HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa thông qua Tờ trình của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế về việc ban hành Nghị quyết điều chỉnh Nghị quyết số 25/NQ-HĐND ngày 23/3/2022 của HĐND tỉnh về phương án “Bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất” đối với các trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp dôi dư sau khi sắp xếp lại, xử lý tài sản công trên địa bàn tỉnh.
Đất vàng để hoang sẽ được đầu tư tổ hợp thương mại dịch vụ
HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế thông qua Tờ trình của UBND tỉnh liên quan đến việc xử lý khu nhà ở vận động viên tại số 97, đường Bà Triệu thuộc Đoàn Bóng đá tỉnh và các sân thể thao ngoài trời, đường Hà Huy Tập, thuộc Trung tâm Thể thao tỉnh do Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh quản lý. UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế dẫn quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 (đã sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021) của Chính phủ và các văn bản pháp luật có liên quan, đề xuất phương án 2 cơ sở hoạt động sự nghiệp nêu trên xử lý theo phương án “Bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất”.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng một số cơ sở nhà đất có vị trí gắn với quy hoạch chỉnh trang, mở rộng hạ tầng nên việc giữ lại chờ thực hiện dự án xong mới thực hiện bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn hoặc giữ lại để bổ sung quỹ đất phục vụ thiết chế công cộng.
Do các cơ sở nhà, đất dự kiến bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuộc các vị trí quan trọng, giá trị lớn nên để có cơ sở tiếp tục triển khai phương án “Bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất” đối với các trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp dôi dư sau khi sắp xếp lại, xử lý tài sản công trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế; UBND trình HĐND tỉnh xem xét ban hành Nghị quyết điều chỉnh Nghị quyết số 25/NQ-HĐND ngày 23/3/2022 của HĐND tỉnh về phương án “Bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất” đối với các trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp dôi dư sau khi sắp xếp lại, xử lý tài sản công trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Do vậy, việc ban hành Nghị quyết điều chỉnh, bổ sung phương án “Bán tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất” đối với các cơ sở nhà đất dôi dư sau khi sắp xếp lại là cần thiết. UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng lập luận bằng căn cứ thực tiễn như thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công theo phương án: “Bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất” đối với một số khu nhà đất có giá trị thương mại cao là cơ sở quan trọng để hình thành quỹ nhà, đất có vị trí sinh lợi, lợi thế kinh doanh cao và có nhiều tiềm năng lớn nhằm kêu gọi các nhà đầu tư có nguồn lực thực hiện đầu tư các dự án du lịch.
Việc bán 2 cơ sở nhà đất trên nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh, chỉnh trang đô thị, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, thu hút nhà đầu tư thực hiện các dự án trọng điếm của tỉnh. Theo UBND tỉnh việc tổ chức bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất sẽ theo hình thức đấu giá thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản và quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý sử dụng tài sản công.
Tại cuộc họp chuyên đề HĐND tỉnh mới đây, Ban Pháp chế HĐND tỉnh cũng tán thành đề xuất, Tờ trình của UBND tỉnh về nội dung nói trên. Ban này cho biết, UBND tỉnh đề xuất phương án Bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với 2 cơ sở nhà đất trên (số 97 Bà Triệu và các sân thể thao ngoài trời tại số 1 Hà Huy Tập) đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất phương án di dời để thực hiện dự án Quảng trường văn hóa trung tâm (khu vực Nhà thi đấu Bà Triệu), kêu gọi đầu tư để thực hiện dự án Tố hợp nhà ở, thương mại - dịch vụ.
Hai khu đất, nhà ở nói trên gồm khu nhà ở vận động viên tại số 97, đường Bà Triệu thuộc Đoàn Bóng đá tỉnh và các sân thể thao ngoài trời thuộc Trung tâm Thể thao tỉnh do Sở Văn hóa Thể thao quản lý với một số rất lớn diện tích không khai thác phù hợp, để hoang, cỏ mọc um tùm gây lãng phí nhiều năm qua. UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng diện tích đất nơi đây hiện đang để trống, do đó, việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với 2 cơ sở hoạt động sự nghiệp này không ảnh hưởng đến hoạt động của Đoàn Bóng đá tỉnh và Trung tâm Thể thao tỉnh; Huy động được nhiều nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ, cải thiện môi trường, cảnh quan kiến trúc đô thị.
Được biết, Trung tâm Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế - nhà trực, nhà xe với sân thể thao ngoài trời giai đoạn 2 có diện tích 12.346m2 (427m2 nhà); nhà vận động viên ở số 97, đường Bà Triệu, phường Xuân Phú, TP. Huế có diện tích 654m2 (nhà 319,5m2). Tổng diện tích đất hai khu đất vàng này khoảng 13.000m2.
Nhà thi đấu thể thao sẽ thành Quảng trường văn hóa
Cùng với Tờ trình nói trên, HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã tán thành, thông qua Tờ trình, về dự án Quảng trường Văn hóa Thể thao Bà Triệu (số 1 đường Hà Huy Tập). Đây là dự án do UBND TP. Huế lập đề xuất chủ trương đầu tư với mục tiêu cải tạo, chỉnh trang khu vực nhà thi đấu Bà Triệu nhằm từng bước hoàn thiện các thiết chế văn hóa, thể thao công cộng phục vụ người dân, định hướng phát triển không gian đô thị, kết nối hài hòa về hệ thống kiến trúc cảnh quan, góp phần nâng cao chất lượng sống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tổng mức đầu tư dự kiến Khoảng 196 tỷ đồng; Nguồn vốn đầu tư: Ngân sách tỉnh; Thời gian thực hiện dự án 4 năm.
Theo quy mô đầu tư dự án Phần xây dựng sẽ tiến hành tháo dỡ công trình hiện trạng khu vực quảng trường; Xây mới khán đài quan khách, diện tích khoảng 600m2; Cải tạo nhà thi đấu thành công trình văn hóa thể thao đa năng.
Nhà thi đấu Bà Triệu tại số 1 đường Hà Huy Tập, TP. Huế được đầu tư xây dựng từ năm 2004 phục vụ cho Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc tại Huế. Đây là công trình có quy mô lớn, nơi có thể tổ chức nhiều sự kiện thể dục thể thao lớn, mang tầm quốc gia và quốc tế. Trải qua thời gian sử dụng gần 20 năm, một số hạng mục công trình dần xuống cấp, đặc biệt là mái lợp đã bị thấm dột khá nặng nề, nền sân trong nhà thi đấu hư hỏng, cũ kỹ và xuống cấp không đáp ứng việc tổ chức các giải thể thao cấp quốc gia và quốc tế.
Theo UBND tỉnh, định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2050 của Chính phủ, TP. Huế được xác định là một trong 5 thành phố trung tâm cấp quốc gia, quốc tế; một trong 12 đô thị trung tâm cấp vùng. TP. Huế hiện tại và trong định hướng phát triển tương lai luôn là hạt nhân, đô thị trung tâm của Thừa Thiên - Huế với vai trò động lực thúc đẩy sự phát triển của toàn tỉnh; phát triển TP. Huế là tiền đề quan trọng trong việc xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành trung tâm của khu vực miền Trung. Chủ trương thực hiện chỉnh trang khu vực nhà thi đấu Bà Triệu đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất tại Kết luận số 276-KL/TU ngày 17/9/2021 nhằm thực hiện mục tiêu chỉnh trang và phát triển đô thị, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Vì vậy, việc đầu tư dự án Quảng trường Văn hóa Thể thao Bà Triệu là rất cần thiết, để cải tạo, chỉnh trang khu vực nhà thi đấu Bà Triệu nhằm từng bước hoàn thiện các thiết chế văn hóa, thể thao công cộng phục vụ người dân, định hướng phát triển không gian đô thị, kết nối hài hòa về hệ thống kiến trúc cảnh quan, góp phần nâng cao chất lượng sống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.