Sau tác động của dịch Covid-19, nền kinh tế nước ta đang quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh với đà phục hồi mạnh mẽ ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. 10 tháng đầu năm 2022, nền kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, lạm phát được kiểm soát.
Tuy nhiên, tăng trưởng của các yếu tố cả về cung và cầu của nền kinh tế dù đã đạt ở mức cao nhưng cơ bản chưa bù đắp được mức giảm sút của hai năm trước đó do tác động của đại dịch. Thị trường tài chính, tiền tệ và chính sách điều hành đối mặt với áp lực ngày càng tăng. Trong bối cảnh đó, thị trường bất động sản cũng đứng trước không ít khó khăn và rủi ro tiềm ẩn.
Dữ liệu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, nguồn cung bất động sản có xu hướng giảm rõ rệt, giao dịch cũng trở nên trầm lắng. Với chính sách kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực bất động sản, dòng vốn trên thị trường đang gặp khó; đồng thời lãi suất tăng khiến nhà đầu tư do dự hơn trong các quyết định xuống tiền. Điều này đã khiến không ít doanh nghiệp bất động sản phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động để duy trì hoạt động.
Trước thực tế này, chiều 17/11, Phó Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 1435/QĐ-TTg Thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương và doanh nghiệp.
Đây được đánh giá là quyết định kịp thời nhằm tháo gỡ nhiều khó khăn đang bủa vây xung quanh doanh nghiệp và thị trường bất động sản, trong đó, việc khơi thông những ách tắc trong triển khai các dự án bất động sản được kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy thị trường hồi phục.
Trên cơ sở đó, nhằm đánh giá thị trường bất động sản giai đoạn hiện tại, đem đến những dự báo về thị trường bất động sản thời gian tới cũng như đưa ra các khuyến nghị giúp thị trường hồi phục và phát triển, doanh nghiệp thích ứng dễ dàng, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức chương trình Toạ đàm: Dự báo thông tin thị trường bất động sản 2023.
Địa điểm: Star Galaxy Láng Hạ
Thời gian: 9h00am - 11h25am, Ngày: 24/11/2022
Chương trình có sự tham dự của:
- Ông Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp Hội Bất động Sản Việt Nam, nguyên Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội
- TS. Cấn Văn Lực, Thành viên hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV
- Ông Đỗ Viết Chiến, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam
- Nhà báo Phạm Nguyễn Toan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam
- Đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp, tổ chức
Tại đây, các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp phát triển bất động sản sẽ cùng thảo luận về các vấn đề: Đánh giá thị trường bất động sản trong giai đoạn hiện tại; Dự báo thị trường trong năm 2023; Nhận diện các phân khúc bất động sản đáng đầu tư trong bối cảnh hiện nay; Giải pháp giúp thị trường hồi phục, doanh nghiệp phát triển bền vững…
Trong khuôn khổ sự kiện, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng tổ chức kết nạp thành viên mới.
Toàn bộ nội dung chương trình Toạ đàm sẽ được tường thuật trực tiếp trên Reatimes.vn./.
Tiêu điểm sự kiện
11:30
Các doanh nghiệp được kết nạp trở thành thành viên của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam
Ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Công ty Bất động sản Bằng Tường
Bà Đỗ Hoài Thu - Giám đốc Kinh doanh Công ty Cổ phần kinh doanh nhà HINODE
Bà Nguyễn Thị Hương - Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư phát triển HDTLand
Bà Đỗ Thị Kiều Trang - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư phát triển HDTLand
Ông Lê Duy Khiêm - Chủ tịch TPM Holding
Ông Nguyễn Nghĩa Lâm - Tổng Giám đốc công ty TNHH Yohome Việt Nam
Bà Nguyễn Kim Tuyến - Giám đốc Công ty Tâm Thành Land
10:20
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV trình bày tham luận: "Thị trường bất động sản Việt Nam: Những nút thắt và lời khuyên cho doanh nghiệp"
Chúng ta đã nghe 2 bài phát biểu, bài phát biểu từ chị Cao Thị Thanh Nga - Chủ tịch Reatimes Holding, cho thấy bức tranh năng động của chị em phụ nữ và bài phát biểu của ông Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho thấy kênh thông tin dữ liệu bất động sản là rất quan trọng. Đặc biệt, sắp tới khi chúng ta chuyển đổi số, dữ liệu sẽ là tài nguyên rất quý.
Để đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô, tài chính và thị trường bất động sản 2022 - 2023, chúng ta đi từ vấn đề suy thoái. Có vẻ suy thoái đang xâm nhập vào các thị trường, nhưng tôi khẳng định Việt Nam không suy thoái. Năm nay, chúng ta tăng trưởng 8% và dự báo 6% trong năm tới, vì có những bước điều chỉnh là cần thiết. Ví dụ như Trung Quốc, năm ngoái từ 5% xuống còn 3%, vậy nên năm tới Việt Nam đạt mức 6% vẫn là mức rất cao của khu vực. Lưu ý, chúng ta có giảm tốc độ tăng trưởng nhưng không suy thoái.
Về thị trường bất động sản, có nhiều ý kiến cho rằng thị trường đang suy thoái. Nhưng tôi cho rằng, quý IV so với quý II, III nếu giảm liên tục thì tạm thời gọi là suy thoái kỹ thuật song gọi là suy giảm thì đúng hơn. Để đi vào phát triển lành mạnh hơn thì cần có bước này.
Hôm qua Bộ Tài chính có cuộc họp quan trọng, đích thân Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đứng ra chủ trì, cùng với các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản để cùng tìm ra giải pháp cho thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp hiện nay.
Nhìn chung, nền kinh tế thế giới đã phục hồi nhanh chóng trong năm 2021 khi tăng trưởng 6%. Đến năm 2022, đà tăng đã giảm nhẹ khi chỉ nhích lên 3%. Dự báo đến năm 2023 sẽ suy thoái nhẹ khi chỉ tăng trưởng ở mức 2,3 - 2,5%. Lạm phát đã tăng mạnh trong năm 2022 ở mức 8,8%, sau đó sẽ hạ nhiệt dần từ năm 2023 và xuống dần chỉ còn 6,5%.
Năm 2022 - 2023 sẽ có những rủi ro, thách thức, gọi tắt là “4 tăng 2 giảm”. 4 tăng bao gồm: Các yếu tố bất định tăng (chiến tranh, dịch bệnh…); lạm phát và lãi suất tăng và neo ở mức cao; rủi ro tài chính tăng (lãi suất tăng, tỷ giá tăng, rủi ro nợ tăng...); rủi ro an ninh năng lượng, an ninh lương thực tăng. 2 giảm bao gồm: Lợi nhuận biên của doanh nghiệp giảm; đà phục hồi kinh tế giảm và suy thoái nhẹ trong năm 2023.
Bên cạnh đó là sự xuất hiện của xu hướng dịch chuyển nhanh như kinh tế số, tài chính xanh, chuyển đổi năng lượng, bất động sản xanh...
Tiêu dùng nội địa Việt Nam đang phục hồi lành mạnh. Năm nay GDP sẽ được 8%, năm tới dự báo là 6%, nhưng cả thế giới chậm lại chứ không riêng gì Việt Nam. Tóm lại chúng ta phục hồi tốt trong năm nay, mặc dù có gập ghềnh, do cả bên trong lẫn bên ngoài, từ góc độ quản trị điều hành doanh nghiệp cũng như góc độ kinh tế vĩ mô. Đúng là thế giới năm tới sẽ suy thoái, nhưng tôi nhấn mạnh là suy thoái nhẹ và suy thoái ngắn. Trong 10 tiêu chí chúng tôi chấm điểm để đánh giá suy thoái sẽ có chứng khoán, bất động sản, như vậy sẽ có suy thoái nhưng suy thoái nhẹ.
Tăng trưởng toàn cầu năm tới dự báo đạt 2,5%, chỉ giảm 0,5% so với năm nay, mức giảm này đã là rất nhẹ.
Về ngắn hạn, chúng tôi đã rà soát lại các lần suy thoái kinh tế thế giới từ 1930 đến bây giờ và thấy thời gian suy thoái thường kéo dài từ 10 tháng đến 3 năm. Như vậy, thế giới có suy thoái nhẹ và chủ yếu tập trung trong năm 2023. Hy vọng trong một năm này thì tình hình sẽ đỡ hơn và chấm dứt lạm phát.
Việt Nam đương nhiên cũng sẽ chịu nhiều ảnh hưởng và khó khăn hơn do chúng ta hội nhập sâu rộng. Nhiều người hỏi tôi đã qua đỉnh lạm phát hay chưa? Xin thưa, chúng ta đã và đang qua đỉnh lạm phát. Quý IV/2022 này chính là đỉnh của lạm phát toàn cầu, chỉ số CPI là 8,8% - con số quá cao. Năm tới thế giới sẽ có giảm lạm phát nhưng vẫn rất cao, khoảng 6%. Mục tiêu đang đặt ra là cần phấn đấu đưa mức lạm phát về mức 2,5%, và dự báo phải đến năm 2025 mới có thể hạ được xuống mức đó.
Tôi soi kỹ số liệu lạm phát của Mỹ bởi đây là thị trường lớn nhất thế giới về quy mô kinh tế và tài chính, bất động sản. Mỗi khi FED tăng lãi suất thì ngân hàng các nước đều nghe ngóng. Đỉnh của nó là 9,1% so với tháng 6 năm ngoái và hiện đang giảm dần.
Lạm phát lõi của Mỹ tuy giảm nhưng đã ngóc đầu tăng trở lại trong giai đoạn tháng 8 và tháng 9 do tác động vòng 2, vòng 3 của xăng dầu đã ngấm. Tuy nhiên, đến tháng 10 lại bắt đầu giảm. Cho nên chúng ta yên tâm đến tháng 12 FED sẽ giảm lãi suất.
Đối với các nước phát triển ở châu Á, lạm phát đỉnh sẽ là quý IV, khoảng 4%/ năm. Cho nên năm nay Việt Nam ở mức 4%/năm cũng là mức chung của châu Á. Vậy vì sao châu Á lại thấp hơn so với châu Âu hay Mỹ, lý do là bởi 2 yếu tố.
Thứ nhất, châu Á kiểm soát tốt giá lương thực, thực phẩm. Cho nên nông nghiệp luôn là bệ đỡ của cả nền kinh tế Việt Nam lẫn các nước châu Á.
Thứ hai là, chủ động được xăng dầu. Chúng ta chủ động được khoảng 75% cung ứng xăng dầu nên đã kiểm soát tốt.
Cả giá năng lượng và phi năng lượng, nguyên nhiên liệu, lương thực thực phẩm, phân bón... đều giảm từ tháng 7 đến bây giờ. Năm 2021 đã ghi nhận đà phục hồi tốt, sang 2022 tăng trưởng chậm. Dự báo năm tới sẽ giảm tiếp khoảng 2,5%.
Giai đoạn 2022 - 2023 sẽ có nhiều rủi ro, thách thức, tôi gọi tắt là “4 tăng, 2 giảm”.
4 tăng bao gồm: Các yếu tố bất định tăng (chiến tranh, dịch bệnh…); lạm phát và lãi suất tăng và neo ở mức cao; rủi ro tài chính tăng (lãi suất tăng, tỷ giá tăng, rủi ro nợ tăng...); rủi ro an ninh năng lượng, an ninh lương thực tăng.
2 giảm bao gồm: Lợi nhuận biên của doanh nghiệp giảm; đà phục hồi kinh tế giảm và suy thoái nhẹ trong năm 2023.
Tuy nhiên, rất nhiều xu thế mới đã xuất hiện, dịch chuyển nhanh như kinh tế số, tài chính xanh, chuyển đổi năng lượng, bất động sản xanh...
Các nền kinh tế châu Á phải chứng kiến 3 “cú sốc” tài chính mang theo nhiều yếu tố rủi ro.
Thứ nhất là, nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng chậm lại, kéo theo hệ lụy làm giảm tổng cầu, khiến tăng trưởng toàn cầu giảm 1 điểm % trong năm 2023.
Thứ hai là, suy thoái nhẹ toàn cầu khiến giảm tổng cầu về du lịch, mua sắm, dệt may... Chưa bao giờ ngành dệt may nhu cầu lại giảm tới vậy. Đơn hàng dệt may sang Mỹ, sang châu Âu đều giảm. Điều này cũng dễ hiểu khi khó khăn thì người ta sẽ thắt chặt chi tiêu. Mức tăng trưởng tại Mỹ và châu Âu có nguy cơ giảm 2 điểm % trong năm 2023.
Thứ ba, điều kiện thị trường tài chính trở nên khó khăn hơn, kéo theo đó là nhiều rủi ro hơn và lợi suất tăng.
3 tác nhân này khiến kinh tế châu Á giảm đâu đó khoảng 1 điểm %. Với Việt Nam chúng ta thì mức độ ảnh hưởng là khá lớn, đứng thứ 2 trong những nước chịu tác động bởi cả 3 yếu tố đó. Mình sẽ bị giảm khoảng gần 2% điểm. Do đó, phải hành động ngay lúc này để giảm bớt tác động tiêu cực. Phải tăng “sức đề kháng” cho nền kinh tế và các doanh nghiệp.
Có nhiều rủi ro bất định chủ yếu là do xuất khẩu, tiêu dùng, nhập khẩu. Về phía ngành thì nông nghiệp tăng 30%, công nghiệp tăng khoảng 70%, dịch vụ tăng trên 70%. Cơ bản năm nay nước ta đã hồi phục trạng thái trước dịch, tuy nhiên vẫn còn những rủi ro bất định.
Các dự báo của nhiều đơn vị đưa ra cho rằng, tốc độ tăng trưởng năm 2023 là khoảng 7%, tuy nhiên theo chúng tôi nếu nỗ lực hết sức thì tốc độ tăng trưởng năm tới cũng chỉ đạt khoảng 6 - 6,5%. Lạm phát 2022 chỉ đạt trên 3%, nhưng năm 2023 dự đoán cao hơn, sẽ vào khoảng 4 - 4,5% bởi một số nguyên nhân:
Một là, chúng ta vẫn nhập khẩu rất nhiều.
Hai là, tỷ giá còn biến động mạnh.
Ba là, độ trễ. Tác động xấu của giá xăng dầu, tăng giá các mặt hàng tiêu dùng sẽ đến năm 2023 mới bộc lộ những ảnh hưởng tiêu cực rõ nét.
Bốn là, việc tăng giá trong năm tới. Lương cơ bản của công nhân viên chức trong năm 2023 sẽ tăng, điều này kích cầu tiêu dùng khiến GDP tăng khoảng 0,15 điểm %, lạm phát từ đó cũng tăng lên. Giá điện, giá dịch vụ y tế, tiêu dùng cũng sẽ tăng.
Có thể lạm phát tăng không nhiều nhưng cũng là rủi ro.
Nhìn nhận về động lực phục hồi trong năm 2022 cũng như năm 2023 tới thì chúng ta có đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển đổi số, cơ hội hội nhập đang ngày càng đẩy mạnh.
Nhìn nhận về những thách thức thì cơ sở pháp lý luôn là vướng mắc hàng đầu. Hiện nay, cơ chế thí điểm thử nghiệm chính sách một số lĩnh vực, việc giải ngân đầu tư công diễn ra chậm. Đầu tư công tăng 20% so với cùng kỳ nhưng vẫn còn chậm.
Hiện tại, giải ngân đầu tư công mới được 40 - 55% kế hoạch. Vì vậy, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh giải ngân đầu tư công giai đoạn tới phải được 70 - 80%.
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán, bất động sản, ngân hàng đang được điều chỉnh rất mạnh.
Kinh tế năm nay tăng 8% nhưng chứng khoán lại giảm 35%. Trong khi đó, bình quân thế giới chứng khoán chỉ giảm 20 - 25%. Như vậy Việt Nam đang giảm mạnh hơn thế giới, chứng tỏ thị trường chứng khoán tại Việt Nam đang có vấn đề.
Như vậy có ngành tăng có ngành giảm chứng tỏ không đồng đều. Và đặc biệt, ngân hàng, bất động sản, chứng khoán đang chiếm chủ yếu nguồn vốn trên thị trường nên nếu cả 3 đang có vấn đề thì sẽ ảnh hưởng rất lớn thị trường kinh tế cả nước.
Xu hướng sắp tới lãi suất và tỷ giá đi theo hướng nào? Tôi cho rằng, lãi suất và tỷ giá đi lên hay xuống phụ thuộc nhiều vào vấn đề lạm phát. Có một điểm chúng ta phấn khởi là giá hàng hóa toàn cầu đã giảm, ngân hàng Trung ương sẽ không còn tăng lãi suất mạnh như thời gian qua.
Điểm thứ hai vô cùng quan trọng là giá dầu, hiện đã đạt đỉnh 15 USD/thùng. Năm tới có thể yên tâm là giá dầu sẽ giảm. Đương nhiên nhu cầu vẫn rất tăng. Năm tới Việt Nam dự báo nhu cầu xăng dầu tăng 10 - 15%.
Trong bối cảnh đó, các ngân hàng Trung ương đều tăng lãi suất, trừ Trung Quốc và Nhật Bản. Cụ thể, Trung Quốc đang suy thoái, chính sách Zero-Covid đã áp dụng trong thời gian dài nên họ buộc duy trì lãi thấp để vực dậy hoạt động sản xuất kinh doanh, còn Nhật thì lạm phát thấp nên duy trì được lãi suất thấp.
Lãi suất đồng USD và nhiều ngoại tệ khác đều tăng, dẫn đến rủi ro về tỷ giá. Chi phí vay nợ, trả nợ tăng sẽ kéo theo rủi ro vỡ nợ tăng. Người dân có xu hướng dịch chuyển kênh đầu tư về tài sản, khu vực an toàn hơn. Dòng vốn đầu tư thông minh sẽ quay về nơi ít rủi ro. Điều này đã dẫn đến việc có hiện tượng rút vốn khỏi thị trường mới nổi, thanh khoản căng hơn. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư cần cân nhắc tiêu dùng một cách kỹ lưỡng hơn (nhất là bằng vay nợ), đồng thời tìm kênh trú ẩn, an toàn nhiều hơn. Tuy nhiên, rủi ro địa chính trị có thể thay đổi xu hướng nêu trên. Rất may thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tương đối hấp dẫn, nên nhà đầu tư ngoại lúc mua ròng, lúc bán ròng nhưng bán không nhiều.
Dự báo FED sẽ tăng lãi suất hết quý I/2023 sau đó đi ngang và có thể giảm từ đầu 2024. Các ngân hàng Trung ương các nước châu Âu tiếp tục tăng lãi hết quý III, ở châu Á cũng tương tự, sau đó sẽ đi ngang và giảm.
Mỹ tăng lãi suất thì Việt Nam cũng tăng lãi suất, nhưng họ có kế hoạch điều hành kinh tế rất tốt. Còn nhà đầu tư, doanh nghiệp Việt Nam biết chắc sẽ tăng lãi suất nhưng tăng bao nhiêu thì còn phụ thuộc chính sách. Chính sách của Mỹ dễ dự báo còn chúng ta khó dự báo hơn. Chúng tôi cũng kiến nghị như Chính phủ khuyến nghị không được tăng đột ngột, không điều hành giật cục làm khó doanh nghiệp.
Tất cả những đồng tiền khác đều bị giảm, Việt Nam chúng ta cũng như vậy. Tuy nhiên ở nước ta, mức 8% là vẫn chấp nhận được, trong khi các nước khác là khoảng 10%. Quan sát tình hình vài tháng gần đây đồng tiền càng mất giá.
Về dự báo tỷ giá đồng tiền, đồng Đô la Mỹ sẽ giảm và bắt đầu từ thời điểm FED không tăng lãi suất nữa (khoảng cuối quý I/2023). Và thực tế từ tháng 11 là đã bắt đầu giảm giá. Nếu nền kinh tế Mỹ mà suy thoái sâu hơn thì đồng Đô la Mỹ sẽ càng mất giá, mà như vậy thì các đồng tiền khác sẽ tăng.
Do đó vào khoảng cuối quý I năm tới, các đồng tiền khác sẽ bắt đầu tăng giá trở lại nhưng sẽ chỉ tăng nhẹ, do Mỹ cũng giảm nhẹ. Việt nam đồng sẽ ổn định hơn trong năm tới, các nhà đầu tư và doanh nghiệp cứ yên tâm. Giả sử có mất giá khoảng 2 - 3% hoặc cao hơn chút thì vẫn ở mức chấp nhận được.
Nhìn lại thị trường bất động sản năm 2022, tôi thấy có hai giai đoạn. Nói vui là “đầu năm hưng phấn, giữa và cuối năm trầm lắng”. Nguồn cung và cầu đều giảm mạnh. Câu chuyện cấp phép, câu chuyện xin các dự án mới đều giảm.
Trong khi đó giá đi ngang (có giảm nhẹ với đất nền hoặc tăng nhẹ với căn hộ...). Nhà đầu tư và giới đầu cơ đều không muốn lỗ, nên đa số hiện nay đều nằm chờ. Bên cạnh đó, chi phí bỏ ra để đầu tư không hề nhỏ, nếu như bây giờ cắt lỗ thì sẽ rất nguy hiểm. Tuy nhiên tôi nghĩ có những lúc chúng ta cũng phải chấp nhận cắt lỗ còn hơn là mất hết. Lượng giao dịch và khả năng hấp thụ cũng giảm mạnh, doanh thu sụt giảm. Tái cấu trúc, sàng lọc, M&A diễn ra.
Tác động này lan sang cả các lĩnh vực khác khá rõ nét, ví dụ như chứng khoán, nguyên vật liệu, xây dựng…
Vậy nguyên nhân chính của sự sụt giảm thị trường bất động sản năm 2023 ở đây là gì? Ta cần phải biết để khắc phục và phát triển lâu dài.
Tôi xin nêu ra 6 thành tố chi phối và tác động đến thị trường bất động sản, đó là: Tài chính; quy hoạch và cơ sở hạ tầng; tính pháp lý; thông tin, dữ liệu, tính minh bạch; mối quan hệ cung - cầu và giá; kinh tế vĩ mô. Nếu chúng ta đánh giá nguyên nhân sụt giảm hay tăng mạnh thì cũng đều phải xoay quanh 6 thành tố này. Trong đó có những cái trước mắt và có cả những cái lâu dài. Hy vọng thị trường trong năm tới sẽ phục hồi dần.
Để làm được điều đó, thứ nhất cần phải giải quyết các vấn đề về pháp lý. Thứ hai là gỡ nút thắt vốn (trong đó có trái phiếu doanh nghiệp bất động sản). Thứ ba, phải tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với thị trường bất động sản. Liệu có nên kích cầu hay không? Nhìn sang Trung Quốc, họ có những gói lớn để kích cầu như trợ cấp lãi suất, cho người dân vay tiền…
Đối với thị trường bất động sản Việt Nam, theo tôi cần phải suy nghĩ và bàn thêm. Thứ tư, chúng ta phải kiểm soát rủi ro hệ thống, liên thông giữa tài chính, bất động sản hay các vấn đề khác. Tức là phải khéo khoanh vùng. Bất động sản là ngành chủ lực về vốn hóa, đứng thứ hai về phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường. Cuối cùng, là cần tái cơ cấu và chuẩn bị nền tảng cho tương lai.
Cơ cấu nguồn vốn bất động sản trong 10 tháng đầu năm 2022:
Tín dụng chiếm khoảng 70%, cổ phiếu khoảng 2%, vốn tự có khoảng 10%, TPDN khoảng 10%, vốn FDI khoảng 7%.
Cấu trúc vốn như trên chưa phản ánh sự phát triển bền vững của bất động sản.
Theo tôi, cấu trúc vốn phải thay đổi. Cụ thể, hệ thống ngân hàng chỉ nên chiếm 50%.
Như vậy, doanh nghiệp bất động sản mới không nghĩ nhiều đến vốn ngân hàng, không phụ thuộc vào vốn ngân hàng quá nhiều.
Giải pháp đối với doanh nghiệp bất động sản:
Cần cơ cấu, kiểm soát lại rủi ro dòng tiền, lãi suất, tỷ giá. Cần có phương án xử lý việc đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong hai năm. Cần lại niềm tin thì phải giữ vững lời hứa trả nợ đúng hạn. Cần chủ động tìm hiểu, tiếp cận chương trình phục hồi. Hơn nữa, cần phải phục hồi xanh, tăng trưởng xanh. Hiện nay, bất động sản xanh đang là xu thế.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp bất động sản cần phải chuyển đổi số để kịp thời đón đầu xu hướng mới. Trong đó việc thích ứng để có thể quản lý thay đổi, quản lý rủi ro... là điều tất yếu.
Cần có phương án cụ thể, khả thi đối với trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn giai đoạn 2023 - 2024. Từ nay đến hết 2022 và 2023 sẽ cần phải vững tâm vượt khó để tạo nền tảng trong tương lai.
Ngoài tín dụng, doanh nghiệp bất động sản cần lưu tâm, linh hoạt huy động vốn từ các kênh khác như phát hành trái phiếu, chào bán cổ phần, phát hành cổ phiếu, từ quỹ đầu tư, quỹ REIT, thuê tài chính...).
Doanh nghiệp bất động sản cần phải hướng tới minh bạch, chuyên nghiệp, nhất là hồ sơ tín dụng, hồ sơ phát hành chứng khoán, thực hiện các cam kết... Đặc biệt, việc huy động vốn phải gắn với mục đích sử dụng cụ thể. Đi kèm với đó là quan tâm quản lý rủi ro tài chính về dòng tiền, lãi suất, tỷ giá...
Cuối cùng là, các doanh nghiệp cần phải vững tâm để vượt qua khó khăn.
10:00
Phát biểu của TS. Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội
Kính thưa TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính tiền tệ quốc gia, Chuyên gia Kinh tế Trưởng ngân hàng BIDV,
Kính thưa các lãnh đạo doanh nghiệp,
Thưa toàn thể các khách mời có mặt trong buổi tọa đàm “Dự báo thông tin thị trường Bất động sản 2023” ngày hôm nay.
Thay mặt Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, tôi xin gửi lời cảm ơn và kính chúc tất cả quý vị lời chúc sức khoẻ.
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam được thành lập năm 2002 và có tên ban đầu là Hiệp hội Nhà đất. Với sứ mệnh của một tổ chức xã hội nghề nghiệp, gắn kết các cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương và địa phương với những doanh nghiệp bất động sản, người dân đầu tư bất động sản và mọi cộng đồng dân cư, hộ gia đình, người dân muốn có bất động sản để sử dụng, Hiệp hội luôn hoạt động với 6 nhiệm vụ cơ bản, gồm:
Một là, tham gia xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chính sách liên quan đến nhà ở và thị trường bất động sản. Cụ thể, từ cuối năm 2021 và nửa đầu năm 2022, Hiệp hội đã tổ chức được 5 Hội thảo và 12 sự kiện nhằm đóng góp ý kiến để hoàn thiện chính sách pháp luật, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản.
Hai là, cầu nối giữa các doanh nghiệp và cơ quan chính quyền địa phương để đưa các thông tin về thị trường, cơ chế chính sách giữa hai bên với nhau. Ngoài ra, còn tạo sân chơi chung giữa các doanh nghiệp với nhau để cùng phát triển bất động sản.
Ba là, hoạt động đối ngoại, hiện Hiệp hội đang là thành viên của Hiệp hội Bất động sản thế giới. Điều này đã góp phần tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp quốc tế được kết nối.
Bốn là, tổ chức các hoạt động có tính sự kiện về bất động sản như triển lãm, quảng bá dự án, xúc tiến đầu tư, lễ hội bất động sản quốc tế…
Năm là, đồng hành với các hội viên của Hiệp hội, để bảo vệ và hỗ trợ các hội viên phát triển.
Cuối cùng là, không ngừng phát triển các Hiệp hội Bất động sản tại các địa phương ở khắp mọi tỉnh thành để tạo một mạng lưới hoạt động rộng lớn. Càng thu hút được đông hội viên cũng như mở rộng quy mô hoạt động sẽ tăng thêm sức mạnh cho Hiệp hội để hỗ trợ thị trường nhà ở và thị trường bất động sản phát triển.
Trong suốt 20 năm hình thành và phát triển, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã được Nhà nước trao tặng Huân chương lao động hạng 3.
Giai đoạn hiện tại, thị trường bất động sản đang gặp không ít khó khăn, trong đó việc sửa đổi bổ sung các bộ luật liên quan đến thị trường bất động sản được kỳ vọng rất lớn. Vì vậy, thời gian qua Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã thường xuyên tổ chức các hội thảo, toạ đàm ghi nhận ý kiến của các chuyên gia để tập hợp đầy đủ về các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường và cộng đồng doanh nghiệp.
Đến đầu tháng 12/2022, Hiệp hội sẽ tiếp tục làm việc với một số các doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực bất động sản để tháo gỡ phân khúc nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội - một phân khúc đang được đông đảo người dân, chính quyền quan tâm. Đặc biệt, khi các tỉnh/thành phố khắp cả nước đang trong giai đoạn điều chỉnh quy hoạch của địa bàn theo hướng tập trung phát triển nhà ở xã hội, các khu công nghiệp phải gắn liền với dịch vụ xã hội, nhà ở đi kèm để đảm bảo cuộc sống cho người dân, việc đưa ra các giải pháp, khuyến nghị là rất cần thiết.
Trước bối cảnh thị trường hiện nay cùng vai trò và nhiệm vụ của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, chúng tôi mong muốn các doanh nhân, doanh nghiệp sẽ tham gia cùng và đồng hành cùng Hiệp hội để tháo gỡ khó khăn cho thị trường nhà ở hiện nay, đưa thị trường nhà ở nói riêng và thị trường bất động sản nói chung ngày càng phát triển và không ngừng lớn mạnh.
09:45
Bà Cao Thị Thanh Nga, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam phát biểu khai mạc tọa đàm
Kính thưa TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội.
Kính thưa TS. Cấn Văn Lực, Thành viên hội đồng tư vấn chính sách Tài chính tiền tệ quốc gia, Kinh tế Trưởng ngân hàng BIDV.
Kính thưa Nhà báo Phạm Nguyễn Toan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam.
Thưa toàn thể các quý vị có mặt trong buổi tọa đàm “Dự báo thông tin thị trường Bất động sản 2023” ngày hôm nay.
Tôi đại diện cho Viện nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, cho mạng lưới nữ lãnh đạo WLIN, cho cộng đồng M&A Việt Nam xin chia sẻ đôi lời về lý do tổ chức buổi tọa đàm ngày hôm nay.
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam trải qua 20 năm hình thành và phát triển, đã ngày càng khẳng định vai trò là hiệp hội bất động sản quốc gia thông qua các hoạt động, đóng góp ý kiến trong công tác quản lý và phát triển thị trường bất động sản. Hiệp hội đóng vai trò là cánh tay nối dài, giúp các doanh nghiệp bất động sản tiếp cận nhanh chóng, chính xác, đầy đủ thông tin về thị trường, các quy định mới của pháp luật về kinh doanh bất động sản.
WLIN Việt Nam là tổ chức của các nữ lãnh đạo doanh nghiệp, trải qua 10 năm hình thành và phát triển, WLIN đã có mặt tại Việt Nam và 17 quốc gia trên thế giới. WLIN đã giúp hàng nghìn phụ nữ, là các chủ doanh nghiệp phát triển kinh doanh, gìn giữ hạnh phúc gia đình và trở nên xinh đẹp mỗi ngày.
Từ những mục tiêu vì cộng đồng, tôi đại diện cho các tổ chức thấy rõ cần phải tập trung nguồn lực, đoàn kết, sẻ chia và tạo ra sức mạnh tập thể giữa các doanh nghiệp trong các ngành nghề, không chỉ là bất động sản, kinh doanh, sản xuất... vì chúng ta hiểu rằng, tất cả các ngành nghề đều là những mắt xích quan trọng, giúp chúng ta đưa doanh nghiệp cũng như nền kinh tế của đất nước phát triển mạnh mẽ hơn.
Thưa Quý vị,
Được sự đồng ý của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, WLIN Miền Bắc, Cộng đồng M&A Việt Nam và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, sự bảo trợ thông tin của Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam, chúng ta đồng lòng tổ chức các chương trình định kỳ theo tháng, bắt đầu từ tháng 11/2022 và kéo dài trong các năm tiếp theo, để nhằm giúp các doanh nghiệp:
- Kết nối kinh doanh
- Cập nhật kiến thức từ các chuyên gia hàng đầu về kinh tế, chính sách
- Tạo ra các giá trị thực tế bằng việc hợp tác.
Xin được gửi lời cảm ơn tới Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Ban lãnh đạo Hiệp hội, cảm ơn Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam Reatimes.vn, cảm ơn WLIN Miền Bắc, cộng đồng M&A Việt Nam, cùng toàn thể hơn 200 doanh nghiệp đã có mặt trong buổi tọa đàm ngày hôm nay.
Cho phép tôi thay mặt cho các đơn vị tổ chức, xin được tuyên bố buổi tọa đàm đầu tiên cho chuỗi các sự kiện kết nối kinh doanh, cập nhật kiến thức chính thức được bắt đầu.
Chúc quý vị sẽ nhận được nhiều thông tin giá trị, những sự hợp tác và lan tỏa hữu ích sau Tọa đàm này.
Chúc các quý vị thật nhiều sức khỏe, thành công và vững vàng.
9:30
Khách mời:
Chương trình có sự tham dự của lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, các chuyên gia kinh tế và đại diện nhiều doanh nghiệp.