Aa

Thừa Thiên – Huế còn thiếu cụm ngành kinh tế có lợi thế cạnh tranh cao

Thứ Sáu, 22/04/2022 - 15:12

Đó là một trong những nhận định của giới chuyên gia về công tác quy hoạch tỉnh Thừa Thiên – Huế thời kỳ 2021 – 2030.

Lãnh đạo chủ chốt UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương vừa có cuộc họp với giới chuyên gia cùng lãnh đạo các ban, ngành để nghe báo cáo đầu kỳ công tác quy hoạch tỉnh Thừa Thiên – Huế thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050.

Thừa Thiên – Huế đang nỗ lực thành thành phố trực thuộc Trung ương trong vài năm tới. (Ảnh: Đình Toàn)

Nhiều nút thắt cần tháo gỡ

Theo quan điểm chung, công tác quy hoạch tỉnh Thừa Thiên – Huế gắn với xây dựng và phát triển tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao, bền vững về môi trường là nền tảng; du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; công nghệ thông tin và truyền thông trở thành một đột phá chiến lược; hướng đến mục tiêu năm 2025, Thừa Thiên – Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; xây dựng nền móng cho cả ba trụ cột kinh tế – xã hội – môi trường để làm cơ sở vững chắc cho sự phát triển trong các giai đoạn sau.

Theo TS. Vũ Thành Tự Anh, Đại học Fulbright Việt Nam, các vấn đề trọng tâm của quy hoạch hiện nay là tỉnh phải định vị vai trò của địa phương trong vùng và quốc gia; làm rõ mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; tiến hành phân tích và đánh giá động lực tăng trưởng hiện tại và tương lai, trong đó cần làm rõ trụ cột phát triển như: Vai trò của dịch vụ và du lịch xem như một mũi nhọn tăng trưởng? Hay công nghiệp chế biến – chế tạo như một một động lực tăng trưởng quan trọng, cùng với vai trò của y tế, giáo dục, công nghệ thông tin – truyền thông, của kinh tế biển, đầm phá…

Huế có nhiều tài nguyên di sản, giá trị văn hóa và cảnh quan tự nhiên để khai thác cho phát triển du lịch, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. (Ảnh: Đình Toàn)

TS. Vũ Thành Tự Anh cho rằng, tỉnh Thừa Thiên – Huế có nhiều tài nguyên di sản, giá trị văn hóa và cảnh quan tự nhiên để khai thác cho phát triển du lịch, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế; là một đô thị truyền thống và lâu đời của Việt Nam, là thế mạnh để hình thành các cụm ngành công nghiệp và dịch vụ gắn với đô thị; hạ tầng giáo dục và y tế phát triển ở trình độ cao so với vùng, là nền tảng để hỗ trợ phát triển kinh tế; có vai trò và vị trí đặc biệt trong tầm nhìn quốc gia, nhận được sự ủng hộ và quan tâm của Trung ương để đạt được các mục tiêu phát triển.

Tuy vậy, điểm yếu của Thừa Thiên – Huế là không có các cụm ngành kinh tế có lợi thế cạnh tranh cao, đóng vai trò là động lực rõ nét cho nền kinh tế tỉnh. Cùng với đó xuất phát điểm của nền kinh tế thấp, nguồn thu ngân sách thấp, nguồn lực cho đầu tư phát triển hạn chế, chưa hình thành doanh nghiệp lớn mạnh tại địa phương; hạ tầng giao thông nội tỉnh, đặc biệt kết nối giữa các huyện miền núi còn nhiều hạn chế; điều kiện tự nhiên tương đối khắc nhiệt với nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ, nắng nóng, hạn hán… gây khó khăn trong phát triển các ngành kinh tế.

Thừa Thiên – Huế đã, đang đối diện và buộc tháo gỡ những “nút thắt” là các thế mạnh truyền thống như tài nguyên di sản, du lịch chưa đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra tăng trưởng, nguồn thu ngân sách và việc làm; khó khăn trong việc thu hút các dự án công nghiệp có hiệu quả kinh tế - xã hội cao, các dự án đầu tư có vốn nước ngoài; nguồn lực ngân sách cho đầu tư phát triển gặp khó khăn khi phụ thuộc vào nguồn phân bổ từ Trung ương; nguồn thu ngân sách địa phương thiếu tính bền vững khi phụ thuộc quá lớn vào nguồn thu từ đất đai và doanh nghiệp sản xuất đồ uống. “Thu từ đất khó có thể duy trì tỷ trọng cao như hiện nay; trong khi thu từ sản xuất đồ uống khó có khả năng mở rộng nhanh để đáp ứng nhu cầu về nguồn thu ngân sách; khu vực công nghiệp và dịch vụ không tạo đủ việc làm có thu nhập tốt cho người lao động; những điều đó dẫn tới làn sóng di cư khỏi địa phương”, TS. Vũ Thành Tự Anh chia sẻ tại cuộc họp.

Đề xuất thành lập 6 vùng

Tại cuộc họp báo cáo đầu kỳ công tác quy hoạch tỉnh Thừa Thiên – Huế, PGS.TS Bùi Tất Thắng (nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển), PGS.TS. Phạm Bảo Dương (Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam) và các đại biểu đã dành thời gian để thảo luận, trao đổi nhằm làm rõ hơn về hiện trạng phát triển các ngành kinh tế của tỉnh cũng như các nút thắt trong mỗi lĩnh vực, qua đó đề xuất những định hướng chiến lược để phát triển, góp phần hoàn thiện công tác quy hoạch tỉnh Thừa Thiên - Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thừa Thiên – Huế vừa phát triển vừa bảo tồn các giá trị di sản. (Ảnh: Đình Toàn)

Đáng chú ý, một số chuyên gia cho rằng, về quan điểm và mô hình tổ chức không gian lãnh thổ, tỉnh sẽ phát triển không gian dựa trên các yếu tố tự nhiên và văn hóa lịch sử truyền thống (hệ sông hồ, kênh mương, đa dạng sinh học, đầm phá, biển, giữ gìn các bản sắc văn hóa, các khu vực di sản, di tích và làng nghề…); đảm bảo tính độc lập và tính đặc trưng của các đô thị trong mạng lưới; xác định rõ các ranh giới đô thị, khoảng cách giữa các đô thị là các khoảng không gian đệm gắn với vùng cảnh quan sinh thái nông nghiệp, không gian văn hóa, giải trí, nghỉ dưỡng...

Trong đó, Thừa Thiên – Huế sẽ phát triển theo mô hình đô thị lõi “Grand Huế” bao gồm TP. Huế, Hương Trà, Hương Thủy và các đô thị vệ tinh hỗ trợ phát triển ở phía Bắc, phía Nam, phía Tây của tỉnh, hình thành hệ thống lõi trung tâm phát triển đô thị nén. Các đô thị vệ tinh gắn kết với nhau và với đô thị trung tâm hạt nhân bằng các kết nối nhanh thông qua hệ thống hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, xây dựng đô thị Thừa Thiên – Huế theo hướng thành phố du lịch dịch vụ, giữ gìn bảo tồn lịch sử, văn hoá truyền thống và cảnh quan, kiến trúc đặc trưng. Làm cơ sở pháp lý triển khai công tác đầu tư quy hoạch xây dựng đô thị đồng bộ; lập chương trình phát triển đô thị.

Cụ thể, dựa theo điều kiện tiềm năng phát triển của mỗi khu vực có thể phân ra thành 6 vùng. Trong đó: Vùng 1 là đô thị trung tâm với chức năng như đô thị di sản, đô thị du lịch, đô thị giáo dục y tế, đô thị ven sông; đô thị ven đầm; Vùng 2 là đô thị vùng cát gồm đô thị công nghiệp, đô thị nông nghiệp; Vùng 3 là đô thị du lịch gồm đô thị Cầu Hai và vùng bảo tồn Bạch Mã; Vùng 4 là đô thị đôi gồm đô thị du lịch - dịch vụ - logistics - đô thị; Vùng 5 là đô thị gò đồi gồm đô thị ven hồ; Vùng 6 là đô thị núi bao gồm du lịch nông nghiệp gắn với làng bản, du lịch đô thị vùng biển.

Thừa Thiên – Huế còn thiếu những cụm ngành kinh tế, công nghiệp tính cạnh tranh cao. (Ảnh: Đình Toàn)

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đánh giá cao quá trình khảo sát, nội dung báo cáo đầu kỳ quy hoạch tỉnh của đơn vị tư vấn. Đồng thời yêu cầu đơn vị tư vấn tiếp thu các ý kiến của các đại biểu tại cuộc họp để tiến hành điều chỉnh, bổ sung phù hợp, nhất là công tác quy hoạch phải bám sát Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, công tác quy hoạch có vai trò quan trọng việc thực hiện các chiến lược, ưu tiên phát triển của tỉnh. Chính vì vậy, quy hoạch cần làm rõ thực trạng, điểm mạnh, điểm yếu của tỉnh từ đó xây dựng định hướng, thể hiện tầm nhìn, chiến lược, triển khai một cách đồng bộ để phát triển tỉnh Thừa Thiên – Huế nhanh và bền vững.

Ông Phương nhấn mạnh, tỉnh sẽ tiến hành xây dựng và phát triển Thừa Thiên – Huế trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, của vùng, nhất là sự kết hợp hài hoà giữa di sản văn hoá, lịch sử đặc sắc, phong phú với cảnh quan tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, vị trí cửa ngõ của hành lang kinh tế Đông - Tây và con người Huế; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái; giữa đô thị hoá với xây dựng nông thôn mới; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; giải quyết tốt mối quan hệ giữa kế thừa và phát triển, giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hoá, giữa bảo tồn, giữ gìn truyền thống và phát huy các giá trị di sản./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top