Aa

Thừa Thiên Huế: Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển đô thị để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Thứ Năm, 14/09/2023 - 10:45

Đó là một trong những nhiệm vụ, giải pháp nhằm xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là văn kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, cùng với Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, là những cơ sở pháp lý quan trọng mang tính định hướng cho sự phát triển của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo, đặt trong mối tương quan của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

Tỉnh Thừa Thiên Huế tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển đô thị để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Nghị quyết số 26-NQ/TW đã xác định mục tiêu phát triển vùng đến năm 2030 là “Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ là vùng phát triển năng động, nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn của cả nước với các khu kinh tế ven biển và hệ thống đô thị ven biển đạt chuẩn quốc gia và khu vực; là cửa ngõ ra biển của vùng Tây Nguyên và nước bạn Lào; là nơi các giá trị văn hóa, lịch sử và hệ sinh thái biển, đảo, rừng được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc; các tổ chức đảng, hệ thống chính trị vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường”.

Để cụ thể hóa các mục tiêu phát triển vùng đến năm 2030, Nghị quyết số 26-NQ/TW đã đưa ra 3 nhóm chỉ tiêu chính với 18 chỉ tiêu cụ thể cho phát triển vùng: (i) Nhóm chỉ tiêu về phát triển kinh tế với 7 chỉ tiêu: Tăng trưởng và quy mô GRDP, tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo, tỷ trọng kinh tế số, GRDP bình quân đầu người, thu ngân sách nhà nước, tỷ lệ đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới; (ii) Nhóm chỉ tiêu về phát triển xã hội với 6 chỉ tiêu: Chỉ số phát triển con người, thu nhập bình quân đầu người, tỷ lệ lao động qua đào tạo, giảm nghèo, cơ sở giáo dục và y tế; (iii) Nhóm chỉ tiêu về bảo vệ môi trường với 5 chỉ tiêu chính: Tỷ lệ che phủ rừng, tỷ lệ sử dụng nước sạch theo quy chuẩn, thu gom và xử lý rác thải, nước thải. 

Các nhóm chỉ tiêu cụ thể này đã cụ thể hóa các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước được đưa ra tại Đại hội Đảng lần thứ XIII và được tính toán để phù hợp với điều kiện thực tế của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã ban hành chương trình hành động 41-CTr/TU với mục tiêu đến năm 2030 tăng trưởng GRDP 7 - 8%/ năm. Vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10%/năm. Thu ngân sách nhà nước tăng 11 - 12%/năm. GRDP/người đạt 5.500 - 6.000 USD (theo cách tính hiện hành). Về cơ cấu kinh tế, dịch vụ chiếm 54 - 56% GRDP; công nghiệp và xây dựng 33 - 34%; nông nghiệp 5 - 7%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm dưới 5 - 6%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều dưới mức trung bình toàn quốc. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 65 - 70%. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 57%... Đến năm 2045, Thừa Thiên Huế là thành phố festival, trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á.

Chương trình 41-CTr/TU đã đề ra 10 nhóm nhiệm vụ và giải pháp. Đó là tăng cường phối hợp với các tỉnh, thành phố trong vùng hoàn thiện thể chế, chính sách đẩy mạnh phát triển liên kết vùng. Phối hợp thực hiện Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, Quy hoạch Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Phối hợp hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung về các chỉ số phát triển kinh tế - xã hội, các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển, các công trình trọng điểm, dự án lớn triển khai trên địa bàn phục vụ công tác điều phối các hoạt động liên kết vùng.

Bên cạnh đó, phối hợp thực hiện tốt các hoạt động điều phối liên kết giữa các bộ và các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; Kịp thời đề xuất Trung ương những cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện; Huy động đa dạng các nguồn lực để triển khai các dự án trọng điểm, có tính chất đột phá, thúc đẩy liên kết vùng; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. 

Tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 83/NQ-CP của Chính phủ, huy động mọi nguồn lực xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế; thúc đẩy phát triển kinh tế biển, đầm phá. 

Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển đô thị; quản lý và sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường; thích ứng với biến đổi khí hậu. Tiếp tục phát huy vị thế 4 trung tâm: văn hóa - du lịch, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và thực hiện các mục tiêu tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của hội đồng nhân dân các cấp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của ủy ban nhân dân các cấp và năng lực tổ chức thực hiện, kiểm tra việc tổ chức thực hiện; xây dựng chính quyền vững mạnh; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút nguồn lực...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top