Trong năm 2016, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tiếp nhận, xử lý 2.028 thông tin phản ánh của người dân về tình hình vi phạm pháp luật đất đai; trong đó chủ yếu là về vấn đề cấp Giấy chứng nhận.
Cụ thể, có 538 thông tin phản ánh nội dung sai phạm chủ yếu về cấp Giấy chứng nhận. Còn lại 1.310 thông tin không phải là phản ánh về sai phạm hoặc thông tin trùng, không rõ nội dung, địa chỉ sai phạm để xem xét xử lý.
Sau khi nhận được thông tin phản ánh, Tổng cục Quản lý đất đai đã phát hành 533 công văn yêu cầu các địa phương kiểm tra, xử lý theo quy định và báo cáo kết quả về Tổng cục. Đồng thời, chuyển Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường xử lý 180 trường hợp khiếu nại, tố cáo.
Đặc biệt, Tổng cục đã chủ trì tổ chức 17 đoàn kiểm tra việc xử lý thông tin phản ánh qua đường dây nóng và giải quyết khó khăn vướng mắc trong việc cấp Giấy chứng nhận tại 15 tỉnh, thành phố, đồng thời đã tổ chức kiểm tra, làm rõ một số vụ việc nổi cộm báo chí đã phản ánh ở các địa phương như: Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc); Đức Trọng (Lâm Đồng); Hiệp Hòa (Bắc Giang)…. đã đề xuất báo cáo Bộ ban hành văn bản chỉ đạo, xem xét giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
Phó Tổng Cục trưởng Lê Văn Lịch cho biết, mặc dù đã có nhiều cố gắng trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, song do khối lượng công việc nhiều nên một số nhiệm vụ triển khai thực hiện còn chậm, một số công việc kết quả đạt được chưa cao.
Nguyên nhân chủ yếu được Tổng cục Quản lý đất đai cho rằng, do có nhiều nhiệm vụ đột xuất, nằm ngoài kế hoạch cần triển khai gấp dẫn đến ảnh hưởng tiến độ chung của công việc; sự phối hợp giữa các đơn vị và với địa phương đôi lúc còn bị động, thiếu sự chặt chẽ trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ; nhiều nhiệm vụ phụ thuộc vào kết quả tổng hợp, thống kê từ địa phương nên tiến độ không đảm bảo kế hoạch; kinh phí thực hiện chưa được bố trí kịp thời.
Để chấn chỉnh những tồn tại nêu trên, lãnh đạo Tổng cục Quản lý đất đai khẳng định, trong năm 2017, đơn vị này sẽ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt việc xây dựng, vận hành và khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu đất đai. Đồng thời, tăng cường phối hợp tốt với Tổng Cục thuế để nhân rộng việc thực hiện liên thông thuế, kết nối, trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế và cơ quan tài nguyên môi trường.
Đồng thời, Tổng cục Quản lý đất đai cũng sẽ thực hiện việc kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về giá đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phát triển quỹ đất; Nghiên cứu xây dựng quy định về cập nhật thông tin giá đất, xây dựng cơ sở dữ liệu về giá đất trong cơ sở dữ liệu đất đai, lập bản đồ giá đất.