Aa

Thúc đẩy CSR là “lẽ kinh doanh” của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập sâu rộng

Thứ Bảy, 15/07/2023 - 06:00

Thúc đẩy CSR nên là “lẽ kinh doanh” của DN Việt Nam trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. Ngoài sự nỗ lực “thoát khỏi bản thân” về cách tư duy, kinh doanh, DN cũng cần chủ động nâng cao hiểu biết về CSR.

LTS: Lịch sử đất nước dù thăng trầm, biến đổi không ngừng nhưng thời nào, giai đoạn nào dân tộc Việt Nam cũng sản sinh ra những doanh nhân vươn lên làm sự nghiệp lớn. Qua thời gian, đội ngũ doanh nhân có những bước phát triển đáng ghi nhận, hình thành những tên tuổi lớn, kiến tạo những thương hiệu quốc gia. Trong hành trình phát triển, từ những thăng - trầm, cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp đã bộc lộ bản lĩnh và khát vọng, cống hiến và đồng hành cùng vận nước. 

Khi đất nước phải căng mình ứng phó với hệ quả của đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vẫn kiên cường ở mặt trận kinh tế; đồng hành cùng đất nước vượt qua những giai đoạn khó khăn. Họ cũng là những người tiên phong đang giải bài toán hậu Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam - những người truyền cảm hứng mạnh mẽ nhất về câu chuyện vượt khó, làm giàu và sống có trách nhiệm - đã có nhiều đóng góp tích cực vào công tác an sinh xã hội và tạo nên những thay đổi tích cực cho cộng đồng. 

Báo cáo Chính trị tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh: "Nguồn lực phát triển cho giai đoạn tới là kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất". Để hiện thực hoá khát vọng Việt Nam sẽ trở thành quốc gia hùng cường vào năm 2045, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt chính là rường cột cho công cuộc kiến tạo tương lai thịnh vượng, với vai trò dẫn dắt và truyền cảm hứng trên hành trình thực hiện sứ mệnh và trách nhiệm xã hội của mình. 

Trân trọng và tự hào trước tinh thần phụng sự đất nước của cộng đồng doanh nghiệp - doanh nhân Việt, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes.vn) thực hiện chuyên đề: Doanh nghiệp, doanh nhân và trách nhiệm xã hội.

Trân trọng giới thiệu cùng độc giả!

Với quá trình phát triển, sự thay đổi của môi trường kinh doanh, cạnh tranh và các giá trị cuộc sống, cùng quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng, CSR (Corporate social responsibility - trách nhiệm xã hội) đang dần có sự thay đổi về bản chất, nội dung và cách thức thực hiện.

Theo Ngân hàng Thế giới, CSR được hiểu là cam kết của doanh nghiệp đóng góp cho việc phát triển kinh tế bền vững, thông qua việc tuân thủ chuẩn mực về bảo vệ môi trường, bình đẳng về giới, an toàn lao động, quyền lợi lao động… theo cách có lợi cho cả doanh nghiệp cũng như cho sự phát triển chung của xã hội. Trách nhiệm xã hội bao gồm 4 khía cạnh chủ yếu, bao gồm: Kinh tế, pháp lý, đạo đức và lòng bác ái.

Trong đó, khía cạnh kinh tế trong CSR là cách thể hiện đối với doanh nghiệp và các bên (cổ đông liên quan, người lao động, người tiêu dùng), theo đó phải thực sự góp phần vào tăng thêm phúc lợi cho xã hội, đảm bảo sự tồn tại và phát triển bền vững của doanh nghiệp và khía cạnh này là cơ sở cho các hoạt động của doanh nghiệp. Phần lớn các nghĩa vụ kinh tế trong kinh doanh đều được thể chế hoá thành các nghĩa vụ pháp lý như cạnh tranh bình đẳng, bảo vệ lợi ích chính đáng của khách hàng, bảo vệ môi trường, thúc đẩy sự công bằng và an toàn trong lao động. Trách nhiệm với thị trường và người tiêu dùng đảm bảo sự an toàn đối với các sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp sản xuất, cung ứng ra. Trách nhiệm về bảo vệ môi trường đảm bảo cho sự phát triển bền vững của môi trường là sự cam kết bảo vệ, đồng thời không gây hại cho môi trường sống, lao động.

Lợi ích của thực hiện trách nhiệm xã hội

Thực hiện CSR trong nhiều trường hợp mang lại lợi ích cho doanh nghiệp/cổ đông, người tiêu dùng, cộng đồng và đất nước. Đối với doanh nghiệp/cổ đông, lợi ích được thể hiện ở các phương diện khác nhau. Theo đó, CSR không chỉ tạo ra hình ảnh công ty tốt mà còn mang lại giá trị cho công ty dưới dạng lợi ích tài chính.

Kết quả của 58 nghiên cứu có uy tín cao gần đây cho thấy, CSR không trực tiếp dẫn đến tăng hiệu quả tài chính sinh lời ngắn hạn (như lợi nhuận, doanh thu, ROA, ROE) thông qua việc nâng cao danh tiếng và giá trị thương hiệu của công ty, mà góp phần tăng hiệu quả tài chính dài hạn và lợi nhuận cổ phiếu.

Sang
TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. (Ảnh: NVCC)

Ngoài ra, CSR là nguồn lực, có thể đóng góp vào lợi thế cạnh tranh dựa trên tính bền vững, tăng khả năng đổi mới; hơn nữa, lòng trung thành của khách hàng và sự hài lòng của khách hàng có thể giúp cải thiện hiệu quả tài chính. Có nhiều bằng chứng cho thấy, khách hàng sẵn sàng trả giá cao hơn nếu công ty tham gia vào hoạt động xã hội tích cực hơn; tương tự, các nhà đầu tư có xu hướng đầu tư vào các công ty tích cực thực hiện CSR.

Đối với các công ty bất động sản, lợi ích từ việc xanh hóa công trình, thân thiện hóa với môi trường sinh sống cũng khá rõ, thể hiện ở những lợi ích hữu hình và vô hình của các công trình xanh, thân thiện với môi trường sống. Những lợi ích hữu hình bao gồm tổng chi phí vận hành có thể được bù đắp thông qua giá năng lượng thấp hơn, sử dụng nước ít hơn, chi phí vận hành và bảo trì dài hạn thấp hơn. Các lợi ích bổ sung bao gồm các yếu tố giúp giảm rủi ro có thể ảnh hưởng đến thu nhập cho thuê và giá trị tương lai của tài sản bất động sản, từ đó có thể ảnh hưởng đến lợi tức đầu tư.

Thống kê của một số công ty bất động sản ở Mỹ cho thấy, ước tính các công trình xanh tiêu thụ năng lượng ít hơn từ 29 - 50% so với công trình năng lượng “không xanh”; sử dụng nước ít hơn 40%; phát thải CO2 ít hơn từ 33 - 39%; và tạo ra chất thải rắn ít hơn khoảng 70%. Trong khi đó, các lợi ích vô hình bao gồm năng suất của công nhân và nhân viên cao hơn trong các tòa nhà xanh đã được chứng minh là có hệ thống thông gió và điều kiện môi trường trong nhà tốt hơn.

Tổn phí của thực hiện trách nhiệm xã hội

Mặc dù có thể mang lại những lợi ích khác nhau nhưng việc thực thi CSR có thể gây ta những tổn phí nhất định có liên quan đến việc tuân thủ các tiêu chuẩn (tổn phí tuân thủ và vận hành). Trước hết, việc thực hiện CSR gây tốn kém khác nhau cho các doanh nghiệp; để “ứng phó”, các doanh nghiệp này dường như bù đắp cho sự mất mát lợi nhuận này bằng cách chuyển chi phí cho người lao động dưới hình thức trả lương thấp hơn. Nói cách khác, khi các công ty thực hiện CSR, người lao động có thể bị giảm thu nhập trong ngắn hạn, nếu lợi ích tổng thể từ việc thực hiện CRS tăng thấp hơn so với các tổn phí phát sinh.

Bên cạnh đó, việc tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn có thể cản trở tính linh hoạt của tổ chức, kìm hãm sự sáng tạo và đổi mới trong môi trường làm việc.

trách nhiệm xã hội dn
CSR không chỉ tạo ra hình ảnh công ty tốt mà còn mang lại giá trị cho công ty dưới dạng lợi ích tài chính. (Ảnh: TH TrueMilk)

Định hướng thực hiện CSR đối với doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh phát triển mới

Doanh nghiệp Việt Nam hiện đang trong thời kỳ nền kinh tế phải đối mặt với nhiều bất định và chịu tác động đa chiều. Tác động lâu dài của đại dịch Covid-19, chiến sự xung đột Nga - Ukraine, chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed… đã tạo ra nhiều bất ổn vĩ mô ở nhiều nước phát triển. Trong nước, tình hình giải ngân đầu tư công thấp, nhiều phân khúc thị trường bất động sản đang bị đình đốn, suy giảm mạnh tăng trưởng tín dụng, cùng các tác động tiêu cực bên bên ngoài… đã làm giảm thặng dư thương mại, giải ngân đầu tư công, tăng trưởng GDP, đặc biệt là thu nhập và việc làm. Trong bối cảnh đó, việc thực hiện hữu hiệu trách nhiệm kinh tế, môi trường, tinh thần bác ái, từ thiện trở nên khó khăn hơn.

Tuy nhiên, việc Việt Nam thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đây giúp doanh nghiệp trong nước thực hiện thuận lợi hơn, bình đẳng hơn trách nhiệm xã hội về môi trường, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, môi trường lao động; thúc đẩy bình đẳng giới, nhân văn hơn đối với người lao động, những người yếu thế trong cộng đồng.

Đối với doanh nghiệp bất động sản yếu kém, gặp khó khăn hiện nay do thị trường đình trệ, cùng với việc tháo gỡ khó khăn trước mắt về kinh doanh, cần nỗ lực lớn hơn phương diện trách nhiệm xã hội về kinh tế - đó là “thoát” ra khỏi cách “làm ăn chộp giật”, thiếu chuyên nghiệp, lạm dụng và lừa dối khách hàng; cần tăng lòng tin đối với khách hàng, nhà đầu tư, minh bạch hóa và tăng giải trình các hoạt động kinh doanh. Việc Ngân hàng Nhà nước ban hành gói hỗ trợ xây dựng xây dựng nhà ở xã hội với lãi suất thấp là cơ hội tốt để doanh nghiệp đa dạng hóa các dự án kinh doanh, tăng hiệu quả tổng thể kinh doanh và là cơ hội để doanh nghiệp thể hiện CSR của mình trên các phương diện khác nhau như đã nêu.

xe vinfast
Thúc đẩy CSR là “lẽ kinh doanh” của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. (Ảnh: Vinfast)

Tuy nhiên, vai trò “bà đỡ” của Nhà nước là rất quan trọng trong việc hoàn thiện pháp luật về bất động sản, đầu tư công, xây dựng, giải phóng mặt bằng và tháo gỡ nhanh các vướng mắc liên quan khác; qua đó giúp doanh nghiệp bất động sản vượt qua khó khăn trước mắt, đồng thời thực hiện nhiều hơn các trách nhiệm xã hội theo khả năng, điều kiện của mình.

Trong trung và dài hạn, các nhà lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp ít hoặc chưa thực hiện CSR nên: (1) Thực hiện có lộ trình các sáng kiến, biện pháp CSR vì các hoạt động này thường dẫn đến lợi nhuận cao hơn, mặc dù là gián tiếp; (2) Coi thực hiện CSR là tiền đề để nâng cao giá trị thương hiệu và danh tiếng, uy tín của công ty vì chúng góp phần tạo nên lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường; và (3) Triển khai các sáng kiến CSR thành chiến lược kinh doanh và truyền đạt tới các bên liên quan bên ngoài bằng cách thay đổi nhận thức về thương hiệu và giúp thu được lợi ích tài chính trong tương lai.

Thúc đẩy CSR trong thời gian tới nên là “lẽ kinh doanh” của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. Ngoài sự nỗ lực “thoát khỏi bản thân” về cách tư duy, cách kinh doanh, liên tục trau dồi tri thức kinh doanh toàn cầu và hiểu biết địa phương trong nước, ngành nghề của mình, doanh nghiệp cũng cần chủ động nâng cao hiểu biết về sự thay đổi của các mô hình hoạt động CSR, cách thức và lộ trình thực hiện chúng để hoạt động CSR cũng như hiệu quả kinh doanh thực sự thúc đẩy nhau “cùng tiến”, giúp xây dựng một xã hội tươi đẹp hơn, nhân văn hơn, đặc biệt, giá trị của doanh nghiệp trở nên toàn diện, đẳng cấp và bền vững hơn đối với cộng đồng, dân tộc./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top