Aa

Tọa đàm & GLTT "Nước và Không khí trong phát triển Công trình xanh"

Thứ Ba, 22/10/2019 - 13:30

Chương trình được tổ chức vào 14h chiều 22/10, tại Phòng Hội thảo, Cung Triển lãm Kiến trúc - Quy hoạch - Xây dựng Quốc gia, số 01 Đỗ Đức Dục, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

16h30: Kết thúc toạ đàm. PGS.TS. KTS Hoàng Mạnh Nguyên cảm ơn những đơn vị, tổ chức đã tổ chức thành công loạt tọa đàm về công trình xanh (CTX).

"Trong khoảng thời gian ngắn với một chủ đề rất cấp thiết và được nhiều người quan tâm, tôi hy vọng chúng ta sẽ thấy được tầm quan trọng của nước, không khí, cũng như vai trò của CTX đối với cuộc sống", chuyên gia Hoàng Mạnh Nguyên kết luận.

PGS. TS. KTS Hoàng Mạnh Nguyên: Từ vụ nước sạch Sông Đà cho thấy quá nhiều lỗ hổng an ninh nguồn nước, vậy lỗ hổng này có xuất phát từ quy hoạch nguồn nước? Luật Tài nguyên nước 2012 có nội dung về quy hoạch tài nguyên nước chung của cả nước, các nội dung này được thực hiện ra sao? Cần điều chỉnh gì trong bối cảnh môi trường ngày một ô nhiễm và xảy ra ngày một nhiều những vụ việc gây ảnh hưởng nguồn nước và không khí như thời gian qua?

PGS. TS. Bùi Thị An: Trước hết, phải khẳng định, hệ thống pháp luật hiện quy định khá đầy đủ về vấn đề quy hoạch; điều kiện, tiêu chuẩn của vùng nước vào đầu nguồn; khi lấy nước mặt thì thế nào; lấy nước ngầm được thực hiện ra sao... đã có hết trong các văn bản quy phạm pháp luật. Còn về nguyên tắc, chủ đầu tư phải tuân thủ đúng luật.

Về câu hỏi quy hoạch được thực hiện ra sao, chúng tôi mới kiến nghị cần có sự giám sát của Quốc hội đối với các vấn đề liên quan đến nước bắt đầu từ quy hoạch, sau đó là chất lượng nước. Đây là những việc lớn nhưng lại thiếu giám sát, kiểm tra. Thậm chí, cơ quan quản lý cũng chưa bao giờ báo cáo Quốc hội là ở đâu thực hiện đúng quy hoạch, các công việc của công ty kinh doanh nước có đúng quy hoạch, quy chuẩn không? Trách nhiệm của họ là phải kiểm tra và báo cáo, thậm chí là báo cáo định kỳ hoặc đột xuất.

Trong hoạt động kinh doanh, vì nước là kinh doanh có điều kiện nên rất đặc thù. Đến giờ, khi vụ việc Sông Đà xảy ra thì mới thấy lỗ hổng. Đây không phải lỗ hổng về văn bản pháp luật, mà là lỗ hổng về quản lý và trách nhiệm quản lý. Đáng ra cơ quan quản lý địa phương cấp cho ai, Bộ Xây dựng phân cấp cho Cục nào hay đơn vị nào là phải báo cáo, nhưng trên thực tế lại không báo cáo.

Tôi nghĩ không những chỉ có sự việc Sông Đà, mà còn có thể ở nhiều nơi khác nữa, nhưng chuyện này hãy để cho cơ quan quản lý trả lời.

Về mặt quy hoạch nước, Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng, sau đó thực hiện thì có thể liên quan đến Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Y tế...

PGS. TS. KTS Hoàng Mạnh Nguyên: Liên quan đến nguồn nước, người ta thường nói rằng để đảm bảo được chất lượng nguồn nước thì hãy sử dụng nguồn nước ngầm làm đầu vào cho các nhà máy nước. Vậy tại sao các nhà máy mới xây của chúng ta lại sử dụng nguồn nước mặt?

PGS.TS Bùi Thị An: Về nguyên tắc, dùng nước ngầm để xử lý, cung cấp nước sạch. Với điều kiện của Việt Nam thì nguồn nước ngầm sắp cạn kiệt do đó phải dùng nước mặt.

Nhân đây tôi cũng xin kiến nghị Chính phủ có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển CTX, bởi mục tiêu của Chính phủ đề ra là vì nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, là mục tiêu phấn đấu của mọi ngành, mọi cấp. Khi xây dựng được các dự án bảo đảm được tiêu chí CTX thì chất lượng cuộc sống của người dân sẽ tăng lên. Thực tế, các doanh nghiệp xây dựng CTX luôn hướng tới: Lấy chất lượng sống của người dân là mục tiêu phấn đấu, phát triển.

Tôi đề nghị nên có sự kiểm tra, đánh giá thực chất việc xây dựng CTX. Hình thành những tiêu chí mà doanh nghiệp nào thực hiện đúng theo tiêu chí ấy, tức là phục vụ cho cộng đồng, cho cuộc sống người dân thì nên có cơ chế hỗ trợ về thuế, về đất và được công bố công khai. 

Đồng thời, cũng cần loại bỏ các nhà đầu tư không đủ năng lực, có sự không trung thực hoặc gian dối trong kinh doanh.

Nhà báo Phạm Nguyễn Toan: Nhân việc PGS. TS Bùi Thị An bàn đến vấn đề này, tôi cũng có ý kiến chia sẻ. Sau khi xảy ra sự cố nước sông Đà, tôi có hỏi chủ tịch, lãnh đạo lớn của một số tập đoàn bất động sản. Mọi người đều chia sẻ rằng, họ muốn tham gia làm nước sạch, nhưng để được làm không hề dễ dàng.

Thực ra ai cũng hiểu, đặc biệt là các nhà phát triển bất động sản lớn, có hàng triệu khách hàng. Họ cực kỳ lo cho cư dân của mình, suy nghĩ làm thế nào để có nguồn nước sạch chất lượng để đảm bảo sức khỏe cho cư dân. Và nếu có nước sạch thật sự, họ cũng giảm được rất nhiều mối nguy cơ, phần chi phí đầu tư, thau rửa...

Thế nhưng, có một vấn đề đặt ra là liệu có lợi ích nhóm nào ở đây không, khi mà trên thực tế, có rất nhiều đơn vị, đặc biệt là các chủ đầu tư bất động sản làm hạ tầng, đều rất muốn đầu tư vào nước sạch nhưng đều bị... bật ra.

Rõ ràng, nếu họ trực tiếp làm nước sạch thì đó là cơ hội kinh doanh tốt, nhưng đó cũng là trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với cư dân. Tôi cho rằng, thực ra Nhà nước không cần hỗ trợ gì nhiều, chỉ cần xây dựng được cơ chế đấu thầu công khai, minh bạch và chọn được nhà đầu tư thực sự chuẩn, có đầu vào thì nước sạch có thể sẽ rẻ hơn nữa. Bởi với công nghệ xây dựng của các nhà đầu tư chuyên nghiệp về bất động sản, họ có thừa sức để làm những nhà máy nước cực kỳ tốt. 

Ai cũng biết nước ngầm tốt nhưng rõ ràng nguồn nước mặt bây giờ bắt buộc phải dùng rồi và tôi tin, họ có cách để khai thác và bảo vệ nguồn nước mặt tốt hơn hiện tại. Chúng ta cần nhà đầu tư có tâm, có tầm chứ đừng chỉ nhìn vào những doanh nghiệp nhỏ lẻ, thiếu kinh nghiệm.

16h20: Độc giả gửi câu hỏi

Đối với hệ thống lọc nước - khả năng hạn chế nước bẩn ra sao? Với các dự án người dân đã vào ở thì làm thế nào để biến nó thành CTX? 

Ông Hoàng Dũng: Về chất lượng nước, có 2 vấn đề: Nước từ bể chung cư và nước tới nơi người dân dùng. Hiện nay, các thiết bị lọc nước đều có các tiêu chí kỹ thuật rõ ràng, lọc được chất gì, lọc bẩn, bụi, dầu mức độ ra sao... Hay cả máy lọc cá nhân cũng rất chi tiết.

Nhưng theo tôi hiện nay, người tiêu dùng đang mua máy lọc nước theo quảng cáo, dựa trên danh tiếng của nhà cung cấp còn họ không biết lọc sạch đến đâu và lọc được chất gì. Lời khuyên của tôi là mỗi chúng ta cần là người tiêu dùng thông thái. Đối với thiết bị lọc cá nhân, cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để nắm được các thông số kỹ thuật cũng như thay bộ lọc theo đúng chỉ định.

PGS. TS. KTS Hoàng Mạnh Nguyên: Ông Tim Middleton có thể đưa ra những giải thích kỹ hơn về bộ công cụ quy định chất lượng nước?

Ông Tim MiddletonTrong bộ tiêu chí phát triển CTX ở các nước trên thế giới, yếu tố nào đã đưa vào luật rồi thì sẽ không đưa vào bộ tiêu chí về CTX nữa. Nhưng với bộ tiêu chí LOTUS, vì tại Việt Nam, các CĐT chưa tuân thủ chặt chẽ 100% nên chúng tôi đưa cả yếu tố đã có trong luật rồi vào bộ tiêu chí này. Vì thế, nếu các chủ đầu tư tuân thủ bộ tiêu chuẩn LOTUS cũng có nghĩa là đã tuân thủ luật pháp và đạt được điểm khi xét công nhận.

Ông Tim Middleton

Vừa rồi, ông Bách có chia sẻ giải pháp của Capital House là sử dụng bể ngầm được thiết kế để đảm bảo chất lượng vệ sinh bên trong. Tuy nhiên, ô nhiễm nước bởi dầu thải có thể ngửi được nên có thể xử lý và nhận biết được ngay. Nhưng bên cạnh đó còn nhiều tạp chất khác mà chúng ta không thể nhìn hay ngửi thấy. Vậy phải có nhiều hơn các giải pháp khác để đảm bảo chất lượng nguồn nước luôn đạt chuẩn.

Với những vấn đề vừa xảy ra, với câu hỏi bộ tiêu chí LOTUS có cần thay đổi tiêu chí nào không thì trước tiên, chúng ta cần nâng cao nhận thức, cần có phương pháp để đo đếm, quan trắc môi trường. Theo tôi, bộ tiêu chí LOTUS rất tốt, tuy nhiên sẽ tiếp tục được update thêm, bổ sung thêm bộ công cụ để đảm bảo ngày càng nâng cao tiêu chuẩn của bộ công cụ.

PGS. TS. KTS Hoàng Mạnh Nguyên: Theo các chuyên gia thì nhà chung cư hay nhà mặt đất sẽ có mức độ ô nhiễm thấp hơn?

Ông Trịnh Tùng Bách: Tôi từng ở nhà đất khu vực Tây Hồ. Tuy nhiên, cách đây 3 năm, khi chuyển sang chung cư thì tôi quyết định sẽ không ở nhà mặt đất nữa. Bởi chung cư thường được quy hoạch tốt hơn, có hệ sinh thái khép kín. Ở chung cư tôi chọn tầng 34 để sống vì càng lên cao thì không khí sẽ trong lành hơn 1 chút.

Ông Tim Middleton: Tôi nghĩ mọi thứ đều có 2 mặt của nó. Tôi đang sống tại chung cư nhưng tại đây sẽ không có được những điều như ở nhà đất đó là không gian để trồng cây. Tuy nhiên dịch vụ ở các khu chung cư sẽ tốt hơn, chất lượng cuộc sống được cải thiện hơn, vì thế  tôi vẫn muốn ở chung cư.

16h00

PGS. TS. KTS Hoàng Mạnh Nguyên: Kiến trúc đóng vai trò quan trọng, nhưng đúng là không thể giải quyết mọi vấn đề. Đó chỉ là một thành tố tham gia vào cả quy trình để chúng ta đảm bảo môi trường sống. Hướng đi để công trình đạt được chất lượng môi trường tốt ở bên trong thì CTX là xu hướng rất trúng. Tôi xin hỏi nhà báo Phạm Nguyễn Toan, với vai trò của một tờ tạp chí chuyên ngành về bất động sản thì thông tin truyền tải có thay đổi gì không bởi trước đây, khi nói về bất động sản, chúng ta sẽ thường đề cập đến giá, các yếu tố kỹ thuật của công trình, thị trường…? Với vai trò quan trọng của môi trường trong đời sống thì theo ông, truyền thông trong lĩnh vực bất động sản sẽ cần bổ sung thêm những nội dung nào?

Nhà báo Phạm Nguyễn Toan: Với vai trò là một tạp chí chuyên ngành về bất động sản, chúng tôi có khảo sát, tính toán và nhận thấy truyền thông đã thay đổi nhận thức, từ đó thay đổi hành vi của khách hàng. Họ đã biết chọn những công trình phù hợp. Ngoài việc nghe chủ đầu tư quảng cáo, giờ đây họ sẽ cân nhắc lựa chọn không gian sống thực sự tốt, môi trường an toàn cho mình, đặc biệt là cho người già và trẻ em.

Liên quan đến việc bảo vệ môi trường sống, tôi cho rằng, vai trò của truyền thông cũng như vai trò của nhà nước cần được thể hiện ở những mặt như sau:

Một là, cần kiểm soát chặt chẽ các tiêu chuẩn quy chuẩn hiện có, tìm ra giải pháp cho môi trường chung.

Hai là, cố gắng minh bạch các thông tin, các chỉ số về môi trường sống.

Và thứ ba là làm sao xây dựng được hành lang pháp lý thật tốt cho việc bảo vệ môi trường.

Về phía các chủ đầu tư bất động sản, tôi cho rằng, càng ngày doanh nghiệp càng phải ý thức hơn về phát triển không gian sống, lấy người dân làm trung tâm, trong đó quan trọng nhất là bảo đảm sức khoẻ cho từng cư dân.

Bàn sâu hơn để thấy rằng, chính các chủ đầu tư phải quan tâm hơn đến việc truyền thông nội bộ cho cư dân của mình. Có rất nhiều khu đô thị lớn như của Vingroup, Ecopark... tại sao với truyền thông số xanh và thông minh thì ta không lắp đặt những hệ thống quan trắc không khí, nước, nhiệt độ. Rồi hằng ngày có những bản tin gửi tới người dân, đưa ra những khuyến cáo thường xuyên, thì đó chính là một sự chăm sóc và truyền thông rất tốt.

Nhà báo Phạm Nguyễn Toan

Với câu chuyện truyền thông về Xanh ở Việt Nam thì tôi nghĩ rằng, giai đoạn đầu tiên, khi chúng tôi cùng Capital House phối hợp để làm chương trình vận động phát triển CTX ở Việt Nam, chúng tôi đã nghiên cứu và thấy rất tốt nhưng không hiểu vì sao các doanh nghiệp bất động sản không hào hứng lắm. Đặc biệt, nhiều người thấy rằng việc truyền thông này không để làm gì cả. Nhưng truyền thông là “mưa dầm thấm lâu”, không phải là 1 ngày mà thay đổi nhận thức của mọi người được. Nếu chúng ta hiệp lực lại thì sẽ có được những kết quả tốt.

Thêm nữa, bây giờ một số chủ đầu tư nói công trình của mình xanh lắm, hiện đại lắm thì thực ra là chưa có gì để bảo chứng. Vậy, đơn giản nhất ở đây là các loại chứng chỉ. Đạt được một loại chứng chỉ nào như LOTUS, LEED, hay EDGE cũng là rất tốt rồi. Tôi nghĩ rằng tạm thời khi Nhà nước chưa có quy chuẩn, quy định chặt chẽ thì chúng ta tin hãy vào những điều mà các tổ chức xã hội đã làm. Đó là những chứng chỉ xanh.

Qua buổi tọa đàm như thế này thì tôi cũng mong người dân sẽ tìm hiểu kỹ hơn về CTX, cùng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp nhiệt tình tham gia vào hoạt động CTX.

15h50

PGS. TS. KTS Hoàng Mạnh Nguyên: Về vấn đề ô nhiễm, ở góc độ quy mô lớn thì sử dụng công nghệ nào để hạn chế bớt tác động của ô nhiễm môi trường tới đời sống?

Ông Hoàng Dũng: Như PGS. TS Bùi Thị An đã trao đổi, để cải thiện chất lượng nước và không khí của một quận, huyện, thành phố, tỉnh hay cả nước thì cần sự chung tay đồng lòng của cả xã hội. Xã hội là bao hàm cả doanh nghiệp, là người dân, không phải tất cả đều dựa vào Nhà nước. 

Cũng đã có nhiều luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng nước, không khí… nhưng lại chưa được thực thi. Đơn cử như đi trên đường chúng ta có thể thấy nhiều xe bus xả khói gây ô nhiễm, về luật thì các xe đó đăng kiểm là không được lưu thông, nhưng không có chế tài gì để phạt, cấm.

Liên quan đến người dân, luôn nói nhà nước phải bảo vệ nguồn nước nhưng chính họ vẫn xả thải ra hồ, đốt rơm rạ, có các hoạt động gây ô nhiễm không khí. Nhà nước có làm nhiều cách mà người dân hay doanh nghiệp không tham gia, không đồng lòng thì môi trường khó mà tốt lên được.

Theo tôi, khi chúng ta chưa có một hình thức nào có thể kiểm soát, chưa có các chế tài cụ thể thì tốt nhất là cần biết thực trạng thế nào rồi từ đó tìm ra cách xử lý. Cụ thể hơn là cần biết chất lượng nước không khí đang ở mức độ nào.

Quay ngược lại bài toán nước sông Đà. Về luật, các nhà máy xử lý nước cần có hệ thống quan trắc nước tự động. Như vậy nghĩa là Nhà máy nước sông Đà có thể không có hoặc không cho hoạt động hệ thống này.

Quy định của pháp luật về quan trắc yêu cầu các khu công nghiệp, các nhà máy xả ra sông hồ 500m3 nước/ngày phải có hệ tống quan trắc tự động, và số liệu đó gửi trực tiếp về Sở Tài nguyên Môi trường.

Thứ hai là người dân nên làm gì? Chúng ta cần là những cư dân thông thái, ví dụ: Không khí xấu như vậy, biết rồi thì nên có những hành động phòng bị. Khi có hành động tự bảo vệ bản thân không chỉ tốt cho bản thân mà là cho cả gia đình.

Như Capital House tiên phong đặt máy đo chất lượng không khí trong nhà. Đó là sự chủ động, trách nhiệm của chủ đầu tư, của doanh nghiệp để khi có thay đổi bất thường thì sẵn sàng cảnh báo cho người dân để có cách phòng tránh.

15h45

PGS. TS. KTS Hoàng Mạnh Nguyên: Xin gửi câu hỏi đến PGS. TS Bùi Thị An, thời gian gần đây, chúng ta cảm giác môi trường nóng hơn rất nhiều và được thể hiện qua những thông tin, con số cụ thể. Liệu có yếu tố đột biến nào đó đã khiến môi trường trở nên tệ hơn? Theo quan điểm của bà, cách tiếp cận như thế nào để từng bước giải quyết chất lượng không khí và môi trường?

PGS.TS Bùi Thị An: Thứ nhất, tốc độ đô thị hóa quá nhanh, sự phát triển công nghiệp lớn nhưng lại không đảm bảo tiêu chuẩn trong quá trình phát triển, dẫn đến ô nhiễm môi trường.

Thứ hai, nước ta chưa có đủ điều kiện cho khoa học công nghệ phát triển. Có những giai đoạn, chúng ta đặc biệt quan tâm đến chất lượng nước, rác thải chứ chưa quan tâm được đến chất lượng không khí.

Thứ 3 là giai đoạn này tăng dân số đột biến. Nội thành hiện có đến 6 - 7 triệu người ở, lượng ô tô rất lớn. Việc di dời nhiều làng nghề, cơ sở gây ô nhiễm cũng chưa được bao nhiêu.

Rõ ràng không khí ô nhiễm tăng lên và chất lượng môi trường đang xuống cấp.

Ở đây, chúng ta đã đô thị hóa rất nhanh mà không đưa được ra các tiêu chuẩn đảm bảo. Tăng trưởng kinh tế tốt và đúng nhưng chưa phù hợp với yêu cầu của môi trường, các trụ cột giữa môi trường - kinh tế - xã hội chưa bền vững.

PGS.TS Bùi Thị An

Để phát triển bền vững cần phải có giải pháp đồng bộ từ chính sách, quy hoạch đến nhận thức của doanh nghiệp và cả người dân. Bản thân chủ doanh nghiệp phải nhận thức được vai trò của CTX, có trách nhiệm xã hội, tạo căn hộ cho người dân là phải đảm bảo môi trường sống cho họ.

Luật pháp liên quan đến môi trường, CTX đã có tương đối nhưng chúng ta chưa thực hiện quyết liệt. Chúng ta vẫn giải quyết nhưng cần quyết liệt hơn trong từng bước. Những doanh nghiệp đảm bảo các tiêu chuẩn thì mới cho phát triển, còn không thì phải cho dừng lại ngay. Có như vậy thì môi trường sống mới có thể trong sạch.

15h40

PGS. TS. KTS Hoàng Mạnh Nguyên: Cư dân trong các khu dân cư của Capital House hay ở đâu cũng là khách hàng. Trong chiến lược phát triển sản phẩm thì Capital House có sáng tạo gì để tạo sự cạnh tranh, tạo chất lượng sống tốt hơn cho người dân?

Ông Trịnh Tùng Bách: Chúng tôi nhận thấy rằng, CTX ngày càng có ý nghĩa với cuộc sống, lan tỏa được những gì Capital House đang làm. Tập đoàn luôn cố gắng phủ xanh tối đa dự án của mình. Cây xanh đem lại lợi ích lớn, rõ nét nhất là giảm nhiệt. Bên cạnh đó, là thiết kế thông thoáng, tận dụng tài nguyên. Chất lượng không khí không chỉ là bụi mịn, nó còn là độ ẩm, lượng CO2… Phải đủ các yếu tố này thì mới đảm bảo được chất lượng không khí.

Ông Trịnh Tùng Bách

Tại Capital House, chúng tôi cũng lắp 1 thiết bị quan trắc online ở văn phòng, để luôn phải đảm bảo chỉ số ở ngưỡng an toàn. Đó không chỉ là cách để bảo vệ chính cư dân mà còn cho sức khỏe các thành viên trong văn phòng.

Về nước thì rõ ràng vô cùng quan trọng, mỗi dự án xây dựng lên chúng tôi đều phải xét nghiệm nước ở các dự án xung quanh và hỏi cư dân quanh đó xem có thắc mắc gì về chất lượng nước hay không.

Đối với Ecolife Capitol, ngay từ ban đầu chủ đầu tư đã lắp đặt màng lọc nước, ở lớp màng lọc thô có than hoạt tính, cát sỏi… Styren trong dầu có thể hấp thụ bởi than hoạt tính. Hệ thống lọc đó tiếp tục qua màng micro - màng siêu lọc - để đảm bảo chất lượng nước đầu ra.

Các dự án tiếp theo của Capital House như EcoHome 3 sẽ bàn giao quý III, IV/2020 cũng trang bị hệ thống lọc tương tự, tại đó phát triển thêm hơn 4.000m2 cây xanh. Đó là những yếu tố bỏ ra 1 đồng nhưng giá trị 50 năm vòng đời dự án thì mang lại giá trị không thể đo đếm được, đặc biệt là trong bối cảnh ô nhiễm như hiện nay.

Giá thành của hệ thống lọc nước không quá cao, khoảng 2 - 3 tỷ đồng cho 1.000 căn hộ - chia ra thì không hề đắt chút nào. Khi có sự việc nguồn nước nhiễm dầu thì thấy cư dân may mắn, chủ đầu tư sáng suốt khi lựa chọn phương án giúp cư dân không phải lo lắng, chịu ảnh hưởng khi sự cố nước xảy ra.

15h35: PGS. TS. KTS Hoàng Mạnh Nguyên: Xin hỏi ông Trịnh Tùng Bách, dưới góc độ chủ đầu tư, khi xảy ra những vấn đề về ô nhiễm không khí và nước, cư dân Capital House phản ứng như thế nào?

PGS. TS. KTS Hoàng Mạnh Nguyên

Ông Trịnh Tùng Bách: Khi gặp tình trạng ô nhiễm, người dân cũng rất hoang mang và thường cảm thấy tiêu cực, rằng liệu mình có bị ảnh hưởng gì không. Người dân nào cũng sẽ có suy nghĩ như vậy. Đối với Capital House, ngay lập tức chúng tôi có gửi mẫu nước đi xét nghiệm và mới có kết quả. Nước vẫn đạt quy chuẩn 06 về nước uống đóng chai. Tuy nhiên, Tập đoàn có hệ thống lọc nhưng không có quan trắc online theo thời gian thực nên dự kiến sẽ phát triển thêm trong tương lai.

15h30: PGS. TS. KTS Hoàng Mạnh Nguyên: Trong CTX, tiêu chí nào liên quan đến thảm thực vật, tỷ lệ cây xanh và các tiêu chí đó được đánh giá ở đâu, tỷ trọng như thế nào?

Ông Tim Middleton: Trong bộ LOTUS version 3 có tiêu chí phát triển thảm cây xanh. Tại bộ tiêu chuẩn trước đó, diện tích cây xanh chiếm khoảng 15 - 30% diện tích dự án, nhưng trong bộ tiêu chí mới thì đã phát triển yếu tố này, đánh giá cao hơn tầm quan trọng của cây xanh. Diện tích này là toàn bộ cây ở phần mái, thảm cỏ, tường cây xanh. Điều này khẳng định, việc trồng thêm nhiều cây xanh sẽ giúp phát triển CTX bền vững hơn.

15h25: PGS. TS. KTS Hoàng Mạnh Nguyên: Trước đây, nhiều người nhầm lẫn CTX là trồng nhiều cây xanh. Tuy nhiên, giờ đây quan điểm đã khác. Mời ông Tim Middleton cho biết, thế nào là CTX liên quan đến mật độ cây xanh, khoảng trống, khoảng lùi, bởi CTX không chỉ gồm yếu tố cây xanh mà còn rất nhiều tiêu chí khác.

Ông Tim Middleton: Cây xanh rất quan trọng với cuộc sống, về sinh thái thì nó cần thiết giúp giảm nhiệt đô thị. Thực trạng ở các thủ đô lớn thì cây xanh rất thiếu. Vấn đề tăng diện tích cảnh quan có thể giúp chống lũ, giảm thiểu lượng nước sử dụng. Giải pháp là phát triển hệ thống mái xanh, tường xanh, trồng thêm nhiều cây xanh trong nhà.

Có một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc nhìn thấy cây xanh nhiều hơn sẽ giúp cải thiện tâm trạng, cũng như tăng chất lượng cuộc sống.

15h10: PGS. TS. KTS Hoàng Mạnh Nguyên: Thông qua đánh giá về hiện trạng chất lượng nước và không khí tại Hà Nội thời gian qua, chúng ta cùng bàn luận sâu hơn về các giải pháp.

Ông Hoàng Dũng: Ở góc độ người dân và là người làm về công nghệ đồng thời đã được tham gia nhiều sự kiện về không khí, theo tôi, ô nhiễm không khí Hà Nội không phải là mới. Chỉ là trước đây chúng ta chỉ có số liệu quan trắc từ đại sứ quán Mỹ, còn thời gian gần đây rộ lên nhiều thông tin vì có thêm nhiều điểm đặt máy quan trắc, từ đó có nhiều số liệu cung cấp hơn.

Ông Hoàng Dũng

Chúng ta hãy thử giải đáp câu hỏi: Tại sao mấy hôm nay chất lượng không khí không xấu lắm mà còn tốt, dù vẫn cùng điều kiện giao thông và nhiều yếu tố khác so với những ngày trước đó? Theo tôi, nguyên nhân của việc chất lượng không khí kém đi trong thời gian qua đa phần là do yếu tố khí tượng và thời tiết, nghịch nhiệt làm cho không khí không khuếch tán được. Nguồn ô nhiễm vẫn vậy nhưng yếu tố khí tượng làm sự phát tán của bụi tốt hơn nên có những đợt chất lượng không khí thấp, có đợt chất lượng không khí tốt.

Có rất nhiều biện pháp để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí, bắt đầu là từ nâng cao ý thức người dân để từ đó giảm thiểu giao thông, giảm thiểu phát thải làng nghề.

Về giao thông, đến nay chưa có con số thống kê giao thông đóng góp bao nhiêu % vào việc gây ô nhiễm không khí. Còn về cảm quan thì khói bụi xe có thể gây ô nhiễm không khí. Nhưng hiện chúng ta chưa có bất cứ nghiên cứu nào thể hiện rõ khói bụi từ giao thông đóng góp bao nhiêu % vào việc làm ô nhiễm không khí. 

Các tác nhân và mức độ gây ô nhiễm không khí của các tác nhân ấy là rất đa dạng và từ nhiều nguồn. Do đó, muốn biết và kiểm soát được thì chúng ta phải có kiểm kê về các thành tố gây ô nhiễm không khí.

15h00: PGS. TS. KTS Hoàng Mạnh Nguyên: Ở góc độ Chủ nhiệm dự án Pam Air, theo ông Hoàng Dũng, đối với vấn đề môi trường và nước, khoa học công nghệ có vai trò như thế nào?

Ông Hoàng Dũng (Chủ nhiệm dự án Pam Air - một ứng dụng theo dõi chất lượng không khí): Là một công ty về công nghệ, chúng tôi muốn sử dụng công nghệ để phục vụ cuộc sống, trong đó vấn đề môi trường là vấn đề chúng tôi quan tâm và theo dõi trong thời gian dài.

Muốn giảm thiểu được ô nhiễm không khí, trước hết, chúng ta phải biết không khí đang ở trong hiện trạng nào. Hiện nay, sự phát triển của các thiết bị liên quan đến việc theo dõi chất lượng nước và chất lượng không khí đã rất cao, giúp chúng ta biết được ngay trong 1 thời điểm cụ thể, không khí ở hiện trạng nào và thông báo cho người dân biết hiện trạng đó ra sao để có những ứng phó phù hợp. 

Ngoài ra, chúng ta đã có thể theo dõi chất lượng không khí theo thời gian thực, tôi nghĩ việc này có thể theo dõi thường xuyên và giảm thiểu khá nhiều sự cố trong thời gian vừa qua.

14h40: PGS. TS. KTS Hoàng Mạnh Nguyên: Xin ông Tim cho biết, trong quá trình xây dựng các tiêu chí của LOTUS, vấn đề về nước và không khí được đánh giá thế nào?

Ông Tim Middleton: Về bộ chứng chỉ LOTUS, tất cả đều nhằm giảm bớt tác động của ô nhiễm môi trường tới cuộc sống con người... Ở bộ chứng chỉ LOTUS, tiêu chí về nước là đưa ra tiêu chí phát triển hệ thống lọc nước. Tiêu chí về không khí là xây dựng, sử dụng phương pháp lọc không khí để tạo ra bầu không khí đảm bảo.

2 tiêu chí này là sự phát triển mới vì thị trường Việt Nam khác với thị trường Mỹ. Yếu tố không khí và nước tại Việt Nam đều không được đảm bảo như bên Mỹ nên 2 yêu cầu này rất cần thiết để đảm bảo chất lượng CTX tại Việt Nam.

Ông Tim Middleton

14h30: PGS. TS. KTS Hoàng Mạnh Nguyên điều phối toạ đàm.

PGS. KTS Hoàng Mạnh Nguyên: Câu hỏi đầu tiên tôi xin đặt cho nhà báo Phạm Nguyễn Toan, lý do khởi nguồn từ đâu, tại sao Café Xanh lần thứ 3 lại lấy chủ đề là: Nước và không khí trong phát triển CTX? Anh có lý giải gì về chủ đề này?

Nhà báo Phạm Nguyễn Toan: Chúng tôi chọn chủ đề "Nước và không khí trong phát triển CTX" là vì 2 lý do. 

Một là, trong những tháng vừa qua, vấn đề nước và không khí là nỗi lo của toàn bộ người dân, đặc biệt là các cư dân đô thị. Chúng ta có 3 thứ không thể thiếu. Một là thực phẩm để ăn, nhưng không ăn một tuần thì cũng không... chết. Nhưng chúng ta không thể nhịn thở hoặc phải hít thở không khí kém chất lượng thì sẽ ảnh hưởng ngay đến sức khỏe. Bên cạnh đó thì nước cũng vậy. 

Có thể thấy tất cả những câu chuyện của môi trường đều đang nóng. Rõ ràng, nếu như Công ty nước sông Đà có thau rửa bể chứa nhưng đầu nguồn vẫn ô nhiễm thì chúng ta vẫn sẽ không có được nước sạch để sử dụng. 

Nếu ta sống chung với môi trường nước và không khí ở đầu nguồn ô nhiễm như vậy thì câu chuyện CTX sẽ giải quyết được những gì từ trong không gian, trong từng khu đô thị, từng ngôi nhà. Theo tôi nghĩ, phát triển CTX sẽ là giải pháp bền vững cho việc giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng sống. Do đó, chúng tôi dựa vào 2 sự kiện nóng nhất này để làm chủ đề cho chương trình hôm nay. 

Lý do thứ hai là muốn có CTX, đô thị xanh thì chúng ta phải có con người xanh, chủ đầu tư xanh, chuyên gia xanh và đặc biệt là cư dân xanh. Mỗi cư dân phải trở thành những nhà tiêu dùng thông thái, biết lựa chọn và bảo vệ môi trường sống cho mình. Đó là lý do mà chúng tôi dưới sự chỉ đạo của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phối hợp với Capital House để tổ chức tọa đàm này.

Chắc chắn trong thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục triển khai các số Café Xanh với những chủ đề gần gũi hơn với đời sống người dân. Qua đây chúng tôi cũng hi vọng các chuyên gia sẽ kiến giải, hướng dẫn và thông qua cầu nối là các cơ quan báo chí để hướng dẫn cho người dân những giải pháp nhất định. 

Khắc phục môi trường sống ở đô thị là câu chuyện rất dài, nhưng ít nhất, chúng ta có thể làm từ những điều nhỏ ngay từ việc thay đổi chất lượng không khí, chất lượng nước trong ngôi nhà của chính chúng ta.

Quang cảnh toạ đàm

14h20: PGS.TS Bùi Thị An chia sẻ: Vấn đề về môi trường đang là vấn đề rất nóng và nổi cộm. Trong đó bức xúc lớn liên quan tới ô nhiễm đất, nước, không khí. Những ngày gần đây, dư luận nói nhiều đến rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa. Tuy nhiên, rác chỉ là một trong số rất nhiều nhân tố gây ô nhiễm môi trường.

PGS.TS Bùi Thị An

Tọa đàm nói về vấn đề vĩ mô hơn, là vấn đề nước và không khí. Trong đó, nước rất quan trọng, không có nước, con người đều không thể tồn tại. Do đó mà an ninh nguồn nước là an ninh quốc gia. Hiện nay, ở khắp mọi nơi từ sông, hồ, ao đều có ô nhiễm, nó làm cản trở sự tăng trưởng và ảnh hưởng đến vấn đề an sinh xã hội.

Chưa khi nào tỷ lệ chết vì ung thư lại tăng theo từng năm như thế. Đó là vấn đề vô cùng cấp bách và tôi cho rằng, yếu tố đầu tiên cần xem xét đến là môi trường. Vụ việc nước sông Đà nhiễm dầu gây tác động rất lớn, hàng vạn người dân chịu ảnh hưởng. Người ta bảo xử lý rồi nhưng tôi chưa hoàn toàn tin vào chất lượng nguồn nước. Nước sạch bị ô nhiễm đã làm đảo lộn cuộc sống của hàng ngàn người.

Hay như câu chuyện ô nhiễm không khí. Những tháng gần đây, ra đường ai cũng thấy rất ngột ngạt, khó chịu. Ô nhiễm không khí đã tác động mạnh mẽ, gây tổn thương hô hấp cho con người. Dù các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực nhưng ô nhiễm vẫn là vấn đề hệ trọng và cần lưu tâm.

14h10: Mở đầu toạ đàm, PGS. TS. KTS Hoàng Mạnh Nguyên cho biết: Thời gian qua chất lượng không khí, chất lượng nước ảnh hưởng đến đời sống người dân rất rõ nét. Là người có nhiều quan tâm tới CTX, tôi cũng muốn chia sẻ về vấn đề này. 

Bản thân CTX hướng tới nhiều yếu tố, quan trọng trong đó là yếu tố nước và không khí. Trong đó không khí rất quan trọng vì nó tác động đến sức khỏe của người dân. Hy vọng tọa đàm sẽ là cơ hội để có những trao đổi kỹ lưỡng hơn từ các chuyên gia về CTX, chuyên gia về chất lượng không khí, về quy hoạch kiến trúc và góc độ các chủ đầu tư.

Có thể thấy công việc tạo dựng một công trình kiến trúc hay quy hoạch đô thị bản chất là hướng đến con người, là tạo ra môi trường sống cho chính chúng ta. Với yêu cầu như vậy, tất cả những người tham gia vào quá trình xây dựng đó, bao gồm: Chủ đầu tư, nhà quản lý, bộ phận chuyên môn làm về tư vấn, kỹ thuật... đều hướng tới mục tiêu chung là đảm bảo chất lượng sống của con người bên trong công trình.

Sẽ có nhiều quan điểm, nhìn từ nhiều góc độ khác nhau, từ đó có góc nhìn mới, cách tiếp cận, giải đáp thắc mắc hướng đến môi trường sống bền vững cho người dân không chỉ ở Hà Nội mà là trên toàn Việt Nam.

14h00: Toạ đàm chính thức bắt đầu với sự tham dự của: PGS.TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng; PGS. TS. KTS Hoàng Mạnh Nguyên - Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu và phát triển đô thị xanh; ông Hoàng Dũng, Tổng Giám đốc Công ty D&L, đơn vị sở hữu PAM Air; KTS Tim Middleton - Chuyên gia về Công trình Xanh LEED LOTUS; nhà báo Phạm Nguyễn Toan - Tổng biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam; ông Trịnh Tùng Bách - Giám đốc Ban Nghiên cứu và Phát triển, Tập đoàn Capital House.

Nằm trong chuỗi các sự kiện của Chương trình vận động phát triển Công trình Xanh tại Việt Nam từ 2017 - 2022, do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam triển khai dưới sự bảo trợ của Bộ Xây dựng Bộ KH&CN, Ủy ban KHCN & MT của Quốc hội của Quốc hội; Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã giao cho Tập đoàn Capital House (Nhà tài trợ chính cho Chương trình), phối hợp với Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Cơ quan ngôn luận của Hiệp hội) phối hợp tổ chức chuỗi chương trình Tọa đàm Cafe Xanh.

Tọa đàm được tổ chức với mong muốn tạo ra những góc nhìn đa chiều, những kiến giải mới cho việc liên kết và thúc đẩy phát triển CTX; hướng tới hình thành một thị trường bất động sản Việt Nam xanh và bền vững.

Sau hai số đầu được tổ chức với chủ đề: Đô thị Xanh & Con người Xanh; Trường học Xanh, Ban Tổ chức đã nhận được nhiều sự chia sẻ, hưởng ứng của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý…

Nước và không khí ngày càng ô nhiễm, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tâm lý của cư dân, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM. Đặc biệt, thời gian qua khi chất lượng không khí liên tục được cho rằng vượt các ngưỡng chỉ tiêu, một bộ phận cư dân Hà Nội lại phải đối diện với sự việc nước sạch nhiễm dầu, chưa bao giờ những nguy cơ từ không khí và nước sạch lại được cảnh báo nhiều như vậy.

Trong bối cảnh đó, Tọa đàm Cafe Xanh số 3 sẽ luận bàn về chủ đề: Nước và không khí trong phát triển Công trình Xanh.

Với sự tham dự của đại diện Bộ Xây dựng, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, các chuyên gia, kiến trúc sư hàng đầu về môi trường, đô thị, kiến trúc, xây dựng, bất động sản và phóng viên các cơ quan báo chí - truyền hình; Chương trình diễn ra vào 14h00, thứ 3, ngày 22/10/2019; tại Phòng Hội thảo, Cung Triển lãm Kiến trúc - Quy hoạch - Xây dựng Quốc gia, số 01 Đỗ Đức Dục, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top