Tôi sinh ra ở nông thôn. Vậy nên làng quê, với tôi, đặc biệt. Làng với tôi, là tất cả. Nơi đó có tổ tiên, ông bà, bố mẹ; ngôi nhà ấu thơ, con đường ký ức; nơi đó có tiếng nói, với các phương ngữ, âm điệu... đã và đang vẹn nguyên trong tâm hồn mình.
Và, cũng vì yêu làng, tôi đọc khá nhiều tác phẩm văn học viết về làng. Quãng những năm 80 của thế kỷ trước, tôi đã đọc “Đaghextan của tôi” của nhà văn Xô viết cũ Raxun Gamzatop. Trước Tết Quý Mão, tôi vui vì được nhà thơ Hải Đường tặng sách “Người của một thời” và nhà văn, dịch giả Lê Bá Thự tặng sách “Tôi và làng tôi”. Năm 2020, trong số những cuốn sách thích thú có “Người đánh hòa trời” của nhà thơ Vương Cường. Cả ba cuốn sách đều là tự truyện, hồi ức tuổi thơ, ký ức làng qua những trang văn hiện lên thánh thiện, thảo thơm.
“Khi sinh ra, con người không thể chọn trước cho mình quê hương”. “Có thể nói rằng, nếu tôi sinh ra ở một nơi khác trên quả đất này, nếu cha mẹ tôi là người khác thì sẽ chẳng có mảnh đất nào thân quý với tôi hơn mảnh đất mà ở đó, tôi đã có thể sinh ra” (Đaghextan của tôi, quyển 2, trang 46). Và, R.Gamzatop quả quyết, ông không đổi làng lấy bất cứ thứ gì.
Mỗi lần về làng, tôi thường đi lại những con đường in bóng tuổi thơ, ngắm làng và suy nghĩ. Làng đã thành khối phố, trong cuộc dịch chuyển đô thị. Những con đường đất năm xưa đã được thảm bê tông, thảm nhựa; bao hàng cây, bụi duối... ngăn cách giữa nhà nọ, nhà kia đã thay bằng bê tông, nhà nhà kín cổng cao tường. Người ở quê, bây giờ cũng có nhiều cách kiếm tiền, con cháu gửi tiền từ những giọt mồ hôi xứ người về... nên xe tô tô đã inh ỏi, đầu làng cuối xóm. Tôi cứ tự hỏi: Làng đâu? Thế nào là làng của thời “nông thôn mới”?
Tôi đã đi qua nhiều làng quê từ Bắc bộ, miền Trung, cho đến tận những rẻo đất cuối cùng bên sóng nước Bạc Liêu, Cà Mau. Tôi thấy, “phố” đã và đang hoàn thành “xâm lăng” làng. Đâu đâu cũng nhà “hình ống”. Hình như “văn hóa bê tông” đã và đang “ngoạm” nốt, những gì còn sót lại sau lũy tre làng?
Trong muôn nỗi băn khoăn, có một điều, nghĩ không ra, kiến trúc nhà nông thôn thế nào, cho ra “bản sắc làng”, bản sắc nông thôn Việt. Suy nghĩ này đeo đẳng tôi từ thời “văn minh đá rửa” của những người thợ Quảng Nam - Đà Nẵng, sau đó là “nhà chóp” - một thời thành “hội chứng kiến trúc” vùng nông thôn xứ Nghệ, và hiện nay là nhà hình ống. Đất đai, không chỉ ở đô thị mà cả ở nông thôn Việt Nam, do những bất cập nên đã và đang có mức giá ở tốp đầu thế giới.
Làng quê Việt Nam vốn có sức sống thật đặc biệt. Nhưng rồi “anh thị trường” đến làm nhốn nháo tất cả. Bề bộn, ngổn ngang. Chúng ta đang chứng kiến, dân nông thôn thì nháo nhào lên thành phố kiếm sống, dân thành phố thì đổ về nhà quê để được sống, nói như nhà thơ Trần Đăng Khoa. Người nhà quê mang cái luộm thuộm lên thành phố khai hóa; người thành phố lại mang sắt thép về bê tông hóa làng quê. Rốt cuộc cái được thì ít, cái mất thì nhiều.
Năm 2022, một lần tôi về quê, chú em phấn chấn: “Anh thấy làng mình oách không? Cả làng đang có đến 36 biệt thự đang xây”. Tôi có đến xem một số biệt thự ở làng đã xây và đang xây. Mừng cho gia chủ, bởi để làm một biệt thự như thế ít nhất phải có 2-3 tỷ đồng, nhưng thấy sao sao trong người. Khá nhiều biệt thự lấy hình mẫu của những ngôi nhà từ bên Nhật Bản, Hàn Quốc. Có thể gia chủ có con em đi xuất khẩu lao động ở những nước này, có thể họ tìm kiếm các mẫu kiến trúc nhà trên internet và thuê thiết kế. Thiết kế nhà ở Việt Nam, không chỉ ở nông thôn, đang là “dấu ấn hội chứng”, thời “copy and paste”, ít có bản quyền. Có thế giá thuê thiết kế mới rẻ, thường chỉ 15 - 20 triệu đồng/bản thiết kế.
Không biết ngành Xây dựng Việt Nam, các nhà khoa học, kiến trúc sư, kỹ sư chuyên ngành có suy nghĩ về điều này? Nhờ “ông Google” tôi biết, Bộ Xây dựng có Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia. Trong các nhiệm vụ, chức năng của cơ quan nghiên cứu khoa học này có “Nghiên cứu, đề xuất về định hướng, chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị quốc gia; cơ chế chính sách phát triển đô thị và nông thôn, phát triển hạ tầng kỹ thuật và môi trường, các loại công trình kiến trúc khác” (mục 2.1) và “Tổ chức nghiên cứu về quy hoạch xây dựng, bảo tồn di sản phát triển đô thị và nông thôn, hạ tầng kỹ thuật, thiết kế đô thị, kiến trúc cảnh quan; nghiên cứu và tổ chức thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực quy hoạch” (mục 3). Có nghĩa là có nhiệm vụ nghiên cứu và tư vấn kiến trúc nhà ở, các công trình, cảnh quan nông thôn.
Vừa qua, một phóng viên trẻ Tạp chí điện tử Reatimes gửi cho tôi link bài báo “Định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống”. Hóa ra, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 7/2/2023 về việc định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống. Thật may, muộn nhưng còn hơn không.
Trong văn bản này, có một nhận định, không thể chính xác hơn; đó là “quá trình đô thị hóa với tốc độ nhanh, ảnh hưởng không nhỏ đến các vùng ven đô, vùng nông thôn, dẫn đến sự thay đổi về mặt xã hội, văn hoá, lối sống ở nông thôn nhanh chóng tác động đến các vấn đề xây dựng”. Có thể nói, “đô thị hóa” nhà ở nông thôn theo kiểu “mạnh ai nấy làm” đã và đang làm “biến thái” làng, không chỉ về kiến trúc nhà ở, môi trường sinh thái (vấn nạn ô nhiễm, rác thải nhựa tràn ngập)... mà còn cả văn hóa làng cũng biến dạng.
Để làng cho ra làng, vừa hiện đại, vừa bản sắc là câu chuyện không hề nhỏ; tầm quốc gia, chứ không phải là việc riêng của chính quyền cơ sở, của trưởng thôn. Khó, nhưng không thể không làm được, nếu “văn hóa làng”, “ý thức làng” được chấn hưng. Cứ nhìn nhà mặt phố ở Đà Nẵng (không xô xô, lố nhố về cao thấp, “trăm hoa đua nở” về kiến trúc theo sở thích và khả năng của gia chủ như Hà Nội, TP.HCM) để tự tin rằng: có thể làm được, nếu có “bàn tay quản lý” của chính quyền và tình yêu làng của mỗi công dân, với tư cách là chủ nhân. Hãy để người dân nông thôn biết suy nghĩ và có ý thức với ngôi làng của mình. Chừng nào, “công dân làng” chưa ý thức và chủ động tham gia vào công tác quy hoạch xây dựng cũng như đầu tư phát triển theo quy hoạch thì chừng đó làng còn “lố nhố”. Tất nhiên, chính quyền, ngoài quy hoạch, có các mẫu kiến trúc nông thôn Việt thích hợp từng vùng, miền...; còn phải thực hiện chuẩn công tác truyền thông, có chính sách hỗ trợ, khuyến khích, thưởng, phạt.
Tôi vừa về làng, như mọi người trong Tết đoàn viên. Trong bài thơ “Ký ức quê nhà”, năm 2021 tôi có viết: “Anh lang thang ở giữa quê nhà/ tìm thứ đã mất mà không nhớ nổi/ đường chẳng xưa và người đã mới/ bới mắt nhìn trong quãng phân vân” (Ký ức quê nhà, thơ Ngô Đức Hành). Đúng là tìm những thứ đã mất đi, trên cơ thể làng, trong tâm hồn làng không dễ.
Trong “Người đánh hòa trời”, nhà thơ Vương Cường nâng niu từ tiếng chim, con tôm, con tép, cây đa, ngọn núi Cuồi, lễ hội dân gian, truyền thống hiếu học, con người, thơm thảo trên quê hương. Ở cái làng quê ấy, ông và biết bao đồng môn đã lớn lên, sống một thời đầy ắp kỷ niệm tuổi thơ. Làng luôn sống, mãi mãi là một giá trị. “Ngày xưa tôi sống trong làng/ Bây giờ làng sống trong tôi” (thơ Nguyễn Ngọc Hạnh).
Nhà thơ Nga Raxun Gamzatop từng viết: “Chẳng lẽ cái làng Đaghextan nhỏ bé lại đẹp hơn Vonizo, Cairo...?”. Đẹp hơn là chắc chắn rồi, bởi vì mỗi lần trở về làng “trên mỗi bước đi, tôi gặp lại mình, gặp lại thời thơ ấu của tôi, gặp lại những mùa xuân, những cơn mưa, những bông hoa và những chiếc lá rụng mùa thu của tôi” (Sđd, quyển I, trang 25). Làm sao mỗi ngôi nhà ở nông thôn, mãi giữ được hồn làng? Tôi muốn gọi: Làng ơi!