Aa

Tin đồn có đất sống là do thông tin không minh bạch!

Thứ Tư, 15/05/2019 - 23:00

Theo ông Nguyễn Thế Thọ - Vụ trưởng Vụ Giám sát thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Tin đồn có đất sống là do thông tin không minh bạch...

Báo điện tử Thời báo Chứng khoán Việt Nam tổ chức tọa đàm với chủ đề

 Ông Nguyễn Thế Thọ, Vụ trưởng Vụ Giám sát thị trường chứng khoán

Tin đồn thất thiệt có thể ảnh hưởng rất lớn!

Sáng nay (15/5), Báo điện tử Thời báo Chứng khoán Việt Nam tổ chức tọa đàm với chủ đề "An toàn an ninh trong lĩnh vực chứng khoán".

Buổi Tọa đàm với sự tham gia của ông Nguyễn Thế Thọ, Vụ trưởng Vụ Giám sát thị trường chứng khoán (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước); bà Hoàng Thị Ngọc Huệ, Vụ Kinh tế Văn phòng Quốc hội; cùng đại diện Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội; Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam và các chuyên gia kinh tế.

Trong tọa đàm, một trong những vấn đề được đưa ra bàn thảo đầu tiên là tình trạng có quá nhiều tin đồn xuất hiện trên thị trường chứng khoán. 

Trong lịch sử, thị trường chứng khoán Việt Nam từng chứng kiến hàng loạt tin đồn bắt giữ các lãnh đạo ngân hàng, bất động sản, dầu khí và chứng khoán... Những tin đồn này tác động lớn đến thị trường chứng khoán, đơn cử, năm 2017, vốn hóa thị trường bỗng chốc “bốc hơi” hàng ngàn tỷ đồng khi xuất hiện tin đồn ông Trần Bắc Hà bị bắt giữ.

Theo ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam, trong thời gian qua, khi cơ chế thị trường phát triển, tin đồn thất thiệt có thể ảnh hưởng rất lớn. 

Trao đổi về thực tế tin đồn trên thị trường chứng khoán hiện nay, ông Nguyễn Thế Thọ, Vụ trưởng Vụ Giám sát thị trường chứng khoán (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) cho rằng: Tin đồn tồn tại trong mọi thị trường, khi thị trường chứng khoán còn non trẻ thì tin đồn càng có khả năng có đất sống, tin đồn là truyền tải những thông tin chưa được xác thực qua truyền miệng, qua mạng xã hội, qua công nghệ nên sức lan tỏa rất lớn, có thể tin đồn trở thành sự thật hoặc không, có thể xuất phát từ sự kiện hoặc có thể tạo ra từ một nhóm đối tượng, cá nhân với mục đích gây ra những sự bất thường trong lĩnh vực kinh tế. 

Tin đồn là mục tiêu để một nhóm đối tượng nào đó trục lợi thị trường khi xem xét đến hành vi giao dịch mang tính thao túng thị trường. Các đối tượng, các chủ thể liên quan trực tiếp đến tin đồn phải có phản ứng kịp thời để thông tin lại khiến tin đồn thất thiệt không có đất sống. Vai trò của các cơ quan giám sát, của các tổ chức tham gia thị trường theo Luật Kinh doanh chứng khoán yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết phải công bố thông tin bất thường, thông tin định kỳ. 

Các bộ phận chức năng của Sở giao dịch giám sát thực hiện đối với các công ty niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán, khi có tin đồn UBCK yêu cầu các Sở giao dịch chứng khoán, nơi có công ty niêm yết yêu cầu công bố thông tin, đưa ra những thông tin phối hợp, hoặc tổ chức các buổi đối thoại kịp thời để ổn định tâm lý của các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, các công ty đại chúng cần phối hợp với cơ quan quản lý để xác minh kiểm chứng thông tin. Đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật phối hợp xử lý các thông tin thất thiệt gây ảnh hưởng đến thị trường. Các nhà đầu tư nên sử dụng các thông tin đã được kiểm chứng.

Tin đồn chủ yếu là do các “đội lái” tạo ra?

Trước câu hỏi của phóng viên cho rằng tin đồn chủ yếu là do các “đội lái” tạo ra để đạt được mục đích của họ, điều này có đúng không, các nhà đầu tư nhỏ lẻ họ sẽ bị ảnh hưởng như thế nào nếu như tin theo những tin đồn này, ông Nguyễn Thế Thọ cho biết: Cụm từ “đội lái” không có trong quy định của pháp luật. Trong pháp luật là câu kết tạo cung cầu giả tạo để thao túng giá chứng khoán, các đội, nhóm này sử dụng nhiều tài khoản. Đối với các cơ quan quản lý giám sát trong quá trình giám sát tại Sở giao dịch sẽ xây dựng các bộ tiêu chí giám sát, hằng ngày cũng có những tiêu chí giám sát để theo dõi các hành vi đặt lệnh, hủy lệnh của các nhóm tài khoản để có cơ sở xác định hành vi vi phạm.

Hiện nay mỗi nhà đầu tư được mở 1 tài khoản tại 1 công ty chứng khoán. Mỗi nhà đầu tư đều có danh tính. Khoản 4 Điều 9 Luật chứng khoán quy định hành vi thao túng giá chứng khoán là một trong các hành vi bị cấm trong giao dịch chứng khoán, cụ thể như sau: 4. Thông đồng để thực hiện việc mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục mua, bán để thao túng giá chứng khoán; kết hợp hoặc sử dụng các phương pháp giao dịch khác để thao túng giá chứng khoán.

Theo Điều 70 Nghị định 58/2012/NĐ-CP thì giao dịch thao túng thị trường chứng khoán bao gồm các giao dịch sau:

- Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng với nhau liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo.

- Một người hay một nhóm người thông đồng với nhau đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo.

- Liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường. 

- Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán.

- Đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, về tổ chức phát hành chứng khoán nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng khoán đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán đó.

- Sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán. Không ngành nào có mức xử phạt cao như lĩnh vực Chứng khoán.

Hành vi thao thúng chứng khoán mức xử phạt thấp nhất là 500 triệu đồng, ngoài ra phối hợp với cơ quan công an xác minh hành vi, mối liên hệ vượt ra ngoài vi phạm hành chính, hiện nay hành vi thao túng giá chứng khoán đã được quy định rõ trong các bộ Luật.

Có lửa mới có khói!

Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, chuyên gia kinh tế, nếu nói về tin đồn, chúng ta có nhiều cách tiếp cận. Phải biết phân biệt tin đồn. Tin đồn có chủ đích, có tin đồn không có chủ đích. Có tin đồn có chủ thể, có tin đồn không có chủ thể. Có những tin đồn sẽ trở thành sự thật, có những tin đồn không trở thành sự thật. Có những tin đồn mang đến lợi ích, có những tin đồn không mang đến lợi ích.

Tin đồn là thông tin thì phải "trị" bằng chính thông tin. Khi bưng bít thông tin, không rõ nguồn gốc, không có thông tin phản hồi câu chuyện sẽ khác. Ngược lại, dân gian có câu: “Có lửa mới có khói”. Thông tin khuyếch tán từ nhỏ tới lớn. Thông tin cũng có nhiều mặt lợi hại song hành cùng thị trường chứng khoán.

Đôi khi, những nhận định phải được giám sát. Phải tỉnh táo trước tin đồn, đưa ra những quyết định đúng đắn. Đã có quy định về pháp luật đối với tin đồn. Pháp luật đã có những bước tiến mới. Những tin đồn liên quan đến nhà đầu tư cần phải được điều tra, xác minh. Cần loại trừ tin đồn độc ác, tin đồn thất thiệt gây thiệt hại cho công ty chứng khoán. Có làm được như vậy, kinh tế sẽ phát triển.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top