Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến ngày 31/3/2023, tổng giá trị giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2023 là 31,1% kế hoạch, cao nhất cả nước và cao hơn cùng kỳ 2022 (23,8%). Điều này góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế khác trong điều kiện đang gặp khó khăn về chi phí, lãi suất ở mức cao, thị trường xuất khẩu gặp khó khăn...
Nói về lý do Tiền Giang có được kết quả này ngay trong quý 1/2023, ông Nguyễn Đình Thông - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Tiền Giang chia sẻ, kế hoạch đầu tư công năm 2023 của tỉnh với nguồn vốn 5.295 tỷ đồng (tăng 340 tỷ đồng so với quyết định Thủ tướng Chính phủ giao). Trong đó, vốn ngân sách địa phương là 3.463 tỷ đồng, chiếm 65,4%; vốn ngân sách Trung ương là 1.832 tỷ đồng, chiếm 34,6%.
Từ nguồn vốn này, tỉnh phân bổ cho 271 công trình, dự án. Cụ thể, tỉnh tập trung bố trí vốn cho 184 dự án chuyển tiếp và 87 dự án khởi công mới. Việc bố trí vốn có trọng tâm, trọng điểm, bám vào điểm đột phá và mục tiêu đặt ra, không dàn trải.
Năm 2023, tỉnh tiếp tục bố trí vốn tập trung thực hiện các điểm đột phá, lĩnh vực trọng điểm đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 như: Giao thông, giáo dục, y tế; đầu tư xây dựng huyện/xã nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao. Trong đó, năm 2023, tỉnh dự kiến sẽ đầu tư ra mắt 2 huyện NTM là Cái Bè và Châu Thành.
Nhờ triển khai thực hiện nhiều giải pháp, công tác giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh trong những năm gần đây đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của tỉnh đạt 100%, kể cả vốn chương trình mục tiêu quốc gia được giao ngay giữa năm.
"Để đạt được kết quả này, giải pháp của tỉnh thực hiện các năm qua là tập trung cho công tác chuẩn bị đầu tư. Thực hiện Luật Đầu tư công 2019, Sở KH&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh về dự kiến kế hoạch đầu tư công năm sau ngay kỳ họp giữa năm. Trên cơ sở đó, các sở, ngành và địa phương tập trung công tác chuẩn bị đầu tư. Điều này nhằm tới tháng 10, 11, UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh chính thức về kế hoạch đầu tư công năm sau thì thủ tục đầu tư đã chuẩn bị cơ bản. Song song đó, tỉnh còn nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư về chủ trương đầu tư, thiết kế bản vẽ thi công... Một trong những giải pháp quan trọng là giao kế hoạch sớm cho các sở, ngành và địa phương", Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Tiền Giang Nguyễn Đình Thông cho biết.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cũng cho biết thêm, ngay từ đầu năm 2023, tỉnh Tiền Giang đã đồng loạt triển khai nhiều công trình đầu tư trọng điểm như: Dự án cầu Vàm Giồng trên đường tỉnh 864 chạy dọc sông Tiền, Dự án 6 cống ngăn mặn ven sông Tiền, Dự án đầu tư xây mới Trung tâm Kiểm nghiệm, kiểm soát bệnh tật (CDC), Dự án Xử lý sạt lở bờ sông Tiền trên cù lao Tân Phong (huyện Cai Lậy)…
Ngoài ra, Tiền Giang cũng đẩy nhanh tiến độ thi công để đưa vào sử dụng các công trình đã đầu tư trước đó như: cầu Vàm Cái Thia, cầu bắc qua sông Mỹ Đức Đông (huyện Cái Bè), bệnh viên 1.000 giường (TP. Mỹ Tho)..., qua đó tạo bước ngoặc lớn về phát triển hạ tầng giao thông.
Bên cạnh đó, để giải ngân nhanh vốn đầu tư công, tỉnh Tiền Giang đã chú trọng giao vốn sớm cho các chủ đầu tư, nhà thầu từ cuối năm 2022, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện của các dự án, công trình đã khởi công. Đối với các nhà thầu khi ký hợp đồng với chủ đầu tư thì triển khai thực hiện ngay, khắc phục mọi khó khăn đẩy nhanh tiến độ thi công.
Đáng chú ý, chính quyền, đoàn thể địa phương cũng đã tăng cường tuyên truyền, vận động, thậm chí áp dụng biện pháp bảo vệ thi công. Phía nhà thầu cũng khắc phục khó khăn khi giá vật tư, nhân công tăng vọt, huy động tối đa nhân lực, vật lực vào công trường, đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành sớm hơn kế hoạch đề ra 2 tháng.
Năm 2022, tỉnh Tiền Giang đã giải ngân vốn đầu tư công trên 3.940 tỉ đồng đạt 100% kế hoạch vốn phân bổ. Tiền Giang được xếp nằm trong top 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất cả nước.