Aa

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, bảo đảm quyền tự do kinh doanh

Thứ Hai, 19/04/2021 - 06:30

Nhà đầu tư nước ngoài không chỉ nhìn vào thể chế liên quan đến kinh tế, mà rất quan tâm đến hệ thống tư pháp, nên cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, bảo đảm quyền tự do kinh doanh.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, khi muốn đầu tư vào quốc gia nào đó, nhà đầu tư nước ngoài không chỉ nhìn vào thể chế liên quan đến kinh tế, mà còn rất quan tâm đến hệ thống tư pháp có bảo đảm cho mọi người được kinh doanh một cách bình đẳng không, hoạt động cạnh tranh có diễn ra đúng pháp luật hay không…, nên cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, bảo đảm quyền tự do kinh doanh.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

PV: Thưa ông, đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại về một số vụ án kinh doanh thương mại, các yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp giải quyết còn chậm, một số vụ án dân sự, kinh doanh, thương mại sau khi xét xử còn gây tranh cãi hoặc phản ứng trong dư luận. Trên nghị trường, có những vụ án được đại biểu nhắc đến ở nhiều kỳ họp với sự sốt ruột cao độ, gây tranh luận căng thẳng. Vậy theo ông, yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật để giảm bớt lo lắng của người dân, doanh nghiệp về môi trường kinh doanh, từ góc độ tư pháp, nên được đặt ra như thế nào trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Mạnh Cường: Quốc hội vừa xem xét, thảo luận về báo cáo công tác của cả nhiệm kỳ Chính phủ và các cơ quan tư pháp với những đánh giá rất tích cực về kết quả phát triển kinh tế - xã hội. Trong thành tựu đó có đóng góp cực kỳ quan trọng của hệ thống tư pháp, chính là hệ thống bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, quyền tự do kinh doanh.

Một đất nước muốn phát triển được kinh tế, thì hệ thống tư pháp phải cực kỳ vững chắc và phải hoạt động rất hiệu quả. Lâu nay, nhiều khi nói đến phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta cứ nói đến chủ thể khác, mà ít quan tâm đến hệ thống tư pháp. Như thế là chưa đầy đủ. Các nhà đầu tư nước ngoài khi có dự định đến quốc gia nào để đầu tư, cái họ quan tâm không chỉ là thể chế liên quan đến kinh tế, như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư..., mà họ còn rất quan tâm xem hệ thống tư pháp ở đó có hoạt động hiệu quả hay không, có đảm bảo được trật tự an toàn xã hội hay không, có bảo đảm môi trường cho mọi người được kinh doanh một cách bình đẳng hay không, các hành vi vi phạm pháp luật có được xử lý công bằng, khách quan, minh bạch hay không, hoạt động cạnh tranh có diễn ra đúng pháp luật hay không...

Khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), thì một trong các yêu cầu luôn được đặt ra là hệ thống tư pháp phải công khai, minh bạch, đảm bảo quyền của các đương sự, có sự tham gia luật sư, sự giám sát của xã hội. Một khi đã ký kết các FTA đó, Việt Nam cũng cam kết phải thực hiện đúng như vậy. Mà để có được hệ thống tư pháp tốt, thì bao giờ cũng phải xuất phát từ thể chế, các quy định về lĩnh vực đó phải hoàn thiện.

Hiện nay, hệ thống tư pháp của Việt Nam đang ngày càng hoàn thiện hơn, sau Hiến pháp 2013, Quốc hội đã sửa đổi hàng loạt luật, từ các luật về tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp cho đến các luật về trình tự, thủ tục tố tụng, theo đúng tư tưởng về bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của tổ chức, cá nhân.

Dây chuyền sản xuất tại Nhà máy Neslé Bông Sen (tỉnh Hưng Yên).
Dây chuyền sản xuất tại Nhà máy Neslé Bông Sen (tỉnh Hưng Yên). Ảnh: Đ.T

PV: Ông có thể nói rõ hơn về thay đổi tích cực trong nhiệm kỳ này?

Ông Nguyễn Mạnh Cường: Trong nhiệm kỳ này, hệ thống tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp đã có nhiều đổi mới quan trọng. Ví dụ, đối với tòa án, đã chuyển đổi từ hệ thống toà án 3 cấp sang 4 cấp; tiêu chuẩn thẩm phán cũng được nâng lên theo quy định mới.

Trước đây, việc giải quyết một số vụ án dân sự, kinh tế kéo dài, lặp đi lặp lại, nên nhà đầu tư rất nản. Theo quy định cũ, sau xét xử sơ thẩm là đến cấp phúc thẩm và nhiều vụ lại tiếp tục đến giám đốc thẩm. Nếu hủy án thì vụ án lại quay lại xét xử từ sơ thẩm hoặc phúc thẩm. Vì thế, có những vụ kéo dài đến 10 năm, 15 năm. Hội đồng Xét xử giám đốc thẩm không được sửa án, mà chỉ có quyền giữ nguyên bản án hoặc huỷ án để giao lại xét xử từ sơ thẩm hoặc phúc thẩm.

Nhiệm kỳ này, quy định về tố tụng đã được sửa theo hướng Hội đồng Giám đốc thẩm nếu xét thấy có sai sót và tài liệu, chứng cứ đã đầy đủ, rõ ràng, việc sửa bản án không ảnh hưởng tới quyền lợi của người khác, thì có quyền sửa ngay bản án.

Hay trước đây, muốn xét xử giám đốc thẩm thì cần hội đồng toàn thể các thẩm phán của Hội đồng Thẩm phán hoặc Ủy ban Thẩm phán, nên chỉ xử được rất ít vụ. Lần này, quy định Hội đồng Xét xử giám đốc thẩm có thể là hội đồng 3 người, 5 người hoặc toàn thể, nên có thể xét xử được nhiều vụ nhất và không phải vòng đi, vòng lại.

Một điểm sáng nữa của nhiệm kỳ này là trong bối cảnh đại dịch Covid-19, phòng chống tham nhũng đặc biệt được đẩy mạnh, án tham nhũng không chững lại, mà vẫn được xét xử theo tinh thần kịp thời, nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Cũng cần nhắc lại rằng, hoạt động tư pháp trong nhiệm kỳ này được tiến hành công khai, minh bạch hơn. Trước đây, báo cáo về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm, báo cáo của Chánh án Toà án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đều đóng dấu mật. Sau đó, nhiều đại biểu và Ủy ban Tư pháp có ý kiến thì những năm cuối, dấu mật đã được bỏ. Nhờ vậy, các cơ quan báo chí tiếp cận dễ hơn, cũng có nghĩa là các nhà đầu tư nắm được nhiều thông tin hơn, có niềm tin hơn vào hệ thống tư pháp.

PV: Vậy để niềm tin này vững chắc hơn, các nhà đầu tư bớt lo ngại hơn, theo ông, đâu là việc cần ưu tiên trong nhiệm kỳ tới?

Ông Nguyễn Mạnh Cường: Theo tôi, thời gian tới, cần ưu tiên tổng kết và tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về tư pháp đặt trong bối cảnh công tác tư pháp, như tôi đã nói, cực kỳ quan trọng với sự phát triển của đất nước. Bên cạnh đó, cũng cần phải nhìn thấy hoạt động tư pháp vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập cần sớm được khắc phục.

Ủy ban Tư pháp cũng đã đề nghị Tòa án Nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan có các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án kinh doanh, thương mại, các yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp và nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án hành chính.

Thời gian tới, cũng cần đẩy mạnh công tác giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp. Đây là vấn đề rất khó. Trên thế giới, rất ít nước, Quốc hội giám sát cơ quan tư pháp, vì tư pháp độc lập và không đặt vấn đề Quốc hội giám sát. Nhưng ở Việt Nam thì quyền lực nhà nước là tập trung thống nhất, Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, nên Quốc hội giám sát cả hoạt động tư pháp. Vậy làm sao vừa giám sát, vừa đảm bảo sự độc lập của cơ quan tư pháp là vấn đề cần phải tiếp tục có nghiên cứu và làm rõ hơn; giám sát thế nào, thẩm quyền đến đâu để không ảnh hưởng đến sự độc lập của các cơ quan tư pháp./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top