Nhiều nhưng yếu
Cách đây không lâu, ông Nguyễn Anh Tâm ở TP.HCM có nhờ một công ty du lịch đặt giúp phòng khách sạn ở Đà Nẵng có giá tầm 600.000-800.000 đồng/đêm cho chuyến nghỉ mát bốn ngày của gia đình ông tại thành phố này. Công ty du lịch đã giữ cho ông phòng hạng 3 sao tại khách sạn Biển Vàng trên đường Phạm Văn Đồng, cách biển 3 phút đi bộ, kèm lời dặn dò: “Trên đường Phạm Văn Đồng còn có một khách sạn mang tên Golden Sea (dịch ra tiếng Việt cũng là Biển Vàng) nhưng là khách sạn khác”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khách sạn Golden Sea ra đời vào năm 2005, còn khách sạn Biển Vàng (hay còn gọi là Golden Sea 2) ra đời vào năm 2011. Đến năm 2016 lại có thêm khách sạn Biển Vàng 3 nằm trên đường Võ Nguyên Giáp dọc bờ biển. Cũng trong giai đoạn này, con đường Võ Nguyên Giáp dài 7km trở thành “con đường khách sạn” với cả trăm khách sạn, trong đó, hai phần ba là hạng từ 1-3 sao. Theo thống kê của Sở Du lịch Đà Nẵng, chỉ riêng quận Sơn Trà đã có 175 khách sạn với gần 7.000 phòng và khoảng 100 nhà nghỉ, phần lớn trong đó là khách sạn 3 sao và dưới 3 sao. Tính đến tháng 6/2018, số khách sạn từ 3 sao trở xuống có tới hơn 600 trong tổng số 730 khách sạn từ 1-5 sao, cao hơn gấp rưỡi so với thời điểm năm 2014 và hơn gấp đôi so với năm 2012, theo Hội Khách sạn Đà Nẵng.
Sự ra đời ồ ạt của các khách sạn, nhà nghỉ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. Tuy công suất phòng luôn kín vào những dịp lễ, nhưng năng suất trung bình chỉ đạt khoảng 40-45%. Ngoài ra, hầu hết khách sạn đều được đầu tư một cách tự phát, thiếu nghiên cứu thông tin thị trường, thiếu sự chuẩn bị về nhân lực, về kế hoạch kinh doanh.
Tại một hội thảo gần đây về các giải pháp phát triển ngành khách sạn, bà Lê Thị Minh Châu, đại diện chủ đầu tư dự án Flora Beach Hotel & Spa, cho biết các khách sạn nhỏ cần được hoàn thiện về năng lực quản lý kinh doanh, đặc biệt là với đặc thù về tính thời vụ của ngành kinh doanh này. Thường vào những mùa cao điểm, các khách sạn ăn nên làm ra, nhưng tới mùa thấp điểm thì họ phải đối mặt với việc vận hành bộ máy như thế nào để có thể duy trì các dịch vụ mà không bị lỗ nặng.
Ông Võ Đình Hòa, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Phần mềm SMILE PMS, cũng cho biết các khách sạn từ 3 sao trở xuống thường không có kế hoạch dài hạn, không có những tiêu chuẩn rõ ràng nên rất khó áp dụng một hệ thống vận hành quản lý chuyên nghiệp xuyên suốt. “Đó là lý do vì sao khách hàng của chúng tôi thường là các khách sạn 4-5 sao với những quy chuẩn đã được định hình”, ông chia sẻ.
Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó chủ tịch thường trực Hội Khách sạn Đà Nẵng, cũng thừa nhận thực trạng phát triển nóng các loại hình cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn đang đặt ra yêu cầu chuẩn hóa các dịch vụ để hướng tới phát triển bền vững.
Đi tìm giải pháp
Sự ra đời ồ ạt của các khách sạn, nhà nghỉ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. Tuy công suất phòng luôn kín vào những dịp lễ, nhưng năng suất trung bình chỉ đạt khoảng 40-45%.
Theo ông Quỳnh, các chủ đầu tư cũng như các nhà quản lý khách sạn cần cung cấp được những giải pháp quản lý dịch vụ ứng dụng các xu hướng mới để đổi mới và tạo sự khác biệt. “Các khách sạn 4-5 sao áp dụng được công nghệ 4.0 vào công tác quản lý và phát triển kinh doanh thì các khách sạn 1-3 sao cũng có thể làm được ở quy mô của mình”, ông Quỳnh nói và cho rằng đây là điều bắt buộc nếu các khách sạn muốn phát triển căn cơ và tồn tại lâu dài.
Còn theo ông Trần Xuân Mới, Giám đốc Công ty Quản lý du lịch cao cấp châu Á (ATM Asia), các khách sạn 1-3 sao hoàn toàn có thể áp dụng các quy chuẩn hoạt động như các cơ sở lưu trú cao cấp nếu tuân thủ các quy tắc 4P và 4U. Theo đó, 4P là có sự đầu tư về sản phẩm (Product), khuyến mãi (Promotion), giá cả cạnh tranh (Price) và nơi chốn thuận tiện (Place). Tuy nhiên, việc đầu tư chỉ có hiệu quả khi có thể tạo cho khách những trải nghiệm độc đáo (Unique experience) với những sản phẩm và dịch vụ riêng biệt (Unique service và Unique product) để từ đó khách hàng có được những giá trị khác biệt (Unique value) - đó là 4U. Tất cả những điều trên phải đến từ phương cách quản lý hướng đến sự hài lòng của khách hàng.
Một cách rất cụ thể, bà Tán Thị Hồng, một nhà quản lý có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại các khách sạn nhỏ, chia sẻ về một “điều kiện kinh doanh” gần như không thể thiếu đối với khách hàng hiện nay là mạng Wi-Fi. Do vậy, các khách sạn cần có chất lượng dịch vụ Internet tốt. Ngoài ra, giới khách hàng trẻ cần sự tương tác chính xác và nhanh chóng trong việc đăng ký phòng khách sạn trên mạng, nên việc tham gia vào hệ thống kinh doanh của các trang mạng là cần thiết.
Tại cuộc hội thảo nêu trên, các chuyên gia còn chia sẻ những xu hướng chính tác động mạnh đến du lịch toàn cầu bao gồm sự phát triển của công nghệ; sự thay đổi hành vi người tiêu dùng; sự thay đổi nhân khẩu học và sự phát triển hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, thế hệ millennials (những người sinh trong thập niên 1980 và 1990) hiện có tác động quan trọng đối với sản phẩm, dịch vụ của ngành du lịch nghỉ dưỡng do sự quan tâm đặc biệt của họ đến sức khỏe cũng như môi trường. Đây là những xu hướng mà các nhà đầu tư tại Việt Nam cần nghiên cứu kỹ, từ đó xác định sản phẩm, phương thức điều hành phù hợp, cho dù là khách sạn nhỏ hay lớn.
Tại hội thảo “Giải pháp cho ngành khách sạn Đà Nẵng 2018” diễn ra mới đây, bà Hồ Nguyễn Phương Chi, Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng, cho biết tính đến tháng 6/2018, Đà Nẵng có 729 khách sạn với khoảng 32.000 phòng, trong đó có 22 khách sạn 5 sao và 45 khách sạn 4 sao. Tuy nhiên, chỉ có 9 khách sạn 5 sao và 4 khách sạn 4 sao được quản lý chuyên nghiệp bởi các tập đoàn quốc tế. Theo bà Chi, con số khiêm tốn này trong lĩnh vực quản lý khách sạn sẽ hạn chế sự phát triển của ngành dịch vụ khách sạn tại thành phố biển miền Trung này. |