Sáng 1/7, UBND tỉnh Bắc Ninh (mới) tổ chức hội nghị công bố các quyết định bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý sau khi sáp nhập hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh (cũ).
Tại hội nghị, UBND tỉnh Bắc Ninh đã làm lễ chia tay 14 thành viên UBND hai tỉnh cũ không tiếp tục tham gia UBND tỉnh mới do nghỉ hưu hoặc chuyển công tác. Thay mặt UBND tỉnh, Chủ tịch Vương Quốc Tuấn gửi lời tri ân tới nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Việt Oanh cùng 13 ủy viên UBND hai tỉnh trước hợp nhất. Ông đánh giá cao những đóng góp của ông Nguyễn Việt Oanh trong giai đoạn lãnh đạo Bắc Giang vượt qua thời kỳ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn diện.
Chủ tịch Vương Quốc Tuấn khẳng định, những nền tảng tích lũy từ hai địa phương sẽ là động lực để Bắc Ninh (mới) bứt phá mạnh mẽ trong kỷ nguyên phát triển mới.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh (mới) Vương Quốc Tuấn. Nguồn ảnh: Báo Bắc Ninh
Cũng trong khuôn khổ hội nghị, UBND tỉnh Bắc Ninh đã công bố quyết định bổ nhiệm lãnh đạo các sở, ngành trực thuộc. Đáng chú ý, ông Nguyễn Việt Hùng – Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bắc Ninh (cũ) – được điều động, bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh (mới).
Chủ tịch Vương Quốc Tuấn nhấn mạnh, đây là "thời khắc lịch sử", khi các cán bộ được giao trọng trách trong giai đoạn khởi đầu đầy ý nghĩa của tỉnh Bắc Ninh mới. Ông yêu cầu các lãnh đạo Sở, ngành phát huy tinh thần đoàn kết, nêu cao trách nhiệm, cống hiến hết mình vì sự phát triển chung.
Về nhiệm vụ trọng tâm sắp tới, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo toàn bộ hệ thống chính quyền bắt tay ngay vào việc điều chỉnh quy hoạch tỉnh.
Một trong những dự án chiến lược được nhấn mạnh là quy hoạch và xây dựng sân bay Gia Bình - dự kiến trở thành một trong 10 sân bay đẹp nhất thế giới theo tiêu chuẩn 5 sao với diện tích gần 2.000ha.
UBND tỉnh giao Sở Xây dựng khẩn trương hoàn thiện dự án tuyến đường kết nối sân bay Gia Bình với khu vực dự kiến quy hoạch trung tâm TP. Bắc Ninh mới, trực thuộc Trung ương trong tương lai. Đây sẽ là trục phát triển chiến lược, tạo dư địa cho không gian đô thị mở rộng.
Cùng với đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển hệ thống cảng đường sông, xây dựng nhiều trường đại học lớn và hình thành các khu công nghiệp chế biến nông sản giá trị cao, kết hợp nghiên cứu sản xuất máy móc công nghệ cao.
Bắc Ninh cũng xác định sẽ huy động nguồn lực đầu tư tư nhân thông qua hình thức đối tác công - tư (PPP), đặc biệt với dự án khu đô thị trung tâm TP. Bắc Ninh mới quy mô khoảng 4.000ha.
Theo kế hoạch, ngày 2/7, UBND tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp tục trao các quyết định bổ nhiệm phó giám đốc sở và trưởng các phòng chuyên môn trực thuộc. Chậm nhất đến ngày 15/7, toàn bộ các cơ quan, đơn vị trong tỉnh phải hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy và sửa chữa, ổn định trụ sở làm việc.
Sau sáp nhập, tỉnh Bắc Ninh mới có diện tích hơn 4.700km2, gấp 6 lần diện tích hiện tại, dân số khoảng 3,4 triệu người. GRDP ước đạt gần 440.000 tỷ đồng, xếp sau TP. HCM, Hà Nội, Hải Phòng và Đồng Nai.
Theo số liệu thống kê mới nhất, sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh, nhiều địa phương trên cả nước đã có sự thay đổi lớn về quy mô kinh tế với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng mạnh nhờ hiệu ứng hợp nhất.
Dẫn đầu cả nước là TP. HCM với quy mô GRDP ước đạt 2.715.782 tỷ đồng, bao gồm toàn bộ phần kinh tế hợp nhất từ Bình Dương, TP. HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đứng thứ hai là TP. Hà Nội (1.425.521 tỷ đồng), thứ ba là TP. Hải Phòng (658.381 tỷ đồng). Đứng thứ tư là tỉnh Đồng Nai (609.176 tỷ đồng)
Đứng thứ năm là Bắc Ninh, với tổng GRDP 439.776 tỷ đồng, sau khi sáp nhập với Bắc Giang, củng cố thêm sức mạnh kinh tế cho khu vực công nghiệp phía Bắc.