Aa

Thủy điện trong “cơn bão” công luận!

Thứ Tư, 21/10/2020 - 11:35

Trong trận lũ liên tiếp ở miền Trung những ngày này, trên phương tiện thông tin đại chúng đã có nhiều ý kiến đổ cơn giận dữ lên các công trình thủy điện...

Lại một cơn bão nữa đi vào Biển Đông và có nguy cơ đi vào các tỉnh miền Trung, nơi đã và đang chịu quá nhiều vất vả trong những cơn lũ lịch sử. Đau thương, mất mát đang chồng chất ở những vùng quê nghèo...

Lẽ đương nhiên, con người phải đi tìm nguyên nhân tại sao thiên nhiên ngày càng như quay lưng với những sinh linh đang tồn tại trên trái đất này, và câu trả lời dường như đã được tìm thấy sẵn ở mọi lúc, mọi nơi, đó là việc con người đã dần dần quay lưng với thiên nhiên từ lâu rồi, nay chỉ là tự gánh lấy hậu quả của nó mà thôi! Nào là hiệu ứng nhà kính, nào là băng tan, nào là thủy triều dâng, nào là siêu bão...

Trong trận lũ liên tiếp ở miền Trung những ngày này, trên phương tiện thông tin đại chúng đã có nhiều ý kiến đổ cơn giận dữ lên các công trình thủy điện, bởi lẽ, đang lúc phía hạ du ngập trong nước thì phía thượng du, các công trình thủy điện lại xả nước, khiến cho lũ chồng lũ. Phần nữa, muốn xây dựng các công trình thủy điện thì người ta đã phải phá đi một diện tích rừng không nhỏ, khiến môi trường sinh thái bị biến dạng, nước mưa không được lưu giữ tự nhiên, cứ dốc thẳng về xuôi, thế là gây ra lũ ống, lũ quét...

Thế đấy, ai bảo con người cứ thích dùng điện! Thế là hàng triệu triệu tấn than, tấn dầu cứ đốt ngược lên trời để sinh ra điện. Rồi hàng trăm con sông cứ bị thắt ngược hết đoạn này đến đoạn khác để đắp đập tích nước chạy tuabin... Cái được, cái mất lúc nào cũng giằng xé để thỏa mãn nhu cầu của con người.

Muốn xây dựng các công trình thủy điện thì người ta đã phải phá đi một diện tích rừng không nhỏ, khiến môi trường sinh thái bị biến dạng, nước mưa không được lưu giữ tự nhiên, cứ dốc thẳng về xuôi, thế là gây ra lũ ống, lũ quét...

Suy đi tính lại, so với nhiều nguồn sản xuất điện, thủy điện vẫn là một trong những phương án ít xấu hơn trong quá trình sinh ra điện phục vụ cho con người. Tại nhiều quốc gia, thủy điện giữ vai trò xương sống trong chiến lược an ninh năng lượng của họ. Thí dụ như Na Uy sản xuất hầu như toàn bộ lượng điện của mình bằng sức nước, trong khi Iceland sản xuất tới 83% nhu cầu của họ, Áo sản xuất 67% số điện quốc gia bằng sức nước (hơn 70% nhu cầu). Canada là nước sản xuất điện từ năng lượng nước lớn nhất thế giới và lượng điện này chiếm hơn 70% tổng lượng sản xuất của họ...

Thủy điện là nguồn năng lượng tái tạo và có nhiều ưu điểm. Thứ nhất, nó không phụ thuộc vào nguyên liệu hóa thạch như than, dầu mỏ, khí đốt... đang dần cạn kiệt và giá cả lên xuống thất thường. Và nó cũng không thải hàng triệu triệu tấn khí CO2 và chất thải rắn ra môi trường như nhiệt điện than và dầu.

Tiếp theo, các nhà máy thủy điện thường có tuổi thọ lớn hơn các nhà máy nhiệt điện, có những nhà máy thủy điện đang hoạt động hiện nay đã được xây dựng từ 50 đến 100 năm trước. Chi phí nhân công cũng thấp bởi vì các nhà máy này được tự động hóa cao và có ít người làm việc tại chỗ khi vận hành thông thường.

Tiếp nữa, nó là công trình đa mục tiêu, vừa vận hành đảm bảo an toàn công trình; giảm lũ cho hạ du trong mùa lũ; đảm bảo nhu cầu sử dụng nước cho hạ du trong mùa cạn; nâng cao hiệu quả phát điện để đảm bảo an ninh năng lượng và duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông.

Chưa hết, những hồ chứa được xây dựng cùng với các nhà máy thủy điện thường là những địa điểm thư giãn tuyệt vời cho các môn thể thao nước, và trở thành điểm thu hút khách du lịch.

Chính vì thế, trong Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu định hướng đối với thuỷ điện: “Huy động tối đa các nguồn thuỷ điện hiện có và phát triển có chọn lọc, bổ sung một số thuỷ điện nhỏ và vừa, thuỷ điện tích năng. Có chiến lược hợp tác phát triển thuỷ điện gắn với nhập khẩu điện năng dài hạn từ nước ngoài”.

Việc công luận “chan tương đổ mẻ” vào các công trình thủy điện vừa và nhỏ được phát triển ào ạt ở các tỉnh miền Trung trong thời gian gần đây cũng là điều dễ hiểu khi cảnh báo các cơ quan có trách nhiệm quan tâm hơn nữa tới việc quản lý sản xuất và vận hành các nhà máy thủy điện này. Chẳng hạn, trong hơn chục năm gần đây, Quảng Nam với hơn 30 dự án thủy điện được quy hoạch phân bố trên khắp 10 huyện miền núi của tỉnh với tổng công suất lắp máy lên tới hơn 1.500MW.

Với lợi thế độ dốc lớn, làm thủy điện có cơ hội đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng nguy cơ rủi ro cũng rất cao nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ của con người.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top