Theo báo Long An, tỉnh này đang triển khai kế hoạch hình thành 10 trung tâm logistics tại các địa phương: Cần Giuộc, Bến Lức, Châu Thành, Cần Đước, Đức Huệ, Tân Trụ và Kiến Tường. Các trung tâm logistics sẽ được xây dựng phù hợp với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất của từng địa phương, nhằm thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông vận tải, ứng dụng công nghệ thông tin, đồng thời góp phần nâng cao năng lực sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại của tỉnh Long An cũng như cả nước.
Hiện tại, một số dự án logistics trên địa bàn đã có nhà đầu tư triển khai. Đáng chú ý là dự án khu tiếp nhận kho vận – logistics tại Cảng Quốc tế Long An (xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc) thuộc dự án Cảng Long An do Công ty Cổ phần Cảng Long An làm chủ đầu tư, có quy mô khoảng 147ha. Bên cạnh đó, dự án Trung tâm kho vận và dịch vụ logistics tại xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức với quy mô 16ha, cũng đã có Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại Dịch vụ Minh Mẫn Long An đầu tư vào 6ha, và đang tiếp tục kêu gọi đầu tư cho phần diện tích còn lại.
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, tỉnh Long An tiếp tục kêu gọi đầu tư vào các dự án logistics lớn như: Trung tâm kho vận và dịch vụ logistics tại xã Lương Hòa, huyện Bến Lức (quy mô 50ha); Trung tâm kho vận và dịch vụ logistics tại xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc (quy mô 71,2ha); Trung tâm kho vận và dịch vụ logistics tại xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành (quy mô 150ha, trong đó giai đoạn 1 là 25,07ha) và Trung tâm kho vận và dịch vụ logistics tại xã Phước Tuy, huyện Cần Đước (quy mô 200ha, giai đoạn 1 là 75ha).
Giai đoạn từ năm 2025 đến 2030, tỉnh tiếp tục kêu gọi đầu tư vào các dự án khác như: Trung tâm kho vận và dịch vụ logistics tại xã Thanh Phú, huyện Bến Lức (quy mô 10ha); các trung tâm logistics tại khu vực cửa khẩu Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường (quy mô 10ha) và cửa khẩu Mỹ Quý Tây, xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ (quy mô 10ha). Ngoài ra, dự án Trung tâm tập kết và phân phối hàng hóa tại xã Nhựt Ninh và xã Đức Tân, huyện Tân Trụ, với quy mô 130,4ha cũng được đưa vào danh sách ưu tiên phát triển.
Long An hiện đang phát huy lợi thế chiến lược khi nằm ở vị trí cửa ngõ Tây Nam Bộ, kết nối TP.HCM với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Địa phương này còn sở hữu mạng lưới hạ tầng giao thông đang được đầu tư mạnh mẽ, cùng với sự phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp, khi là một trong những tỉnh có số lượng khu công nghiệp lớn nhất Việt Nam.
Theo quy hoạch đến năm 2030, tỉnh Long An sẽ có 51 khu công nghiệp, cùng 28 cụm công nghiệp mới được bổ sung, tập trung vào các ngành công nghiệp chủ lực như cơ khí chế tạo và chế biến thực phẩm.
Nhờ vị trí thuận lợi, hạ tầng phát triển và quỹ đất rộng lớn, Long An đã trở thành một điểm sáng trong thị trường bất động sản phía Nam. Với lợi thế giá đất hấp dẫn hơn so với các khu vực lân cận như Đồng Nai hay Bình Dương, tỉnh này đang thu hút sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.