Aa

Tiếng thở dài từ một cuộc thi

Thứ Ba, 12/09/2017 - 00:00

Sau hơn nửa năm tổ chức, chiều 08/9/2017, Ban tổ chức cuộc thi Ý tưởng chống ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030 đã tiến hành lễ trao giải. Tuy nhiên, trái với không khí hào hứng khi phát động, sự háo hức chờ đợi của giới báo chí và dư luận, cách thức tổ chức lễ trao giải và chất lượng thực tế của bài thi đạt giải cao nhất đã khiến nhiều người hụt hẫng, thất vọng.

Tôi còn nhớ như in cảm giác háo hức của mình khi đọc những thông tin được lan tỏa rầm rộ về cuộc thi do UBND Thành phố Hà Nội tổ chức. Đến mức, tôi còn nuôi nấng ý định “táo bạo” là sẽ mạnh dạn làm bài thi để gửi tham dự. Tham gia không phải vì tự tin mình giỏi, bởi tôi không phải dân giao thông.

Đơn giản, tôi là người có tâm huyết với vấn đề xã hội, yêu Hà Nội và muốn đóng góp một phần, dù nhỏ bé thôi để chung tay giải quyết những vấn đề đang trở thành bức xúc của Thủ đô. Phần quan trọng hơn, đó là, với cách tổ chức tuyên truyền rầm rộ, sôi động của Thành phố Hà Nội, cảm giác như chính quyền Thủ đô đang cầu thị, thật sự muốn lắng nghe, gạn đục khơi trong từ tất cả các ý tưởng, đề xuất, giải pháp mà người dân có trách nhiệm đưa ra.

Nhưng, đến khi nghe kỹ thể lệ cuộc thi, cùng những thông tin “đính chính” trên báo chí, tôi mới biết, hóa ra, cuộc thi chỉ dành cho các đơn vị có chuyên môn và các chuyên gia về lĩnh vực giao thông. Dù có hụt hẫng đôi chút, nhưng tôi vẫn cảm thấy vui vẻ và tin tưởng ở cuộc thi lần này.

 Dòng người đông đúc trên Cầu Diễn để đợi tới lượt lưu thông qua

Dòng người đông đúc trên Cầu Diễn để đợi tới lượt lưu thông qua "nút thắt cổ chai". Ảnh: Kháng Trần

Thời gian qua, tôi luôn quan tâm, chờ đợi những ý tưởng mới lạ, hiệu quả, thiết thực từ các chuyên gia để giúp giải quyết triệt để vấn nạn ùn tắc giao thông của Thủ đô. Vừa rồi, đọc báo, thấy có thông tin cho biết, ngày 8/9, Ban tổ chức sẽ công bố kết quả và trao giải, tôi háo hức đón chờ. Để rồi, rất băn khoăn khi thấy, cho đến cuối ngày, những thông tin về buổi lễ trao giải xuất hiện rất ít ỏi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Sáng ngày 9/9, nghĩa là sau khi lễ trao giải diễn ra một ngày, mới có những thông tin chính thức ít ỏi về cuộc thi này. Kèm theo đó là những ý kiến phàn nàn, kêu ca, thậm chí trách cứ, hoài nghi về cách thức tổ chức lễ trao giải và chất lượng thực sự của bài thi đạt giải. Nhiều phóng viên đã thất vọng về hành động “đóng cửa” của Ban tổ chức với giới báo chí khi nhiều phóng viên đến trụ sở của Ủy ban Thành phố để xin đưa tin về buổi trao giải đã bị… thẳng thừng từ chối, vì lý do: Chỉ những nhà báo, phóng viên có giấy mời mới được vào!?! Tại sao có hiện tượng “đầu thì ầm ĩ, đuôi lại ỉu xìu” như vậy?

Song, đó không phải điều gây thất vọng lớn nhất. Điều dư luận và bản thân tôi thấy hụt hẫng hơn đó là chất lượng của bài thi đạt giải cao nhất cuộc thi. Theo thông tin từ Ban tổ chức, cuộc thi này không có giải nhất, chỉ có một giải nhì.

Nhóm ý tưởng đạt giải Nhì là Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn Quốc gia (VIUP)- Nikken Sekkei Civi Engineering LDT (NSC) - Nikken Sekkei Reseach Institute (NSRI).

Đơn vị này được nhận 100.000 USD (khoảng 2 tỷ đồng) nhờ đưa ra 7 giải pháp, trong đó, có những giải pháp mà tôi nghĩ, chúng ta đã bàn đến quá lâu rồi, theo kiểu “biết rồi khổ lắm nói mãi” như: Mở rộng đô thị phải đồng bộ với mở rộng mạng lưới giao thông; đô thị xây đến đâu phải có đường xây cùng đến đó (cái này Tập đoàn Vingroup đã áp dụng từ lâu và làm rất tốt). Cải tạo lại hệ thống giao thông dành cho các phương tiện cá nhân (thử hỏi, ở Hà Nội, hầu như tuyến đường nào chẳng phải hệ thống giao thông dành cho các phương tiện cá nhân?); bố trí thêm bãi đỗ xe (quá đơn giản); phát triển hệ thống giao thông công cộng, mà cụ thể là hệ thống xe buýt nhanh BRT, hệ thống đường sắt đô thị (cái này Hà Nội đã nhận ra từ lâu và triển khai áp dụng cũng từ rất lâu rồi).

Nhạt nhẽo hơn, là cả những giải pháp mềm như: chuyển đổi dần nhu cầu, ý thức của người dân từ việc chuyển đổi xe máy, xe cá nhân sang phương tiện giao thông công cộng; đề ra biện pháp quản lý giao thông, những luật lệ giao thông mà mọi người phải nghiêm chỉnh chấp hành, tránh ùn tắc…(Thử hỏi, từ trước tới nay, chúng ta đã đề ra luật lệ giao thông nào mà không yêu cầu mọi người phải nghiêm chỉnh chấp hành?)….

Giải pháp mà tôi cho là xứng đáng với “ý tưởng” nhất, có được chút mới mẻ, đó là: Phát triển đô thị theo hình thức TOD, tức là phát triển các điểm khớp nối, theo định hướng ưu tiên giao thông công cộng. Hay điều chỉnh giải phân cách mềm theo nhu cầu đi lại, chẳng hạn một tuyến đường đang có dải phân cách và mỗi bên 2 làn đường, buổi sáng người đi vào thành phố nhiều hơn thì có thể dịch chuyển dải phân cách theo hướng một bên 3 làn, một bên 1 làn và ngược lại…

Tuy nhiên, ngay cả những giải pháp được cho là khá mới và có tính thiết thực này thực ra cũng không đặc biệt, xứng tầm với yêu cầu, mục đích, quy mô của cuộc thi và giá trị giải thưởng được nhận.

Ngoài giải nhì trị giá tiền thường hơn 2 tỷ đồng trên, được biết, Ban tổ chức còn trao cho 5 đơn vị lọt vào vòng chung khảo với số tiền hỗ trợ 25.000 USD. Không biết chất lượng cụ thể của 5 ý tưởng lọt vào chung khảo này thế nào, song, nhìn vào ý tưởng đạt giải cao nhất kia, tôi nghĩ, cũng có thể dễ dàng đoán biết được. Lúc này, tôi mới giật mình tự hỏi, có phải vì Ban tổ chức đã biết trước dư luận, truyền thông sẽ thất vọng trước chất lượng các bài thi nên không muốn tổ chức trao thưởng ầm ĩ?

Chẳng lẽ, ý tưởng của những chuyên gia, những đơn vị chuyên môn về giao thông lại nhạt nhẽo, chung chung, thiếu sáng tạo và đột phá, mới mẻ đến vậy sao? Hay cuộc thi chưa đủ sức lan tỏa, lôi cuốn để thu hút đông đảo những cá nhân, tập thể có tâm huyết, năng lực, kinh nghiệm thực sự tham gia đóng góp giải pháp, ý tưởng? Tôi chưa biết rồi UBND Hà Nội sẽ sử dụng như thế nào với các bài dự thi mình thu về.

Nhưng chắc chắn, tôi nghĩ, điều Hà Nội cần là những giải pháp giàu tính thực tiễn, đem lại hiệu quả thiết thực, mang tính cấp bách, tức thì. Có thể trao giải cho những ý tưởng đó để động viên, theo phương châm “bó đũa chọn cột cờ”, thi là phải trao giải, nhưng xin các cơ quan chức năng đừng trông chờ vào những giải pháp đó để giải quyết bài toán ùn tắc giao thông Hà Nội. Trao giải có thể dễ dãi, nhưng, thực hiện, không thể xuề xòa được đâu!?!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top