Đó cũng là một trong những nội dung trong Quyết định số 457/QĐ-UBND được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ban hành ngày 3/3/2023 về việc phê duyệt Quy định quản lý theo đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng khu vực phía Bắc trục Trung tâm Lăng Cô đến khu vực núi Giòn, tại xã Lộc Vĩnh và thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Kỳ vọng 3 cụm công trình điểm nhấn
Khu vực phía Bắc trục Trung tâm Lăng Cô đến khu vực núi Giòn có khá nhiều cảnh quan thiên nhiên, sinh thái giá trị, trong đó bao gồm cả khu vực giáp đầm Lập An (hay còn gọi là đầm Lăng Cô) nhưng bao năm qua vẫn chưa được đánh thức, phát huy. Trong quy hoạch nêu trên của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ có 3 cụm công trình được kỳ vọng đánh thức nhiều giá trị cảnh quan, kiến trúc tại khu vực này. Theo đó có 3 cụm công trình điểm nhấn về không gian kiến trúc, cảnh quan nằm trên trục chức năng chính của khu vực quy hoạch, bao gồm: Một công trình hỗn hợp điểm nhấn phía Bắc gần núi Giòn (phía Nam vịnh Chân Mây, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc) với chiều cao tối đa 40 tầng (150m); một tổ hợp 2 công trình điểm nhấn trung tâm cao tối đa 40 tầng (150m) thuộc khu nghỉ dưỡng Địa Trung Hải mở rộng và thuộc Khu du lịch nghỉ dưỡng Quốc tế Minh Viễn; một tổ hợp kiến trúc cao tầng và một tháp điểm nhấn cao tối đa 40 tầng (150m) giáp đầm Lập An (đầm Lăng Cô) thuộc trục trung tâm Khu du lịch Lăng Cô.
Theo quy định, các công trình điểm nhấn khi triển khai thực hiện phải tuân thủ quy định của Luật Kiến trúc và pháp luật có liên quan; lấy ý kiến thỏa thuận của cơ quan chức năng có liên quan về chiều cao xây dựng công trình. Công trình điểm nhấn phải có giải pháp thiết kế kiến trúc có giá trị nghệ thuật cao, gắn kết hình thái công trình với không gian lân cận để tạo thành tổ hợp tạo giá trị đặc trưng khu vực.
Cùng với 3 cụm công trình điểm nhấn nêu trên, những không gian mở lý tưởng cũng được đặt ra. Cụ thể, không gian mở, trong khu vực quy có không gian phục vụ công cộng ngoài trời, bao gồm công viên với mật độ phủ xanh từ 70% trở lên, được sử dụng cho các mục đích vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, ngắm cảnh, thể dục thể thao, điều hoà khí hậu...; có quảng trường, sân thể thao ngoài trời phục vụ cộng đồng, tổ chức các sự kiện đông người; không gian mặt nước như sông, kênh, hồ kết hợp với không gian xanh tạo giá trị cảnh quan cho tổng thể khu vực cũng được quy hoạch...
Đáng chú ý, các công trình xây dựng trong không gian mở phải phù hợp chức năng chính của mỗi không gian; hạn chế xây dựng tường rào ngăn cách không gian mở; quản lý khu vực từ mép triều cao trung bình nhiều năm về phía bờ để bố trí một phần là dải cây xanh tạo cảnh quan ven biển, đường dạo ven biển và làm hành lang tránh xây dựng công trình, bố trí bãi tắm công cộng và các khu vực thể thao biển; kiến trúc công trình có hình thức phù hợp với điều kiện khí hậu, hài hòa với cảnh quan, môi trường khu vực ven biển, ven đầm, ven núi.
Các công trình chính sử dụng kết cấu và vật liệu có tính chất kiên cố, bền vững, phù hợp với điều kiện khí hậu và tránh các ảnh hưởng do bão; các tuyến giao thông có sự chuyển tiếp hài hoà trên cơ sở tôn trọng địa hình tự nhiên, đảm bảo các yếu tố kinh tế kỹ thuật, đảm bảo các quy chuẩn và an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy; tăng cường trồng cây xanh dọc theo các trục đường và bên trong khuôn viên các công trình; đảm bảo tỷ lệ cây xanh tối thiểu trong các khu vực theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Quy hoạch xây dựng. Tại các khu vực du lịch nghỉ dưỡng khuyến khích tạo hàng rào mềm bằng dải cây xanh...
Đặc biệt, nguyên tắc kiểm soát cũng được tỉnh đưa ra là các công trình điểm nhấn gần đầm Lập An, khu trung tâm và khu vực núi Giòn có chiều cao tối đa 40 tầng; các công trình điểm nhấn cần có quảng trường và không gian mở lớn phía trước công trình; phát triển không gian xanh trong nội bộ mỗi ô đất, tạo môi trường thuận lợi, hấp dẫn với sự đa dạng dịch vụ, tiện ích và trải nghiệm khác nhau.
Tăng cường kiểm soát, bảo vệ môi trường
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đặt nhiều quy định để kiểm soát, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái tự nhiên trong khu vực như việc tuân thủ các quy định về hành lang an toàn ven biển và Quy định quản lý không gian kiến trúc cảnh quan tại các khu vực ven biển tỉnh Thừa Thiên - Huế; kiểm soát quản lý chặt chẽ các nguồn chất thải rắn, nước thải xả ra biển và đầm trong khu vực.
Đối với cảnh quan môi trường nghiêm cấm việc chặt, phá cây xanh. Các nguồn chất thải phải được xử lý đạt chỉ tiêu bảo vệ môi trường theo quy định trước khi thải vào các nguồn nước; không khí, tiếng ồn có các biện pháp thi công tối ưu để hạn chế tối đa việc rơi vãi vật liệu xây dựng, phát sinh tiếng ồn khi triển khai thực hiện quy hoạch... Để đảm bảo thực hiện quản lý phải quản lý chặt chẽ từ giai đoạn quy hoạch, thiết kế về quy mô và vị trí của các công trình để đảm bảo hạn chế tối đa việc phá vỡ hiện trạng, đáp ứng được công suất phục vụ của hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực quy hoạch; quản lý việc thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của các dự án đầu tư trong khu vực theo đúng quy định ở các bước tiếp theo.
Khuyến khích biệt thự vườn, biệt thự sinh thái
Theo quyết định nêu trên, với quan điểm “Không gian kiến trúc được tổ chức hài hòa và làm tăng vẻ đẹp cảnh quan khu du lịch bằng sự kết hợp giữa các loại hình nghỉ dưỡng đa dạng”, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế khuyến khích việc sử dụng các loại hình biệt thự vườn, biệt thự sinh thái, công trình xanh, tiết kiệm năng lượng trong khu vực quy hoạch phân khu xây dựng khu vực phía Bắc trục trung tâm Lăng Cô đến khu vực núi Giòn.
Cụ thể là với loại hình khu du lịch nghỉ dưỡng thấp tầng và khu dịch vụ hỗn hợp thấp tầng có quy mô tổng diện tích khoảng 124,28ha; trong đó đất dịch vụ hỗn hợp thấp tầng khoảng 47,64ha, mật độ xây dựng gộp ≤ 30%, tầng cao ≤ 05 tầng, hệ số sử dụng đất ≤ 1,5 lần; đất du lịch nghỉ dưỡng thấp tầng khoảng 76,64ha, mật độ xây dựng gộp ≤ 25%, tầng cao ≤ 05 tầng, hệ số sử dụng đất ≤ 1,25 lần.
Các công trình được yêu cầu có kiến trúc hiện đại; tầng cao từ 1- 5 tầng, đường nét kiến trúc hài hòa với cảnh quan khu vực; các nhóm công trình nghỉ dưỡng được bố trí tiếp cận dễ dàng với trục đường chính nội bộ của từng dự án và có hướng mở ra các vườn hoa, dải cây xanh; kết nối các khu chức năng là các dải cây xanh.
Đối với các loại đất dịch vụ hỗn hợp cao tầng và đất khách sạn cao tầng quy mô tổng diện tích khoảng 49,7ha, trong đó đất dịch vụ hỗn hợp cao tầng khoảng 19,91ha; đất khách sạn cao tầng khoảng 29,79ha. Với loại hình này chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất: mật độ xây dựng gộp ≤ 40%, tầng cao ≤ 40 tầng, hệ số sử dụng đất ≤ 12 lần; trường hợp công trình có chiều cao ≤ 30 tầng hệ số sử dụng đất ≤ 10,0 lần.
Đối với đất công trình công cộng và đất thương mại dịch vụ (du lịch) được quy hoạch có quy mô tổng diện tích khoảng 20,71ha, trong đó công trình công cộng khoảng 5,21ha (mật độ xây dựng gộp ≤ 40%, tầng cao ≤ 4 tầng); đất thương mại dịch vụ khoảng 15,50ha (mật độ xây dựng gộp ≤ 40%, tầng cao ≤ 9 tầng).
Đối với công trình tín ngưỡng trong khu vực quy hoạch có quy mô diện tích khoảng 0,75ha; mật độ xây dựng gộp ≤ 40%, tầng cao ≤ 2 tầng; thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Ngoài ra, hệ thống giao thông; cấp điện, điện chiếu sáng, cấp, thoát nước... cũng được quy hoạch hài hòa, đồng bộ, đảm bảo mỹ quan an toàn và hiệu quả
Đối với công viên, cây xanh, mặt nước gồm: Cây xanh công cộng và cây xanh trong khu du lịch quy mô tổng diện tích khoảng 49,03ha; sân golf - cây xanh chuyên dụng quy mô tổng diện tích khoảng 61,78ha.
Đặc biệt, khu “rừng thiêng” trong khu vực quy hoạch là rừng dẻ bảo tồn có quy mô diện tích khoảng 64,99ha “không xây dựng công trình”.
Để đảm bảo thực hiện quy hoạch UBND tỉnh đặt ra các nguyên tắc kiểm soát phát triển, quản lý về không gian kiến trúc như: Phát triển hệ thống cây xanh gắn kết với không gian mặt nước tạo giá trị cảnh quan cho tổng thể khu quy hoạch.
Đối với khu vực ven đầm Lập An, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu khi triển khai thực hiện dự án cần có các giải pháp ứng xử phù hợp với các thảm thực vật tự nhiên, khai thác đất cây xanh ven đầm Lập An với giải pháp phù hợp trên quan điểm bảo tồn có chọn lọc, đảm bảo cân nhắc các yếu tố về cảnh quan tự nhiên, môi trường sinh thái và phát triển bền vững. Khu vực tiếp giáp bãi biển trồng cây xanh chắn cắt, chắn gió, tạo thảm thực vật để chống sạt lở...
Nghiêm cấm việc khai thác, san lấp mặt bằng trong khu vực dự kiến xây dựng công viên gây tác động xấu ảnh hưởng địa hình khu đất và cảnh quan thiên nhiên. Nghiêm cấm xây dựng các công trình ngoài chức năng cây xanh, vui chơi giải trí, công trình gây ô nhiễm môi trường.