Kinh thành Huế thuộc quần thể di tích Cố đô Huế là bước tiền đề quan trọng để đến năm 2025, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh theo Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

PV: Trân trọng cảm ơn ông về những thông tin hữu ích!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top