Aa

Tín hiệu tích cực từ thị trường bất động sản Đà Nẵng

Thứ Năm, 24/02/2022 - 06:12

Những ngày đầu năm Nhâm Dần, Đà Nẵng và khu vực Bắc Quảng Nam đã có nhiều giao dịch bất động sản thành công. Điều này mang tới tín hiệu tích cực về đà hồi phục của thị trường bất động sản nhất là phân khúc đất nền.

Ông Nguyễn Đức Lập - Viện trưởng Viện nghiên cứu và đào tạo Bất động sản (Hội Môi giới bất động sản Việt Nam) đã dành cho Reatimes cuộc trao đổi về thị trường bất động sản Đà Nẵng và khu vực phía Bắc Quảng Nam.

PV: Thưa ông, sau tết, dù dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp nhưng thị trường bất động sản cũng đã xuất hiện nhiều tín hiệu khả quan?

Ông Nguyễn Đức Lập: Hiện nay, phân khúc đất nền đang trên đà hồi phục tốt về tính thanh khoản khi một số nơi đã trở lại mức tương đương 90% so với giá ở đã từng lập đỉnh năm 2019. Nếu tính thời điểm tháng 3/2019 là đỉnh của thị trường đất nền Đà Nẵng thì đến hôm nay, khu phía Nam Đà Nẵng có nơi lên xấp xỉ 90%, khu Tây Bắc như Golden Hill lên tới 80%.

Ông Nguyễn Đức Lập - Viện trưởng Viện nghiên cứu và đào tạo bất động sản (Hội Môi giới bất động sản Việt Nam).

Hiện nay, lượng hàng trên thị trường bất động sản Đà Nẵng vẫn neo giá khá cao, số lượng hàng hóa cũng không nhiều, vì qua giai đoạn khó khăn, nhiều nhà đầu tư đã cơ cấu nguồn vốn, gồng gánh tạm ổn trong khi nguồn cung dự án mới thì không có. Bây giờ trên thị trường chủ yếu là giao dịch lại, giao dịch ở thị trường thứ cấp chứ thị trường sơ cấp hầu như không có.

Mấy năm qua, tại TP. Đà Nẵng gần như không có dự án mới nào được triển khai, phân khúc đất nền vẫn là phân khúc sôi động nhất, còn khối nhà phố cũng có rục rịch nhưng chưa có thay đổi nhiều.

Đối với phân khúc khách sạn thời gian qua vẫn đang đứng yên, giá đất ven biển đang duy trì ở mức khoảng 80 - 90% của đỉnh năm 2019. Ta có thể dễ dàng nhận thấy, hàng hóa chỉ duy trì mua đi bán lại giữa người dân chứ không có dự án mới. Vùng sôi động nhất vẫn là vùng phía Nam TP. Đà Nẵng.

Khu đô thị phía Nam Đà Nẵng do Tập đoàn Sungroup đầu tư.

Nếu xác định là mua để ở thì rất phù hợp trong giai đoạn này vì lãi suất vẫn còn thấp. Điều mà nhà đầu tư lo ngại nhất là xảy ra lạm phát, khi đó dòng tiền sẽ cần tìm kênh trú ẩn mà bất động sản là kênh trú ẩn an toàn nhất, có thể tạo khởi sắc cho thị trường.

Hiện nay, cơ chế vay rẻ nên có 2 kịch bản cho thị trường Đà Nẵng, Quảng Nam. Kịch bản thứ nhất là giao dịch ít sôi động, nhưng giá cả vẫn tăng dù không quá sốt nóng. Kịch bản thứ hai là thị trường sốt cục bộ tại một số vùng, trong đó đặc biệt là phía Tây Bắc hay phía Nam Đà Nẵng do vẫn còn hàng nên sẽ có sốt ở một số dự án.

PV: Phân khúc nhà phố, nhà liền kề nhiều nơi đang giao dịch nhưng rất chậm. Liệu đây có phải là thời điểm thuận lợi đầu tư đón trước xu thế tăng giá, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Lập: Hiện nay, một số dự án ở phía Tây Bắc TP. Đà Nẵng như nhà phố thương mại được đầu tư xây dựng số lượng rất lớn, cũng có người mua và ra hàng nhưng giao dịch rất chậm. Lý do là vì lúc bán ra giá bán hàng được chốt ở mức đỉnh của thị trường, trong khi thị trường bây giờ vẫn chưa hồi phục lại nên việc giao dịch trở nên hạn chế. Có nhiều dự án nhà xây sẵn, nhà phố thương mại nhưng điểm rơi bán hàng và điểm rơi đầu ra sản phẩm rơi ngay gần giai đoạn đỉnh (giai đoạn sốt nóng) nên giá chốt vẫn cao.

Thị trường chưa hồi phục về mức giá cũ nên giao dịch vẫn trầm lắng so với các sản phẩm khác là một lẽ tự nhiên. Nếu dịch Covid-19 chưa được kiểm soát thì mọi giao dịch dù có phát triển cũng khó có tính sôi động, khó tạo hiệu ứng sóng trong thị trường. 

Khu đô thị ở phía Bắc Quảng Nam do Công ty An Dương làm chủ đầu tư

PV: Thị trường bất động sản TP. Đà Nẵng và khu vực Bắc Quảng Nam khó tách rời và bổ trợ lẫn nhau. Ông nhận định thế nào về thị trường này ở TP. Hội An và Thị xã Điện Bàn…?

Ông Nguyễn Đức Lập: Thị trường này mấu chốt vẫn xoay quanh vấn đề pháp lý. Hệ lụy từ các dự án của Công ty Bách Đạt An làm chủ đầu tư vẫn để lại nhiều dư chấn nên ảnh hưởng khá lớn đến thị trường. Đó là lý do chính khiến lượng giao dịch chưa được hồi phục. 

PV: Thủ tướng Chính phủ cũng lập đoàn công tác để giải quyết các tồn tại còn vướng mắc tại một số dự án ở Đà Nẵng. Đây sẽ là tín hiệu và sự kỳ vọng của thị trường bất động sản Đà Nẵng trong tương lai?

Ông Nguyễn Đức Lập: Đối với dự án The Sunrise Bay hay Khu Đô thị quốc tế Đa Phước được đầu tư với số vốn lên tới hàng nghìn tỷ đồng nhưng vẫn có nhiều vướng mắc về pháp lý. Nếu Chính phủ giải quyết rốt ráo thì đây sẽ là một tín hiệu tốt vì qua đó sẽ khơi thông lại nguồn cung lớn tại các Khu đô thị này.

Phải có sự thay đổi thì mới tạo hiệu ứng sôi động và mạnh mẽ hơn cho thị trường bất động sản. Hiện nay, nhiều khách hàng muốn đến Đà Nẵng đầu tư nhưng chỉ có rất ít dự án được bán ra. Ví dụ như Golden Hill số lượng chào bán cũng khiêm tốn mặc dù đó là một đô thị lớn. Nếu xử lý và khơi thông được các vấn đề pháp lý thì riêng Khu đô thị quốc tế Đa Phước cũng sẽ có rất nhiều sản phẩm được tung ra thị trường. 

Khu đô thị quốc tế Đa Phước - Đà Nẵng.

PV: Đà Nẵng dự định sẽ mở cửa du lịch, điều này tác động như thế nào đối với thị trường bất động sản nói chung, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Lập: Đó là một tín hiệu tốt cho thị trường nhất là ở phân khúc khách sạn, lưu trú hay là các dự án dịch vụ ăn uống… vì qua đó sẽ có sự phục hồi. Nếu ngành dịch vụ hồi phục trở lại sẽ tạo sự sôi động cho thị trường bất động sản. Mở cửa du lịch sẽ là một lực đẩy để Đà Nẵng phục hồi nền kinh tế, khi đó đất ven biển, dịch vụ du lịch, khách sạn… mới "lôi kéo" được dòng tiền. Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hầu hết nội thất bên trong các khách sạn đã xuống cấp vì phải đóng cửa một quãng thời gian dài, thiệt hại về kinh tế là rất lớn. 

Tại TP. Đà Nẵng, hơn 2 năm qua nhiều dự án du lịch không thể triển khai. Sự cố của dự án Cocobay đã có tác động lớn đến bất động sản du lịch. Qua đó, chính quyền cũng cần nhìn nhận và đánh giá, nếu yếu tố thị trường, lưu trú không có thì bán cho ai, kiếm tiền bằng cách nào?

Cho nên một số đô thị hiện nay đang chuyển đổi một phần để làm đất ở, kể cả các chủ đầu tư có tiềm lực mạnh cũng đều có xu hướng chuyển đổi về pháp lý để cung cấp đa dạng các dòng sản phẩm. Bởi thị trường du lịch quá rủi ro, nên họ có bước điều chỉnh để phù hợp hơn. Có những thứ liên quan đến du lịch như ẩn số dịch bệnh Covid-19 đã khiến nhà đầu tư phải thay đổi chiến lược kinh doanh./.

Thanh lọc chủ đầu tư ở Quảng Nam

Theo ông Nguyễn Đức Lập, việc Thanh tra Chính phủ công bố thanh tra tại Quảng Nam trong năm 2022 là “điều cần thiết”. Ở đây phát đi tín hiệu tích cực cũng có mà e ngại cũng có. Nếu giải quyết được rốt ráo thì sẽ giúp thanh lọc thị trường, thanh lọc chủ đầu tư tạo nên sinh khí mới cho thị trường còn hơn là duy trì lay lắt không có hướng tháo gỡ, ảnh hưởng xấu đến thị trường.

Các chủ đầu tư sẽ nghe ngóng theo dõi để xem phương án của Thanh tra Chính phủ như thế nào? Chờ đợi như vậy thì sẽ có sự chậm trễ đối với các dự án được giao mới, các sở, ngành cũng phải lo giải trình hoặc hỗ trợ đẩy nhanh thủ tục pháp lý cho các dự án sẽ bị chậm lại nguồn cung.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top