Điều gì làm nên nét đẹp duyên dáng, lãng mạn của đô thị Hà Nội, trái tim của hơn 90 triệu con người? Có lẽ đó chính là nhờ một quần thể cây xanh đa dạng, phong phú với những màu sắc rất riêng mà chỉ cần gọi tên, người ta nghĩ ngay đến Thủ đô. Tuy nhiên, trong quá trình đô thị hóa, quần thể xanh ấy dường như bị "bỏ quên". Dù Hà Nội đã chi đến hơn 700 trăm tỷ đồng để... cắt tỉa cây xanh hay rất nhiều tiền để trồng hàng triệu cây mới, nhưng lại thiếu đi sự tinh tế, một sự định vị cho bản sắc mảnh đất Kinh kỳ.
Cà phê cuối tuần sẽ cùng bàn về chủ đề này. Xin giới thiệu các vị khách mời: Nhạc sỹ Hồng Đăng - nguyên là Phó Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam khoá IV và V, tác giả của ca khúc "Hoa sữa" đi vào lòng nhiều thế hệ yêu Hà Nội; nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn - người làm thổn thức bao trái tim bao độc giả với bài thơ "Hương thầm"; nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến - được gọi là nhà “Hà Nội học” thời hiện đại, tác giả viết về Hà Nội nhiều nhất hiện nay với những cuốn sách như: 5.678 bước chân quanh hồ Gươm, Đi dọc Hà Nội, Đi ngang Hà Nội, Đi xuyên Hà Nội...
PV: Mấy tuần gần đây, không gian Hà Nội ngập tràn đến mức nồng nặc mùi hoa sữa khiến không ít người ám ảnh, thậm chí bị ức chế. Và có người trách, phải chăng vì nhạc sỹ Hồng Đăng miêu tả hương thơm ngọt ngào đầu phố đêm đêm lãng mạn quá khiến những người làm công tác quy hoạch cây xanh yêu ca khúc “Hoa sữa”, mới trồng loài cây này ở khắp nơi, làm khổ người dân như vậy. Thưa nhạc sỹ Hồng Đăng, ông cảm thấy thế nào khi nghe người ta "trách" như vậy?
Nhạc sỹ Hồng Đăng: Trước tiên, tôi xin nói về ca khúc "Hoa sữa". Có lẽ đây là “đứa con” đặc biệt nhất của tôi. Năm đó, nữ đạo diễn Đức Hoàn đặt tôi viết một nhạc phẩm cho phim: "Hà Nội mùa chim làm tổ". Sau cả tháng trời suy ngẫm và tìm ý tưởng độc đáo, tôi bắt tay vào viết ca khúc. Những ca từ, giai điệu như tự nhiên xuất hiện một cách sâu lắng, nhẹ nhàng. "Hoa sữa" ra đời như nó đã được phôi thai từ trước, như nó vốn dĩ đã thuộc về Hà Nội, tôi chỉ là người khơi dòng để hoa sữa đến được với công chúng mà thôi.
Còn việc trồng hoa sữa hay không là do chủ trương của Thành phố. Thực ra việc trồng cây gì cũng ít ai để ý, cho đến lúc hoa nở rộ, dày đặc quá, người ta mới giật mình vì thấy mùi hương không ngọt ngào như vẫn nghĩ. Nếu thực sự có lời trách đấy, tôi thấy, đó lại là sự ưu ái cho văn học nghệ thuật, chứng tỏ sức ảnh hưởng của một bài hát. Nếu loài cây này làm ảnh hưởng đến đời sống của con người, thì các nhà quản lý phải có sự điều chỉnh.
Tôi khẳng định, hoa sữa không có tội, lỗi là ở công tác quản lý và người trồng.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến
Tôi nghĩ, cây xanh là yêu cầu cần có và bắt buộc đối với đô thị, nó giúp cân bằng cuộc sống, tốt cho sinh thái. Và cây cỏ cũng có tâm hồn chứ không phải vô tri. Nếu nó không có tâm hồn, không khiến người ta xao xuyến thì sẽ chẳng ai nhắc đến để tôi biết và sáng tác một bài hát để đời về hoa sữa.
PV: Bước “5678 bước chân quanh Hồ Gươm” và “Đi xuyên Hà Nội”, hẳn nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến hiểu và lắng nghe từng “nhịp thở” của Thủ đô. Theo ông, vì đâu dẫn đến việc, từ một loài hoa đẹp đi vào ký ức của bao nhiêu con người lại trở thành "thảm hoạ" của hiện thực như vậy?
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến: Trở lại câu chuyện xưa, từ những năm đầu thế kỷ XX, người ta trồng hoa sữa ở phố Quán Thánh, sau đó đến thập niên 20 của thế kỷ XX, người ta trồng loài cây này trên phố Nguyễn Du. Chỉ những ai đến Hà Nội, yêu Hà Nội và từng đi dưới những hàng hoa sữa trên đường Nguyễn Du, Thụy Khuê, Quán Thánh… vào những đêm khuya và bình minh mới cảm nhận được rõ hương vị thanh nhã của thành phố hoa sữa nghìn năm tuổi.
Vì khi đó, người ta trồng cây rất thưa và các công trình xây dựng trong thành phố chỉ được phép xây 2 tầng. Loài cây này lớn nhanh, nên sau một thời gian, cây cao trên các dãy nhà đó. Khi hoa nở, với số lượng và độ cao vừa phải, hoa sữa tỏa ra hương thơm thoang thoảng chứ không nồng nặc như bây giờ. Thế nên tôi khẳng định, hoa sữa không có tội, lỗi là ở công tác quản lý và người trồng.
Còn nói về đặc trưng của Hà Nội, thì tôi nghĩ không phải là hoa sữa đâu. Đấy là do các nhạc sỹ cảm được cái đẹp của nó và viết thành nhạc phẩm. Rồi người ta đem lòng yêu mến và thuộc giai điệu thôi.
PV: Vậy theo ông, khi nhắc đến Hà Nội, chúng ta sẽ nhận diện qua loại cây nào?
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến: Nhiều loài cây đã đi vào những tác phẩm văn học nghệ thuật và được người dân yêu mến, gọi tên như tiếng gọi thiêng liêng Thủ đô “Hà Nội”. Trịnh Công Sơn viết nên giai điệu mượt mà “Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng…”. Nhưng thật ra, cây cơm nguội cũng đã mất từ lâu. Đây là loài cây giống nội địa, khi lớn rất đẹp, đặc biệt là vào mùa thu, lá đổi màu vàng ánh đỏ. Tuy nhiên, càng lớn, thân cây sẽ càng bị rỗng, không chịu được gió lớn gây nguy hiểm mùa mưa bão. Vì thế, người ta đã chặt bỏ.
Nhắc đến Hà Nội, nhiều người còn nghĩ ngay đến những hàng xà cừ tỏa bóng mát. Nhưng loài cây này được khuyến cáo không nên trồng. Lý do vì nó có rễ ngang, sẽ “ăn” vào móng nhà, gây nguy hiểm. Ngoài ra, lá xà cừ có đặc điểm rụng vào một mùa, nên có thể sẽ gây tắc cống thoát nước.
“Em ơi Hà Nội phố” của nhạc sĩ Phú Quang cũng gọi tên hoàng lan rất đẹp. Cách đây khoảng 15 năm trở về trước, Hà Nội còn rất nhiều biệt thự cổ trong nội đô, chủ nhân của những ngôi nhà này thường trồng cây hoàng lan tây vì nó có mùi thơm sang trọng, quyến rũ. Loài cây này vừa tôn lên sự sang trọng của ngôi biệt thự, mà đến mùa hoa nở, hương thơm thoang thoảng một góc phố tạo ra sự lãng mạn cho đô thị. Nhưng điều đáng tiếc là cùng với việc phá bỏ các nhà biệt thự cũ, loài cây này cũng bị chặt đi.
Ngày xưa, nhà thơ Việt Phương đã từng viết một bài thơ, trong đó có câu “Hà Nội như một ngoại ô bị bỏ quên trong thế kỷ XX/Điện vàng vọt, nhà lè tè, và cuộc đời hình như chật hẹp?”. Nhưng dẫu sao, ngoại ô đó vẫn còn tràn ngập một màu xanh, còn Hà Nội của thế kỷ XXI hôm nay mới thực sự bị bỏ quên, khi đang mất đi bản sắc của chính mình.
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn
Có một giai đoạn, do đặc điểm lịch sử và lúc đấy, vườn ươm giống cây thiếu thốn nên người ta bắt buộc phải trồng những loài nào có sẵn, trong đó có cả xà cừ, hoa sữa… Và trong suốt những năm bao cấp thì cây xanh gần như không được quản lý mà hoàn toàn do Bộ Lâm nghiệp (cách gọi thời xưa) họ cấp cho Hà Nội loài gì thì Hà Nội trồng cây đó. Vì thế có thời gian người ta gọi Hà Nội là rừng trong phố. Nghĩa là trồng đủ các loại cây không theo một thứ tự gì, cả một số cây mà trước đó các nhà thực vật đã khuyến cáo không nên trồng.
Mãi sau này, đến năm 2005, mới có một quy định về tiêu chí cây xanh đô thị, tuy nhiên quy định này vẫn còn sơ sài, thiếu chi tiết. Chính vì sự trồng tùy tiện, không theo quy định mới dẫn đến hiện tượng như hoa sữa mấy tuần qua.
Cùng với quá trình đô thị hóa, Hà Nội đang ngày càng trở nên lem nhem, không còn sự duyên dáng vốn có. Nguyên nhân chính, tôi nghĩ do những người đứng đầu thành phố không nhìn ra Hà Nội cần gì, cái đẹp của đô thị là gì và có tác dụng như thế nào. Nhận thức không đúng dẫn đến việc làm và quản lý không đúng.
PV: Có quan điểm cho rằng, nhìn ở góc độ cây xanh đô thị, Hà Nội như đang mất đi sự định vị. Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn nghĩ sao về điều nảy?
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn: Ký ức Hà Nội trong tôi rất đẹp, đó là hình ảnh những gánh hàng hoa đi trên con đường Phan Đình Phùng trải dài hàng sấu, đó là những năm tháng của tuổi mới lớn, mang theo xúc cảm tình yêu đầy lãng mạn đi trên con đường có hàng cây cơm nguội vàng phố Yên Phụ… Năm tháng tuổi trẻ của tôi gắn liền với cây xanh như thế. Và tôi nghĩ, mỗi người sẽ giữ trong ký ức mình những biểu tượng riêng về Hà Nội. Ngày xưa, Hà Nội đẹp lắm, mỗi phố trồng một loại cây đặc trưng chứ không hỗn độn, lộn xộn như bây giờ.
Nếu bạn nhìn từ trên cao xuống, sẽ thấy một Hà Nội lộn nhộn, với những con đường chật chội ken đặc xe và nhà cao thấp lô nhô. Người ta chặt đi một loạt những hàng cây rất đẹp trên đường Nguyễn Chí Thanh, Kim Mã rồi trồng lại vào đó những hàng cây bé tí teo, còi cọc. Năm trước người ta nói trồng vàng tâm, năm sau người ta lại đổi bằng hàng phượng, rồi có khi lại nói trồng bằng lăng… thiếu đi một sự thống nhất và định vị. Tôi thấy đau lòng vì Hà Nội không còn là thành phố xanh nữa mà đã trở thành thành phố xi măng rồi!
Ngày xưa, nhà thơ Việt Phương đã từng viết một bài thơ, trong đó có câu “Hà Nội như một ngoại ô bị bỏ quên trong thế kỷ XX/Điện vàng vọt, nhà lè tè, và cuộc đời hình như chật hẹp?”. Nhưng dẫu sao, ngoại ô đó vẫn còn tràn ngập một màu xanh, còn Hà Nội của thế kỷ XXI hôm nay mới thực sự bị bỏ quên, khi đang mất đi bản sắc của chính mình.
PV: Vậy theo nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, để nhận diện Hà Nội, chúng ta nên chọn cây gì?
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến: Với tôi, loài cây mang hương vị Hà Nội nhất vẫn là cây sấu. Loài cây này có một đặc điểm khác với những cây trồng đô thị còn lại là lá hình mắt nai rất là đẹp, thân cây to. Đặc biệt, hoa sấu có mùi thơm chua dịu, đây là mùi thơm rất hiếm trong tự nhiên, không như một số loài cây khác khi hoa nở lại thơm nồng, thơm gắt. Đến khoảng đầu tháng 5, hoa sấu rụng xuống, để lại những hạt li ti trên hè phố thật nên thơ. Hơn nữa, quả sấu cũng có nhiều công dụng và gắn với thức quà mang đặc trưng Hà thành như món ô mai sấu, sấu non ngâm… Vậy tại sao không chọn cây sấu là loại đặc trưng?
Dĩ nhiên, khi đô thị ngày càng mở rộng, không thể chỉ trồng một loài cây, ta phải kết hợp, đan xen từng khu vực, phụ thuộc vào thổ nhưỡng, địa hình để trồng các loài cây cho hợp lý. Nhưng để chọn được cây gì, phải dựa vào nhiều yếu tố, dựa trên các ưu – nhược điểm. Ví dụ như cây muồng, bằng lăng tán không cao, vì thế không thể đem lại bóng mát; cây sưa chỉ có thể trồng quanh công viên; vàng tâm cũng chỉ nên trồng ở một tuyến phố… Quan trọng nhất vẫn là cần có một sự quy hoạch, quản lý rõ ràng.
Còn muốn trồng cây gì mang được bản sắc, tôi nghĩ cứ trồng đi, chúng ta không thể tạo ra bản sắc ngay, một ngày đẹp trời nào đó, các nhạc sỹ, nhà văn, nhà thơ cảm được, họ sẽ thổi hồn cho cây cỏ. Bởi cây cỏ ngoài ý nghĩa điều hòa không khí, nó còn mang giá trị tinh thần, là kiến trúc cảnh quan đô thị, cây cỏ cũng là hồn của đất!
Xin cảm ơn các vị khách mời đã chia sẻ!
Theo quý độc giả, Hà Nội nên trồng loại cây gì? Mời quý độc giả cùng đóng góp ý kiến bằng cách gửi về hòm thư batdongsantapchi@gmail.com hoặc gửi bình luận phía dưới bài viết. |