Aa

Tỉnh dự kiến trở thành một phần của siêu đô thị đầu tiên tại Việt Nam sắp đấu thầu hàng loạt dự án lớn, quy mô gần 5.000ha

Chủ Nhật, 11/05/2025 - 21:34

Theo nghị quyết, tổng cộng 25 khu đất với diện tích gần 4.879ha sẽ được đưa vào kế hoạch, trải rộng trên địa bàn TP. Thủ Dầu Một, TP. Tân Uyên, TP. Dĩ An, huyện Bắc Tân Uyên và huyện Dầu Tiếng.

HĐND tỉnh Bình Dương vừa thông qua Nghị quyết số 37, bổ sung danh mục các khu đất sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh trong năm 2025.

Theo nghị quyết, tổng cộng 25 khu đất với diện tích gần 4.879ha sẽ được đưa vào kế hoạch, trải rộng trên địa bàn TP. Thủ Dầu Một, TP. Tân Uyên, TP. Dĩ An, huyện Bắc Tân Uyên và huyện Dầu Tiếng. Trong đó, Dầu Tiếng là địa phương có diện tích đất bổ sung lớn nhất, chiếm gần một nửa tổng quỹ đất mới.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nhiều dự án quy mô lớn được kỳ vọng sẽ tạo cú hích phát triển hạ tầng, du lịch và đô thị hóa tại Bình Dương.

Tiêu biểu là Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng hồ Cần Nôm (xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng) với diện tích 1.153ha - dự án có quy mô lớn nhất trong danh mục lần này.

Ngoài ra, huyện Dầu Tiếng còn có thêm các dự án quy mô hàng trăm ha như khu du lịch sinh thái đập Thị Tính và tổ hợp khu nghỉ dưỡng kết hợp sân golf tại Tân Thành - Tân Lập.

Tại TP. Tân Uyên, hàng loạt khu đô thị mới có diện tích từ hơn 250ha đến gần 300ha cũng được bổ sung, phản ánh định hướng mở rộng không gian đô thị và nâng cao chất lượng sống cho cư dân trong tương lai.

Một số khu đất tại TP. Thủ Dầu Một, TP. Dĩ An và huyện Bắc Tân Uyên cũng nằm trong danh sách với quy mô linh hoạt từ vài chục đến hàng trăm ha, phục vụ phát triển đô thị, thương mại và dịch vụ sinh thái.

Trước đó, HĐND tỉnh Bình Dương đã phê duyệt danh mục 6 khu đất đưa vào đấu thầu trong năm 2025 với tổng diện tích hơn 693ha.

Việc tiếp tục mở rộng danh mục cho thấy quyết tâm của địa phương trong việc thu hút đầu tư và khai thác hiệu quả quỹ đất, hướng đến phát triển đồng bộ cả về kinh tế lẫn hạ tầng.

Ngày 12/4/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 60-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 11 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII với 12 nội dung quan trọng; kèm theo nghị quyết là danh sách tên gọi các tỉnh, thành phố và trung tâm chính trị - hành chính (tỉnh lỵ) của 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, cụ thể các tỉnh lỵ.

Theo đó, hợp nhất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và TP. HCM, lấy tên là TP. HCM, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TP. HCM hiện nay. Hiện 3 tỉnh, thành đã xong bước thống nhất định hướng sáp nhập, từng địa phương cũng đã hoàn tất phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

Sau sáp nhập, TP. HCM sẽ trở thành siêu đô thị vùng Đông Nam Bộ với tổng diện tích hơn 6.770km2, dân số gần 13,7 triệu người, bao gồm 168 đơn vị hành chính cấp xã, trải dài từ nội đô đến biển Long Hải và các khu công nghiệp Bình Dương. Sau khi sáp nhập, TP. HCM sẽ trở thành địa phương có quy mô dân số, kinh tế lớn nhất cả nước, là một siêu đô thị ở cấp độ châu Á.
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top