Aa

Thúc đẩy liên kết doanh nghiệp - Đòn bẩy nâng sức cạnh tranh quốc gia

Thảo Bùi
Thảo Bùi Buithao021197@gmail.com
Thứ Sáu, 18/04/2025 - 11:28

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp 2025, TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược đã đưa ra nhiều phân tích và khuyến nghị quan trọng nhằm tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, thúc đẩy liên kết doanh nghiệp trong bối cảnh mới.

Trong bối cảnh kinh tế - địa chính trị toàn cầu biến động nhanh, phức tạp và khó lường, liên kết doanh nghiệp không chỉ là xu hướng mà đã trở thành một yêu cầu cấp thiết để nâng cao năng lực thích ứng, mở rộng thị trường, khai thác hiệu quả các mô hình kinh doanh mới, chia sẻ nguồn lực và giảm thiểu rủi ro.

Theo bà Minh, hiện nay các hình thức liên kết giữa doanh nghiệp ngày càng đa dạng - từ liên kết ngang (giữa các doanh nghiệp cùng ngành), liên kết dọc (hình thành chuỗi cung ứng), đến hợp tác chiến lược, góp vốn, mua bán - sáp nhập, thành lập các nhóm công ty nhằm chia sẻ thị trường, công nghệ và thông tin. Đáng chú ý, số lượng doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia cũng đang có xu hướng tăng, bên cạnh sự phát triển liên kết giữa doanh nghiệp nhà nước và tư nhân thông qua quá trình cổ phần hóa.

Tuy nhiên, theo đánh giá, phần lớn các mối liên kết hiện nay vẫn rời rạc, thiếu tính hệ thống và chiều sâu. Mạng lưới liên kết doanh nghiệp tại Việt Nam chủ yếu tồn tại trong phạm vi cùng hệ thống sở hữu, thiếu vắng các doanh nghiệp đầu tàu có khả năng dẫn dắt hệ sinh thái doanh nghiệp nhỏ và vừa vươn lên chuỗi giá trị toàn cầu.

Thúc đẩy liên kết doanh nghiệp - Đòn bẩy nâng sức cạnh tranh quốc gia- Ảnh 1.

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược (Ban Chính sách và Chiến lược Trung ương) phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp 2025. (Ảnh: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp)

Chuỗi liên kết nội địa lỏng lẻo, khó phát triển

Dẫn chứng từ thực tế, bà Minh cho biết: Việt Nam hiện chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp nội địa tham gia chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI, trong số hơn 1.800 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ - chủ yếu ở khâu cung ứng sản phẩm, dịch vụ giá trị gia tăng thấp. Bên cạnh đó, hơn 97% doanh nghiệp được khảo sát không có hoạt động xuất khẩu, và 99% không sản xuất hàng hóa phục vụ thị trường quốc tế.

Một vấn đề đáng lo ngại là có đến 53,3% doanh nghiệp trong nước được khảo sát không đặt mục tiêu rõ ràng khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, cho thấy sự thiếu định hướng chiến lược trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo bà Minh, nguyên nhân của thực trạng trên xuất phát từ năng lực sản xuất - cung ứng yếu, khó cạnh tranh về giá cả, chất lượng, thời gian giao hàng và quy mô đơn hàng. Hơn nữa, phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn hoạt động đơn lẻ, thiếu khả năng hình thành mạng lưới chia sẻ đầu vào, tiêu thụ sản phẩm đầu ra, khiến chuỗi liên kết nội địa lỏng lẻo, khó phát triển.

Một trong những điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là chính sách và khung pháp lý chưa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp - nhất là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ - đầu tư nâng cao năng lực để tham gia liên kết. Việt Nam vẫn thiếu các chính sách đặc thù nhằm khuyến khích doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị, từ ưu đãi thuế, tín dụng, mặt bằng sản xuất đến bảo lãnh tín dụng theo mức độ tham gia liên kết.

Ngoài ra, khả năng tiếp cận các hình thức cấp vốn theo chuỗi giá trị còn hạn chế do quy định hiện hành chưa đủ linh hoạt. Hiệu quả thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng chưa cao, chưa tạo ra động lực thúc đẩy sự tham gia vào mạng lưới sản xuất trong nước và quốc tế.

Cần cải cách mạnh mẽ thể chế và hạ tầng số

Trước những thách thức trên, bà Minh kiến nghị cần tập trung tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, tối ưu hóa môi trường kinh doanh và thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính. Theo đó, cần đẩy mạnh số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý thủ tục, xây dựng hạ tầng số hiện đại - an toàn - kết nối, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng với thông tin đăng ký kinh doanh, cấp phép, chứng chỉ, thuế, hóa đơn, báo cáo tài chính…

Đồng thời, bà đề xuất cần có chính sách ưu đãi vượt trội nhằm thúc đẩy doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng, từ thuế, tiếp cận vốn, mặt bằng cho đến bảo lãnh tín dụng. Nhà nước cũng nên điều chỉnh chính sách thu hút FDI theo hướng nâng tỷ lệ nội địa hóa, yêu cầu các tập đoàn sử dụng sản phẩm - dịch vụ từ doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Bà Minh nhấn mạnh vai trò của việc hình thành các khu công nghiệp chuyên biệt cho doanh nghiệp vừa và nhỏ và khu thương mại tự do - nơi doanh nghiệp có thể phát triển tập trung theo mô hình chuỗi liên kết ngành, gắn với kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Kích hoạt "đầu kéo" tư nhân - Mở đường cho kinh tế chuỗi và chuyển đổi số

Một khuyến nghị quan trọng được bà Minh đưa ra là khuyến khích hình thành các doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn đóng vai trò "đầu kéo", liên kết và dẫn dắt doanh nghiệp vừa và nhỏ trong các ngành chiến lược như công nghiệp bán dẫn, điện tử, trí tuệ nhân tạo, công nghệ xanh, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ logistics, ICT và hạ tầng thông minh.

"Cần ưu tiên mua sắm công đối với sản phẩm, dịch vụ của các tập đoàn tư nhân trong nước, tạo điều kiện cho họ tham gia thực hiện các dự án đầu tư công trọng điểm", bà Minh đề xuất.

Cuối cùng, bà Minh kêu gọi tăng cường kết nối các doanh nghiệp giữa các thành phần kinh tế thông qua nền tảng số. Trong đó, cần phát triển hệ thống chia sẻ dữ liệu mở, giúp doanh nghiệp dễ dàng tìm kiếm đối tác, truy cập thông tin ngành nghề và cơ hội hợp tác. Mô hình cụm liên kết ngành giữa doanh nghiệp tư nhân - nhà nước - FDI cần được đổi mới, gắn với các chuỗi giá trị và chiến lược phát triển quốc gia.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top