Tăng tốc hoàn thiện hệ thống hạ tầng
Là địa phương đóng góp vai trò lớn trong sự phát triển chung của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, những năm qua, Tiền Giang được ghi nhận là một trong những địa phương đi đầu trong công tác phát triển hạ tầng, kinh tế - xã hội của vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong năm 2022, Tiền Giang ghi nhận sự phát triển vượt bậc, ghi nhận có 20/22 chỉ tiêu đạt và vượt. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP theo giá so sánh 2010) tăng 7,02%; GRDP bình quân đầu người đạt 63,2 triệu đồng, vượt 2,76 triệu đồng, đạt 104,7% kế hoạch. Tổng kim ngạch xuất khẩu 3,85 tỷ USD, đạt 114,9% kế hoạch. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 41,84 ngàn tỷ đồng, đạt 100,2% kế hoạch. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 10.665 tỷ đồng, đạt 120,8% kế hoạch…
Cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch đúng hướng. Ngành nông nghiệp chuyển dần theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu. Trên lĩnh vực công nghiệp, tỉnh đã đẩy nhanh phát triển các khu, cụm công nghiệp. Cơ sở hạ tầng tiếp tục được trung ương và tỉnh tập trung đầu tư.
Trên tinh thần giữ nhịp độ tăng trưởng và tiếp tục công tác đầu tư, nâng cấp hạ tầng làm tiền đề phát triển kinh tế - xã hội, ngay từ những ngày đầu năm 2023, tỉnh Tiền Giang đã tắc tốc khởi công, khánh thành và đưa vào sử dụng hàng loạt công trình, nhiều dự án mang tính trọng điểm được thúc đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành vào cuối năm nay.
Điển hình là việc khởi công xây dựng cầu Vàm Giồng thuộc dự án Đường tỉnh 864. Hạng mục có cầu chính có chiều dài 100m, chiều rộng 12m; đường vào cầu có chiều dài 1.127m. Chi phí xây dựng là 56,6 tỷ đồng. Thời gian thi công công trình 10 tháng kể từ ngày khởi công. Hạng mục cầu Vàm Giồng là gói thầu đầu tiên, đánh dấu bước khởi động triển khai thi công của toàn dự án Đường tỉnh 864.
Mới đây, tỉnh cũng khánh thành và đi vào sử dụng công trình cầu Vàm Cái Thia bắc qua sông Cái Cối là cây cầu cuối cùng trên Đường tỉnh 864. Đây là công trình then chốt, mang tính kết nối toàn tuyến Đường tỉnh 864; kết nối giao thông từ cầu Mỹ Thuận, huyện Cái Bè đến thành phố Mỹ Tho. Đồng thời, Tiền Giang từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông liên hoàn các huyện phía Tây của tỉnh ra đến Quốc lộ 1, giảm tải cho Quốc lộ 1. Cùng với cầu Vàm Cái Thia, cầu qua sông Mỹ Đức Tây cũng chính thức được đưa vào sử dụng. Đây là cây cầu thuộc một nhánh sông nối ra sông Cái Cối, góp phần kết nối giao thông từ Quốc lộ 1 đến Đường tỉnh 864.
Theo ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Tiền Giang, việc tập trung đầu tư nhiều công trình giao thông mang tính kết nối liên vùng đã tạo sức bật lớn trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trong năm 2023, tỉnh Tiền Giang tập trung thi công hoàn thành các công trình chuyển tiếp từ năm 2022 sang và công trình khởi công năm 2023 như: Sửa chữa mở rộng đường Chiến Thắng (xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo); sửa chữa, mở rộng Đường tỉnh 877E từ Đường tỉnh 877 đến bến đò Quơn Long;...
Đẩy nhanh tiến độ nhiều công trình trọng điểm
Theo UBND tỉnh Tiền Giang, năm 2023 ngành giao thông vận tải sẽ đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án chuyển tiếp trọng điểm như: Đường giao thông phục vụ phát triển công nghiệp phía Đông; Đường tỉnh 873 từ cầu Bình Xuân đến Quốc lộ 50; Đường Lộ Dây Thép (Đường tỉnh 880B); nâng cấp mở rộng Đường tỉnh 874; nâng cấp, mở rộng Đường tỉnh 879B từ cầu Gò Cát đến ranh Long An; nâng cấp mở rộng các Đường tỉnh 861, 863, 869 (kết nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Đồng Tháp).
Bên cạnh đó, Tiền Giang còn chuẩn bị đầu tư các dự án như: Đường tỉnh 879C (từ Quốc lộ 50 đến cầu Thạnh Lợi), Đường phát triển Đồng Tháp Mười. Đây là những công trình đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần kết nối giao thông các vùng và là đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Cũng trong năm 2023, một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành giao thông vận tải là đề xuất UBND tỉnh chấp thuận đầu tư nâng cấp, cải tạo các tuyến đường tỉnh phục vụ xây dựng tỉnh, huyện nông thôn mới như: Đường tỉnh 871C (đoạn qua địa bàn huyện Gò Công Đông); Đường tỉnh 873B (đoạn từ Đường huyện 01 đến Đường huyện 10); Đường tỉnh 877B (đoạn từ đường vào Trung tâm hành chính huyện Tân Phú Đông đến giáp biển Đông) và nâng cấp mở rộng các cầu trên tuyến.
Ngoài ra, ngành giao thông vận tải cũng đề xuất UBND tỉnh chấp thuận đầu tư một số công trình liên kết với tỉnh Long An, Đồng Tháp, Bến Tre như sau: Nâng cấp, mở rộng Đường tỉnh 879 (từ cầu Bến Tranh đến ranh Long An); mở mới đoạn Đường tỉnh 879D (đoạn kết nối từ cuối tuyến đến ranh tỉnh Long An); xây dựng cầu Đồng Sơn trên Đường huyện 18 kết nối tỉnh Long An; xây dựng các cầu yếu còn lại trên Đường tỉnh 863, đường và cầu kết nối Đường tỉnh 863 đến Đường tỉnh 861.
Việc đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng các công trình giao thông mang tính kết nối liên vùng đã tạo sức bật lớn trong phát triển kinh tế, xã hội từng khu vực nói riêng và của tỉnh nói chung. Ông Huỳnh Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây cho biết: Tuyến Đường tỉnh 872B (qua huyện Gò Công Tây) từ Quốc lộ 50 đến bến phà Tân Long kết nối huyện Tân Phú Đông là tiền đề quan trọng để địa phương đầu tư, phát triển tiềm năng công nghiệp vì đã giải được bài toán khó về đường giao thông cho việc quy hoạch Cụm công nghiệp Long Bình nằm ở ven thị trấn Long Bình, huyện Gò Công Tây. Tuyến đường này không chỉ tạo thành một trục đường quan trọng trong giao thương mà còn tạo ra nhiều cơ hội mới cho phát triển kinh tế, xã hội của khu vực.
Nằm trong vùng Đồng Tháp Mười cách trung tâm thành phố Mỹ Tho khoảng 25km về phía Tây Bắc, trên địa bàn huyện Tân Phước có nhiều dự án giao thông đã được đầu tư, xây dựng gồm các tuyến đường kết nối với các trục giao thông liên kết với Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Đoàn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Tân Phước khẳng định: Phát triển hệ thống giao thông trên địa bàn huyện định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nền tảng quan trọng để thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, tạo động lực cho sự phát triển một cách toàn diện các ngành kinh tế, thực hiện công nghiệp hóa và hiện đại hóa nền kinh tế theo chủ trương và chính sách của Đảng bộ huyện.
Đặc biệt, trong năm 2021, tỉnh Tiền Giang đã đưa vào sử dụng 05 công trình cầu trọng điểm trên địa bàn với kinh phí đầu tư trên 638 tỷ đồng, gồm: Cầu Long Hưng (huyện Châu Thành), cầu Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy), cầu Bình Xuân (thị xã Gò Công), cầu Vàm Trà Lọt (huyện Cái Bè) và cầu Nguyễn Văn Tiếp (huyện Tân Phước). Ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT nhận xét: Việc đầu tư xây dựng công trình 05 cầu trên được đầu tư trên trục giao thông chính của tỉnh tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Tiền Giang. Các công trình này không chỉ giúp việc giao thông của người dân địa phương thuận lợi mà còn từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao khả năng kết nối giao thông giữa các vùng, góp phần phát triển kinh tế, xã hội và an ninh, quốc phòng của địa phương.
Nói về định hướng lâu dài của tỉnh, ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tiền Giang chia sẻ: "Trong thời gian tới, tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp tục thực hiện các đột phá chiến lược là ưu tiên đầu tư các trục giao thông chính theo phương ngang và phương dọc (các Đường tỉnh 864, 872, 877C, 879... với quy mô theo quy hoạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương) định hướng liên kết vùng, đưa vào khai thác tuyến đường trọng điểm dọc sông Tiền. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông sẽ được đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại từ đô thị đến nông thôn để kết nối các cụm, khu công nghiệp nhằm thu hút các dự án đầu tư. Tỉnh sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị mở rộng các đô thị trung tâm của 3 vùng kinh tế trọng điểm trên địa bàn tỉnh là thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công và thị xã Cai Lậy. Đồng thời, tỉnh tập trung nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn để góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025".