Aa

“Tình làng, nghĩa xóm” vẫn nảy nở trong cao ốc

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Sáu, 11/08/2017 - 06:11

Những tòa nhà cao tầng, chung cư hiện nay là biểu tượng của thành phố với nhịp sống văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, dù ở làng quê hay đô thị thì những văn hóa nghĩa tình, đùm bọc, san sẻ với nhau vẫn đang được giữ gìn và xây dựng.

Bên cạnh những phiền lòng về cuộc sống ở chung cư thì sự gắn kết “tình làng, nghĩa xóm” cũng đang lan tỏa tại nhiều chung cư như việc thành lập được hội đồng hương, hội người cao tuổi, câu lạc bộ văn hóa, câu lạc bộ bóng bàn… để tiện cho sinh hoạt, nâng cao chất lượng cuộc sống. Bởi lẽ, văn hóa sinh hoạt truyền thống của người Việt từ ngàn đời luôn đề cao sự tương tác, chia sẻ, gặp gỡ giữa từng cộng đồng làng xóm.

Ở chung cư CT1 Ngô Thì Nhậm (Hà Đông), hầu như vào mỗi cuối tuần, nhiều gia đình lại cùng nhau tổ chức các chuyến dã ngoại. Địa điểm được chọn thường là vườn quốc gia, khu cắm trại ngoại thành hoặc các công viên để kết nối nhiều gia đình với nhau. Chị Tạ Bích Huế cư dân sinh sống tại tòa nhà chia sẻ: “Nhiều người dân sống trong chung cư đều là dân văn phòng, người làm nhà nước nên thường sáng đi tối về. Mới đầu dọn về chung cư cũng không ai biết mặt nhau, nếu mở cửa thấy hàng xóm thì cũng không nói với nhau được quá ba câu. Sau khi có ban quản trị rồi thành lập nhóm trên mạng xã hội cùng kêu gọi mọi người tổ chức các vui chơi cho trẻ em trong tòa nhà, từ e ngại rồi cũng dần thành thân quen với nhau”.

Hoạt động tập th

Hoạt động tập thể kết nối trẻ nhỏ và người lớn tại chung cư Ngô Thì Nhậm (Nguồn: NVCC)

Chị cho hay, sau một thời gian chung sống trong tòa nhà, hiện giờ hoạt động nào trong chung cư cũng thu hút đông đảo các gia đình. Đặc biệt, những chuyến dã ngoại cuối tuần nào cũng đầy đủ, chỉ trừ trường hợp bố và mẹ bận trực, bận công tác thì mới không thể tham gia được. Cũng mới đây, mọi người còn có chung ý tưởng mở lớp dạy múa, vẽ, đánh cờ,… ngay tại phòng sinh hoạt cộng đồng cho trẻ em.

Cũng tương tự, tại chung cư CT12C khu đô thị Kim Văn - Lim Lũ (Hoàng Mai), bà Nguyễn Thị Thanh cho hay ngoài chuyện “lùm xùm” về mất nước, về tranh chấp với chủ đầu tư thì lâu nay cư dân chung cư hình thành nếp sống cởi mở, gần gũi. Vào những ngày lễ, tết các tầng thường tổ chức liên hoan văn nghệ, ăn uống ở sảnh thang máy. Sau khi ăn uống xong cũng mỗi người một tay một chân dọn dẹp sạch sẽ. Đặc biệt, khi bà tham gia vào Hội cựu chiến binh ở chung cư thì khi nhà ai có cưới xin, ốm đau... mọi người đều thông báo cho nhau biết để đến, thăm hỏi, lâu dần mọi người trở nên thân thiết, thường giúp đỡ nhau những khi khó khăn.

Hiện nay, các chung cư còn tạo nhóm trên mạng xã hội để các cư dân cùng kết nối, chia sẻ đủ chuyện từ nhà cửa, nấu ăn, mua đồ, sửa nhà. Đặc biệt, nhà nào có món đặc sản gửi lên cũng cho mọi người. Việc biết nhau trên mạng xã hội nên khi ra ngoài đời thực mọi người dễ dàng bắt chuyện hơn.

giao lưu

Hành lang chung cư Nam Đô Complex trở thành không gian sinh hoạt chung, giao lưu, chia sẻ của cả tầng (Nguồn: NVCC)

Còn ở chung cư Nam Đô Complex (Trương Định), cư dân thường xuyên được ăn hải sản tươi với giá rẻ được chị Nguyễn Hồng An giao tận nhà. Nhà chồng ở Quảng Bình thường gửi hải sản lên cho vợ chồng chị, thấy tươi ngon mà giá lại rẻ hơn ngoài chợ, chị Loan nảy ý tưởng “buôn bán nhỏ”. Cứ mỗi thứ bảy, chị điện thoại về quê nhờ em chồng chọn mua các loại hải sản như tôm, ghẹ, mực trứng, cá…gửi ra Hà Nội. Lúc đầu chị nấu chín mời một số nhà hàng xóm tới ăn liên hoan, sau đó mời chào rồi khi hàng xóm lấy thường xuyên theo danh sách đăng kí. Hải sản gửi lên, vợ chồng chị nhắn hàng xóm đi làm về ghé lấy. Ai không tiện đường thì chồng chị xách đưa qua.

 Chị chia sẻ: “Buôn bán kiểu này lãi lời không đáng bao nhiêu, chỉ là cùng hàng xóm cùng giúp nhau mua thực phẩm tươi ngon đảm bảo sức khỏe. Hơn nữa là, gia đình tôi thân thiết với hàng xóm xung quanh hơn. Nhiều lúc ở chung cư cũng bức xúc, muốn hạ xuống mặt đất cho lành. Nhưng mà nghĩa tình hàng xóm láng giềng ở đây nặng quá, mọi người thân nhau như người nhà nên cũng không lỡ chuyển đi”.

Thiết nghĩ mỗi chung cư cũng giống như một làng quê thu nhỏ, xây dựng văn hóa sống ở mỗi chung cư ngoài ngoài việc phụ thuộc vào mỗi cá nhân thì cũng cần một Ban quản lý đại diện cho tiếng nói cũng như đóng vai trò cùng gắn kết mọi người để giữ gìn nét văn hóa của người Việt.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top