Aa

Tình làng nghĩa xóm trong những toà cao ốc

Thứ Bảy, 16/12/2017 - 06:00

Không ai có thể phủ nhận không gian sống hiện đại hay những tiện ích của chung cư nhưng nhiều người lo ngại sự mất kết nối cộng đồng, tình làng nghĩa xóm khi sống trong những căn hộ khép kín kiểu đèn nhà ai nhà nấy rạng. Liệu có còn tình làng nghĩa xóm trong những tòa cao ốc mọc lên ngày càng nhiều ở các thành phố lớn?

Có không ít lý do rất thực tế và dễ thương để nhiều người quyết định chọn chung cư làm không gian sống. Người chọn căn hộ chung cư vì đơn giản dễ mua, hợp lý hơn nhà mặt đất. Người chọn chung cư vì chỉ cần bấm thang máy xuống tầng là có cả một trung tâm thương mại đầy đủ dịch vụ. Người chọn chung cư vì chỉ cần xuống sảnh là có đủ trường học, khu vui chơi cho con. Người chọn chung cư vì 2 giờ đêm vẫn có thể tản bộ thư giãn trong khuôn viên nhờ an ninh đủ 5 lớp rất đảm bảo...

Cà phê cuối tuần này là những chia sẻ của nhà văn của làng quê Kinh Bắc Trần Thanh Cảnh, nhà báo Nguyễn Hoàng Linh và nhà báo Trần Trọng An đồng thời cũng chính là cư dân của chung cư để thấy lý do lựa chọn không gian sống này, để thấy nếu mỗi người ý thức hơn một chút thì chung cư không chỉ là không gian sống hiện đại, tiện ích mà còn ấm áp tình làng nghĩa xóm. 

PV: Là Phó tổng biên tập một tờ tạp chí về gia đình với slogan Hiểu biết hơn - Hạnh phúc hơn như Gia Đình Mới, những điểm cộng nào của chung cư khiến nhà báo Trần Trọng An chọn làm không gian sống chứ không phải là nhà mặt đất?

Nhà báo Trần Trọng An: Có mấy lý do để tôi lựa chọn sống ở chung cư. Thứ nhất: Mọi sinh hoạt diễn ra trên một mặt phẳng. Các thành viên trong gia đình dễ dàng kết nối với nhau hơn. Trong bối cảnh smartphone và internet đang ngày càng cô lập cá nhân, sống trong chung cư giúp cho bố mẹ, con cái dễ dàng tương tác. Điều này khó có thể tìm thấy ở nhà thấp tầng, đặc biệt là các nhà ống 3 - 4 tầng, nơi mà mỗi người một phòng, hoặc “cắm mặt” vào tivi, smartphone, máy tính.

Lý do thứ hai đơn giản hơn, tôi là người không thích mắc màn khi ngủ. Sống ở chung cư, tôi chọn tầng cao, không có muỗi nên cũng khỏi phải mắc màn luôn. Ngoài ra, sống ở tầng cao (trên tầng 10), mỗi khi về nhà tôi và gia đình tránh được một phần khói bụi do ô nhiễm ở đô thị.

Lý do thứ ba là khu chung cư nơi tôi ở được kết nối với bãi đỗ xe, cửa hàng tiện ích, siêu thị, nhà hàng, rạp chiếu phim… trong một không gian mở, nơi mà người lớn có thể tập thể dục, trẻ con vui chơi hoặc cả nhà có thể tham gia các hoạt động giải trí bất kỳ lúc nào.

PV: Hạ tầng và những tiện ích thực sự tạo nên một không gian sống văn minh của chung cư. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng mô hình ở này không duy trì được tình làng nghĩa xóm vì có những gia chủ cứ sáng khoá cửa đi làm, tối cũng đóng cửa trong nhà đúng kiểu mạnh ai người nấy sống. Trong khi sự gắn kết cộng đồng, làng xóm là một nét đẹp trong văn hóa sinh hoạt của người Việt cần giữ gìn. Nhà báo Nguyễn Hoàng Linh, nhà văn Trần Thanh Cảnh, nhà báo Trần Trọng An có đồng tình với ý kiến này?

Nhà báo Nguyễn Hoàng Linh: Đến nay đã ngoài 60 tuổi và gần như cả cuộc đời gắn với chung cư, tôi vẫn thầm tiếc sự ấm áp, tình làng nghĩa xóm của chung cư thời xưa.

Ngày ấy, chúng tôi là cán bộ công nhân viên Nhà nước, nhà ở là do Nhà nước phân phối theo tiêu chuẩn lương bậc. Phần đông là người cùng cơ quan, rồi lại cảnh tem phiếu như nhau, khó khăn đến mức lắm lúc tưởng như đến giới hạn của sự chịu đựng, vậy mà sự chia sẻ nhiều lúc cứ như anh em ruột thịt. Có mớ rau ngon, con cá tươi...  mang từ quê lên, cũng mời nhau. Có công việc ma chay, cưới xin..., cả tòa nhà xúm vào mỗi người một chân một tay.

Giờ đây, tôi vẫn đang ở chung cư trong một tòa nhà 25 tầng, mỗi tầng 11 căn hộ tại khu đô thị Văn Khê (Hà Đông, Hà Nội), nhưng cảm giác tình làng nghĩa xóm hầu như không còn nữa. Chủ mỗi hộ ai cũng mải mê công việc, rồi mỗi người một quê, một nghề nghiệp, một hoàn cảnh, một lứa tuổi..., thế là thành xa xôi.

Nhà báo Trần Trọng An: Tôi không đồng tình với ý kiến trên. Như khu chung cư tôi đang ở, các cửa phòng “thông nhau” hàng ngày vì trẻ con qua lại chơi thân thiết như anh chị em. Mỗi tầng có 12 căn hộ, người lớn ai cũng biết nhau. Nếu có việc bận có thể qua gửi con cho hàng xóm. Khi có người ốm đau, mọi người thăm nom. Thi thoảng, các bố mẹ lại tụ tập ở một nhà uống trà hoặc tổ chức ăn uống rồi buôn chuyện… Việc này không giới hạn trong một tầng, mà mỗi gia đình đều có sự kết nối với những người quen, thân ở các tầng khác.

Tôi nghĩ “tình làng nghĩa xóm” là ở mỗi con người chứ không phải do nơi sống.

Nhà văn Trần Thanh Cảnh: Sống ở chung cư với kinh nghiệm khá lâu năm ngay từ khi khu đô thị Việt Hưng thành lập, tôi thấy cái hay nhất là con người sống với nhau khá tình cảm. Mặc dù "9 người, 10 làng", có những người xa xôi tận miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An, có người trên miền núi phía Bắc,... quần tụ với nhau về chung một tòa nhà, lâu dần hình thành một khối gắn kết, không quá cách biệt với nhau.

Trẻ con cùng tầng có thể cùng đến nhà nhau chơi thoải mái như một xóm ngày xưa ở quê, người già cùng nhau đi tập thể dục, đi du lịch, người trẻ thì cùng với nhau đi ăn uống, cà phê, uống bia giao lựu, thể dục thể thao...

Ở chung cư chỗ tôi đã hình thành được một văn hóa tình làng nghĩa xóm ở mức độ nhẹ hơn, không quá câu nệ chuyện làng xóm và cũng không quá là lạnh lẽo như ở phố xá. Bởi nhà ở trên phố thì thậm chí gặp nhau còn chẳng chào, nhà nọ nhà kia có việc cũng không hỏi thăm nhau. Nhưng ở chung cư thì khá đầm ấm, buồn vui người ta chia sẻ cùng nhau, rất nhiều chỗ còn tổ chức những buổi liên hoan toàn tầng. Đó chính là một hình thức gắn kết. Đấy cũng chính là một biểu hiện tốt đẹp của văn hóa làng xã được duy trì để hình thành lên văn hóa chung cư ngày nay.

Cháu tôi có thể chạy sang hàng xóm chơi rất vui vẻ từ nhà nọ đến nhà kia. Trẻ con thành phố cứ nhốt mãi trong nhà cũng không được. Một là chúng đi học, hai là phải có bạn chơi. Và trẻ con giữa các nhà chơi được với nhau tự nhiên hình thành một cộng đồng giao tiếp với nhau, giúp cân bằng tâm lý của trẻ.

Gần đây báo chí có đưa câu chuyện đau lòng về đứa trẻ bị bố mẹ bạo hành, nếu câu chuyện đó xảy ra ở chung cư thì chắc chắn hàng xóm sẽ biết rõ, sẽ không để yên mà có những can thiệp kịp thời. Bởi vì tiếng đánh, tiếng trẻ con khóc vì bạo hành khác xa tiếng trẻ con bị bố mẹ mắng mỏ thường ngày. Dẫu sao ở chung cư người ta vẫn quan tâm nhiều đến nhau nhiều hơn là nhà đất nền.

Ở cả tòa nhà, cư dân có thể không biết nhau nhưng ở một tầng chỉ vẹn vẹn có chục nhà, người ta thường biết rõ nhau là làm gì, ở đâu, bố mẹ con cái như thế nào. Mặc dù không tọc mạch nhưng thường người ta sẽ có những không gian chung ngoài cầu thang, ngoài vườn hoa, trong thang máy và lúc đó thường là lúc chuyện trò với nhau, gật đầu chào nhau.

Sân chơi trẻ em là điểm cộng cho không gian sinh hoạt ở chung cư

Sân chơi trẻ em là điểm cộng cho không gian sinh hoạt ở chung cư.

PV: Ở chung cư đồng nghĩa là có những không gian sinh hoạt chung ví dụ như sảnh, thang máy, sân chơi... với nội quy riêng. Đặc biệt chúng ta cũng cần phải tôn trọng không gian riêng của hàng xóm để không quá tọc mạch vào đời sống người khác. Để trở thành một cư dân văn minh của chung cư nhưng không đánh mất những giá trị truyền thống như tình làng nghĩa xóm, chúng ta cần xây dựng một văn hóa ở như thế nào?

Nhà báo Trần Trọng An: Đây là câu hỏi rất thú vị. Tôi nghĩ văn hóa chung cư hình thành từ văn hóa của từng cá nhân. Cá nhân tôi khi bước vào sống ở chung cư đã phải tìm hiểu và học những vấn đề sau:

Học cách đi thang máy: Đứng về phía bên phải cửa thang để tránh và nhường người trong thang máy ra hết mới vào. Tránh lao thẳng, úp mặt vào người đang từ trong thang máy đi ra. Không nghe điện thoại, nói chuyện to trong thang máy.

Học cách ứng xử văn minh khi trẻ con trêu chọc nhau: Trẻ con trêu nhau khóc, thậm chí đánh nhau là điều khó tránh. Nếu bố mẹ kiềm chế, ứng xử văn minh thì sẽ không có xung đột, giúp trẻ trở nên yêu quý nhau hơn.

Học cách đổ rác đúng nơi quy định: Mỗi người nên biết, rác vứt qua cửa sổ, ban công… có thể bay xuống nhà dưới. Nên nhắc trẻ em, người giúp việc gom vỏ hộp sữa, bánh kẹo, đồ chơi… vào 1 nơi và đổ rác vào khu vực có người thu gom…

Tôi nghĩ, khi mỗi người biết cách ứng xử có văn hóa một việc rất nhỏ thì các sự việc khác phát sinh sẽ rất dễ để trao đổi, xử lý.

Nhà văn Trần Thanh Cảnh: Chung cư tôi ở chỉ là dự án thuộc loại trung bình, không phải cao cấp nhưng lại có không gian sống khá tốt. Đặc biệt là tầng lớp cư dân tương đối đồng đều khi đa số là cán bộ, công nhân, viên chức, có mức sống, thu nhập, nhận thức xã hội tương đối khá nên người ta sống với nhau khá hài hòa. Hơn nữa, tầng lớp này cũng có ý thức bảo vệ không gian chung, đồ sở hữu chung nên không có những tranh chấp cãi vã.

Mặt khác, ở những chung cư tập trung nhiều thành phần dân cư thì cũng có một bộ phận người lao động có nhận thức thấp, thu nhập thấp, tính làng xã còn nhiều. Đặc biệt là những người mang tâm lý ở thuê, nhà thuê thì ý thức, ứng xử với cơ sở vật chất, với con người càng kém hơn. Tôi nghĩ cần phải có bàn tay của chính quyền, công an khu vực, ban quản lý chung cư cùng phối hợp tạo ra một môi trường kỉ luật, phải có quy chế thì mới không có tình trạng lộn xộn ở chung cư.

Tình làng nghĩa xóm là một văn hóa của dân tộc Việt Nam. Để duy trì văn hóa làng xóm như ngày xưa là bất khả thi bởi văn hóa làng xóm xưa kia là sự gắn kết sâu sắc đến mức nhiều nhà hàng xóm thân thiết với nhau “trên mức cần thiết” gọi là tọc mạch “trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã thông”. 

Đến thời hiện đại, đi cùng với sự chuyển dịch của cơ cấu xã hội về dân cư, nghề nghiệp, một bộ phận nông dân sẽ trở thành người thành thị và nhiều người sẽ chọn nhà ở chung cư. Và khi đã sống ở chung cư hiện đại mà vẫn giữ nguyên những lề thói xấu như thói tọc mạch, can thiệp quá sâu vào chuyện nhà khác và không giữ những nét đẹp truyền thống chia sẻ ngọt bùi cũng không được.

Để cân bằng được cả hai để tạo ra một văn hóa chung cư là một câu chuyện tưởng dễ mà khó nhưng nên làm. Bởi một tòa nhà chung cư giống như một làng và mỗi một tầng cũng giống như một xóm, có sự gắn kết chặt chẽ với nhau cùng một cầu thang, cùng một hệ thống nước sinh hoạt, phòng cháy chữa cháy, an ninh chung cư. Nếu tất cả không có sự gắn kết chỉ biết mạnh nhà nào nhà đó dùng thì không tốt cho cả một khối dân cư.

Tôi nghĩ rằng, mỗi người sống ở chung cư phải tự điều chỉnh hành vi, thái độ của mình để thích ứng với môi trường sống. Chỉ đơn giản như các thói quen thấy người già thì cúi đầu chào, thấy trẻ nhỏ thì cười vui, tham gia hoạt động giao lưu cộng đồng cùng trong tòa nhà chứ không phải là sống thờ ơ, lạnh nhạt, bàng quan với mọi người xung quanh.

Những thói quen văn hóa làng xóm quá đà không còn phù hợp cũng đang được cư dân tự điều chỉnh để phù hợp và giữ lại những điều tốt đẹp. Đó là tín hiệu tốt, là nền móng của văn hóa tình làng nghĩa xóm của chung cư mới. Lấy ví dụ rõ rệt nhất là ở chung cư người ta không tự tiện chạy sang nhà nhau mà chỉ gặp nhau ở những không gian sinh hoạt công cộng, giao lưu với nhau, chúng ta phải thấy đó là điều hay.

Nhà báo Nguyễn Hoàng Linh: Dù chưa thực sự cảm nhận được sự ấm áp của tình làng nghĩa xóm nhưng tôi vẫn tự hào về về sự yên bình, sạch sẽ và an toàn ở chung cư của tôi, mỗi khi trên báo chí, thấy nơi nọ nơi kia căng băng rôn, biểu ngữ phản đối chủ đầu tư vì lẽ này lẽ khác.

Khi tìm hiểu mới thấy rằng, nỗ lực cho sự mong muốn một tòa nhà chung cư yên bình, sạch sẽ và an toàn không hề dễ dàng. Mà nguồn gốc đầu tiên phải từ chủ đầu tư. Phần lớn những sự tranh chấp gần đây ở các chung cư đều xuất phát từ sự thiếu minh bạch về sở hữu chung và riêng giữa các cư dân và chủ đầu tư. Họ đã không giữ lời hứa như khi quảng cáo ban đầu. Họ đã cắt xén các tiện ích cộng đồng để tăng thêm lợi nhuận. Họ đã cố tình chiếm dụng quỹ bảo trì để thực hiện những tham vọng lớn hơn...

Còn ở tòa nhà chung cư của tôi, ngay từ những ngày đầu, chủ đầu tư đã nỗ lực tham gia hình thành cho được Ban quản trị phù hợp với các quy định của pháp luật, sau đó lập tức chuyển toàn bộ số tiền quỹ bảo trì cho Ban quản trị để tự chịu trách nhiệm trước cộng đồng cư dân. Cùng với đó là giới thiệu một người được phân công theo dõi dự án từ đầu tham gia vào Ban quản trị.

Đến nay, chung cư nơi tôi ở đã qua 7 năm và lần thứ 3 bầu Ban quản trị mới. Mặc dù khi bầu lần mới đây cũng tranh luận gay gắt và có những ý kiến trái chiều, thậm chí hơi cực đoan, rồi ông Trưởng ban cũ xin từ nhiệm, thế nhưng mọi người vẫn bầu lại ông.

Thế mới biết rằng, để tạo nên một giá trị văn hóa của một tòa nhà chung cư, điều đầu tiên là phải xuất phát từ nền tàng văn hóa của chủ đầu tư, như các cụ xưa nói “giỏ nhà ai quai nhà ấy”. Sau đó là sự lựa chọn khôn ngoan, thông minh và có trách nhiệm của cộng đồng dân cư về những người tham gia Ban quản trị tòa nhà. Tiếp đến sẽ là sự hài hòa các tầng nấc văn hóa ứng xử của mỗi thành viên trong chung cư.

Khi hội tụ được cả 3 điều ấy, chắc chắn mọi vấn đề trong cuộc đàm đạo cuối tuần này của chúng ta sẽ đơn giản hơn rất nhiều.

Xin trân trọng cảm ơn các vị khách mời! 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top