Sở dĩ nhiều người cho rằng tuyến buýt nhanh “thí điểm” của Hà Nội sẽ thất bại vì chỉ cần nhìn vào đường phố trong giờ cao điểm hiện nay ai cũng phải đặt ra câu hỏi tắc đường liên miên thế lấy đâu làn cho xe buýt nhanh chạy?
Hằng ngày vào các giờ cao điểm, hàng nghìn phương tiện đổ ra đường chen nhau dẫn đến hàng loạt tuyến phố rơi vào cảnh ùn tắc. Hơn nữa, bình thường đường đã chật ních phương tiện, bây giờ vẫn con đường đó nếu lại phải dành riêng một phần cho tuyến buýt nhanh thì ùn tắc sẽ càng trầm trọng hơn. Do đó, ai cũng dễ dàng đoán biết, việc đưa xe buýt nhanh vào hoạt động sẽ không đạt được hiệu quả như mong đợi.
Có lẽ “cảm nhận” được những “thách thức” cản trở tuyến buýt nhanh về đích đúng thời gian đặt ra, trung tuần tháng 12/2016, liên ngành Giao thông và Công an Hà Nội đã phải xin lãnh đạo Thành phố phê duyệt phương án phân luồng giao thông, trong đó có việc cấm một số phương tiên, như xe khách, tải, hợp đồng, ôtô chở hàng, taxi... hoạt động trong một số khung giờ cao điểm tại một số tuyến phố, cầu vượt nơi xe buýt nhanh BRT chạy qua.
Tuy nhiên, trong buổi sáng 29/12, ngày đầu tiên 20 chiếc buýt nhanh thử lăn bánh đúng vào giờ cao điểm khiến xe buýt nhanh đã phải nhích từng mét và phải chịu cảnh hàng loạt xe máy, ôtô vô tư tạt đầu lấn làn đường dành cho BRT. Theo thông tin được công bố cuối giờ chiều qua 29/12, trong lần đầu chạy thử nghiệm giờ cao điểm với chặng đường 14 km, xe buýt nhanh đi hết 56 phút. Tốc độ này chỉ ngang với xe buýt truyền thống ở Hà Nội, khiến người dân ngao ngán.
Xưa nay khi bàn về văn hóa giao thông của người dân Thủ đô, nhiều ý kiến thường chê bai việc ôtô, xe máy đi lấn làn, leo lên vỉa hè hay ngay cả việc tạt đầu, đi vào làn đường của xe buýt nhanh là thiếu văn hóa giao thông. Tuy nhiên, cũng cần phải khẳng định rằng, với cơ sở hạ tầng như hiện nay nếu làn đường thoáng không đi mà đứng chen nhau xếp hàng ở chỗ ùn tắc thì rất khó đòi hỏi người ta phải... có “văn hóa”.
Việc đòi hỏi ý thức người tham gia giao thông buộc phải nhường đường cho xe buýt nhanh chạy trong khi các làn còn lại đang chen nhau vì ùn tắc cũng giống như câu chuyện Hà Nội đã 5 lần, 7 lượt chi hàng chục tỷ đồng để phân làn các tuyến đường: Trần Khát Chân, Đại Cồ Việt, Phố Huế, Giải Phóng, Nguyễn Trãi... trước đây.
Còn nhớ, thời điểm thực hiện phân làn tại các tuyến đường trên, chỉ khi nào cảnh sát giao thông lập chốt, túc trực xử phạt thì người tham gia giao thông mới chấp hành khá tốt, đi đúng vạch phân làn. Tuy nhiên, cứ không có CSGT thì đâu lại vào đó.
Cực chẳng đã, có thời gian, Hà Nội đã phải cắm cọc mềm có phản quang giữa các làn, thậm chí mang những mảng bê tông cứng ra giữa đường, phân chia các làn cho ô tô, xe máy nhằm cưỡng ép các phương tiện đi đúng nhưng được một thời gian “ý tưởng sắt đá” trên cũng phải buộc phải dỡ bỏ vì cách làm trên đã gây ra nhiều vụ tai nạn cho người đi đường. Sau liên tiếp nhiều lần “thí điểm” phân làn cho các phương tiện thất bại, 2 năm gần đây, Hà Nội mới bỏ ý tưởng “cưỡng ép” để tạo văn hóa giao thông trên.
Trở lại câu chuyện của xe buýt nhanh vừa lăn bánh thử nghiệm, một số ý kiến cho rằng, không phải Hà Nội không nhìn ra những thách thức của tuyến buýt này khi đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, vì đã chi tới 1.000 tỷ đồng nên đã phóng lao thì phải theo lao.
Đúng là với nhu cầu của hành khách (xe buýt hiện nay mới đáp ứng được 10% nhu cầu) thì để nâng cao chất lượng phục vụ nhằm thu hút người đi xe buýt là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, khi xây dựng đề án buýt nhanh, có lẽ Hà Nội đã không lường trước được lượng phương tiện giao thông sẽ tăng chóng mặt như hiện nay cho nên đã rơi vào tình trạng này.
Cần nhớ rằng, đề án xe buýt nhanh được Hà Nội xây dựng từ 2008, khi đó lượng người tham gia giao thông ở Thủ đô cũng khác hiện nay. Có lẽ vì thế mà tuyến buýt nhanh này đã phải lùi tiến độ thực hiện tới 3 lần.
Từ câu chuyện của buýt nhanh Hà Nội cũng nên nhìn sang quốc gia láng giềng là Trung Quốc. Cũng bị ùn tắc không kém, thậm chí còn hơn cả Việt Nam và họ cũng đã có nhiều biện pháp để hạn chế tình trạng trên nhưng tình hình cũng chưa được cải thiện.
Mới đây, để giải quyết bài toàn ùn tắc giao thông, Trung Quốc cũng đã đưa ra ý tưởng xây dựng một tuyến buýt nhanh. Chỉ có điều, tuyến buýt mà họ đã chạy thử nghiệm hoàn toàn khác với cách làm của Hà Nội. Đó là những chiếc xe buýt chạy trên đầu các phương tiện khác và không hề bị một vật cản nào ngáng đường và có thể chạy với tốc độ 60km/h, với sức chở khoảng 300 hành khách. Tại sao lại có điều đó, vì họ đưa ra mô hình xe buýt chạy trên đường ray hai bên lề đường. Còn dưới gầm vẫn là làn đường của các loại phương tiện khác.
Còn ở Hà Nội thì sao? Xe buýt nhanh phải vận hành trên môi trường cơ sở hạ tầng chật chội và ùn tắc giao thông xảy ra như cơm bữa. Để vận hành thử, mặc dù đã phải cấm cả đường nhưng xe buýt nhanh vẫn bị kẹt cứng giữa các loại phương tiện giao thông khác. Đúng là đáng thương cho buýt nhanh Hà Nội!