Aa

Thúc đẩy xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp

Thứ Sáu, 29/10/2021 - 06:15

Tỉnh Lâm Đồng dành nhiều diện tích đất để xây dựng nhà ở cho công nhân tại 2 khu công nghiệp lớn. Tỉnh Khánh Hòa cũng xúc tiến xây dựng khu nhà ở và những công trình hạ tầng xã hội phục vụ đời sống công nhân.

Lâm Đồng: Đẩy nhanh xây nhà ở cho công nhân

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản về việc triển khai thực hiện một số giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp. Theo đó, hiện nay trên địa bàn có 2 khu công nghiệp đang đi vào hoạt động, gồm Khu công nghiệp Lộc Sơn (TP. Bảo Lộc), Khu công nghiệp Phú Hội (huyện Đức Trọng), với tổng diện tích hơn 243,6ha; tổng số lao động làm việc trong khu công nghiệp là hơn 4.850 lao động.

Lâm Đồng triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp
Lâm Đồng triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp

Qua khảo sát, tại Khu công nghiệp Phú Hội có hơn 700 công nhân có nhu cầu về nhà ở. Hiện đã có quỹ đất được giải phóng mặt bằng dành cho đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, với diện tích 17.959m2, quy mô xây dựng 5 tầng. Trong khi đó, tại Khu công nghiệp Lộc Sơn có hơn 1.100 công nhân có nhu cầu về nhà ở. Hiện đã xác định quỹ đất 3,5ha dành để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhưng chưa tổ chức đền bù giải phóng mặt bằng, chưa triển khai quy hoạch chi tiết.

Để đẩy nhanh việc phát triển nhà ở xã hội cho công nhân và người lao động tại các khu công nghiệp, UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Xây dựng tham mưu tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, xây dựng, khai thác nhà ở xã hội cho công nhân tại Khu công nghiệp Phú Hội; lưu ý việc triển khai phải đồng bộ với xây dựng các công trình sinh hoạt cộng đồng, nhà trẻ, cơ sở y tế, thể dục thể thao… Đồng thời, hướng dẫn UBND TP. Bảo Lộc và Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh lập quy hoạch chi tiết xây dựng nhà ở cho công nhân Khu công nghiệp Lộc Sơn; đẩy nhanh tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để kêu gọi đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, hoàn thành trước tháng 6/2022.

Theo Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, việc thu hút đầu tư về nhà ở xã hội cho công nhân tại Khu công nghiệp Phú Hội đã được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt danh mục thu hút đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020. Đến tháng 4/2021, một công ty bất động sản đã đề xuất đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân tại Khu công nghiệp Phú Hội. Theo đó, nhà đầu tư đề xuất khối chung cư (12 tầng), khu nhà ở xã hội thấp tầng (2 tầng), khu nhà ở thương mại (3 tầng). Tuy nhiên, đề xuất này của doanh nghiệp vượt các chỉ tiêu về quy hoạch chi tiết. Đến tháng 10/2021, Sở Xây dựng đã bổ sung vào danh mục dự án thu hút đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 để tiếp tục kêu gọi đầu tư. Đối với quỹ đất tại Khu công nghiệp Lộc Sơn, hiện nay đã xác định ranh giới, vị trí quỹ đất để lập quy hoạch chi tiết nhưng chưa thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng.

Nhu cầu nhà ở của công nhân tại các khu ông nghiệp Lâm Đồng rất lớn
Nhu cầu nhà ở của công nhân tại các khu ông nghiệp Lâm Đồng rất lớn

Nhằm đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho công nhân, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cũng đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh chủ trì, kiểm tra rà soát danh mục kêu gọi đầu tư đối với dự án nhà ở cho công nhân, trình UBND tỉnh phê duyệt để kêu gọi đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, Sở Tài nguyên - Môi trường hỗ trợ Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Lâm Đồng thực hiện các thủ tục về giải phóng mặt bằng đối với quỹ đất dành để xây dựng nhà ở xã hội; các chính sách về đất đối với việc xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động tại khu công nghiệp theo quy định.

Khánh Hòa: Nhu cầu nhà ở cho công nhân ngày càng tăng

Tại Khánh Hòa, Khu công nghiệp Suối Dầu (huyện Cam Lâm) là khu công nghiệp lớn nhất của tỉnh. Hiện nay, trong tổng số khoảng 14.000 công nhân làm việc tại đây thì có khoảng 1.500 người đang phải đi thuê trọ hoặc ở nhà người thân, người quen nên nhu cầu về nhà ở rất lớn.

Nhu cầu về nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp ngày càng trở lên bức thiết. Trong ảnh: Công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Suối Dầu
Nhu cầu về nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp ngày càng trở lên bức thiết. Trong ảnh: Công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Suối Dầu

Chị Phạm Thị Tuyết Trang cho biết hai vợ chồng chị đã làm việc ở một công ty chuyên chế biến thực phẩm trong Khu công nghiệp Suối Dầu gần 10 năm. Hai vợ chồng phải thuê phòng trọ và nuôi con nhỏ nên tiết kiệm hết mức cũng chỉ để dành được chút ít, phòng khi ốm đau. Còn mơ ước mua được mảnh đất, xây nhà dường như rất xa vời. Chị Trang nói: “Thu nhập mỗi tháng của hai vợ chồng mới chỉ đủ chi phí sinh hoạt, nuôi con. Mua đất, xây nhà là một việc quá khó khăn. Nếu được các cấp, ngành, doanh nghiệp hỗ trợ xây nhà ở xã hội với những ưu đãi dành cho công nhân thì sẽ rất thuận lợi, tạo điều kiện để người lao động yên tâm làm việc, ổn định đời sống”.

Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Khánh Hòa, qua khảo sát sơ bộ, tại Khu công nghiệp Suối Dầu hiện nay có khoảng 1.500 công nhân có nhu cầu về nhà ở. Tuy nhiên, dự kiến thời gian tới, khi các doanh nghiệp tiếp tục vào đầu tư tại đây, số lượng lao động sẽ tăng lên và công nhân có nhu cầu về nhà ở sẽ càng tăng. Việc giải quyết vấn đề nhà ở cho người lao động ngày càng trở nên bức thiết.

Nhiều năm qua, Công đoàn tỉnh Khánh Hòa đã triển khai mạnh mẽ việc hỗ trợ xây nhà ở cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn từ nguồn Quỹ “Mái ấm công đoàn”. Qua đó góp phần xóa nhà tạm bợ cho nhiều người lao động, tạo động lực để họ an tâm làm việc. Tuy nhiên, theo quy định thì những gia đình công nhân có đất ở hợp pháp mới được hỗ trợ. Trong khi đó, hiện nay, số lượng công nhân gặp khó khăn lại chưa có đất, đang phải thuê trọ rất lớn.

Ông Võ Duy Trúc, Chánh Văn phòng Liên đoàn Lao động tỉnh Khánh Hòa cho biết, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định điều chỉnh Quy hoạch xây dựng (tỷ lệ 1/2.000) Khu công nghiệp Suối Dầu. Theo đó, dành quỹ đất hơn 9,41ha thuộc quy hoạch chung để xây dựng khu nhà ở và các công trình nhà trẻ, trường học… để phục vụ đời sống công nhân. Khu vực quy hoạch có quy mô dân số hơn 4.000 người.

Dự kiến, nơi đây sẽ xây dựng khu nhà ở cho các chuyên gia; khu nhà ở cho công nhân với 3 khu chung cư cao 5 tầng và khu nhà ở liền kề cao không quá 3 tầng; khu thiết chế văn hóa, thể thao; trung tâm dịch vụ khu công nghiệp; nhà trẻ cao không quá 2 tầng; công viên cây xanh… Khu nhà ở công nhân với đầy đủ các dịch vụ phúc lợi được hình thành sẽ giải quyết tốt nhu cầu về nhà ở cho công nhân; góp phần bảo đảm an sinh xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để khu công nghiệp phát triển bền vững.

Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa và các cơ quan chức năng đang xây dựng kế hoạch cụ thể, thống nhất về phương thức, nội dung, kinh phí đầu tư nhằm sớm triển khai dự án. Liên đoàn Lao động Việt Nam và tỉnh Khánh Hòa cũng đang xây dựng quy chế phối hợp triển khai thực hiện đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”. Theo đó, Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với tỉnh Khánh Hòa chuẩn bị điều kiện về đất đai, quy hoạch, tiến hành thu hút các nguồn vốn đầu tư để xây dựng thiết chế công đoàn tại khu công nghiệp; đưa vào khai thác sử dụng dự án thiết chế công đoàn tại Khu công nghiệp Suối Dầu trong giai đoạn 2021 - 2023./.

Vấn đề đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho công nhân luôn là bài toán khó nhiều năm qua. Đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 và hiện tượng hàng nghìn công nhân rời bỏ TP.HCM về quê vì mất việc tạm thời, gặp khó khăn khi chi trả sinh hoạt phí, tiền thuê nhà… là tình trạng “ngược dòng” chưa từng xảy ra. Điều này, một lần nữa, gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguồn cung nhà ở cho lực lượng này tại các khu công nghiệp tại TP.HCM còn rất thiếu. 

Liên quan đến những khó khăn về vấn đề chỗ ở của công nhân, nhất là sau đợt dịch Covid-19 vừa qua, TP.HCM đang đề xuất nghiên cứu xây dựng 1 triệu căn nhà giá rẻ cho công nhân. Có thể nói mục tiêu này chính là điểm sáng cho thấy sự quyết liệt của chính quyền thành phố trong việc giải bài toán an sinh xã hội cho người thu nhập thấp. Tuy nhiên, làm thế nào để có thể hiện thực hoá được mục tiêu một cách kịp thời nhất khi mà thực tế 5 năm gần đây số nhà ở xã hội được xây dựng tại TP.HCM còn chưa đến 20.000 căn? Có lẽ cần phải "chỉ mặt, gọi tên" từng vướng mắc cụ thể để tháo gỡ cũng như có những giải pháp mang tính đột phá hơn nữa. 

Trên tinh thần nghiên cứu và phản biện, Reatimes đang triển khai tuyến bài "Nhà ở công nhân nhìn từ tác động Covid-19" cùng những vấn đề được nhiều người quan tâm như: Xây dựng 1 triệu nhà ở giá rẻ cho công nhân, người thu nhập thấp: Khó khăn và giải phápTháo gỡ nút thắt nhà ở công nhân nhìn từ tác động của đại dịch Covid-19Công nghiệp hóa tách rời đô thị hóa: Bức tranh phát triển đầy hệ lụy...

Mời quý độc giả theo dõi và đón đọc trên Reatimes.vn!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top