Aa

Thúc đẩy tín dụng xanh

Chủ Nhật, 17/12/2023 - 10:33

Trong hành trình hiện thực hóa mục tiêu xanh của Việt Nam, tín dụng xanh, ngân hàng xanh đóng vai trò quan trọng, góp phần tạo động lực và hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển bền vững, không gây hại cho môi trường.

Thực tế việc triển khai nguồn vốn vay ngân hàng để phát triển các dự án xanh hiện nay còn những khó khăn nào. Vậy cần làm gì để mở rộng quy mô nguồn vốn này cũng như thúc đẩy hoạt động đầu tư vào các dự án xanh? 

Xoay quanh vấn đề trên, PV đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Trần Thị Thanh Tú, Trưởng Ban Khoa học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội.

PV: Thưa bà, thực tế triển khai tín dụng xanh hiện nay tại Việt Nam như thế nào?

PGS.TS. Trần Thị Thanh Tú: Hoạt động tín dụng xanh của Việt Nam đã có sự thay đổi rõ rệt trong vòng 5 năm gần đây. Năm 2017, tỷ trọng cho vay tín dụng xanh thông qua các ngân hàng thương mại chỉ chiếm khoảng 0,5% trong tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại; trong đó, chủ yếu khoảng 45% cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp xanh, nông nghiệp công nghệ cao. 

Tuy nhiên đến năm 2023, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đã có trên 60% các ngân hàng thương mại có tỷ trọng cho vay tín dụng xanh; đặc biệt có khoảng 30% các ngân hàng có dư nợ tín dụng xanh lên đến 1.000 tỷ đồng và 31% các ngân hàng có dư nợ cho vay đến 100 tỷ đồng. Như vậy, khoảng 60% các ngân hàng có dư nợ cho vay tín dụng xanh chiếm từ 0,02% đến 15% tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng.

Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng xanh cũng phát triển vượt bậc. Trong khoảng 2 - 3 năm gần đây, có ngân hàng tăng trưởng từ 20 - 25%. Trong khi cách đây 6 - 7 năm, tốc độ tăng trưởng chỉ khoảng 5 - 7%, rất thấp so với tốc độ tăng trưởng chung.

PV: Có thể thấy dù được quan tâm nhưng vốn cho các dự án, lĩnh vực xanh vẫn còn khá khiêm tốn. Theo bà, nguyên nhân do đâu?

PGS.TS. Trần Thị Thanh Tú: Đầu tư vào các dự án xanh có thời gian thu hồi vốn dài hơn so với dự án thông thường, tỷ suất sinh lợi cũng thấp hơn so với các dự án cùng lĩnh vực. Do đó, chưa thực sự hấp dẫn đối với các doanh nghiệp. 

Đối với ngân hàng, những dự án đầu tư xanh mang tính chất dài hạn hơn các dự án đầu tư thông thường, thời gian quay vòng vốn vì thế cũng lâu hơn. Do đó, giữa cung và cầu chưa thực sự mặn mà để thúc đẩy hoạt động đầu tư tín dụng xanh.

Bên cạnh đó, chính vì nguồn vốn đầu tư các dự án xanh mang tính dài hạn, có những dự án từ 10 - 15 năm, thậm chí 30 năm, trong khi đặc điểm nguồn vốn của các ngân hàng thương mại hiện nay chủ yếu là nguồn vốn ngắn hạn, chiếm từ 60 - 70% tổng huy động, nên phụ thuộc rất lớn vào các nguồn vốn trung và dài hạn của các tổ chức quốc tế.

PV: Khoảng 45% lượng vốn cho vay các dự án xanh ở Việt Nam đang được các ngân hàng đổ vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Vậy cơ sở nào để ngân hàng lựa chọn những ngành tiềm năng và có thứ tự ưu tiên khi cấp tín dụng xanh?

PGS.TS. Trần Thị Thanh Tú: Một nghiên cứu của chúng tôi năm 2018 đã chỉ ra rằng, thông qua hệ thống ngân hàng là kênh dẫn vốn đến toàn bộ nền kinh tế sẽ giúp tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng xanh hơn và cũng khuyến nghị các ngân hàng nên đầu tư vào các ngành nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao để có thể thay đổi cơ cấu nền kinh tế theo hướng xanh hơn.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tại thời điểm 2017 - 2018 có đến 40 - 45% dư nợ cho vay tín dụng xanh là đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp xanh, nông nghiệp sạch. Nhưng trong những năm gần đây, xu hướng đầu tư chuyển dịch sang năng lượng xanh, năng lượng tái tạo lại tăng lên. 

Nguyên nhân chủ yếu đến từ nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp. Bởi khả năng thu hồi vốn và sinh lợi của các dự án đầu tư lĩnh vực năng lượng có thể cao hơn so với đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời, nguồn vốn từ các tổ chức quốc tế hiện cũng ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, từ đó tạo ra nguồn vốn trung dài hạn khá dồi dào, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư vào năng lượng xanh.

PV: Bà đánh giá ra sao về tiềm năng mở rộng dòng vốn xanh tại Việt Nam trong thời gian tới? Và để mở rộng cần có những giải pháp gì?

PGS.TS. Trần Thị Thanh Tú: Tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP28), các quốc gia phát triển đã cam kết một nguồn quỹ huy động để hỗ trợ cho các nước đang phát triển để hướng tới chiến dịch giảm phát thải carbon net zero đã lên đến 30 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam cũng được cam kết cho vay lên đến 500 triệu USD. 

Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa các nguồn vốn trong nước cũng có vai trò khá quan trọng. Trong đó, các doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh để huy động nguồn vốn trung và dài hạn để đầu tư vào các dự án xanh của doanh nghiệp. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có những cam kết, hợp tác với các hiệp hội và tổ chức tài chính quốc tế để xây dựng thị trường trái phiếu xanh. 

Khách hàng giao dịch tại Hội sở Vietcombank. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN

Để phát triển thị trường vốn xanh, doanh nghiệp rất mong muốn nhận được hỗ trợ của Chính phủ. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành danh mục các dự án đầu tư xanh. Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan liên quan, các bộ ngành, ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính đưa ra các lựa chọn ưu tiên vào các dự án đáp ứng được tiêu chuẩn xanh.

Từ phía các ngân hàng thương mại, cần chủ động tiếp cận các nguồn vốn xanh từ các quỹ biến đổi khí hậu, quỹ tài chính khí hậu... Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm kiếm các dự án đầu tư xanh. Cần có sự kết hợp giữa nhà trường, viện nghiên cứu với doanh nghiệp để đưa các tiến bộ công nghệ theo hướng xanh hóa, công nghệ mới, hiện đại vào cuộc sống.

Thêm nữa, Chính phủ cũng cần tuyên truyền để chính người tiêu dùng thay đổi hành vi theo hướng xanh hơn, thay vì sử dụng túi ni lông thông thường thì sẽ sử dụng các loại túi ni lông sinh học, tự phân hủy..., từ đó sẽ điều tiết được cơ cấu đầu tư sản xuất của doanh nghiệp.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top