Theo Cổng TTĐT Công an tỉnh Thái Bình, thời gian gần đây đã xuất hiện nhiều phương án về sáp nhập các tỉnh/thành phố trong các hội nhóm trên MXH.
Theo đó, dù chưa có quyết định chính thức của các cấp có thẩm quyền nhưng thị trường BĐS tại các khu vực được sáp nhập, đặc biệt là các địa điểm được đồn đoán là trung tâm hành chính đã có nhiều biến động, gây nhiễu loạn thị trường.
Theo đó, các lời mời đầu tư thường đưa ra một số lý do như sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính, Nhà nước sẽ ưu tiên nguồn lực về tài chính, con người, cơ chế, chính sách để xây dựng cơ sở hạ tầng, đáp ứng yêu cầu của các trung tâm hành chính mới. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc giá của BĐS tăng giá.

Tỉnh Thái Bình cảnh báo tình trạng sốt đất ảo theo tin sáp nhập. Ảnh: Internet
Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, việc tăng giá "nóng" giữa thời điểm hiện nay không phản ánh được thực chất giá trị của bất động sản và nhu cầu của thị trường.
Các nhà đầu tư có thể bị tác động về tư tưởng, có tâm lý FOMO khiến việc đầu tư có thể mua đất tại các khu vực không được quy hoạch như dự định hoặc tính pháp lý của bất động sản không được đảm bảo.
Trong bối cảnh xuất hiện các đợt sốt đất ảo, người mua có nguy cơ phải chấp nhận mức giá cao hơn nhiều so với giá trị thực tế của bất động sản. Khi thị trường hạ nhiệt hoặc thông tin về việc sáp nhập các đơn vị hành chính được công bố chính thức, không ít nhà đầu tư rơi vào tình thế khó thanh khoản, buộc phải bán cắt lỗ để thu hồi vốn, trở thành nạn nhân của hiện tượng bị “thổi giá” đất.
Đáng lo ngại, một số đối tượng môi giới bất động sản (thường gọi là “cò đất”) đã lợi dụng tâm lý đầu tư theo phong trào để tung tin gian dối, lừa đảo nhằm trục lợi cá nhân. Theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản, các hành vi cung cấp thông tin sai lệch có thể bị xử phạt hành chính lên tới 50 triệu đồng, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Thái Bình là tỉnh duy nhất chưa bao giờ bị chia tách hay sáp nhập mà giữ nguyên ranh giới kể từ khi được thành lập vào năm 1890. Ảnh: Internet
Trước thực trạng trên, Công an tỉnh Thái Bình khuyến cáo người dân và nhà đầu tư cần hết sức cảnh giác, giữ tâm lý bình tĩnh và tỉnh táo, không nên tin tưởng vào các thông tin thất thiệt, lan truyền trên mạng xã hội về việc sáp nhập đơn vị hành chính. Mọi thông tin chính thống chỉ có giá trị khi được công bố công khai từ các cơ quan có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch mua bán bất động sản nào, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ lưỡng về pháp lý của tài sản như tình trạng sở hữu, quy hoạch sử dụng đất, nghĩa vụ tài chính, thuế phí… để đánh giá chính xác khả năng sinh lời và tính an toàn của khoản đầu tư.
Đặc biệt, trong trường hợp phát hiện dấu hiệu gian lận, lừa đảo trong hoạt động mua bán, chuyển nhượng bất động sản, người dân cần chủ động trình báo ngay với chính quyền địa phương hoặc cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ, xử lý kịp thời, góp phần ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật.
Việt Nam đã trải qua nhiều lần điều chỉnh địa giới hành chính, theo đó, năm 1975 từ 72 đơn vị còn 38 đơn vị; năm 2008 tăng lên 63 đơn vị và duy trì cho đến nay. Tuy nhiên trong quá trình thay đổi đó, tỉnh Thái Bình là tỉnh duy nhất chưa bao giờ bị chia tách hay sáp nhập mà giữ nguyên ranh giới kể từ khi được thành lập vào năm 1890. Cái tên Thái Bình cũng được giữ nguyên vẹn trong suốt 135 năm qua.