Vốn vẫn chảy vào ngân hàng, không có chuyện tín dụng chứng khoán tăng mạnh
Trả lời câu hỏi của phóng viên, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - NHNN) cho hay, tính tới ngày 9/6/2021, tín dụng toàn hệ thống tăng 4,9%, huy động vốn tăng 3,3%. Việc huy động vốn tăng chậm hơn so với tốc độ tăng trưởng tín dụng, theo ông Hà, là không đáng lo.
Theo số liệu mà NHNN cung cấp trước đó, tính đến ngày 21/5, tín dụng toàn hệ thống tăng 4,67%, trong khi huy động vốn tăng 2,68%. Như vậy, trong gần 20 ngày qua, huy động vốn tăng 0,62%, trong khi tín dụng chỉ tăng 0,23%.
Có thể thấy, bất chấp kênh đầu tư chứng khoán đang bùng nổ, dòng tiền gửi vào ngân hàng vẫn tăng trưởng đều đặn và có dấu hiệu tăng lên. Sự dồi dào thanh khoản của hệ thống còn thể hiện rõ qua tỷ lệ cho vay/huy động (LDR) của các ngân hàng. Thống kê của NHNN cho thấy, tại thời điểm tháng 2/2021, tỷ lệ LDR của các ngân hàng TMCP chỉ đạt trên 71% (tỷ lệ tối đa được NHNN cho phép là 85%). Tính đến cuối tháng 3/2021, chỉ số này đã được cải thiện, song nhìn chung, các ngân hàng vẫn trong tình trạng thừa vốn.
Thậm chí, năm nay, có ngân hàng (như Vietcombank) còn đặt mục tiêu không tăng trưởng huy động vốn để tối đa hóa hiệu quả hoạt động. Đến hết tháng 5/2021, ngân hàng này đã hoàn thành 53% chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm, room tín dụng 7 tháng còn lại không còn nhiều và có lẽ chỉ tăng huy động vốn trong trường hợp NHNN nới mạnh room tín dụng.
Tuần qua, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng hạ nhiệt trở lại, sau khi NHNN mở thị trường mở (OMO). Tuy nhiên, doanh số giao dịch rất nhỏ cộng với lãi suất giảm cho thấy, thị trường không có dấu hiệu căng thanh khoản.
Theo các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán SSI, tỷ giá USD/VND sẽ đi ngang hoặc giảm trong ngắn hạn, xác suất các ngân hàng thương mại hủy ngang các giao dịch bán kỳ hạn USD đã ký kết vào tháng 1 - 2/2021 là rất thấp. Bởi vậy, trong tháng 7 - 8 tới, một lượng tiền đồng lớn sẽ được bơm ra thị trường, khiến lãi suất sẽ vẫn duy trì ổn định trong ngắn hạn.
Mặc dù tín dụng đã hồi phục trở lại với mức gần bằng thời điểm trước dịch bệnh, song tốc độ tăng trưởng hiện nay chưa đủ sức gây sức ép lên lãi suất. Trên thực tế, NHNN đã thả nổi lãi suất huy động kỳ hạn từ 6 tháng trở lên từ nhiều năm nay, song các ngân hàng cũng không có dấu hiệu chạy đua lãi suất huy động. Hiện tượng tăng lãi suất chỉ xuất hiện ở một số ngân hàng nhỏ.
Mặc khác, dù thị trường chứng khoán tăng mạnh đang trở thành thỏi nam châm thu hút dòng tiền, song chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho hay, tín dụng vẫn chảy vào các lĩnh vực ưu tiên, không có hiện tượng tín dụng chứng khoán tăng vọt, vì NHNN kiểm soát chặt chẽ trong hạn mức quy định. Dòng tiền mới ồ ạt chảy vào thị trường chứng khoán thời gian gần đây có thể là từ nguồn tiền nhàn rỗi của nhà đầu tư cá nhân, từ các kênh đầu tư khác hoặc từ vay margin của các công ty chứng khoán. Tuy nhiên, vấn đề này nằm ngoài phạm vi kiểm soát của NHNN.
Chưa có dấu hiệu dòng tiền tháo chạy, vẫn có nhiều cảnh báo về bong bóng chứng khoán
Theo các chuyên gia tài chính, dòng tiền chảy vào ngân hàng chậm lại thời gian gần đây có lý do: bản thân các ngân hàng không quá mặn mà huy động vốn do dư thừa thanh khoản và lãi suất thấp khiến người gửi tiền tìm đến các kênh đầu tư khác.
Theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư (Công ty Chứng khoán Maybank KimEng), lạm phát đang tăng nhanh tại nhiều quốc gia trên thế giới, kéo theo khả năng giảm nới lỏng chính sách tiền tệ, nhiều quốc gia đã tăng mạnh lãi suất từ đầu năm đến nay. Mặc dù khả năng Fed đưa ra quyết định điều chỉnh lãi suất trong phiên họp chính sách đang diễn ra (ngày 15 và 16/6) là khó, song xu hướng thắt chặt tiền tệ ở nhiều nước cũng đang khiến dòng tiền đầu tư toàn cầu có dấu hiệu dịch chuyển.
Theo dự báo của tôi, trong giai đoạn tới, các quỹ đầu tư lớn sẽ chuyển hướng sang các kênh đầu tư an toàn như france Thụy Sỹ, yên Nhật, vàng, trái phiếu chính phủ, tiết kiệm, bảo hiểm, trái phiếu doanh nghiệp…
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư (Công ty Chứng khoán Maybank KimEng)
Với thị trường Việt Nam, mặc dù sự “tháo chạy” của các dòng tiền lớn khỏi thị trường chứng khoán là chưa có, song theo ông Khánh, nếu khả năng này xảy ra thì cũng diễn ra hàng năm, vì vậy quan sát trung hạn mới có thể nhận ra. Vì vậy, ông Khánh cảnh báo, nhà đầu tư chứng khoán phải thận trọng với bong bóng chứng khoán. Thực tế, động thái bán ròng liên tục của nhà đầu tư nước ngoài hơn một năm qua là chỉ báo đáng lưu tâm.
Trong vòng hơn 10 năm qua, nhà đầu tư chứng khoán có 2 năm bán ròng tại thị trường chứng khoán việt Nam là năm 2016 và năm 2020. Từ đầu năm đến nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng trên 30.000 tỷ đồng, vượt cả giá trị bán ròng của năm 2016 là năm 2020 cộng lại.
Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn giằng co, một phần do áp lực lạm phát và bong bóng tài sản toàn cầu.
“Cần phải tiếp tục theo dõi, chưa thể kết luận thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong giai đoạn bong bóng. Tuy vậy, có thể thấy, thời gian qua, thị trường tăng trưởng nhanh và mạnh chủ yếu là nhờ nhà đầu tư F0. Tuy nhiên, các nhà đầu tư mới thường bị ảnh hưởng nhiều bởi tâm lý bầy đàn, sử dụng đòn bẩy tài chính, lướt sóng…, nên rủi ro rất cao. Cơ quan quản lý phải theo dõi sát, nếu xảy ra hiện tưởng rút vốn hàng loạt, bầy đàn, thì phải có biện pháp kịp thời”, TS. Cấn Văn Lực cảnh báo.
Về động thái bán ròng kỷ lục của khối ngoại, chuyên gia này cho rằng, các nhà đầu tư ngoại đang có động thái phân tán rủi ro, lùi về thế phòng thủ trước khả năng Mỹ, châu Âu tăng lãi suất. Chính vậy, chuyên gia này cũng khuyến cáo, nhà đầu tư nên thận trọng, thị trường sẽ khó tránh những cú điều chỉnh lớn, dù nhìn chung, thị trường vẫn tích cực./.