Aa

Tiêu chí ESG ảnh hưởng thế nào đến đầu tư khách sạn tại Việt Nam?

Thuý Quỳnh
Thuý Quỳnh quynhbui.reatimes@gmail.com
Chủ Nhật, 13/11/2022 - 06:18

Sau đại dịch Covid-19, các nhà đầu tư Việt Nam ngày càng đề cao tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị (ESG) trong lựa chọn sản phẩm bất động sản khách sạn, du lịch nghỉ dưỡng.

ESG - xu thế tất yếu của thế giới và khu vực

Tiêu chí ESG bao gồm các yếu tố môi trường (Environment), xã hội (Social) và quản trị (Governance), là một bộ tiêu chí đánh giá năng lực phát triển bền vững của doanh nghiệp dựa trên đo lường ảnh hưởng, tác động của doanh nghiệp đến môi trường, cộng đồng, xã hội và khả năng quản trị bộ máy. ESG cũng là cơ sở để nhà đầu tư và cổ đông của doanh nghiệp đánh giá năng lực quản lý rủi ro và tận dụng cơ hội của doanh nghiệp, tổ chức trong các vấn đề liên quan đến môi trường, xã hội và quản trị. 

Hậu Covid-19, ngành khách sạn, du lịch nghỉ dưỡng bước vào thời kỳ phục hồi. Sau những tổn thất nặng nề do dịch bệnh, ngành khách sạn ngày càng chú trọng vào các vấn đề về môi trường, cộng đồng và trách nhiệm xã hội để phát triển bền vững. 

Theo thống kê, khách sạn, du lịch, nghỉ dưỡng là lĩnh vực dễ bị tổn thương bởi sự thay đổi môi trường, đồng thời là lĩnh vực có nhiều tác động tiêu cực đến môi trường trong quá trình vận hành và phát triển. Theo báo cáo của Tổ chức Du lịch thế giới UNWTO, ngành khách sạn chịu trách nhiệm cho 1% tổng lượng phát thải carbon toàn cầu và có chiều hướng gia tăng.

Theo nghiên cứu của CBRE phát hành tháng 10/2022, dựa trên tính toán của Greenview Hotel Footprinting Tool (công cụ ước lượng dấu chân carbon của phòng khách sạn dựa trên dữ liệu thực), sau khi phân tích chỉ số phát thải carbon của hơn 15.000 khách sạn trên toàn cầu, châu Á Thái Bình Dương là khu vực có 13 trong số 20 địa điểm du lịch hàng đầu trên thế giới về lượng khí carbon thải ra trên mỗi phòng khách sạn (đơn vị kgCOe2). Maldives (Philippines) là nơi ghi nhận mức phát thải carbon cao nhất trong lĩnh vực khách sạn với trung bình 152,2 kgCOe2 trong năm 2021. Các quốc gia châu Á Thái Bình Dương khác có thứ hạng cao trong danh sách này bao gồm Indonesia, Malaysia, Ấn Độ và Hàn Quốc.

ESG, khách sạn, bất động sản nghỉ dưỡng, đầu tư theo ESG
Thống kê toàn cầu về mức phát thải carbon trong lĩnh vực khách sạn năm 2021, trong đó khu vực châu Á - Thái Bình Dương chủ yếu ở mức cao và rất cao (màu nâu và xanh lam đậm). Nguồn: CBRE Research

Để thế giới có thể đạt được các mục tiêu bền vững theo Thỏa thuận Paris 2015, ngành khách sạn toàn cầu cần giảm 66% lượng phát thải carbon trên mỗi phòng đến năm 2030 và 90% đến năm 2050. Nhìn chung, ngành khách sạn, du lịch trên thế giới và tại châu Á - Thái Bình Dương đã nhận thức được vấn đề này từ lâu nhưng kể từ sau đại dịch, xu hướng phát triển bền vững theo các tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị (ESG) ngày càng mạnh mẽ. 

Các tiêu chí ESG không chỉ quan trọng với nhà điều hành khách sạn mà còn trở thành một trong những thước đo định giá bất động sản khách sạn, nghỉ dưỡng hiệu quả của nhà đầu tư cá nhân và tổ chức. Tầm quan trọng của ESG đối với khách sạn và bất động sản nghỉ dưỡng giờ đây mang tính toàn cầu và thiết yếu. 

Những “ông lớn” trong lĩnh vực khách sạn đã cam kết giảm tác động đến môi trường bằng việc đặt ra mục tiêu phát triển dựa trên các vấn đề khí hậu. Tập đoàn khách sạn toàn cầu Hilton đã đặt mục tiêu giảm 61% khí thải ở phạm vi 1 và 2, trong khi đó Marriott cam kết giảm 30% cường độ carbon phát thải đến năm 2030. Các nhà đầu tư khách sạn ngày càng hiểu biết toàn diện về rủi ro tài sản liên quan đến rủi ro khí hậu. 

ESG, đầu tư bất động sản, khách sạn, bất động sản nghỉ dưỡng
Năm 2022, Hilton cũng công bố cam kết trị giá 10.500 tỷ USD với quỹ đầu tư mạo hiểm Fifth Wall’s Climate Tech Fund để nghiên cứu, phát triển công nghệ năng lượng tái tạo, tòa nhà thông minh, công nghệ lưu trữ carbon trong bất động sản. (Ảnh: Destination Review) 

Theo TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, xu hướng đầu tư và vận hành khách sạn bền vững theo tiêu chí ESG bùng nổ mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19, sẽ tiếp tục duy trì và có nhiều đột phá ngay cả khi Covid-19 không còn là chủ đề nóng. 

Trong thời điểm hiện tại, thị trường bất động sản Việt Nam đang trầm lắng và gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, pháp lý, do đó, doanh nghiệp còn nhiều mối lo toan trước mắt và đang phải đặt bài toán kinh tế cao hơn bài toán bền vững. Tuy vậy, trong điều kiện nguồn vốn dồi dào, doanh nghiệp đáp ứng được các quy định pháp lý, tình hình dịch bệnh ổn định thì tiêu chuẩn ESG sẽ được ưu tiên hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng, khách sạn và trong bất động sản nói chung. Bởi đây là xu thế, là tiêu chuẩn của thế giới, là những khuynh hướng đang ngày càng mở rộng và tiến sâu, do đó Việt Nam không thể nằm ngoài sự phát triển, đặc biệt với các lĩnh vực dễ bị tổn thương bởi sự biến đổi của môi trường, xã hội như du lịch, khách sạn, bất động sản nghỉ dưỡng nói chung. 

Đầu tư khách sạn, bất động sản nghỉ dưỡng theo ESG

ESG từ lâu đã được dùng để nhà đầu tư xác định khả năng vận hành và sinh lời của doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực chứng khoán. Đối với bất động sản, đặc biệt là bất động sản khách sạn, nghỉ dưỡng, ESG ngày càng được nhà đầu tư chú trọng và đề cao, bởi đây là dòng sản phẩm đặc thù, cần vận hành liên tục có thể đến 30, 50 năm và đặc biệt dễ bị tổn thương bởi các tác động từ môi trường như thiên tai, dịch bệnh. 

Theo TS. Sử Ngọc Khương phân tích, sau đại dịch Covid-19, Việt Nam mở cửa du lịch, đón khách quốc tế cũng như nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, ngành du lịch nói chung bước vào thời kỳ phục hồi. Mọi người cũng quan tâm đến các vấn đề sức khỏe nhiều hơn, có xu hướng đi du lịch, nghỉ dưỡng để cân bằng giữa công việc và cuộc sống, do đó hình thành xu hướng đầu tư hai loại hình bất động sản là second home (ngôi nhà thứ hai) và khách sạn, bất động sản nghỉ dưỡng. 

Hiện nay, những tiêu chí bền vững được nhà đầu tư tổ chức và cá nhân quan tâm, chú trọng và đặt lên hàng đầu khi lựa chọn sản phẩm bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng bao gồm: năng lượng, môi trường và khả năng quản trị, vận hành. Bất động sản cần đảm bảo tiết kiệm năng lượng và giảm, hạn chế hoặc không tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên, cộng đồng địa phương từ khi xây dựng đến khi đưa vào hoạt động. 

bất động sản nghỉ dưỡng, khách sạn, ESG
Nhà đầu tư ngày càng quan tâm đến các chỉ số ESG trong khách sạn, bất động sản nghỉ dưỡng. (Ảnh minh họa) 

Đặc biệt, các chủ sở hữu, nhà điều hành khách sạn, bất động sản nghỉ dưỡng phải đảm bảo tính xuyên suốt trong quá trình đầu tư và vận hành, không được “đầu voi đuôi chuột”. Có thể nhà đầu tư khi phát triển dự án đã tuân thủ các tiêu chí ESG, nhưng nếu trong thời gian vận hành dự án không theo dõi, bám sát các chỉ số bền vững thì sản phẩm của họ cũng không phải là một sản phẩm hấp dẫn. 

Cũng theo TS. Sử Ngọc Khương, trước đây, nhà đầu tư, doanh nghiệp bất động sản khi đứng trước bài toán kinh tế và bài toán bền vững thì họ có thể ưu tiên lợi nhuận kinh tế nhiều hơn. Tuy nhiên thời điểm hiện tại, đặc biệt là sau Covid-19, các doanh nghiệp bất động sản sẽ lựa chọn hướng đi cân bằng giữa lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội, môi trường, vì đó là lựa chọn tất yếu, phù hợp với khuynh hướng của thế giới. Không chỉ nhà đầu tư Việt Nam, nhà đầu tư quốc tế cũng đang liên tục đổ dòng tiền vào ESG và giá trị của các doanh nghiệp có chỉ số ESG cao đang tăng lên nhanh chóng. 

Theo Bloomberg, giá trị của tài sản ESG toàn cầu có thể vượt mức 41.000 tỷ USD trong năm 2022 và 50.000 tỷ USD trong năm 2025. Trước đó, theo Morning Star, năm 2020 đã ghi nhận dòng tiền kỷ lục đầu tư vào các quỹ ESG. Năm 2021, dữ liệu của Refinitiv Lipper ghi nhận 649 tỷ USD được đầu tư vào các quỹ ESG trên toàn thế giới, tăng vượt trội so với 542 tỷ USD và 285 tỷ USD vào năm 2020 và 2019. 

Có thể thấy, Covid-19 là một trong những yếu tố then chốt thúc đẩy nhà đầu tư bất động sản tìm kiếm và rót tiền vào những sản phẩm đáp ứng được các tiêu chí bền vững một cách toàn diện. Với loại hình bất động sản khách sạn, du lịch nghỉ dưỡng, việc định hướng phát triển theo ESG giờ đây không còn là một hướng đi xa rời và mâu thuẫn với lợi nhuận kinh tế, mà là lựa chọn bắt buộc, phù hợp với nhu cầu của khách hàng, bao gồm cả nhà đầu tư và người sử dụng dịch vụ, thích ứng với xu hướng quốc tế và các vấn đề môi trường, xã hội./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top