Vào ngày 28/3, một trận động đất mạnh 7,7 độ richter xảy ra tại miền Trung Myanmar đã gây ảnh hưởng đến nhiều khu vực lân cận, bao gồm cả Bangkok, Thái Lan. Trong khi nhiều tòa nhà trong thành phố chịu thiệt hại nghiêm trọng, tòa tháp bỏ hoang Sathorn Unique Tower vẫn đứng vững và nguyên vẹn giữa đất trời chao đảo.
Sự kiện này một lần nữa đưa công trình mang biệt danh "tòa tháp ma" trở lại tâm điểm của những cuộc thảo luận về số phận, lịch sử và tương lai của một trong những biểu tượng dang dở nổi tiếng nhất Đông Nam Á.

Sathorn Unique Tower bỏ hoang giữa lòng Bangkok gần 30 năm qua
Được khởi công vào đầu thập niên 1990, Sathorn Unique Tower từng là giấc mơ cao cấp của giới thượng lưu Bangkok. Công trình được xây dựng với mục đích trở thành một tổ hợp chung cư cao tầng theo phong cách kiến trúc tân cổ điển với hơn 600 căn hộ và văn phòng trên 49 tầng. Công trình do kiến trúc sư danh tiếng Rangsan Torsuwan thiết kế, người cũng là tác giả của tòa nhà State Tower – nơi có mái vòm vàng nổi tiếng nhìn ra sông Chao Phraya.
Thế nhưng, khi công trình đã hoàn thiện gần 80%, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 giáng đòn chí mạng vào ngành bất động sản Thái Lan. Hàng loạt dự án bị bỏ dở, trong đó có Sathorn Unique Tower. Từ một biểu tượng tham vọng, tòa tháp nhanh chóng trở thành một khối bê tông khổng lồ vô chủ nằm trơ trọi giữa trung tâm Bangkok.


Cảnh hoang tàn bên trong tòa nhà
Sau gần 30 năm bỏ hoang, bên trong Sathorn Unique Tower là một khung cảnh hoang tàn. Những mảng bê tông vỡ vụn, sắt thép han gỉ, cầu thang gãy, lan can xiêu vẹo và dây điện đứt ngang treo lủng lẳng. Các tầng trên cùng ngập đầy bụi bặm, vết tích của người vô gia cư từng trú ngụ. Các ô cửa sổ trống hoác, không lan can bảo vệ, tạo nên cảm giác nguy hiểm và rợn người.
Tòa nhà từng bị cấm vào sau vụ việc năm 2014, khi một nhiếp ảnh gia người Thụy Điển phát hiện thi thể một người leo lên tự tử ở tầng cao. Kể từ đó, chính quyền tăng cường an ninh, nhưng những lời đồn đại về tâm linh vẫn âm ỉ lan truyền xoay quanh tòa nhà này.

Các tầng tòa nhà đều không có lan can, rào chắn
Sự kiện tòa tháp đứng vững sau trận động đất vừa qua đã nhận được sự chú ý của người dân, không ít người cho rằng, cấu trúc công trình vẫn còn đủ tiềm năng phục dựng. Một số kỹ sư đánh giá nền móng và khung chính vẫn rất kiên cố, chứng minh năng lực kỹ thuật thời kỳ trước khủng hoảng.
Tuy nhiên, việc khôi phục tòa nhà chọc trời này không đơn giản. Theo ước tính sơ bộ, chi phí cải tạo để đưa Sathorn Unique Tower trở thành một công trình thương mại hoặc dân cư đạt chuẩn có thể lên tới 2-3 tỷ baht (tương đương 1.300 - 2.000 tỷ đồng). Khoản chi phí này chưa bao gồm chi phí pháp lý, bồi thường quyền sở hữu (do công trình hiện thuộc về con trai kiến trúc sư Rangsan) và xử lý các tiêu chuẩn an toàn, phòng cháy chữa cháy hiện đại.
Mặc dù trong hơn một thập kỷ qua đã có nhiều đề xuất phục dựng hoặc phá bỏ, tất cả đều bị đình trệ vì rào cản pháp lý, tài chính. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, chi phí khôi phục quá lớn, có thể vượt quá lợi ích kinh tế mang lại. Do đó, tương lai của "tòa tháp ma" vẫn còn bỏ ngỏ.
Ảnh: CNN, SCMP