Vào đầu tháng 9, một số ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất tiết kiệm giảm, chủ yếu tập trung vào các kỳ hạn dưới 12 tháng.
Chẳng hạn như Techcombank, chỉ trong nửa tháng qua, ngân hàng này đã hai lần hạ lãi suất tiết kiệm. Biểu lãi suất mới vào đầu tháng 9 cho thấy lãi suất tiếp tục giảm 0,3 - 0,6 điểm phần trăm so với nửa tháng trước đó.
Hiện tại, lãi suất tiết kiệm tại quầy của Techcombank kỳ hạn 1 tháng ở mức 2,85%/năm kỳ hạn cho các khoản tiền gửi dưới 1 tỷ đồng, còn kỳ hạn 6 tháng là 4,6%/năm và kỳ hạn 13 tháng có mức lãi suất 4,9%/năm. Còn khoản tiền gửi từ 1 - 3 tỷ đồng thì lãi suất nằm trong khoảng 2,95 - 5,1%/năm ở kỳ hạn 1 - 13 tháng.
Đáng chú ý là đợt này Vietcombank cũng điều chỉnh giảm lãi suất. Tại Vietcombank, biểu lãi suất cho thấy lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng là 3,4%/năm (giảm 0,1 điểm phần trăm so với cuối tháng 8), kỳ hạn 6 tháng giảm 0,3 điểm phần trăm, ở mức 4,1%/năm, còn kỳ hạn 12 tháng giảm mạnh tới 0,7 điểm phần trăm, về mức 5,3%/năm.
Còn tại HDBank vừa mới điều chỉnh lãi suất vào cuối tháng 8. Theo đó, lãi suất tiền gửi tại quầy kỳ hạn 1 tháng lần lượt ở mức 3,8%/năm, kỳ hạn 6 tháng là 6%/năm, nhưng kỳ hạn 1 năm thì 6,6%/năm. Ngân hàng MSB thì kỳ hạn 1 tháng lãi suất cũng ở mức tương tự, nhưng kỳ hạn 6 tháng thì lại thấp hơn, chỉ 5,4%/năm.
Một xu hướng khác cũng ghi nhận là lãi suất tiết kiệm tiền gửi online cao hơn tại quầy niêm yết của các nhà băng, nằm trong khoảng 0,5 - 0,9 điểm phần trăm.
Trong khi đó, nhiều ngân hàng khác vẫn giữ biểu lãi suất vừa điều chỉnh vào cuối tháng 8 vừa qua. Thống kê của Công ty chứng khoán SSI cho thấy, lãi suất tiền gửi không có nhiều thay đổi trong tuần đầu tháng 9, phổ biến ở mức 3 - 4%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 4,2 - 6%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 5 - 6,7%/năm với kỳ hạn 12 và 13 tháng.
Còn trong tháng 8 trước đó, lãi suất tiền gửi đã giảm thêm từ 20 - 40 điểm cơ bản ở các kỳ hạn ngắn và 0 - 20 điểm cơ bản ở các kỳ hạn dài. Lũy kế 8 tháng, lãi suất tiền gửi đã giảm tổng cộng 50 - 210 điểm cơ bản ở tất cả các kỳ hạn.
Bản báo cáo mới đây của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng nhận định lãi suất huy động có xu hướng giảm trong tháng 8/2020 đối với tất cả kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng.
Cụ thể, đối với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước chi phối cổ phần giảm 0,05 điểm phần trăm, còn lãi suất của nhóm ngân hàng thương mại quy mô nhỏ (vốn dưới 5.000 tỷ đồng) giảm mạnh nhất với mức giảm 0,23 điểm phần trăm, nhóm ngân hàng thương mại quy mô lớn (vốn trên 5.000 tỷ đồng) thì lại tăng 0,18 điểm phần trăm.
Trong khi đó, đối với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất huy động có xu hướng giảm ở nhóm ngân hàng tư nhân với mức giảm 0,09 - 0,27 điểm phần trăm, trong khi lãi suất huy động của nhóm ngân hàng nhà nước chi phối cổ phần lại tăng 0,2 điểm phần trăm.
Theo BVSC, thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn đang tương đối dồi dào giúp lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức thấp, đồng thời cũng khiến nhiều ngân hàng giảm lãi suất huy động thời gian vừa qua. "Lãi suất huy động tiếp tục giảm một phần đến từ việc vốn huy động tăng lên”, báo cáo của BVSC nhận định.
Tính riêng tại TP.HCM, tính đến hết tháng 8, huy động vốn tăng 4,55% so với cuối năm 2019 và 11,6% so với cùng kỳ, trong khi đó tín dụng tăng trưởng khoảng 4%.
Theo BVSC, lượng tăng này chủ yếu đến từ tiền gửi thanh toán của tổ chức dân cư (tăng 6,27%) và phát hành giấy tờ có giá (tăng 19,44%) so với cuối năm ngoái.
Ghi nhận trong tuần trước cho thấy Ngân hàng Nhà nước không thực hiện giao dịch trên thị trường mở, thanh khoản các ngân hàng vẫn rất dồi dào, lãi suất trên liên ngân hàng đi ngang, chốt tuần ở mức 0,19%/năm với kỳ hạn qua đêm và 0,24%/năm với kỳ hạn 1 tuần.
SSI thì cho rằng chênh lệch huy động và tín dụng nới rộng khiến tiền đồng đang dư thừa trong hệ thống ngân hàng. "Lãi suất tiền gửi vẫn có thể giảm tiếp trong thời gian tới”, SSI nhận định.