Trong gần 10.000 doanh nghiệp tham gia khảo sát, 82,3% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh. Với những doanh nghiệp còn trụ lại, 71,2% dự kiến giảm quy mô lao động; 80,7% dự kiến giảm doanh thu.
Đó là những "con số biết nói" được in đậm trong Báo cáo Kết quả khảo sát tình hình doanh nghiệp do Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) công bố hôm 26/5.
Hay mới đây, Báo cáo của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2023 cũng cho biết, cả nước có 55.200 doanh nghiệp đang tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước; khoảng 25.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động và chờ làm thủ tục giải thể, tăng 34,1%; 7.300 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 6,5% so với cùng kỳ.
Riêng trong tháng 5, hơn 5.360 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giảm 25,1% so với tháng trước, tăng 8,1% so với năm trước. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động, chờ làm thủ tục giải thể là hơn 4.700 doanh nghiệp, còn doanh nghiệp đã phá sản là hơn 1.200 cơ sở.
Như vậy, chỉ trong 5 tháng qua, cả nước có khoảng 88.000 doanh nghiệp đóng cửa, bình quân mỗi tháng có 17.600 doanh nghiệp ra khỏi thị trường.
Nói về những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp đang gặp phải, tại các phiên thảo luận mới đây của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, nhiều doanh nghiệp đã dùng đến những "đồng tiền dự trữ cuối cùng" để trang trải; còn ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lại nhấn mạnh về "sự bào mòn rất khó khăn" của doanh nghiệp. Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh một thực tế rằng, nhiều doanh nghiệp lớn "đã phải bán gần hết tài sản; những gì bán được là đã bán và bán có 50% giá thực".
Có thể thấy, những khó khăn đối với cộng đồng doanh nghiệp không còn là dự đoán mà đã thực sự hiện hữu. Nếu tình trạng này không được giải quyết, nhiều chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp sẽ khó trụ vững trong những tháng tiếp theo của năm 2023, nguy cơ về số lượng doanh nghiệp giải thể và tạm dừng họat động sẽ ngày càng tăng cao.
Để có những góc nhìn tổng quan về bức tranh các doanh nghiệp Việt hiện nay, cùng với đó là tìm ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Reatimes đã có cuộc trao đổi với TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME).
Nhiều doanh nghiệp "gục ngã" ngay trên "sân nhà"
PV: Thưa ông, trước những con số được ghi nhận tại Báo cáo 5 tháng đầu năm 2023 của Tổng cục Thống kê và Báo cáo khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, ông có bình luận như thế nào về tình hình cộng đồng doanh nghiệp hiện nay?
TS. Tô Hoài Nam: Đây là những con số rất đáng buồn. Những con số này đang phản chiếu một bức tranh tối màu và cực kỳ đáng quan ngại về sức khoẻ của cộng đồng doanh nghiệp.
Hiện nay, sức khoẻ các doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực đều suy yếu. Họ rất chật vật để bám trụ thị trường nhằm duy trì hoạt động. Với những doanh nghiệp không đủ sức "cầm hơi" thì buộc phải tạm dừng hoạt động hoặc giải thể.
Có thể nói, tình trạng của các doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại còn khó khăn hơn cả hai năm chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
PV: Theo Ban IV, khó khăn về đơn hàng là khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp đang gặp phải (chiếm 59,2%), tiếp đến là khó khăn trong tiếp cận vốn vay (chiếm 51,1%). Hai nhóm còn lại là thực hiện thủ tục hành chính, đáp ứng các quy định của pháp luật (45,3%) và nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế (31,1%). Ông đánh giá như thế nào về những khó khăn này?
TS. Tô Hoài Nam: Khó khăn về đơn hàng chiếm tỷ trọng cao nhất là điều dễ hiểu bởi tình hình kinh tế thế giới đang suy giảm và nhiều biến động, trong khi đó Việt Nam là quốc gia có độ mở kinh tế lớn.
Nhưng điều tôi thấy lo lắng là trong bối cảnh này, doanh nghiệp vẫn nói đến những khó khăn về thủ tục hành chính và nguy cơ hình sự hóa. Đáng lẽ ra, đây không nên là khó khăn lớn của doanh nghiệp vào lúc này, trong bối cảnh chúng ta đều đang nói về hỗ trợ phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng.
Thời gian qua, chúng ta đã và đang đẩy mạnh thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có nhóm giải pháp cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Thêm nữa, cải cách thể chế luôn được xác định là một khâu đột phá. Vậy nhưng, thủ tục hành chính, quy định pháp luật vẫn đang là những nguyên nhân mấu chốt đẩy nhiều doanh nghiệp "gục ngã" ngay trên "sân nhà".
Theo tìm hiểu của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, 5 tháng đầu năm 2023 đã xuất hiện nhiều hơn các giấy phép con, nhiều hơn các thủ tục hành chính. Đây là một thực tế đáng buồn mà tôi cho rằng, chúng ta cần nhìn nhận lại một cách thẳng thắn để tìm ra nguyên nhân và giải pháp.
PV: Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân khiến doanh nghiệp rơi vào cảnh khan hiếm vốn, khó thực hiện thủ tục hành chính và nguy cơ hình sự hoá cao tại các giao dịch kinh tế?
TS. Tô Hoài Nam: Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, có đến 80% doanh nghiệp hiện nay đang rất cần vốn nhưng khó tiếp cận được các kênh dẫn vốn. Đây là khó khăn dai dẳng và lâu dài suốt thời gian qua nhưng 7 tháng gần đây diễn biến nóng hơn.
Bản thân Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo nhiều chính sách còn các ngân hàng thương mại về ý chí và phát ngôn cũng thể hiện quyết tâm rất cao trong việc tháo gỡ khó khăn về dòng vốn tín dụng cho các doanh nghiệp. Nhưng trên thực tế là chưa có nhiều chuyển biến.
Trong khi đó, gói hỗ trợ lãi suất 2% được triển khai theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 20/5/2022) đến nay vẫn chưa giải ngân như kỳ vọng do ưu đãi không thực sự hấp dẫn và thủ tục tiếp cận quá rườm rà.
Rất nhiều doanh nghiệp "lắc đầu" vì không đáp ứng đủ điều kiện tiếp cận gói hỗ trợ. Điển hình nhất là không được giải ngân vì thiếu tài sản thế chấp, không có hóa đơn đỏ theo yêu cầu mà chỉ có hóa đơn bán lẻ, địa phương chưa có quy định về thu nhập thấp nên không biết căn cứ vào đâu để xác định…
Như vậy, nguyên nhân khiến các doanh nghiệp khó khăn về dòng vốn là do khó tiếp cận các kênh dẫn vốn, đặc biệt là dòng vốn tín dụng. Đối với các gói ưu đãi thì chưa đủ động lực để các doanh nghiệp tham gia và nếu có tham gia thì còn quá nhiều bất cập về khâu tiếp cận.
Với khó khăn về thực hiện thủ tục hành chính, tôi cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do các quy định pháp luật ở nước ta còn mâu thuẫn, chồng chéo, luật nọ chống luật kia. Thực tế này đã tồn tại từ rất lâu nhưng giai đoạn hiện nay thêm phần khó khăn hơn khi mà việc thực thi chính sách của các cấp chính quyền đang bị đình trệ.
Hiện nay, hầu hết các cấp chính quyền đang đùn đẩy trách nhiệm, né tránh trách nhiệm do tâm lý sợ sai nên việc hỗ trợ, giải quyết các thủ tục pháp lý cho doanh nghiệp đã chậm càng thêm chậm. Vì vậy, mà các doanh nghiệp đều "than trời" vì thủ tục hành chính.
Còn với nguy cơ hình sự hoá cao, nguyên nhân có lẽ là do công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp đang được đẩy mạnh, làm căng.
Không tạo thêm khó khăn mà cần hạn chế tối đa các khó khăn cho doanh nghiệp
PV: Nếu để tình trạng như hiện tại tiếp tục kéo dài, doanh nghiệp và nền kinh tế sẽ rơi vào trạng thái như thế nào, thưa ông?
TS. Tô Hoài Nam: Rất nhanh thôi, chúng ta sẽ thấy một cộng đồng doanh nghiệp mà hơn 20 năm cố gắng xây dựng (kể từ năm 2000, khi mà Luật Doanh nghiệp ra đời) dần rơi rụng ngày càng nhiều nếu những khó khăn của hiện tại không được tháo gỡ.
Khi doanh nghiệp không còn khả năng để duy trì sự sống của chính bản thân mình thì cũng đồng nghĩa những đóng góp của doanh nghiệp cho sự phát triển của nền kinh tế sẽ biến mất. Bởi doanh nghiệp từ trước đến nay luôn được xem là "xương sống" của nền kinh tế.
PV: Vậy bài học ở đây là gì, thưa ông?
TS. Tô Hoài Nam: Tôi cho rằng, những khó khăn nào xuất phát từ tác động bên ngoài như đơn hàng sụt giảm thì chúng ta buộc phải chấp nhận nhưng những khó khăn xuất phát từ nội tại bên trong, là những khó khăn chủ quan như dòng vốn, thủ tục hành chính… thì chúng ta cần phải xử lý ngay và luôn. Bởi bối cảnh này không phải là lúc tạo thêm khó khăn mà cần hạn chế tối đa các khó khăn nếu muốn doanh nghiệp sống sót, muốn nền kinh tế hồi phục và phát triển.
Cụ thể, không nên ban hành các quy định mới, làm phát sinh thêm chi phí cho hoạt động sản xuất - kinh doanh. Nhưng trong trường hợp buộc phải ban hành, thì cần có cơ chế hỗ trợ để tuân thủ quy định mới, giúp doanh nghiệp nhanh chóng áp dụng, trách thủ tục rườm rà kéo dài. Thậm chí, nhiều quốc gia còn có cơ chế bù đắp cho doanh nghiệp khi quy định mới tạo ra chi phí.
Thứ nữa, những việc gì cần làm để hệ thống doanh nghiệp phát triển thì nên làm ngay, quyết định ngay, bớt các khâu xin ý kiến, trao đổi lòng vòng giữa các cơ quan, bộ ngành, chứ đừng để đến khi giải quyết được thì doanh nghiệp đã "gần đất xa trời".
(Ảnh: Tùng Dương)
PV: Dưới vai trò là đại diện của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, ông có đề xuất những giải pháp cụ thể gì để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh hiện tại?
TS. Tô Hoài Nam: Đầu tiên là cần phải khơi thông nguồn vốn tín dụng cho các doanh nghiệp. Doanh nghiệp không thể sống mà thiếu vốn. Vì vậy, để doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn thì cần cân nhắc hạ lãi suất.
Cũng cần phải đánh giá hết sức công bằng những kênh dẫn vốn khác, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp. Đây là kênh dẫn vốn rất tốt nhưng thời gian qua có xảy ra những vụ việc có tính chất đại án. Tuy nhiên, đây chỉ là những trường hợp cá biệt, thiểu số. Chúng ta không nên vì một hay hai trường hợp mà đánh đồng tất cả làm ảnh hưởng đến kênh dẫn vốn quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh hơn nữa vai trò của các quỹ như: Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ bảo lãnh tín dụng. Thời điểm khát vốn như hiện tại không phải là thời điểm để các quỹ ở trạng thái "án binh bất động".
Thứ hai, gói hỗ trợ 2% cho cộng đồng doanh nghiệp hiện nay chưa đủ động lực, nên theo tôi, gói hỗ trợ cần đưa lên 4% và áp dụng ở diện rộng để nhiều doanh nghiệp có thể tiếp cận được.
Thứ ba, các chính sách tài khoá cần được đẩy mạnh hơn nữa, đặc biệt là việc giải ngân đầu tư công. 6 tháng đầu năm giải ngân đầu tư công cả nước có thể chậm nhưng 6 tháng cuối năm thì không thể chậm được nữa.
Với việc giảm thuế VAT 2%, tôi cho đây là chính sách tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong các hoạt động. Cụ thể, nó sẽ có tác động giảm chi phí đầu vào lẫn giá thành đầu ra, qua đó thúc đẩy tiêu dùng cuối cùng.
Tuy nhiên, việc áp dụng chính sách này trong 6 tháng khó mang lại sự phục hồi như kỳ vọng. Chính sách không nên thực hiện "giật cục" theo kiểu hết 6 tháng này dừng lại, rồi 6 tháng sau tính tiếp mà cần tính toán dài hơi hơn. Vì vậy, có thể nghiên cứu kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2024.
Cuối cùng, cần giảm bớt các thủ tục hành chính, giảm bớt thanh kiểm tra ở giai đoạn hiện nay để không làm khó cho doanh nghiệp, không tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp và cũng là cách để phục hồi niềm tin toàn thị trường.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, nếu chúng ta không nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp ngay bây giờ thì nhiều doanh nghiệp sẽ tiếp tục "gục ngã" trước khi có cơ hội phục hồi.
Trân trọng cảm ơn ông!