Dưới đây là chia sẻ của anh Hùng:
Năm 2008, sau khi kết hôn, chúng tôi mua một ngôi nhà 1 trệt, 1 lầu diện tích 40m2 ở quận 4. Ngôi nhà nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường Trần Xuân Soạn, giá 1,3 tỷ. Ngôi nhà chỉ cách trung tâm quận 1 khoảng 4km và cách nơi vợ chồng tôi làm việc khoảng 20 phút di chuyển (tôi làm ở quận 8, vợ tôi làm ở quận 7). Nhà tôi lại nằm gần chợ nên buổi sáng, vợ tôi đi tập thể dục sẽ đi chợ luôn, vì thế tối đi làm về muộn nhưng chúng tôi vẫn có thực phẩm tươi để trong tủ lạnh.
Ngoài hai ưu điểm đó, chúng tôi thấy có nhiều điều không hài lòng: con hẻm trước nhà chỉ rộng 2m, hàng xóm lại thường xuyên để xe hay thùng rác gây khó khăn trong việc đi lại. Đặc biệt vào những ngày mưa hay triều cường, khu nhà bị ngập nước khá nặng.
Hai vợ chồng tôi tính đến việc chuyển đi nơi khác nhưng vì không quyết tâm nên chúng tôi chỉ nói ý định đó với hàng xóm, bạn bè. Hai vợ chồng cũng không sốt sắng tìm nhà.
Trong ba năm từ năm 2013 đến năm 2015, chúng tôi tiếp hàng chục vị khách đến xem nhà. Chúng tôi đưa ra giá 1,7 tỷ nhưng họ chỉ trả đến 1,4 tỷ. Đến sau Tết năm 2016, ông hàng xóm nói có khách muốn mua nhà tôi, họ trả giá 1,66 tỷ. Thấy được giá, chúng tôi đồng ý bán nhà. Ngay tối hôm đó, vị khách mua đến đặt cọc 20% là 330 triệu. Họ đồng ý để chúng tôi ở thêm 2 tháng, vừa để tìm nhà, vừa để hoàn thiện giấy tờ.
Nhưng sau đó, chúng tôi mới thấy tìm nhà không hề đơn giản. Nhà tôi ưng nhưng vợ tôi đi xem bói lại bảo không nên chọn. Nếu không bán nữa, chúng tôi lại phải đền 330 triệu.
Sau khi giao nhà, chúng tôi đi thuê một căn hộ 50m2 trong một khu tái định cư ở quận 7, không có thang máy, giá thuê 5 triệu/tháng. Nơi này dù gần chỗ vợ tôi làm việc nhưng lại ngược đường đưa con đi học ở quận 4. Sau khi trừ các khoản, tiền bán nhà còn 1,6 tỷ, chúng tôi mang gửi ngân hàng, thu lãi hơn 6 triệu mỗi tháng.
Tôi vẫn tìm mua nhà nhưng giá nhà ngày càng tăng. Giá một căn nhà như ngôi nhà cũ của tôi hiện phải lên đến 2,2 tỷ.
Tôi bàn với vợ tìm mua đất ở ngoại thành rồi bán lại khi giá lên. Nhưng chúng tôi chưa đầu tư vào bất động sản bao giờ, lại chỉ muốn mua nhà nên thấy miếng đất ở xa cũng không muốn mua.
Từ năm 2016 đến năm 2018, giá nhà đất tại Tp.HCM vẫn liên tục tăng. Sợ giá còn tăng hơn nữa nên chúng tôi quyết định mua một ngôi nhà 1 trệt, 1 lầu diện tích 42m2 trong hẻm 3m ở Tân Thuận Tây, quận 7, giá 1,7 tỷ. Khi mua, ngôi nhà chưa có giấy tờ nhưng người bán hứa sẽ làm được.
Dù không thích ngôi nhà này lắm nhưng nghĩ mua được giá rẻ nên chúng tôi rất hào hứng. Sau khi chờ đợi 4 tháng, chúng tôi cầm sổ đỏ mang tên mình. Khi đó, tôi mới té ngửa khi biết nhà mình thuộc quy hoạch lộ giới nên nếu mở rộng hẻm, chúng tôi sẽ mất khoảng 20m2, ngôi nhà còn không được phép xây dựng hay sửa chữa. Không dọn đến ở nhà đó, chúng tôi rao bán nhà ngay, được 1,78 tỷ nhưng nếu trừ chi phí, số tiền thu được cũng chỉ bằng gửi ngân hàng, chưa kể chúng tôi phải mất công đi lại.
Ở trọ 2 năm, chúng tôi đã dần quen với cuộc sống này. Con chúng tôi chuyển về học một trường bán công ở quận 7 bởi hai vợ chồng xác định sẽ khó chuyển về khu trung tâm.
Nhiều lúc tôi cũng thấy buồn vì mình gần 40 tuổi mà vẫn phải đi ở trọ. Chúng tôi vẫn đi tìm nhà, với 2 tỷ trong tay, tôi cảm thấy việc mua nhà đất thật khó khăn. Cơn sốt đất đã tạm ngừng nhưng chúng tôi phải cần thêm rất nhiều tiền mới mua được ngôi nhà cũ mà mình từng chê rất nhiều.
Theo chuyên gia bất động sản Phan Công Chánh, giá nhà liền thổ tại Tp.HCM đã chững lại so với thời điểm đầu của cơn sốt đất. Nguyên nhân là giá đã lên quá cao (trung bình 20-30% so với trước cơn sốt) và do tác động của chính sách tín dụng, hơn nữa, sau một thời gian tăng nóng, thị trường cũng đã bước vào giai đoạn tích lũy.
Ông Chánh cho hay, theo quan sát của ông, một số khu vực tăng nóng và ảo có hiện tượng giảm khoảng 10-15% như các vùng rìa của Hóc Môn, Củ Chi, quận 9. Còn những khu vực tăng giá thật vẫn đang đứng. Theo ông Chánh, trong tương lai, khả năng nhà liền thổ giảm giá là rất ít. Vì vậy, người mua ở thực nên trang bị kiến thức để biết cách mua trong mọi điều kiện của thị trường.