Chuyên gia Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá - Bộ Tài chính.
Vắt kiệt nguồn thu
Ông đánh giá như thế nào về quy định tại Thông tư 78/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính: Doanh nghiệp (DN) hoạt động kinh doanh nếu lỗ hoạt động chuyển nhượng bất động sản (BĐS) được bù trừ với lãi của hoạt động SX-KD. Tuy nhiên, lãi của hoạt động chuyển nhượng BĐS không được bù trừ với lỗ của hoạt động SX-KD khác mà phải kê khai nộp thuế riêng?
Việc quy định cho phép các DN bù lợi nhuận thu được từ lĩnh vực kinh doanh khác sang lĩnh vực BĐS khi bị thua lỗ, nhưng lại không được lấy lợi nhuận từ kinh doanh BĐS để bù trừ cho các hoạt động khác bị thua lỗ là một quy định của tư duy quản lý kinh doanh phi thị trường, một sự bất bình đẳng, một rào cản, một trở lực đối với môi trường đầu tư kinh doanh. Đây là một quy định lạc lõng, không thể tìm thấy ở bất cứ một quốc gia nào trên thế giới hoạt động theo mô hình kinh tế thị trường.
Theo thông tin từ ông Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), nếu áp dụng quy định bù trừ lãi từ bán BĐS cho hoạt động kinh doanh khác, ngân sách sẽ giảm thu khoảng 3.000 tỷ đồng. Đối với cơ quan chức năng - người nắm ngân khố quốc gia, chỉ nghĩ cách “vắt kiệt nguồn thu, không nghĩ đến việc nuôi dưỡng” thì không bao giờ có nguồn thu, đồng thời trái với nguyên tắc hoạt động tài chính trong nền kinh tế thị trường bối cảnh hội nhập và có sự cạnh tranh gay gắt. Cách làm này cũng trái với tinh thần của Đảng và Nhà nước ta là nhằm tạo thuận lợi, công bằng đối với các DN hoạt động kinh doanh mọi ngành nghề mà pháp luật không cấm; trái với tư tưởng chỉ đạo với các nghị quyết của Chính phủ về gỡ bỏ những rào cản đối với môi trường đầu tư kinh doanh.
Thực tế, DN thu lãi từ chuyển nhượng BĐS 1 tỷ đồng, lỗ từ lĩnh vực khác 1,5 tỷ đồng. Kết quả lỗ 500 triệu đồng nhưng vì quy định trên nên vẫn phải nộp thuế 200 triệu (thuế suất 20% của 1 tỷ đồng), ông đánh giá gì về trường hợp này?
Đó là sự bất công, sự phân biệt giữa hoạt động kinh doanh BĐS với hoạt động các ngành khác. Tại sao lại như vậy? Phải chăng có sự phân biệt giữa ngành nghề kinh doanh. Coi đầu tư kinh doanh BĐS là “con nuôi”, ngành nghề đặc biệt hoặc ngành nghề không khuyến khích, cần hạn chế? Hay lo sợ nếu tạo ra sự công bằng trong việc tính toán bù trừ đối với toàn bộ lĩnh vực hoạt động hợp pháp của DN, ngân sách sẽ mất nguồn thu 3.000 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh BĐS. Tại sao lại có sự phân biệt, kỳ thị và dị ứng đối với lĩnh vực hoạt động đầu tư kinh doanh BĐS như vậy?
Quản lý phải sử dụng công cụ thuế để điều tiết và phân phối lại thu nhập, nhưng cách điều tiết thông qua mức thuế cao hoặc thấp chứ không ai sử dụng công cụ thuế để điều tiết thu nhập hoặc phân phối lại thông qua cách phân biệt đối xử với BĐS như nói trên.
Trong điều kiện hiện nay, khi nền kinh tế chúng ta đang hoạt động theo cơ chế thị trường, nếu chưa có sự công bằng thực sự trong hoạt động kinh doanh đối với mọi lĩnh vực mà pháp luật cho phép sẽ là một rào cản lớn đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Quy định đã quá lạc hậu, bất hợp lý cần được loại bỏ ngay |
Nhưng cũng có quan điểm cho rằng, quy định như vậy vì BĐS là lĩnh vực siêu lợi nhuận, dễ đầu cơ cần phải “siết” lại?
Quan điểm như vậy theo tôi quá lệch lạc, thiển cận. Chúng ta đã qua giai đoạn mà các đại gia BĐS giàu lên sau một đêm nhờ lướt sóng, ăn xổi. Thị trường giờ đây đã đi vào quy củ, hoạt động với hành lang pháp lý rất chặt chẽ. Thực tế trong vài năm trở lại đây thị trường sụt giảm, gặp rất nhiều khó khăn, không có mấy người có lãi thì lấy đâu ra siêu lợi nhuận.
Ngược lại, hoạt động đầu tư kinh doanh BĐS có vai trò rất lớn trong nền kinh tế quốc dân. Tài sản của BĐS có tỷ trọng rất lớn trong nền kinh tế, có tác động và ảnh hưởng rất lớn đến nhiều ngành nghề và đời sống của nhân dân. Trong kinh tế thị trường mọi tổ chức, cá nhân có quyền hoạt động kinh doanh tất cả mọi ngành nghề mà pháp luật không cấm. Họ phải tận dụng tất cả những khả năng, cơ hội cũng như chấp nhận những rủi ro trong từng giai đoạn. Họ sẽ phải chịu kết quả cuối cùng về toàn bộ hoạt động kinh doanh. Hiệu quả kinh doanh của nó được tính trên tổng thể kết quả hoạt động chung của của toàn đơn vị, không thể chỉ tính cho một lĩnh vực hoạt động nào đó. Thông thường các DN, tập đoàn lớn phải kinh doanh có tính đa ngành. Nếu quy định như vậy sẽ không khuyến khích môi trường cạnh tranh đối với ngành đầu tư kinh doanh BĐS.
Cùng khởi sự, cùng làm ăn đàng hoàng, cùng đi vay vốn, chấp nhận lỗ lãi, rủi ro như nhau… nhưng quy định chính sách thuế lại thiếu minh bạch, công bằng?
Các cơ quan chức năng phải luôn có tư duy nhà nước là “bà đỡ”, là đối tượng phục vụ các DN chứ không nên lấy tư duy “hành là chính” để điều hành DN bằng những quy định lạc điệu như vậy. Đặc biệt, cũng không nên điều hành chỉ có lợi cho nhà nước mà không đảm bảo hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia trên thị trường: nhà nước - DN - người dân. Hành lang pháp lý đó phải tôn trọng quy luật của thị trường, tuân thủ thông lệ quốc tế. Đừng ban hành những quy định trái với quy luật của thị trường, sẽ gây những hậu quả khôn lường. Trong nền kinh tế thị trường cần được tôn trọng và đảm bảo thông qua các quy định, luật lệ, văn bản pháp quy. Phá vỡ hoặc vi phạm nguyên tắc này sẽ làm thui chột tính sáng tạo, chủ động của DN, triệt tiêu động lực phát triển và hiệu quả của DN.
Vậy theo ông cần xóa bỏ ngay quy định này?
Việc khống chế như vậy là không hợp lý, thiếu sự công bằng, không tạo ra sự bình đẳng trong hoạt động kinh doanh. Trong điều kiện hiện nay, khi nền kinh tế chúng ta đang hoạt động theo cơ chế thị trường, nếu chưa có sự công bằng thực sự trong hoạt động kinh doanh đối với mọi lĩnh vực mà pháp luật cho phép sẽ là một rào cản lớn đối với sự phát triển của DN. Quy định đã quá lạc hậu, bất hợp lý cần được loại bỏ ngay.
Theo Báo Thanh Niên