Để trả lời câu hỏi này, PV Reatimes đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu, Tư vấn, Định giá và Quản lý tài sản CBRE xoay quanh vấn đề trên.
Dịch vụ chia sẻ hoàn toàn có khả năng phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam
PV: Thế giới đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ chia sẻ. Điều này có ảnh hưởng khá lớn tới ngành kinh doanh khách sạn truyền thống trên thế giới và đang có dấu hiệu manh nha tại Việt Nam. Bà đánh giá như thế nào về khả năng bùng nổ mô hình này tại Việt Nam trong tương lai?
Bà Nguyễn Hoài An: Trong thời đại công nghệ số và bùng nổ ứng dụng di động hiện nay, dịch vụ chia sẻ (sharing economy) đã và đang phát triển mạnh mẽ, với nhiều mô hình kinh doanh độc đáo, trong một số trường hợp đã trở thành thách thức với các mô hình kinh doanh truyền thống.
Trên thế giới, ngành dịch vụ lưu trú cho du khách, vốn là sân nhà của các khách sạn, hiện đang bị cạnh tranh thị phần bởi các mô hình dịch vụ chia sẻ. Nổi bật nhất trong số các mô hình mới này có thể kể đến AirBnb, một ứng dụng di động (cùng với website riêng) cho phép người dùng tìm thuê, cũng như cho thuê, phòng/nhà ở ngắn hạn một cách dễ dàng tiện lợi. Sự nổi lên của AirBnB trong ngành dịch vụ lưu trú cũng giống như sự trỗi dậy của Uber trong ngành taxi vận chuyển hành khách, đã trở thành một hiện tượng công nghệ làm chấn động (causing disruption) ngành nghề kinh doanh tương ứng.
Ở Việt Nam, AirBnb đúng là chỉ đang trong giai đoạn manh nha, và chỉ hiện diện chủ yếu ở 2 thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM. Mô hình này hoàn toàn có khả năng phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, khi ngày càng có nhiều du khách đến nước ta trong những năm gần đây, rất nhiều trong số đó là các bạn trẻ vốn rất quen thuộc với ứng dụng này.
Mặt khác, từ năm 2014 đến nay, sự bùng nổ của thị trường BĐS Việt Nam, từ các dự án condotel tại Hà Nội và TP.HCM đến các dự án BĐS nghỉ dưỡng tại các thành phố biển như Đà Nẵng, Nha Trang, cũng sẽ góp phần tạo tiền đề cho sự gia tăng nguồn cung trên những ứng dụng như AirBnb. Những chủ hộ có phòng trống hoặc căn hộ thứ 2, ngoài cho thuê lâu dài theo hợp đồng còn có thể cho thuê ngắn hạn trên AirBnb.
Ngoài ra, các tuyến metro tại Hà Nội và TP.HCM khi đi vào hoạt động sẽ gia tăng tính kết nối giữa các khu vực trong thành phố (ví dụ như giữa khu quận 2 của TP.HCM - nơi hiện có nhiều dự án condotel sắp bàn giao - và khu vực trung tâm tại quận 1), cũng sẽ giúp các dịch vụ chia sẻ chỗ ở trở nên phổ biến hơn.
PV: Mô hình này sẽ có những tác động gì đến ngành kinh doanh khách sạn truyền thống tại Việt Nam, thưa bà?
Bà Nguyễn Hoài An: Hiện tại, chúng tôi cho rằng sự hiện diện của các ứng dụng này tại Việt Nam vẫn chưa đủ lớn để gây sức ép lên ngành kinh doanh khách sạn truyền thống. Ngoài ra, nguồn cầu của các ứng dụng này chủ yếu đến từ các du khách thông thạo công nghê, đi lẻ hoặc đi theo nhóm nhỏ, trong khi doanh thu của các khách sạn chủ yếu vẫn là từ khách đoàn, khách công tác và khách MICE.
Tất nhiên khi các ứng dụng này mở rộng hơn tại Việt Nam, các khách sạn sẽ phần nào có thêm sự cạnh tranh. Các du khách sẽ là bên hưởng lợi nhiều nhất khi ngày càng có thêm nhiều lựa chọn về địa điểm lưu trú, lựa chọn về giá, cũng như lựa chọn về hình thức đăng ký phòng (booking channel).
Ngoài AirBnb, cũng cần kể đến các ứng dụng phát triển bởi người Việt như Luxstay, một công ty khởi nghiệp với mô hình tương tự, nhưng tập trung chủ yếu vào phân khúc cao cấp.
Khách sạn truyền thống cần cải thiện “lỗ hổng” dịch vụ
PV: Theo bà, dịch vụ chia sẻ dựa vào đâu để có thể hấp dẫn và lôi cuốn các khách thuê? Bà có thể phân tích ưu điểm của mô hình này so với các khách sạn truyền thống?
Bà Nguyễn Hoài An: Thứ nhất, AirBnB đặc biệt hấp dẫn với giới trẻ, vì họ sẽ có được một trải nghiệm giàu chất “địa phương” (local experience) hơn so với khách sạn truyền thống. Đa số phòng/nhà được cho thuê trên AirBnB là nhà riêng của người bản địa, với kiến trúc cũng như trang trí nội thất mỗi nơi mỗi khác, thể hiện nét độc đáo riêng của chủ nhà, khiến du khách phấn khởi hơn so với hình ảnh của một phòng khách sạn, vốn thường có những quy chuẩn riêng nhất định. Vị trí cũng đóng vai trò rất quan trọng, một phòng AirBnb có thể nằm trong một khu dân cư thanh bình, cũng có thể nằm sát ngay một địa điểm nổi tiếng, mang đến cho du khách nhiều lựa chọn độc đáo.
Đối với các bạn trẻ hoặc gia đình đi du lịch theo nhóm, AirBnb sẽ hấp dẫn hơn so với khách sạn thông thường vì họ có thể thuê luôn một căn hộ (với đầy đủ tiện nghi như bếp, máy giặt, phòng khách) và ở chung với nhau.
Về giá, thường giá trên AirBnb sẽ rẻ hơn giá ở khách sạn, vì chủ nhà không phải tốn các chi phí như lễ tân, bảo vệ. Tuy nhiên hiện nay tại Việt Nam, chúng tôi nhận thấy giá không phải là yếu tố cạnh tranh quá quan trọng của các dịch vụ này, vì giá phòng của các khách sạn từ 4 sao trở xuống tại Việt Nam thực ra không quá cao.
PV: Một khi mô hình này phát triển sẽ đặt ra những thách thức nào đối với việc quản lý dịch vụ?
Bà Nguyễn Hoài An: Các dịch vụ chia sẻ như AirBnb giúp khách du lịch có nhiều lựa chọn về nơi lưu trú và đẩy mạnh phát triển du lịch, giúp các hộ gia đình có thêm thu nhập phụ, đồng thời giúp tối ưu hóa công năng sử dụng của các BĐS lưu trú. Tuy nhiên, cũng như các mô hình kinh doanh mới khác trong thời đại công nghệ phát triển nhanh chóng như hiện nay, chính quyền địa phương sẽ phải tốn nhiều công sức để làm quen với các mô hình này, trước khi có cách thức tiếp cận phù hợp.
Thách thức đầu tiên là về vấn đề thuế. Theo luật thì các hộ gia đình khi có thu nhập phụ từ việc cho thuê nhà sẽ phải đóng thuế trên thu nhập này. Tuy nhiên sẽ khó để chính quyền địa phương quản lý được các chủ hộ cho thuê trên AirBnb.
Thứ hai, các khách thuê nhà ngắn hạn qua AirBnb có thể sẽ gây khó khăn trong việc đảm bảo an ninh, khi chủ hộ cũng như chính quyền địa phương không có nhiều thông tin cá nhân của họ (nếu có vấn đề gì nghiêm trọng xảy ra, thực ra vẫn có thể liên hệ với AirBnb để xin thông tin từ khách thuê, tuy nhiên việc này sẽ tốn khá tốn thời gian).
Nhìn chung, ở Việt Nam hiện AirBnb đang mang đến nhiều tác động tích cực hơn tiêu cực. Các biện pháp quản lý của chính quyền cần có nghiên cứu đầy đủ cũng như tham khảo bài học từ các nước bạn.
PV: Để cạnh tranh và không bị giảm nhiệt trong tương lai, các khách sạn truyền thống cần phải thay đổi những gì, thưa bà?
Bà Nguyễn Hoài An: Nên có các chương trình ẩm thực (F&B) độc đáo, như trà chiều, giảm giá “happy hours”, buffet, vốn không có cạnh tranh trực tiếp từ AirBnB. Cần đẩy mạnh quảng bá các dịch vụ này.
Phân khúc khách sạn bình dân (3 sao trở xuống) thực ra có thể cải thiện tỷ lệ lấp đầy bằng cách ứng dụng công nghệ nhiều hơn, ví dụ như liên kết với các dịch vụ đăng ký phòng trực tuyến.
Tuy nhiên, quan trọng nhất chính là dịch vụ, vốn là lỗ hổng mà nhiều khách sạn cần cải thiện. Nụ cười và ly nước khi khách đến, nhà vệ sinh được dọn dẹp sạch sẽ, có nhân viên hỗ trợ khách đăng ký tour tham quan, hoàn toàn có thể tạo ra sự khác biệt. Các khách sạn cần lắng nghe du khách nhiều hơn để cải thiện dịch vụ. Các phản hồi của khách trên các trang dịch vụ đăng ký phòng trực tuyến cũng cần được tiếp nhận triệt để nhằm chấn chỉnh những sai sót, hạn chế, và phát huy những thế mạnh của mỗi khách sạn.
- Xin trân trọng cảm ơn bà!