Aa

Tiếp tục đa dạng hóa các hình thức thu xếp vốn cho các dự án truyền tải điện

Thứ Ba, 19/01/2021 - 20:40

Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) cho biết, năm 2021, Tổng công ty tiếp tục đa dạng hóa các hình thức thu xếp vốn, phấn đấu thu xếp đủ vốn cho các dự án lưới điện.

Tổng công ty cũng tập trung thực hiện tốt chỉ tiêu tiết kiệm chi phí vật liệu, dịch vụ mua ngoài, các loại chi phí khác bằng tiền đúng theo chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng công ty; Đẩy mạnh thanh tra, xử lý công nợ khó đòi, vật tư thiết bị ứ đọng, tài sản cố định không cần dùng, hư hỏng chờ thanh lý.

Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung đẩy mạnh quyết toán các dự án đầu tư xây dựng hoàn thành và xử lý tồn tại các công trình sau đóng điện.

Khởi công TBA 500kV Việt Trì và đấu nối. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Theo EVNNPT, năm 2020, mặc dù công tác thu xếp vốn đầu tư cho các dự án ngày càng khó khăn, phức tạp, nhưng EVNNPT đã thực hiện tốt để đảm bảo thu xếp vốn kịp thời cho các dự án. Trong năm, EVNNPT đã thực hiện thủ tục thu xếp vốn vay trong nước cho 52 dự án với tổng giá trị vay là 21.415 tỷ đồng; trong đó đã ký hợp đồng tín dụng cho 14 dự án với tổng số tiền là 5.475 tỷ đồng.

EVNNPT đã làm việc với các bộ, ngành để gia hạn thời gian thực hiện và giải ngân cho khoản vay ADB phân kỳ 3; tập trung triển khai thu xếp vốn dư dự án “Lưới điện thông minh - Hiệu quả truyền tải điện” giai đoạn 1 của KfW tương đương 25 triệu EUR và triển khai công tác thu xếp vốn giai đoạn 2 khoảng 200 triệu EUR; Làm việc với WB và các bộ ngành về sử dụng vốn dư dự án TEP và thu xếp dự án “Thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam”.

Đồng thời đã chủ động làm việc với các tổ chức tín dụng nước ngoài như MIGA, JICA, ADB và một số ngân hàng quốc tế khác để thu xếp vốn cho các dự án theo hình thức không có bảo lãnh Chính phủ.

Do vậy trong năm 2020 EVNNPT đã triển khai thành công hình thức vay vốn nước ngoài không có bảo lãnh Chính phủ với khoản vay 50 triệu USD cho dự án Đường dây 500 kV Đức Hòa - Chơn Thành. Lũy kế 5 năm giai đoạn 2016-2020, EVNNPT đã ký hợp đồng tín dụng thu xếp vốn cho các dự án với tổng giá trị là 9.933 tỷ đồng.

Giải phóng mặt bằng luôn là khâu khó khăn nhất khi thực hiện các dự án truyền tải. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Cũng trong năm 2020, EVNNPT tiếp tục được Tổ chức Fitch Ratings đánh giá và công bố xếp hạng tín nhiệm của EVNNPT ở mức BB, mức xếp hạng này tương ứng với xếp hạng quốc gia của Việt Nam và xếp hạng của công ty mẹ - EVN.

Xếp hạng tín nhiệm độc lập của EVNNPT đạt mức BB+, cao hơn công ty mẹ - EVN và cao hơn so với mức xếp hạng chung. Kết quả này đã và sẽ tạo điều kiện tích cực và chủ động cho EVNNPT trong công tác thu xếp vốn từ các tổ chức tín dụng quốc tế.

Năm 2020, lợi nhuận sau thuế của Tổng công ty đạt khoảng 576 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch lợi nhuận Tập đoàn giao. Trong năm EVNNPT đã nâng cao hiệu quả tài chính và tối ưu hóa chi phí như: Thực hiện tiết kiệm 7,5% chi phí so với định mức đã được Tập đoàn giao, tương ứng với tiết kiệm 65 tỷ đồng, đã tối ưu hoá dòng tiền, cơ cấu kỳ hạn tối ưu để an toàn, hiệu quả và đảm bảo vốn cho sản xuất kinh doanh, tăng nguồn thu lãi tiền gửi từ 264 tỷ đồng năm 2019 lên 288 tỷ đồng trong năm 2020.

Đến cuối năm 2020, các chỉ tiêu tài chính cơ bản của Tổng công ty đảm bảo đáp ứng các yêu cầu theo quy định với hệ số bảo toàn vốn là 1,002 lần, khả năng thanh toán ngắn hạn là 1,57 lần, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu là 2,44 lần.

Đặc biệt, việc quyết toán đã đi vào nền nếp và được EVNNPT quán triệt là công tác trọng tâm, thường xuyên, liên tục. Trong năm 2020, EVNNPT đã phê duyệt quyết toán được 43 dự án với tổng giá trị quyết toán là 2.429 tỷ đồng, lũy kế giai đoạn 2016 - 2020 toàn Tổng công ty phê duyệt quyết toán được 355 dự án với tổng giá trị quyết toán là 60.896 tỷ đồng. 

Theo đánh giá của EVNNPT, việc mở rộng và đa dạng hóa các quan hệ hợp tác quốc tế luôn luôn là một trong những mục tiêu hàng đầu của EVNNPT trong những năm qua. Năm 2020, EVNNPT tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác với các đối tác chiến lược (USTDA Mỹ, Kansai Nhật Bản), các nhà cung cấp (GE, Siemens, Izolyator), các công ty tư vấn, các Công ty điện lực, truyền tải trong khu vực, Công ty truyền tải điện quốc tế EGI - Bỉ; Tổng công ty Lưới điện Liên bang Nga (FGC UES), phối hợp với Đại sứ quán Anh tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Vận hành lưới truyền tải điện khi có nhiều nguồn năng lượng tái tạo nối lưới”.

Trong quá trình hợp tác, các đối tác, các nhà sản xuất thường xuyên trao đổi với Tổng Công ty, cung cấp các dữ liệu, thông tin hữu ích để các cán bộ kỹ thuật nghiên cứu, tìm hiểu nhằm áp dụng cho lưới điện ở Việt Nam.

Đường dây 220kV Phan Thiết-Phú Mỹ 2. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Trong giai đoạn 5 năm 2016 - 2020, mặc dù còn nhiều khó khăn thách thức trong công tác tài chính và sản xuất kinh doanh do sản lượng điện truyền tải nhiều năm sụt giảm nhiều so với kế hoạch, biến động tỷ giá khó lường, công tác thu xếp vốn ngày càng khó khăn, phức tạp tuy nhiên hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty đều có lợi nhuận.

Chỉ tiêu lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của Tổng công ty đều đạt từ 1 - 3%, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu nhỏ hơn 3 lần (từ 2,32 - 2,47 lần ). Hệ số bảo toàn vốn các năm đều lớn hơn 1. Hệ số thanh toán nợ các năm đều lớn hơn 1 lần (từ 1,38 - 1,61 lần) đáp ứng yêu cầu theo quy định./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top