Aa

Quy hoạch Quảng Nam là tâm huyết, trí tuệ của nhiều người

Hữu Trà
Hữu Trà
Thứ Bảy, 02/03/2024 - 14:51

Đó là ý kiến của ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam tại cuộc họp báo thông tin về Hội nghị Công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và khai mạc "Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia - Quảng Nam 2024".

Cũng theo ông Lê Trí Thanh, ngày 17/1/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 72/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh Quảng Nam; là cơ sở để điều hành và quản lý mọi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, phát triển không gian lãnh thổ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ thống nhất cho tỉnh Quảng Nam đăng cai tổ chức Đề án "Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia - Quảng Nam 2024" theo Công văn số 752/VPCP-KGVX ngày 31/01/2024 của Văn phòng Chính phủ. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Quảng Nam sẽ tổ chức Hội nghị Công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và khai mạc Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia - Quảng Nam 2024.

Quy hoạch Quảng Nam là tâm huyết, trí tuệ của nhiều người- Ảnh 1.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh (đứng) phát biểu tại buổi họp báo vào chiều 1/3/2024

Nói về Quy hoạch tỉnh Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh khẳng định đây là quy hoạch quy mô, tâm huyết, là trí tuệ của rất nhiều tập thể, cá nhân là các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành cũng như những góp ý chân thành của các bộ, ban, ngành Trung ương vì Quảng Nam phát triển đi lên. "Sau khi công bố Quy hoạch (dự kiến vào ngày 16/3), chúng tôi sẽ tổ chức rà soát tất cả các quy hoạch đã ban hành, lĩnh vực nào chưa phù hợp thì điều chỉnh. Cái nào thấy cần thiết phải đầu tư để "đi tắt đón đầu" sẽ tập trung, ưu tiên làm trước", ông Lê Trí Thanh, chia sẻ và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Chu Lai quy mô cấp 4F, Cảng biển Quảng Nam đạt chuẩn loại I có thể đón tàu 50.000DWT, kèm theo đó là đầu tư hoàn thiện hệ thống đường bộ kết nối vùng Đông với vùng Tây của tỉnh để liên kết hạ tầng với khu vực Tây Nguyên, các nước Lào, Cam puchia...

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, cho rằng với quan điểm, mục tiêu: chủ động kiến tạo, đổi mới mạnh mẽ tư duy, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh; không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế. Kết hợp nội lực với ngoại lực, phấn đấu một số ngành, lĩnh vực thuộc nhóm dẫn đầu cả nước như: công nghiệp ô tô, cơ khí, dược liệu; phấn đấu đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên vào năm 2030. Đến năm 2050, Quảng Nam phát triển toàn diện, hiện đại và bền vững; phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là trung tâm du lịch quốc tế quan trọng.

Quy hoạch Quảng Nam là tâm huyết, trí tuệ của nhiều người- Ảnh 2.

Cảng Chu Lai - Quảng Nam

Để thực hiện được mục tiêu phát triển đến năm 2030, có 5 nhóm mục tiêu về: kinh tế; văn hóa - xã hội; môi trường, sinh thái; kết cấu hạ tầng; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; trong đó: mục tiêu về kinh tế với tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt trên 8%/năm, GRDP bình quân đầu người đạt trên 7.500 USD.

Về tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam được làm rõ qua mô hình cấu trúc: hai vùng, hai cụm động lực, ba hành lang phát triển. Trong đó, mỗi không gian được định vị các lĩnh vực quan trọng có thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của khu vực trong tương lai. Cấu trúc này đảm bảo sự phát triển cân bằng về mặt kinh tế - xã hội giữa vùng đông và vùng tây. Ngoài ra, hình thành các cụm động lực để hỗ trợ cho nhau, phát huy vai trò đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế, cụ thể:

- Hai vùng bao gồm vùng Đông và vùng Tây, trong đó: Vùng Đông gồm các huyện, thị xã, thành phố đồng bằng ven biển: Là vùng động lực của tỉnh với các ngành kinh tế chủ đạo là kinh tế biển, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp; tập trung các đô thị lớn, trung tâm hành chính, chính trị của tỉnh. Tam Kỳ là đô thị trung tâm hành chính, kinh tế, giáo dục, đào tạo; Hội An là đô thị sinh thái - văn hóa - du lịch, giao lưu quốc tế với các sản phẩm đặc sắc có chiều sâu văn hóa; Điện Bàn là đô thị phát triển công nghiệp, khoa học, đổi mới sáng tạo.

Vùng Tây gồm các huyện miền núi: Là vùng bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên; phát triển vùng nguyên liệu lâm sản và dược liệu quốc gia, với Sâm Ngọc Linh là sản phẩm chủ lực để sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tự nhiên; kinh tế vườn, trang trại, chăn nuôi; khai thác thuỷ điện, khoáng sản; bảo vệ khu vực biên giới. Đô thị Khâm Đức - Phước Sơn và Thạnh Mỹ - Nam Giang là các đô thị chuyển tiếp, kết nối, giao lưu phát triển giữa khu vực đồng bằng tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng với Tây Nguyên và các nước trên hành lang quốc tế Đông - Tây. Tập trung đầu tư các trục chính liên kết vùng Đông với vùng Tây để tạo động lực phát triển.

- Hai cụm động lực gồm Cụm Điện Bàn - Hội An - Đại Lộc: Là cực tăng trưởng phía Bắc của tỉnh, kết nối với các không gian kinh tế của thành phố Đà Nẵng. Hình thành chuỗi đô thị ven sông, ven biển thông qua các tuyến đường bộ và hệ thống sông Vu Gia, Thu Bồn, Cổ Cò; phát triển hành lang du lịch dựa trên tuyến giao thông đường thủy. Nâng cao chất lượng khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc và các cụm công nghiệp tại Điện Bàn. Điều chỉnh các cụm công nghiệp trên trục quốc lộ 14B huyện Đại Lộc theo hướng kết nối, mở rộng thành các khu công nghiệp với hạ tầng đồng bộ, môi trường đảm bảo; phát triển không gian đô thị Điện Bàn và Hội An gắn kết với đô thị hóa của thành phố Đà Nẵng, hình thành đô thị nghỉ dưỡng - giải trí ven biển và ven sông Cổ Cò.

Cụm Tam Kỳ - Núi Thành - Phú Ninh: Kết nối các không gian kinh tế của 3 đơn vị hành chính này thành khu vực phát triển kinh tế công nghiệp, dịch vụ logistic cảng biển, hàng không, thương mại, du lịch biển, y tế, giáo dục - đào tạo, đô thị thông minh, trong đó sáp nhập huyện Núi Thành với TP. Tam Kỳ để phát triển thành đô thị loại I. Chu Lai là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, với hạt nhân là ngành công nghiệp cơ khí ô tô, tiếp tục tái cấu trúc đồng thời với tổ chức sản xuất các sản phẩm mới phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Liên kết với tỉnh Quảng Ngãi trở thành cực tăng trưởng kinh tế trọng điểm của tỉnh.

- Ba hành lang phát triển: gồm Hành lang động lực kinh tế ven biển từ đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đến ven biển. Tập trung các không gian công nghiệp sinh thái, công nghiệp công nghệ cao, du lịch xanh và chuỗi đô thị sông, biển gắn với cảng biển và Cảng hàng không Chu Lai. Hành lang dọc đường Đông Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh thuộc không gian phía Tây của tỉnh: Tập trung công nghiệp thuỷ điện, khai thác, chế biến khoáng sản, nông, lâm nghiệp, bảo tồn, phát huy văn hoá đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số; là cửa ngõ giao thương với các tỉnh Tây Nguyên và tỉnh Thừa Thiên Huế. Hành lang dọc Quốc lộ 14B và Quốc lộ 14E nối lên Quốc lộ 14D đến Cửa khẩu quốc tế Nam Giang: Là trục giao lưu với vùng kinh tế Tây Nguyên và Nam Lào - Bắc Campuchia.

Cũng theo ông Lê Trí Thanh, nội dung Quy hoạch tỉnh thể hiện các quan điểm, mục tiêu phát triển, không gian phát triển và các đột phá phát triển cho tỉnh Quảng Nam trong thời kỳ quy hoạch; lấy ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết thống nhất, nỗ lực vượt qua khó khăn, bền bỉ của con người Xứ Quảng làm nhân tố quyết định nội lực; thể hiện tư duy sáng tạo, tầm nhìn mới để tận dụng các lợi thế so sánh, tìm kiếm không gian mới, cơ hội phát triển mới, tạo nên những giá trị riêng có và khác biệt cho tỉnh, phù hợp với chủ trương, đường lối phát triển của Đảng và Nhà nước...

"Cùng với triển khai các hoạt động "Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia - Quảng Nam 2024", một sự kiện môi trường có quy mô tầm quốc gia, có ý nghĩa rất lớn nhằm góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về tầm quan trọng của bảo tồn đa dạng sinh học; cụ thể hoá quan điểm không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế, phát triển kinh tế với tư duy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và có tính cân đối hài hòa giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế trong nội dung Quy hoạch tỉnh", ông Lê Trí Thanh, nói thêm và khẳng định quan điểm xuyên suốt của lãnh đạo Quảng Nam là tập trung ưu tiên tất cả các nguồn lực cho phát triển xanh, bền vững...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top