Thị trường tiền tệ vừa trải qua một tháng biến động khá mạnh, ở các chỉ tiêu lãi suất và tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng. Diễn biến này có thể nằm ngoài những dự báo trước đó.
Trước hết, trong tháng 5 vừa qua, thay đổi lớn nhất và có tác động lớn đến thị trường là quyết định giảm đồng loạt các lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (ngày 13/5).
Cùng đó, lượng lớn tín phiếu Ngân hàng Nhà nước tập trung đáo hạn. Từ khoảng 147.000 tỷ đồng, nguồn vốn này lần lượt trở lại thị trường và tập trung trong tháng 5.
Tháng 5 cũng là tháng đầu tiên nền kinh tế trở lại sau thời gian giãn cách xã hội. Tuy nhiên, cầu tín dụng và đầu ra ở kênh này của hệ thống ngân hàng vẫn rất chậm và thấp. Đến ngày 29/5, tăng trưởng tín dụng mới chỉ ở mức 1,96% so với cuối 2019 (theo số liệu Ngân hàng Nhà nước cập nhật tại họp báo ngày 5/6), tăng không đáng kể so với mức 1,31% vào cuối tháng 3.
Trên thị trường thế giới, chỉ số USD-Index vừa có một tháng giảm mạnh, từ quanh mốc 100 điểm xuống dưới 97 điểm. Cuối tháng 5, Trung Quốc hạ giá đồng Nhân dân tệ xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008, nhưng khá nhanh chóng cân bằng lại…
Trong bối cảnh trên, cả lãi suất VND và tỷ giá USD/VND cùng biến động khá mạnh, xuống mức thấp trên thị trường liên ngân hàng. Thay đổi này “loại bỏ” hết những mức tăng như một phản ứng của thị trường trước biến cố dịch Covid-19 từ tháng 3, thời điểm dịch bùng phát mạnh với nhiều quan ngại.
Kết quả của diễn biến đó được Hội Nghiên cứu Thị trường liên ngân hàng Việt Nam (VIRA) dự báo tiếp tục duy trì trong tháng 6 này, lãi suất VND và tỷ giá USD/VND cùng nằm rất sâu so với mức bình quân trong tháng 5.
Là hoạt động định kỳ, hàng tháng, các thành viên của VIRA, những đại diện đến từ khối nghiên cứu thị trường của các ngân hàng thương mại, cùng đưa ra dự báo về 4 chỉ tiêu chính, gồm: tỷ giá USD/VND giao ngay liên ngân hàng, lãi suất VND liên ngân hàng kỳ hạn 1 tuần, lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm và chỉ số giá tiêu dùng CPI so với cùng kỳ năm trước.
Sau khi điều chỉnh mạnh trong tháng 5, lãi suất VND liên ngân hàng theo dự báo chung của VIRA sẽ nhích lên trong tháng 6 này. Tuy vậy, mặt bằng chung dự báo không nhiều biến động, ở kỳ hạn đại diện là 1 tuần theo VIRA vẫn nằm sâu dưới mốc 1%/năm; cá biệt duy nhất 1 thành viên dự báo khả năng có thể trở lại vùng 2%/năm.
Tất cả các thành viên của VIRA cùng chung dự báo: tỷ giá USD/VND giao ngay trên thị trường liên ngân hàng sẽ không có biến động lớn và ổn định ở vùng thấp trong tháng này. Mức dự báo xoay quanh 23.247 VND, tiếp tục nằm sâu dưới mức bình quân 23.347 VND của tháng trước. Cá biệt, có thành viên dự báo tỷ giá USD/VND có thể rơi sâu nữa trên thị trường liên ngân hàng, xuống 23.175 VND.
Như dự báo về lãi suất VND liên ngân hàng, lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm có xu hướng tăng lên trong tháng 6, theo dự báo chung của VIRA. Tuy nhiên, đây là tháng mà dự báo của các thành viên VIRA có sự phân hóa lớn: một số thành viên dự báo lợi suất sẽ giảm xuống còn 2,7 - 2,85%, nhưng một số thành viên khác cho rằng có thể tăng lên 3,23%.
Ở chỉ tiêu chỉ số giá tiêu dùng CPI so với cùng kỳ năm trước, phần lớn các thành viên của VIRA cùng dự báo sẽ tăng lên trong tháng này. Diễn biến liên quan, giá dầu trên thị trường thế giới đã tăng rất mạnh; trong nước, giá thịt lợn vẫn neo cao trong khi cầu tiêu dùng dần trở lại cùng hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội thiết lập trạng thái “bình thường mới” sau dịch Covid-19.