Phát biểu tại hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 và khai mạc Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia - Quảng Nam 2024 diễn ra vào sáng nay 16/3, ông Don Lam, Phó trưởng ban Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân, Thành viên HĐQT Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An – Khu nghỉ dưỡng Hoiana, cho biết doanh nghiệp cam kết sẽ tiếp tục đầu tư lên tới 1 tỷ USD cho các giai đoạn sắp tới của dự án Khu nghỉ dưỡng Hoiana khi các thủ tục pháp lý được hoàn thiện cũng như được tạo điều kiện tối đa để mở rộng các hoạt động kinh doanh.
Theo ông Don Lam, dự án Khu nghỉ dưỡng Hoiana khởi công từ tháng 4/2016 được coi là một trong những dự án "mở lối trên cát" của tỉnh Quảng Nam. Đến nay, Hoiana đã hoàn thiện giai đoạn 1 của dự án với 1.200 phòng nghỉ cao cấp, 1 sân golf 18 hố ven biển và một khu vui chơi giải trí chất lượng cao mang tầm cỡ thế giới.
Dù ngành du lịch còn nhiều khó khăn, trong hai năm qua, Hoiana vẫn đóng góp tổng cộng hơn 1.000 tỷ vào ngân sách Nhà nước, là một trong những đơn vị nộp thuế lớn của tỉnh. Hoiana cũng tạo ra việc làm cho gần 3.000 lao động Quảng Nam - Đà Nẵng, giúp tăng thu nhập và nâng cao chất lượng đời sống cho người dân địa phương.
Để tiếp tục tạo đà cho vùng kinh tế phía Đông Quảng Nam, ông Don Lam kiến nghị Tỉnh Quảng Nam sớm thúc đẩy các quy hoạch chung 1/5.000 và quy hoạch phân khu 1/2.000 để giúp doanh nghiệp tiếp tục đầu tư xây dựng và phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Tạo điều kiện đưa Hoiana thành khu đô thị nghỉ dưỡng ven biển đa chức năng với hạ tầng cơ sở và dịch vụ đa dạng như trường học, bệnh viện quốc tế, trung tâm thương mại và trung tâm hội nghị cao cấp.
Từ đó, trở thành dự án kiểu mẫu, thí điểm triển khai "thị thực vàng" (golden visa) cho nhóm du khách cao cấp lưu trú dài ngày như nhóm du mục số, chuyên gia các ngành công nghệ cao, nhóm khách du lịch hưu trí cao tuổi hay nhóm khách "hưu trí trẻ" thu nhập cao. Nhóm du khách này sẽ mang đến nguồn thu cho ngân sách Nhà nước và cơ hội việc làm lớn cho khu vực địa phương.
"Chúng tôi luôn tin tưởng về tiềm năng phát triển kinh tế du lịch biển tại vùng Đông Quảng Nam, với lợi thế về văn hóa lịch sử của phố cổ Hội An và các động lực ngày càng rõ nét như cầu Cửa Đại, đường ven biển kết nối với sân bay Chu Lai. Đặc biệt gần đây với các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cùng với Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản 2024 được thông qua đã cho thấy rõ quyết tâm và đường hướng đúng đắn của Chính phủ về việc phát triển đa dạng hóa các loại hình sản phẩm du lịch và bất động sản du lịch như condotel, biệt thự biển", ông Don Lam chia sẻ.
Cũng tại hội nghị, UBND tỉnh Quảng Nam trao quyết định chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/Thoả thuận nghiên cứu địa điểm đầu tư cho các nhà đầu tư của 16 dự án tiêu biểu với tổng vốn đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng. Theo đó, trao 7 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 7 dự án thuộc Tập đoàn Thaco Trường Hải.
Cụ thể, Nhà máy cơ điện lạnh với tổng vốn đầu tư hơn 400 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất dây điện ô tô du lịch, với tổng vốn đầu tư hơn 450 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất kính ô tô cao cấp, với tổng vốn đầu tư 390 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất Linh kiện khung thân vỏ ô tô, với tổng vốn đầu tư 800 tỷ đồng; Nhà máy nội thất ô tô du lịch, với tổng vốn đầu tư hơn 540 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất ghế ô tô du lịch, tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng và Trung tâm R&D THACO Industries, tổng vốn đầu tư hơn 300 tỷ đồng.
Đồng thời, tỉnh Quảng Nam cũng trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án Mở rộng, nâng cấp bến cảng Chu Lai, thuộc khu bến cảng Tam Hiệp với tổng vốn đầu tư 1.560 tỷ đồng. Dự án này do Tập đoàn THILOGI làm chủ đầu tư.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam cũng trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Nhà máy sản xuất thiết bị làm sạch, tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng do Công ty Karcher Beteiligungs (Cộng Hòa liên bang Đức); Nhà máy sản xuất kính hoa siêu trắng, tổng vốn đầu tư hơn 820 tỷ đồng, do Công ty TNHH phát triển kỹ thuật Ức Thịnh (Trung Quốc) làm chủ đầu tư; dự án Nam châm từ tính, với tổng vốn đầu tư 1.920 tỷ đồng, do Công ty Star Group Industrial Co.,Ltd (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư.
Dự án sản xuất thiết bị âm thanh, với tổng vốn đầu tư 960 tỷ đồng, do Công ty Guoguang Electric Co.,Ltd (Trung Quốc) làm chủ đầu tư; Nhà máy sản xuất sản phẩm nhựa và kim loại kiên cố Quảng Nam, với tổng vốn đầu tư 24 tỷ đồng, do Công ty TNHH Kiên cố PMG (Hoa Kỳ) làm chủ đầu tư; dự án Sản xuất ghế trò chơi điện tử và ghế ô tô Arena Technologies, với tổng vốn đầu tư 19 tỷ đồng, do Công ty TNHH Tư nhân công nghệ Soleseat.
Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam cũng trao thỏa thuận nguyên tắc nghiên cứu địa điểm đầu tư dự án Đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Nam Thăng Bình, với tổng vốn đầu tư 6.850 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Tập đoàn Bin Corporation; dự án Đầu tư, kinh doanh kết cấu hạn tầng Khu công nghiệp phía Tây cao tốc đoạn qua huyện Thăng Bình, với tổng vốn đầu tư 3.500 tỷ đồng do Công ty WHA Industrial Development Public Company Limited (Thái Lan) làm chủ đầu tư.