Aa

Các giải pháp để mở rộng và tăng trưởng tín dụng xanh

Thứ Năm, 14/09/2023 - 06:00

Về mặt pháp lý, ngành ngân hàng đã và đang hoàn thiện các quy định để phát triển tín dụng xanh. Tại TP.HCM, ngành ngân hàng tập trung ba giải pháp để mở rộng và tăng trưởng xanh hóa tín dụng.

Có thể nói về mặt chính sách, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã xây dựng và đang hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh, trong đó đáng chú ý là việc phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam theo Quyết định số 1604/QĐ- NHNN của Thống đốc NHNN Việt Nam; Quyết định số 34/QĐ-NHNN của Thống đốc NHNN ngày 7/1/2019 về việc ban hành Chương trình hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Mục tiêu của Đề án cũng như Chương trình hành động hướng đến thúc đẩy phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh để góp phần chuyển đổi nền kinh tế sang hướng tăng trưởng xanh, phát thải các bon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng tỷ trọng vốn tín dụng ngân hàng đầu tư vào năng lượng tái tạo (NLTT), năng lượng sạch, các ngành sản xuất và tiêu dùng ít các bon…

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM.

Với những đề án, kế hoạch, chỉ thị và chương trình hành động cụ thể, bên cạnh đó là những hướng dẫn cụ thể thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng, đây là những cơ sở pháp lý và tiền đề quan trọng để các TCTD mở rộng và phát triển tín dụng xanh. Trong quá trình này, để mở rộng và tăng trưởng tín dụng xanh trên địa bàn TP.HCM, ở góc độ địa phương, ngành ngân hàng thành phố tập trung tổ chức triển khai thực hiện tốt 3 giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, tổ chức triển khai thực hiện tốt cơ chế chính sách của NHNN về phát triển tín dụng xanh bằng những chương trình hành động cụ thể gắn với việc thực hiện các chương trình tín dụng của Chính phủ, của NHNN và của UBND Thành phố theo hướng đạt được mục tiêu cụ thể về tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh gắn liền với tăng trưởng kinh tế xanh trên địa bàn Thành phố. Trong đó, trên cơ sở các quy định của NHNN và quy định pháp luật có liên quan, các TCTD tiếp tục xây dựng và hoàn thiện quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong việc cấp tín dụng và tích hợp nội dung này vào quy trình cấp tín dụng xanh; cũng như sử dụng sổ tay đánh giá rủi ro môi trường và xã hội cho các ngành kinh tế trong quá trình thẩm định, đánh giá xét duyệt cho vay; xây dựng và phát triển sản phẩm tín dụng xanh để thuận lợi trong quá trình mở rộng và tăng trưởng tín dụng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xanh của Thành phố.

Thứ hai, khai thác và sử dụng vốn an toàn hiệu quả và đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn cho tăng trưởng kinh tế xanh. Trong giai đoạn hiện nay, các dự án xanh thường có nhu cầu vốn lớn và thời gian trung dài hạn để đầu tư đổi mới công nghệ, đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch hoặc công nghệ sạch, xanh… trên nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Vì vậy, về phía các TCTD cần khai thác và sử dụng vốn hiệu quả hợp lý và phù hợp về cơ cấu kỳ hạn; về lãi suất; về nguồn vốn để đảm bảo an toàn hiệu quả trong quá trình mở rộng và tăng trưởng tín dụng xanh. Đồng thời mở rộng, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay từ các định chế tài chính nước ngoài trong chương trình phát triển kinh tế xanh, bảo vệ môi trường và phát triển thị trường tín chỉ carbon…

Thứ ba, làm tốt công tác thông tin truyền thông. Đây là giải pháp quan trọng và mang lại nhiều ý nghĩa đặc biệt trong giai đoạn đầu phát triển tín dụng xanh. Trên tinh thần là nhiệm vụ của toàn ngành ngân hàng thành phố, với 2 mục tiêu cần đạt được và cần quán triệt đó là: nhận thức tầm quan trọng và vai trò ý nghĩa của tín dụng xanh, sự cần thiết mở rộng và tăng trưởng tín dụng xanh không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xanh, phù hợp xu hướng thời đại mà còn là động lực để hoạt động tín dụng ngân hàng tăng trưởng và phát triển bền vững, tạo dư địa cho tăng trưởng và hỗ trợ giải pháp đổi mới mô hình tăng trưởng. Theo đó, cần thông tin truyền thông về trách nhiệm của mỗi cán bộ nhân viên ngân hàng trong thực hiện giải pháp phát triển tín dụng xanh, trong việc thông tin tư vấn cho khách hàng… từ đó, nhận thức vai trò trách nhiệm xã hội trong thực hiện các giải pháp liên quan đến hoạt động của nền kinh tế xanh, tạo thuận lợi và hiệu ứng chung không chỉ thực hiện tốt việc phát triển tín dụng xanh mà còn đối với các chương trình phát triển kinh tế xanh của đất nước.

Giải pháp này cần thực hiện thường xuyên liên tục, kết hợp thông tin truyền thông với hành động cụ thể, việc làm cụ thể. Trước mắt, cần tăng cường thực hiện những hoạt động đầu tiên, ấn tượng và đơn giản trong quá trình về xây dựng và phát triển ngân hàng xanh theo đúng nghĩa hẹp của mô hình “ngân hàng xanh”với công việc cụ thể, thiết thực như: cải thiện môi trường làm việc từ hệ thống cây xanh, cây cảnh đến việc sử dụng trang thiết bị sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm năng lượng và hành động của mỗi cán bộ nhân viên về những vấn đề này.

Ước tính của KPMG cho biết, để đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050, Việt Nam sẽ cần khoảng 368 tỷ USD đầu tư từ nay đến năm 2040. Sáu ngành dự kiến hưởng lợi là năng lượng tái tạo; công trình xanh; phương tiện giao thông vận tải sử dụng điện; nông nghiệp - chuỗi cung ứng thực phẩm; công nghiệp nặng; và chuỗi cung ứng.

Báo cáo Quốc gia về Khí hậu và Phát triển cho Việt Nam của World Bank năm 2022 nêu: 100 triệu người dân Việt Nam thuộc nhóm dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước tác động của khí hậu đang phải đối mặt với nhiều rủi ro dọc theo bờ biển dài 3.260 km và các vùng trũng thấp rộng lớn của đất nước. Nguy cơ đối với các khu đô thị và khu công nghiệp, đặc biệt là trong và xung quanh trung tâm kinh tế TP.HCM, đặt nhiều bộ phận lớn của nền kinh tế vào rủi ro. Đồng bằng sông Cửu Long, nơi sinh sống của 18 triệu người, đã và đang bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu; hơn 70% diện tích đất của một số tỉnh thành có thể bị ngập trong vòng 80 năm nữa. Báo cáo cho biết Việt Nam thiệt hại khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020, tương đương 3,2% GDP, do các tác động của khí hậu. Các mô hình cho thấy tổng chi phí kinh tế do biến đổi khí hậu gây ra có thể lên tới 523 tỷ USD vào năm 2050. Báo cáo cho rằng cần ưu tiên đầu tư để giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu.

Báo cáo cũng khuyến nghị, “Việt Nam phải dành nguồn lực lớn để bảo vệ TP.HCM - đô thị lớn nhất cả nước và đường bờ biển trũng thấp, và vùng Đồng bằng sông Cửu Long khỏi tác động của biến đổi khí hậu". Nói cách khác, vùng TP.HCM đang là khu vực rất cần được khơi dòng chảy tín dụng xanh mạnh hơn nữa.

Ở góc độ ngành ngân hàng, dữ liệu ghi nhận tổng dư nợ tín dụng xanh hiện nay mới đạt 528 nghìn tỷ (chiếm 5% trong tổng dư nợ nền kinh tế). Tốc độ tăng dư nợ bình quân đạt tích cực khoảng 26%/năm với tín dụng xanh, nhưng đến năm 2050 đòi hỏi tiến tới Net Zero, vốn và nguồn đầu tư thông qua kênh tín dụng là nguồn lực chính, do đó tốc độ này chưa hẳn đáp ứng được yêu cầu chính đặt ra. Bên cạnh đó, hiện nay có 43 các tổ chức tín dụng tham gia cấp tín dụng xanh.

NHNN đặt mục tiêu, năm 2025 có 100% TCTD tham gia hoạt động cấp tín dụng xanh. Trong đó, các ngân hàng phải có hướng dẫn, quy định nội bộ thực hiện đánh giá rủi ro môi trường xã hội theo quy định; tỷ trọng tín dụng xanh trong nền kinh tế tăng lên 10% vào cuối 2025.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top