Aa

Thực hiện mục tiêu kép, Tiền Giang nên học gì ở Bắc Giang?

Thứ Năm, 21/10/2021 - 09:00

Lời kêu cứu từ 19 doanh nghiệp FDI trong các khu, cụm công nghiệp của tỉnh Tiền Giang quả là một sự kiện đáng quan tâm, không chỉ vì sự tồn tại của mỗi doanh nghiệp, của nguồn thu ngân sách...

Mới đây, cộng đồng 19 doanh nghiệp FDI trong các khu, cụm công nghiệp tỉnh Tiền Giang đã gửi thư cầu cứu Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 về việc UBND tỉnh quá cứng nhắc, thiếu linh hoạt trong việc mở cửa cho phát triển sản xuất, khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn và ngót 70 nghìn lao động không có việc làm.

Quả là một vấn đề không dễ định vị bởi không ai hiểu hoàn cảnh chống dịch ở Tiền Giang bằng người Tiền Giang, và cũng không thể có một mệnh lệnh nào từ cấp cao bắt buộc Tiền Giang với những biện pháp cụ thể nào đó để thực hiện “mục tiêu kép” mà Chính phủ đang hằng ngày, hằng giờ quyết liệt chỉ đạo.

Thế nhưng, lời kêu cứu từ 19 doanh nghiệp FDI trong các khu, cụm công nghiệp của tỉnh Tiền Giang kia quả là một sự kiện đáng quan tâm, không chỉ vì sự tồn tại của mỗi doanh nghiệp, của nguồn thu ngân sách, của các chỉ tiêu vĩ mô mà còn là công ăn việc làm, là cuộc sống thường ngày của ngót 70 nghìn gia đình công nhân khu công nghiệp.

Đến đây, tôi chợt nhớ đến tỉnh Bắc Giang, một địa phương cũng xêm xêm như Tiền Giang với số dân khoảng 1,7 - 1,8 triệu người, trong đợt dịch tràn vào các khu công nghiệp như “những đợt sóng thần” mà họ vẫn kiên cường chống đỡ với sự sáng tạo không ngừng và tinh thần chịu trách nhiệm cao của những người lãnh đạo cao nhất của tỉnh này. Chỉ sau hơn 3 tháng vào cuộc chủ động, tích cực của cả hệ thống chính trị và người dân, dịch Covid-19 cơ bản được khống chế và đẩy lùi ra khỏi địa bàn tỉnh Bắc Giang. Những giải pháp về thực hiện “mục tiêu kép” của tỉnh đã được ghi nhận và đang được nhân rộng ra nhiều địa phương trong cả nước.

Bắc Giang
Tập đoàn Khoa học Kỹ thuật Hồng Hải (Foxconn) thuộc Khu công nghiệp Đình Trám (Bắc Giang) tổ chức khám sàng lọc trước khi tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho công nhân. (Ảnh: Phú Sơn/Quân đội Nhân dân).

Theo các thông tin được ghi lại, khi đó, từ điểm xuất phát dịch đầu tiên xảy ra tại xã Cương Sơn (huyện Lục Nam) vào ngày 27/4/2021, bệnh nhân bị lây nhiễm ở Bệnh viện K (Tân Triều - Hà Nội), tiếp đó là ca F0 phát hiện ở công ty TNHH Shin Young Việt Nam (Khu công nghiệp Vân Trung - Việt Yên) do lây nhiễm từ Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Chỉ 4 tuần sau, số ca nhiễm mỗi ngày ở Bắc Giang lên đến gần 200 ca, chưa từng có tỉnh nào trong cả nước một ngày có số người dương tính với dịch Covid-19 nhiều như Bắc Giang lúc đó. Đáng chú ý, tâm dịch lại đúng các khu công nghiệp trọng điểm của tỉnh mà ở đó có tới hơn 160 nghìn công nhân đang làm việc khiến nguy cơ lây nhiễm cao.

Vậy Bắc Giang đã làm gì và Tiền Giang có thể học được điều gì khi hoàn cảnh không khốc liệt như họ?

Ngay khi đó, ngoài việc chống dịch quyết liệt ở vùng lõi theo Chỉ thị 16, nhiều tình huống còn cao hơn Chỉ thị 16 của Chính phủ thì chỉ sau 8 ngày tạm ngừng hoạt động, UBND tỉnh Bắc Giang đã quyết định cho hoạt động trở lại 4 khu công nghiệp (Quang Châu, Vân Trung, Đình Trám và Song Khê - Nội Hoàng)  (từ ngày 18 - 25/5). Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương, hai quyết định cho ngừng và cho phép hoạt động trở lại của các khu công nghiệp là những quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời làm lãnh đạo của ông. Đây là việc làm chưa từng có trong tiền lệ và chưa có kinh nghiệm từ một địa phương nào. Tuy nhiên, từ những kiến thức đã nắm được và từ tình hình thực tiễn ở địa phương, ông thấy những quyết định đưa ra là phù hợp. Thực tế đã chứng minh cả hai quyết định ngừng mà mở lại hoạt động ở các khu công nghiệp đều tác động tốt đến công tác phòng, chống dịch cũng như phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Vậy hoàn cảnh hiện nay của Tiền Giang thì như thế nào?

Theo thông báo mới đây nhất, từ 00 giờ ngày 20/10/2021 cho đến khi có thông báo mới, Tiền Giang áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 cấp độ 2 trên địa bàn tỉnh, tức là ở cấp độ tương ứng mức nguy cơ trung bình.

Một câu hỏi được đặt ra, vậy liệu Tiền Giang có thể phân loại theo vùng để giải phóng cho các doanh nghiệp ở vùng có nguy cơ thấp hoạt động?

Trong thư cầu cứu của các doanh nghiệp gửi Thủ tướng Chính phủ có 5 đề nghị:

Thứ nhất, đề nghị không bắt buộc sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 địa điểm”.

Thứ hai, cho người lao động đang sinh sống tại vùng 1 - 3 đã được tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin đủ 14 ngày theo Nghị quyết 128 được sử dụng phương tiện giao thông cá nhân và xe đưa đón quay lại nhà máy sản xuất vào 1/11/2021. Doanh nghiệp sẽ cung cấp danh sách và phương án phòng chống dịch trong cơ quan cũng như cam kết của doanh nghiệp và người lao động.

Thứ ba, đề nghị không hạn thời gian giới nghiêm (19h tối đến 5h sáng) đối với người lao động trong quá trình đến nhà máy làm việc như hiện nay (theo Công văn số 6249/UBND-KGVX, ngày 18/10/2021).

Thứ tư, đề nghị test nhanh kháng nguyên, không bắt buộc xét nghiệm Realtime PCR mẫu đơn cho người lao động trước ngày đầu tiên quay lại làm việc (theo nội dung cuộc họp 4 bên ngày 19/10/2021). Sau đó doanh nghiệp sẽ thực hiện xét nghiệm hàng tuần theo quy định của Bộ Y tế.

Thứ năm, đề nghị cho phép người lao động ngoài tỉnh đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin quay lại Tiền Giang làm việc.

Có ý kiến nhận xét rằng, cả 5 đề nghị này không có vi phạm với các quy định hiện nay về chống dịch và đều có thể được tỉnh Tiền Giang nghiên cứu và cho phép. Duy chỉ có một điều như Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương đã từng tâm sự, hai quyết định cho ngừng và cho phép hoạt động trở lại các khu công nghiệp trong tỉnh là những quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời làm lãnh đạo của ông. Vì nếu xảy ra sai lầm thì sẽ rất nghiêm trọng.

Chẳng thế mà mới đây, Quy định số 22-QĐ/TW về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã ký ban hành, đó là: Công tác kiểm tra, giám sát phải bảo vệ cái đúng, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung... 

Hy vọng Tiền Giang sẽ tiếp thu tinh thần này và áp dụng vào việc thực hiện “mục tiêu kép” ở địa phương mình./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top