Người bán hàng rong có thể đồng ý cho nợ 1.000 đồng "tiện khi nào đi ngang qua đưa cũng được" chứ nhất quyết không nhận hai tờ mệnh giá 500 đồng. Và lý do “tiền này giờ không ai xài nữa”.
Đây là một “câu chuyện nhỏ” đời sống, về những tờ tiền nhỏ, nhưng lại về một câu chuyện có lẽ là không nhỏ.
Hãy để ý rằng, 500 đồng chưa phải là mệnh giá nhỏ nhất. Và việc từ chối nhận vì “giờ không ai xài nữa”.
Hãy để ý rằng trước cái lắc đầu của thậm chí những người sống bằng việc nhặt nhạnh những đồng tiền lẻ hôm nay thì tiền xu đã biến mất. Còn tờ tiền mệnh giá 200 đồng, thậm chí không mua nổi một trái ớt.
Có thể chúng ta lý luận rằng tiền nào mà chẳng là tiền, rằng về mặt lý thuyết, đó vẫn là những đồng tiền có giá trị thanh toán, rằng việc lắc đầu từ chối là sai... Nhưng câu chuyện thực tế còn chân xác hơn: Không mấy ai xài nữa. Nhưng còn có những vấn đề nằm sau những cái lắc đầu ấy. Rằng sự mất giá của vnd đang nhanh hơn những gì chúng ta tưởng.
Hôm nay (1/4/2019), mức thu lệ phí trước bạ đối với mặt hàng ô tô bán tải chính thức tăng gấp 3 lần so với trước đây.
Sau khi giá điện tăng bình quân 8,36% kể từ ngày 20/3, giá xi măng “buộc phải tăng”, giá thép “buộc phải tăng”. Bởi, cũng như xăng dầu, điện là đầu vào của...vô số ngành kinh tế.
“Ngày mai”, giá gas sẽ tăng 583 đồng mỗi kg và là loại hàng hóa “tăng tháng thứ 4 liên tiếp”
“Sắp tới”, giá bán các bộ SGK từ lớp 1 tới lớp 12 sẽ được điều chỉnh tăng từ 6.500 - 25.800 đồng mỗi bộ.
Trong khi đó, bổ trực tiếp vào xăng, thực ra là thẳng vào túi dân, 8,3 ngàn tỷ được thu từ thuế bảo vệ môi trường trong 3 tháng.
Trong khi đó, lạm phát dự đoán có thể lên tới 4% riêng chỉ từ việc ảnh hưởng bởi giá điện.
Trong khi đó, báo cáo lao động và thu nhập Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, thu nhập nhóm "nhà lãnh đạo trong các ngành, các cấp và các đơn vị" đạt 11,2 triệu đồng/tháng. Nhóm "Nhà chuyên môn kỹ thuật bậc cao" là 9,4 triệu đồng/tháng, trong khi thu nhập nhóm "Lao động giản đơn" chỉ 4,8 triệu đồng.
Giá cả vùn vụt tăng khi bản chất việc tăng lương không đủ bù trượt giá, vậy thì ai sẽ lãnh chịu nếu không phải là người dân.
Cho nên, việc tờ 500 đồng đang bị “từ chối” với lý do “giờ không ai xài nữa”, có lẽ nên được nhìn, được xem như một sự mất giá của đồng tiền bởi lạm phát ở mức ngoài tính toán, để có các chính sách điều hành vĩ mô phù hợp.
Để ít nhất mỗi đồng tiền phát hành bởi ngân hàng nhà nước đều là “đồng tiền dương”, có giá trị thanh toán trong mọi giao dịch chứ không phải chỉ để “lên chùa” như những tờ bạc made in Ngân hàng địa phủ.